Monday, August 2, 2010

VINASHIN - CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ (Bài 3)

Vinashin – Chuyện bây giờ mới kể (Bài 3) [*]

Lê Trung Thành

Đăng bởi bvnpost on 02/08/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/08/02/vinashin-chuy%e1%bb%87n-by-gi%e1%bb%9d-m%e1%bb%9bi-k%e1%bb%83-bi-3/

SIÊU DỰ ÁN HẢI HÀ 15 TỶ USD VÀ 3.000 CÔNG NHÂN KHỐN KHÓ.

Giữa năm 2006, một thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng Khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà với ước tính tổng mức đầu tư 15 tỷ USD được các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu tham gia góp vốn. Những “anh cả đỏ” bao gồm Tập đoàn công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tổng công ty Đầu tư và phát triển Hạ Long, và Vinashin – một thành phần quan trọng nhất làm “hạt nhân” của siêu dự án này. Sau khi nghe báo cáo, tại Thông báo số 1872TB-VPCP ngày 11.8.2006 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về mặt chủ trương và nguyên tắc cho phép tiến hành nghiên cứu dự án Kinh tế – công nghiệp tổng hợp, hình thành một tổ hợp các nhà máy công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị dựa vào trung tâm là cảng biển. Ông cũng lưu ý phải thuê tư vấn quốc tế lập quy hoạch tổng thể và chi tiết, ưu tiên nghiên cứu trước đầu tư xây dựng cảng biển.

Gọi là “siêu dự án” bởi phạm vi quy hoạch (trong ý tưởng) chiếm tới 16.000 ha trong phần đất của hai thị trấn, 9 xã thuộc hai huyện Hải Hà và Đầm Hà tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 160 km, cách thành phố Móng Cái 30 km. Dựa vào đảo Hòn Miễu và cửa Đại có độ sâu 20-22m, người ta sẽ xây hệ thống cảng biển rộng 1.000 ha với cảng container đủ sức đón tàu chở 14.500 TEU (super post panamax), xây cảng tổng hợp, cảng dầu đón tàu tới 200.000 DWT, ngoài ra còn có các cảng bốc xếp than, cảng đón tàu du lịch… trong khu vực này, một loạt các nhà máy hoá chất, nhà máy đóng tàu loại 150.000-320.000 DWT, xây nhà máy lọc dầu công suất 10 triệu T/năm, xây nhà máy sản xuất thép 6 triệu T/năm và xây một nhà máy nhiệt điện công suất 1.000 MW. Bên cạnh đó, cụm công nghiệp, thương mại, đô thị có diện tích 1.400 ha sẽ có các nhà máy sản xuất ô tô, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, công nghiệp điện tử, chế biến thủy, hải sản… tất nhiên, một chuỗi đô thị hiện đại, du lịch sinh thái biển sẽ mọc lên trên một diện tích 10.000 ha, dư chỗ sống và sinh hoạt cho 300.000 cư dân tương lai! Vì quá gần đất bạn Trung Hoa nên người ta mang đầy hy vọng Hải Hà sẽ trở thành một đặc khu kinh tế đủ sức phục vụ cả các tỉnh phía Nam Trung Quốc với 400 triệu dân, mở thông cánh cửa nối giữa các quốc gia Asean và “đại lục” láng giềng.

Trước viễn cảnh huy hoàng của Khu kinh tế Hải Hà, tại Công văn số 2180 VPCP-KTTH ngày 24.5.2007, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn kinh tế VNS khẩn trương trình Chính phủ đề án phát triển Khu công nghiệp Hải Hà, đồng thời chỉ đạo “bổ sung dự án KCN Hải Hà vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh và Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam”. Hơn nửa năm sau, vào ngày 23.1.2008, Thủ tướng ký Văn bản số 141 TTg-CN lại đồng ý chủ trương đầu tư KCN-cảng biển Hải Hà trên diện tích 5.000 ha (riêng KCN chiếm 3.900 ha) và chính thức được bổ sung vào “Danh mục các KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”. Đây gần như một quyết định làm cơ sở cho tỉnh Quảng Ninh và các bên liên quan tiến hành các công việc cần thiết chuẩn bị khởi động dự án, tạo điều kiện pháp lý cho Vinashin chủ động thành lập Công ty cổ phần đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà do ông Tô Nghiêm – Tổng giám đốc Công ty CNTT một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân (sau đây viết tắt là Cty CNTT Cái Lân) kiêm Tổng giám đốc công ty này.

Trước những bước chuyển động tích cực từ phía Chính phủ, ngay từ đầu năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo huyện Hải Hà đã chủ động góp thêm sức cho dự án mau chóng được triển khai. Theo đề nghị của VNS, ngày 12.2.2007, UBND tỉnh phê duyệt mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng sân bãi phục vụ lễ động thổ, khởi công đồng thời ra Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 12.2.2007 “thu hồi và cho Công ty CNTT Cái Lân thuê 3 ha để xây dựng mặt bằng sân bãi phục vụ lễ động thổ dự án Tổ hợp công nghiệp-dịch vụ-cảng biển huyện Hải Hà”. Vì chi tiết này liên quan đến phần sau nên người viết nhấn mạnh thêm: UBND tỉnh mới chỉ có quyết định cho VNS thuê 3 ha hay là 30.000m2 (ba chục ngàn mét vuông). Quyết định này ảnh hưởng đến 44 hộ dân và 2 doanh nghiệp đang hoạt động tại núi võ và núi Lò Chum, việc đền bù giải phóng mặt bằng diễn ra suốt năm 2007 và sang đầu năm 2008 mới xong, tuy gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do VNS và Công ty CNTT Cái Lân chậm chạp thanh toán nhưng nhân dân địa phương vẫn vui vẻ khắc phục khi nghĩ đến một tương lai rực rỡ do VNS sẽ đem lại cho quê hương họ. Mới đây, ngày 19.5.2010, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ khởi công xây dựng đường trục chính nối QL18 vào KCN cảng biển Hải Hà với tổng kinh phí 204 tỷ đồng xây dựng 10 km đường tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, mặt rộng 12m. Thế nhưng, cũng bắt đầu từ năm 2007, VNS đã giao cho CT CNTT Cái Lân thay mặt VNS làm chủ đầu tư rầm rộ triển khai dự án tại khu vực Hải Hà. Trong bối cảnh VNS đang được o bế, thế và lực đang lên như diều gặp gió nên dự án Hải Hà mang lại nhiều hy vọng cho các nhà thầu địa phương Quảng Ninh và khu vực, họ đặt cược cả niềm tin, tiền của, thiết bị máy móc của doanh nghiệp của gia đình vào dự án Hải Hà nên không chút nghi ngờ về vốn liếng, về cung cách điều hành của Tập đoàn VNS và ông chủ Tô Nghiêm.

***

Ngày 8.3.2007, Ông Phạm Thanh Bình – với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã ký quyết định số 572 QĐ-CNT-KHĐT sau khi xét tờ trình số 122/CTCL ngày 6.3.2007 của Công ty CNTT Cái Lân. Ông cho phép Công ty CNTT Cái Lân làm chủ đầu tư và được quyền lập dự án đầu tư: “San lấp giai đoạn 1 Khu kinh tế Hải Hà và làm đường công vụ khởi công Nhà máy đóng tàu Hải Hà” với quy mô san lấp Khu công nghiệp liên hiệp giai đoạn 1 trên diện tích 2.064 ha đến cốt 0.0 (hệ lục địa) và làm tuyến đường công vụ nối từ Hà Cối vào bãi khởi công dài 4.400m, chiều rộng mặt đường 7,5m, độ dày đắp đất là 0,4m, dự kiến tổng mức đầu tư 945 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án từ tháng 2 đến tháng 7.2007.

Nếu đọc kỹ, Quyết định này mới chỉ cho Công ty CNTT Cái Lân lập dự án đầu tư và theo trình tự, báo cáo đầu tư lập xong phải gửi về Tập đoàn CNTT VNS xin phê duyệt rồi mới triển khai xây dựng. Thế nhưng, ông Tổng giám đốc Tô Nghiêm hiểu theo cách khác. Đây là quyết định cho ông bắt đầu triển khai san lấp mặt bằng trên một diện tích “cực lớn” của vùng biển thuộc huyện Hải Hà rộng tới 2.064 ha! Chẳng hiểu ông chủ tịch Phạm Thanh Bình căn cứ vào quyết định nào của UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho VNS vùng nước ấy trong khi ngay tại Quyết định số 572, ông chỉ “căn cứ Quyết định số 626 QĐ-UBND ngày 12.2.2007 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thu hồi và cho Công ty CNTT Cái Lân thuê 3 ha để xây dựng mặt bằng sân bãi phục vụ lễ động thổ” …

Không ai giao đất, VNS cũng cứ làm vì ông Phạm Thanh Bình ỷ vào Thông báo số 1872/TB-VPCP “ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc hình thành Tổ hợp công nghiệp-dịch vụ-cảng biển phía Đông-Bắc tỉnh Quảng Ninh” ngày 11.8.2006! Chỉ cần có ý kiến của Thủ tướng là quá đủ nên ông Phạm Thanh Bình, ông Tô Nghiêm yên tâm triển khai công việc, phớt lờ luôn ông chủ đất Quảng Ninh.

Muốn ăn từ gốc đến ngọn, ông Tô Nghiêm đứng ra thành lập Công ty cổng phần khai thác hạ tầng Vinashin Hạ Long mà ông sẽ giữ chân “Chủ tịch Hội đồng quản trị” bởi ông đại diện cho Công ty CNTT Cái Lân góp vốn (trên giấy tờ) 43,5 tỷ đồng (chiếm 51%). Các thành viên sáng lập khác như Công ty TNHH Thanh Hương góp 15 tỷ đồng, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hoàng Long góp 15 tỷ, và ba cá nhân khác góp hơn 10 tỷ đồng. Ngày 12.4.2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty cổng phần khai thác hạ tầng Vinashin Hạ Long. Tới ngày 7.5.2007, ông Tổng giám đốc Tô Nghiêm ký Quyết định số 155/CTCL-QĐ-KHĐT “giao nhiệm vụ thực hiện san lấp mặt bằng Khu kinh tế Hải Hà… cho Công ty cổng phần khai thác hạ tầng Vinashin Hạ Long” mà ông là Chủ tịch HĐQT.

Có quyết định giao việc, có hợp đồng kinh tế, nhà thầu chính tìm ngay được 9 nhà thầu phụ bao gồm Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hạ Long, Công ty cổng phần thương mại Phúc Sơn, Công ty TNHH Hà Long, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Mỹ Quyên, Công ty cổ phần Đại Thắng, Công ty TNHH Đức Trọng, Công ty TNHH Đồng Tâm và Công ty TNHH Quảng Phú. Các nhà thầu được giao nhiệm vụ san lấp mặt bằng từ ngày 16.10.2007 đến 16.6.2008 (8 tháng) phải hoàn thành một khối lượng rất lớn nên họ đã tập trung công sức, tiền của, khẩn trương huy động đến công trường gần 500 tàu hút, ca nô, tàu kéo, xà lan, ô tô vận tải và xấp xỉ 3.000 công nhân chia ca kíp lao động suốt ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ. Vùng biển vốn hoang sơ, tĩnh lặng bao đời bị đánh thức bởi tiếng máy nổ, tiếng xe gầm, không khí sôi động làm ấm lòng người giữa mùa đông tê buốt. Các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và huyện Quảng Hà nhìn cảnh hiện trường tấp nập tàu thuyền cũng mềm lòng bỏ qua chuyện VNS tự tung, tự tác.

Công việc hút cát đang ngon trớn thì tới gần cuối tháng 1 năm 2008 các nhà thầu nhận được lệnh của ông Tô Nghiêm “tạm dừng thi công”! Mấy ngàn người ngỡ ngàng, năm trăm tàu thuyền im tiếng máy. Nỗi hoang mang lên cao độ vì các doanh nghiệp đã bỏ vốn liếng, vay mượn ngân hàng, huy động tiền của gia đình, bạn bè… gấp gáp đầu tư, mua sắm hàng chục tỷ đồng thiết bị chưa kịp khấu hao đã phải nằm phơi sương gió. Họ lại lo lắng bội phần khi chủ đầu tư đến hẹn thanh toán số tiền 190 tỷ đồng (theo biên bản nghiệm thu 4,2 triệu m3 cát) đã có dấu hiệu đáng ngờ. Nếu như lúc đang thi công rầm rộ, mấy vị lãnh đạo VNS và Công ty CNTT Cái Lân lên xuống công trường liên tục, khen lấy khen để. Còn bây giờ, khi các doanh nghiệp gọi điện thoại, gửi công văn đòi tiền… “mấy vị” giở bài lánh mặt, tắt máy di động, đùn đẩy trách nhiệm… Đòi mãi, đòi mãi, ông chủ Tô Nghiêm mới thanh toán cho nhà thầu chính và 9 nhà thầu phụ khoảng 36%, còn nợ 124 tỷ đồng hẹn lần, hẹn lữa “sẽ thanh toán khi có số tiền 1.000 tỷ đồng VNS cấp cho dự án từ nguồn vốn vay nước ngoài 600 triệu USD”. Nếu tin vào quyết định 114QĐ-CNT-TCKT ngày 16.1.2008 của ông Chủ tịch VNS Phạm Thanh Bình ký thì Công ty CNTT Cái Lân có tới 3.374 tỷ đồng để đầu tư một loạt dự án lớn như xây dựng Nhà máy cán nóng thép tấm 500.000 T/năm (số vốn 500 tỷ), xây dựng hạ tầng cơ sở cụm CNTT Cái Lân (300 tỷ), xây dựng cảng Cái Lân-Vinashin (269 tỷ), xây dựng Nhà máy điện Hải Hà (500 tỷ) … và 1.000 tỷ cho dự án san lấp giai đoạn 1 khu kinh tế Hải Hà. Tuy nhiên, nhà thầu chờ dài cổ chẳng thấy ông Tô Nghiêm có động thái nào khác ngoài mấy cụm từ: xin khất, sẽ có, chắc chỉ tuần sau là tiền về… Sự kiên nhẫn mất dần, 10 doanh nghiệp đành cậy nhờ đến Tỉnh ủy Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giúp đỡ nhưng không có kết quả gì mặc dù các cơ quan trên đã cố gắng tiếp cận VNS bằng nhiều cách! Cực chẳng đã, ngày 8.6.2009, lãnh đạo 10 doanh nghiệp và đại diện gần 3.000 công nhân tại dự án Khu kinh tế Hải Hà đã viết đơn cầu cứu gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các cơ quan thông tấn, báo chí. Họ viết rằng: “Sự bội tín của Công ty CNTT Cái Lân và Tập đoàn VNS đã đẩy chúng tôi vào cảnh những người cùng khổ”… “việc VNS trốn nợ làm các chủ doanh nghiệp bị ngân hàng xiết nợ, nhiều tàu thuyền, máy móc bị thu bán đấu giá. Doanh nghiệp vừa không có tiền trả lương công nhân vừa không còn tiền tái đầu tư hay thực hiện dự án mới. Nhiều doanh nghiệp phải bán nhà, trụ sở để trả nợ… Với gần 3.000 công nhân, do khó khăn chồng chất từ phía doanh nghiệp, suốt hơn một năm qua, chúng tôi cật lực làm việc nhưng chưa trả được lương. Nhiều doanh nghiệp phải sa thải công nhân vì không cáng đáng nổi. Hiện nay, đã có 50% cán bộ, công nhân phải nghỉ việc, lang thang đi tìm việc từ Bắc tới Nam. Cứ đà này, sẽ có thêm 20-30% công nhân nữa phải “tay trắng” rời Khu kinh tế Hải Hà vì sự bội tín của VNS”.

Lời khẩn cầu đã được nhiều tờ báo, nhiều bản tin điện tử đồng loạt đưa ra công luận nhưng cũng chỉ gây được chút ồn ào vài ba tuần lễ rồi lại rơi vào “sự im lặng đáng sợ”. Từ ngày gửi lá đơn đến nay, một năm có lẻ trôi qua, có tới hàng chục cuộc họp giữa các doanh nghiệp chủ nợ với các đại diện VNS như ông Lê Lộc – Tổng giám đốc phụ trách đầu tư, như ông Trần Quang Vũ – Tổng giám đốc điều hành VNS, cũng không ít lần, cán bộ công nhân của nhiều doanh nghiệp từ Việt Trì, Hải Phòng, Quảng Ninh kéo tới trụ sở của Tập đoàn trên đường Ngọc Khánh – Hà Nội để đòi nợ nhưng VNS vẫn chỉ hứa suông. Dịp gần tết âm lịch 2010, VNS có chuyển trả được hai tỷ rưỡi “an ủi” các nhà thầu, con số nợ gốc hơn 120 tỷ chưa có lời giải đáp chính xác đến khi nào, lúc nào VNS sẽ thanh toán cho 10 doanh nghiệp!

Vậy mà, khi đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại huyện Hải Hà, ông Chủ tịch VNS hồ hởi báo cáo với người đứng đầu Chính phủ rằng VNS đã san lấp được 93 ha với 5,2 triệu m3 cát, đã lập quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp – cảng biển, đã trình Ban quản lý các khu công nghiệp Quảng Ninh hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, chuẩn bị xây cảng khởi động dài 300m. xây nhà máy sửa chữa tàu biển, nhà máy cán thép, nhà máy nhiệt điện than… với số vốn giai đoạn 1 khoảng 1,4 tỷ USD. Nói một hơi về các dự án “chuẩn bị khởi công”, ông Chủ tịch VNS đề nghị Thủ tướng “đưa quy hoạch cảng biển Hải Hà vào danh mục quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam(*) và ông than phiền “chủ đầu tư” (VNS) chưa có 3.200 tỷ đồng (tương ứng 20% số tiền chuẩn bị đầu tư) nên xin vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển”… Ông Thủ tướng chăm chú lắng nghe rồi nhấn mạnh Hải Hà phải là trung tâm công nghiệp – cảng biển, trở thành cảng tổng hợp, cảng container, trung tâm sản xuất và đóng tàu thủy lớn của cả nước… Ông hy vọng “Hải Hà không chỉ phục vụ phát triển kinh tế trong nước mà còn vươn ra hợp tác với Trung Quốc, vì vậy, trong vòng 10 năm tới, Hải Hà sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch của Quảng Ninh và cả nước”.

Ông dặn dò nhiều, chỉ đạo sát lắm, nhưng không thấy nhắc VNS phải mau trả nợ cho các donh nghiệp – những người đã tin tưởng, gửi gắm hy vọng vào ông sẽ ra tay cứu giúp họ trong cơn nguy khốn …

***

Sau lần thị sát của Thủ Tướng, cái siêu dự án ấy chẳng thấy động tĩnh gì. Phần mặt bằng san lấp được đã bị sóng biển cuốn đi mất một phần. Công ty cổ phần đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà do VNS đứng cái chưa thấy các bên tham gia góp vốn như đã hứa. Theo một nguồn tin, hình như chỉ có Tập đoàn Than và khoáng sản (TKV) góp 3,6 triệu USD. Vậy thì đến bao giờ mới có 15 tỷ USD để xây xong siêu dự án?

Câu trả lời có một phần vào chiều ngày 7.4.2010 khi ông Nguyễn Văn Thành – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì buổi làm việc với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà. Tại đây, ông Tô Nghiêm – Tổng giám đốc Công ty vẫn báo cáo rằng dự án đầu tư giai đoạn 1 trên diện tích 2.350 ha sẽ xây dựng hạ tầng, cảng khởi động, nhà máy sửa chữa tàu, nhà máy nhiệt điện… và đến nay đã đầu tư 220 tỷ đồng (ấy là ông đã gộp số tiền san lấp mặt bằng còn đang thiếu nợ 10 doanh nghiệp). Ông cũng “khảng khái” nói rằng “tiến độ triển khai dự án… chậm chạp”.

Cũng phải thôi, dự án chậm cũng có thể xuất phát từ công văn phúc đáp của Bộ GTVT gửi tới văn phòng Chính phủ khi Bộ GTVT được hỏi ý kiến về đế án phát triển khu công nghiệp Hải Hà. Công văn mang số 1394 BGTVT-KHĐT ngày 13.3.2009 do Thứ trưởng Trần Doãn Thọ ký. Xin trích đoạn quan trọng nhất: “Điều kiện tự nhiên ở đây (Hải Hà) không thật thuận lợi cho việc xây dựng cảng tổng hợp và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tới cảng. Do vậy, cần xác định đây là một cảng chuyên dùng lớn phục vụ Khu kinh tế, Khu công nghiệp theo yêu cầu của nhà đầu tư và do các nhà đầu tư thực hiện, tự chịu trách nhiệm”.

Siêu dự án lấy cảng biển làm trung tâm. Nếu theo ý kiến của Bộ GTVT, cái trung tâm ấy không phù hợp thì đầu tư nhiều tiền của vào sẽ không hiệu quả. Trong quyết định : “tái cơ cấu” VNS của Thủ tướng Chính phủ tháng 6.2010, dự án Khu kinh tế – cảng biển Hải Hà sẽ chuyển cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Chắc chắn là, nhà đầu tư mới sẽ phải cân nhắc lại, xem xét lại toàn bộ quy trình lập và triển khai dự án bởi họ đang có nhiều chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm quản lý hầu hết các cảng biển lớn ở Việt Nam. Điều mà người viết mong muốn và cũng là ý nguyện của các nhà thầu và 3.000 công nhân thi công trên công trường san lấp biển ở Khu kinh tế Hải Hà là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sớm kết hợp với VNS tìm giải pháp triệt để, thanh toán công nợ sòng phẳng với 10 nhà thầu đang lâm vào cảnh khốn cùng!

Chú thích:

(*) Có một sự trùng lặp thú vị là: Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh không ai nghĩ tới việc xây dựng KCN tại khu vực Hải Hà. Trong danh mục các KCN ở Việt Nam và các KCN ưu tiên xây dựng trước năm 2015 không có tên KCN Hải Hà và trong quy họach hệ thống cảng biển Việt Nam cũng không có tên cảng biển Hải Hà. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng, công việc bổ sung KCN và cảng biển Hải Hà vào ba bản quy hoạch nói trên đã được hoàn tất.

LTT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

[*] Xem từ Bài 1, BVN ngày 21-7-2010

.

.

VINASHIN - CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ (Bài 1 & 2)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/07/vinashin-chuyen-bay-gio-moi-ke.html

.

.

.

No comments: