Sunday, August 8, 2010

VIẾT (Joyce Anne Nguyễn)

VIẾT

Joyce Anne Nguyen

August 8, 2010

http://joyceannenguyen.wordpress.com/2010/08/08/vi%E1%BA%BFt/

Viết là viết ra cảm xúc và sự thật. Viết là viết những gì đã nhìn thấy. Viết là nói về những bất công đang diễn ra. Viết là viết về những khác biệt giữa nước ta và nước khác, để thay đổi, tiến bộ và đấu tranh cho những quyền sống cơ bản. Viết là làm thức tỉnh, là kêu gọi sự quan tâm.

Cách đây vài ngày tôi đọc lại 1 bài viết cũ của mình, “Bài viết không có tựa”, hay còn được biết đến với tên “Đừng bảo tôi im” do bác Hoàng Cơ Định đặt. Và nhận ra đã 1 thời gian rồi tôi gần như không viết gì. Nhìn sang xung quanh, tôi cũng thấy rất nhiều người đã ngưng bút, và bỏ cuộc. Tôi không nói về những người khác, nhưng riêng phần tôi, tôi biết tôi không có quyền than thở. Tôi không có quyền nói mình mệt mỏi. Hiện tại tôi không còn ở VN, nhưng tôi vẫn luôn mang dòng máu VN, và nhìn chung tôi không làm được gì nhiều, thế nên tôi không thể bỏ cuộc. Tôi sẽ tiếp tục viết. Và làm gì đó, theo cách này hay cách khác.

Tôi không cần viết, hiển nhiên. Tôi có thể chỉ đơn giản tiếp tục học và làm những việc đúng với tuổi tôi, tiếp tục đời sống tại Na Uy, đôi khi đi chơi đây đó tìm hiểu những đất nước khác, như lúc này đang lang thang Roma trước khi trở lại trường. Thế nhưng, nói như Isabel Allende, làm sao 1 người có thể không viết về những nghèo khổ và bất công trong xã hội khi những người đang cam chịu những điều đó không có quyền cất tiếng nói? Viết không chỉ cho bản thân. Viết cho những người bị buộc phải im lặng. Viết cho những người mất gần như mọi thứ chỉ vì khát vọng tự do. Viết cho những người đã ngã xuống. Viết cho những người đấu tranh cô độc. Viết cho những người còn đang sống và không biết mình bị thiệt thòi và thiếu các quyền sống cơ bản của con người. Viết cho những người đang vô cảm hoặc không biết nhiều về tình hình đất nước. Viết cho dân tộc. Viết cho những phần lãnh thổ lãnh hải đã mất. Viết cho lịch sử. Viết cho những người đã khuất, đang sống và những thế hệ tiếp sau. Viết không phải là tuyên truyền. Viết không phải là hô hào nhân dân xuống đường còn mình an toàn ngồi ở nước khác. Viết là viết ra cảm xúc và sự thật. Viết là viết những gì đã nhìn thấy. Viết là nói về những bất công đang diễn ra. Viết là viết về những khác biệt giữa nước ta và nước khác, để thay đổi, tiến bộ và đấu tranh cho những quyền sống cơ bản. Viết là làm thức tỉnh, là kêu gọi sự quan tâm.

Hãy trả lời tôi.

Bạn cảm thấy gì khi mỗi ngày ra đường thấy kẹt xe, khói bụi, “lô cốt” khắp nơi và các hệ thống làm đường kéo dài từ năm này sang năm khác? Bạn cảm thấy gì khi ngày ngày mở báo ra đọc, nhìn thấy hàng loạt thông tin về tai nạn giao thông (do kẹt xe, vấn đề đường sá…), sập cầu, cháy nhà…? Bạn cảm thấy gì khi những nhà cầm quyền thản nhiên tiến hành dự án bauxite tại Tây Nguyên bất chấp các tác hại và bản kiến nghị? Bạn cảm thấy gì khi biết các ông lãnh đạo cho TQ thuê rừng đầu nguồn? Bạn cảm thấy gì khi chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói VN và Cuba canh giữ hòa bình cho thế giới? Bạn cảm thấy gì khi bà Tôn Nữ Thị Ninh so sánh nhân dân với con cái khi tuyên bố tại buổi họp mặt với Hoa Kỳ “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”? Bạn cảm thấy gì khi người ta bảo bạn phải biết ơn Đảng, Đảng là chân lý, bạn không được quyền phê bình, dù cha mẹ bạn nuôi bạn ăn học, đóng học phí cho bạn, bạn đi học lên lớp nhờ công sức bạn học và thi đậu, rồi lớn lên cũng chính bạn kiếm việc kiếm tiền nuôi chính bạn và gia đình bạn, nhà nước không cho giáo dục miễn phí và cũng không có chế độ y tế nào đảm bảo cho bạn, khi thất nghiệp bạn chẳng có trợ cấp, khi bạn già chẳng ai nuôi bạn ngoài con cháu, khi thình lình bạn chết gia đình cũng chẳng có 1 xu hoặc rất ít, trong khi đó ở nhiều quốc gia khác người dân được trợ cấp rất tốt nhưng không bao giờ xem những người lãnh đạo là cha mẹ? Bạn cảm thấy gì khi bạn được học là nước ta có thừa dân chủ, nhưng sau 1 ngày vừa nói về sự kiện 2 nhà báo bị bắt do vụ PMU18, ngày hôm sau tất cả các báo đồng loạt im lặng, bản thân thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng gần đây phát biểu “Nước ta không có phản biện, phản biện là phản động”, những người bất đồng chính kiến chưa gây nguy hại cụ thể nào đã bị bắt giam, các bloggers mất việc, 1 tờ báo du lịch khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa bị đình bản và khi bạn thử đứng trong lớp hỏi về Hoàng Sa, Trường Sa thì câu trả lời bạn nhận được là “Đây là vấn đề nhạy cảm không nên bàn tới.”? Bạn cảm thấy gì khi trong trường lớp bạn luôn được dạy là chế độ tư bản đang giãy chết bên bờ vực thẳm nhưng các nước tư bản vẫn đang phát triển giàu mạnh và các nước theo chế độ cộng sản đều đã sụp đổ ngày nay chỉ còn lại TQ, VN, Bắc Hàn, Cuba? Bạn cảm thấy gì khi chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Than và Khoáng sản, ông Đoàn Văn Kiểng, nói về dự án bauxite:“Lỗ hay lãi chỉ là dự đoán. Chúng tôi nói có lãi, các nhà khoa học bảo không. Khoa học và thực tế bao giờ cũng là 50:50. Vậy thì tốt nhất hãy làm đi, rồi mới kiểm nghiệm được. Thực tế sẽ trả lời.”? Bạn cảm thấy gì khi bạn du lịch sang nước khác và người ta chỉ nói “Ni hao” hoặc “Konnichiwa” với bạn? Bạn cảm thấy gì khi đọc tin công an đánh chết dân? Bạn nghĩ sao khi 1 ủy viên chi bộ tuyên bố “Hoàng Sa, Trường Sa là bãi hoang chim ỉa.”? Bạn cảm thấy gì khi đọc tin ngư dân bị hải quân TQ đánh cướp và giết chết, báo chí VN ban đầu chỉ nói là tàu lạ, rồi sau đó mới thừa nhận? Bạn cảm thấy gì về bài báo phân tích VN phải mất 175 năm để theo kịp Singapore, với điều kiện Singapore không phát triển? Bạn cảm thấy gì khi thử so sánh sự chênh lệch trong mức tiền thưởng Tết của 1 công nhân bình thường và 1 quan chức ở nước ta? Bạn cảm thấy gì và theo bạn vì nguyên do gì người VN luôn tìm cách ra khỏi nước dù phải chịu cực khổ và tủi nhục khi sang nước người bằng những con đường kết hôn với chồng Đài Loan, sang lao động tại Malaysia hay Đông Âu, hoặc du học và ở lại?…

Bạn nhìn thấy cả. Những bất công đang diễn ra và bạn nhìn thấy tất cả. Nhưng bạn đã lựa chọn: im lặng. Bạn im lặng vì những người khác im lặng. Bạn im lặng và bạn muốn mọi người đều im lặng. Bạn cũng muốn tôi phải im lặng. Bạn chất vấn tôi, hỏi tôi nhận bao nhiêu tiền để viết, và tại sao tôi phải viết khi tôi hoàn toàn có quyền quên đi và bắt đầu 1 cuộc sống mới tại nước khác, nhưng tôi tin bạn đã biết câu trả lời tại sao.

Joyce Anne Nguyen
Gần 1g sáng, 8/8/2010, Roma, Ý.

Viết tặng những người bạn trên facebook, những bloggers đang viết, đã ngừng viết và những bloggers sẽ bắt đầu viết.

.

.

.

No comments: