Friday, August 20, 2010

VỀ ĐÂY NGHE EM (Vài nhận định về sự kiện NGÔ BẢO CHÂU)

Về đây nghe em (*)

Tào Lao (nick khác của Thiên Sầu)

Theo blog Tào Lao

Thứ Năm, 19/08/2010

http://danluan.org/node/6181

Sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt huân chương Fields làm trỗi dậy tính tự tôn dân tộc trong lòng người dân Việt Nam, không những ở quốc nội mà còn hải ngoại. Đây là nhân vật đầu tiên của đạt được giải thưởng cao quý này, nó được xem như một giải Nobel Toán học.

Điều này làm cho một số người cảm thấy đó là niềm vinh dự, số khác to tát hơn cho đấy là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Phải nói, truyền thông Việt Nam là tác nhân đã làm cho GS Ngô Bảo Châu trở thành một hình tượng, một sự kiện, một vĩ nhân với tất cả những từ ngữ mà họ có thể ca tụng, tán dương. Nào là "Ngô Bảo Châu - niềm tự hào của Việt Nam" rồi còn mang cả hình ảnh thời thơ ấu của GS ra để viết bài. Nói chung, truyền thông đã làm mọi thứ khiến cho một con người trở thành một vị thánh, đem hình tượng GS như đại diện cho cả dân tộc Việt Nam.

Báo VnExpress đã cho đăng bài viết của bạn đọc với nhan đề "Người Việt phải xuống đường ăn mừng!" đại khái nói việc đoạt giải thưởng Fields chẳng khác gì đoạt huy chương vàng SEAGAMES.

Trước ngày lãnh giải, ông PTT Nguyễn Thiện Nhân - người chẳng được mấy yêu mến cũng như không thành công trong nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã đến thăm nhà GS và muốn GS trở về Vn làm việc, hứa sẽ sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về sinh hoạt cũng như phương tiện, môi trường làm việc, vị trí công tác để các tài năng toán học như Giáo sư Ngô Bảo Châu được phát huy, góp phần thúc đẩy, đưa Việt Nam theo kịp các tiến bộ khoa học hiện đại nhất trên thế giới.

http://vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2010/08/3BA1F005/

Cá nhân tôi đem lòng ngưỡng mộ, chúc mừng GS Ngô Bảo Châu cũng như giải thưởng cao quý mà GS đã bỏ biết bao nhiêu tâm huyết, trí lực mới có được. Song, giải thưởng đó dù thế nào đi chăng nữa cũng chỉ là dành cho cá nhân GS. Có thể, qua giải thưởng này, GS đã mang lại sự vẻ vang, vinh dự cho quốc gia Việt Nam, nhưng nó không phải vì thế mà một số người lại cảm thấy TỰ HÀO. Niềm TỰ HÀO tức là niềm kiêu hãnh mà mình hơn được người khác, chứ không lý do gì mình lại tự hào về việc mình không có được mà người khác lại có, hoặc nhờ đó mà mình "ăn theo".

Trên Facebook cũng như trên các báo, họ đang cố đánh đồng cá nhân GS Ngô Bảo Châu với dân tộc, họ đang muốn biến GS thành một hình tượng mà chính nhờ sự giáo dục của đỉnh cao trí tuệ đã mang lại cho GS giải thưởng vinh dự ngày hôm nay. Đọc lại tiểu sử của GS Ngô Bảo Châu trên Wikipedia ta thấy, GS không phải chỉ duy nhứt được thừa hưởng nền giáo dục ưu việt của đỉnh cao trí tuệ mà còn được thừa hưởng sự giáo thụ của tư bổn đế quốc mà điển hình đó là mẫu quốc Đại Pháp. Chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi, liệu nếu GS không chấp nhân sự giáo thụ của bọn tư bổn thì liệu GS có được những vinh dự ngày hôm nay? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi thiết nghĩ chúng ta nên nghĩ về NSND Đặng Thái Sơn để có câu trả lời xác đáng.

Vậy, việc báo chí, truyền thông Việt Nam đang "đưa GS lên mây" nhằm mục đích gì? Tôi không nghĩ vấn đề ở đây chỉ nhằm đề cao cái sự học, vì quả thực nếu có như vậy không phải là tốt lắm ru? Mà qua đó, muốn định hướng cho chúng dân Việt Nam, nhứt là những người đang được sự giáo thụ ngay tại Việt Nam thấy được sự vĩ đại của nền giáo dục dưới mái trường XHCN.

GS Châu có về Việt Nam làm việc như lời mời của ngài PTT Thiện Nhân hay không điều đó còn nằm trong quyết định của GS, nhưng thực tế cho thấy, ở một môi trường như Việt Nam rất khó để cho những người như GS phát triển hết khả năng có thể của mình. Cơ chế, đãi ngộ liệu có xứng đáng với một tài năng như GS? Và, liệu khi GS trở về thì nhà nước có thực tạo mọi điều kiện cho GS phát triển? Đó là chưa nói những đồng nghiệp với GS họ có đủ tầm để cùng GS cộng tác? Những bài học mà các bậc tiền nhân đi trước chắc chắn sẽ làm cho GS suy nghĩ để đi đến quyết định cuối cùng. Thà rằng sống và làm việc tại các nước của các thế lực thù địch mà mang vinh dự về cho Việt Nam, còn hơn là khi về Việt Nam mà chẳng có nơi để dụng võ. Thà rằng như NSND Đặng Thái Sơn đi khắp nơi trình diễn mà còn có thính giả thưởng thức, còn hơn về Việt Nam để chết dần chết mòn tài năng.

(*) Sáng tác Trần Quang Lộc

____________________________

Giải thưởng của giáo sư Châu: tự hào hay VN cần nhìn lại mình?

Giải thưởng mà giáo sư Châu giành được ngày hôm nay, xin lỗi truớc hết là nỗ lực từ cá nhân anh, tiếp đến là môi trường quốc tế thuận lợi để tài năng của anh có thể thăng hoa. Chứ, hệ thống, thể chế, môi trường và văn hoá của chúng ta đóng góp được vào thành công đó bao nhiêu? Nếu không muốn nói, những thứ trên đã "giết chết" nhiều nhân tài mới chớm nở của VN hoặc làm chảy máu rất nhiều nhân tài của đất nước!

Sự thật có thể nói là phũ phàng trên,hơn lúc nào hết chúng ta cần đối diện và chỉnh sửa thay vì tìm kiếm 1 sự tự sướng, tự hào, những ánh hào quang nhất thời, phù phiếm, ảo tưởng!

Lịch sử thuộc về những cá nhân, tổ chức, dân tộc biết vượt lên chính mình từ những sai lầm, ảo tưởng!

Phạm Hùng Vỹ

.

Tự hào không?

Không – đó là câu trả lời của tôi, dù nhiều người đang hân hoan nhân dịp giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt ‘Nobel Toán học’.

Lý do rất đơn giản: thành tích của ông Châu hoàn toàn được gây dựng ở nước ngoài. Mặc dù ông từng thi Olympic vì ‘màu cờ sắc áo’ Việt Nam thật, nhưng nếu ông ở lại ‘phụng sự tổ quốc’ thì chắc chắn không thoát khỏi số phận chung của các ‘tài năng toán học’ khác – xin nhắc rằng năm nào thi Olympic Việt Nam chẳng có giải (có khi còn ẵm không sót giải nào).

Chuyện tung hô ông Châu như một biểu tượng trí tuệ Việt Nam là nực cười nếu bỏ qua chi tiết ông sống và làm việc ở nước ngoài.

Tôi không định nói ông Châu không giỏi.

Tôi muốn nói rằng ông ấy giỏi thế nhưng đất nước này, xã hội này phải biết hổ thẹn đã không thể dung dưỡng những tài năng như thế, để họ phải bỏ xứ mà đi dù trong lòng vẫn canh cánh nhớ về đất mẹ.

Đất nước – cụ thể là đảng cộng sản và chính quyền – nợ những người như ông Châu nhiều lời xin lỗi.

The 4th Cafe Avenue

.

Chúc mừng giáo sư Ngô Bảo Châu cùng gia đình

Tôi vui vì thấy VN ta có người giỏi. Chỉ đáng tiếc là hãy còn cá nhân và chưa liên kết lại thành một cộng động mạnh

Môi trường sống quả nhiên có tác động lớn đến phát triển tài năng. Nếu ông Châu vẫn ở VN, e rằng không phát huy được hết sở trường của mình. Câu "đất lành chim đậu" có lẽ đúng trong trường hợp này

Nếu có điều kiện, BQT DL hãy có một bài phỏng vấn ông Châu, đặc biệt về tổ chức và hoạt động của các đại học và cơ sở nghiên cứu ở Pháp và Hoa Kỳ. Ưu điểm và khuyết điểm của họ là gì?

"Đừng tự hào vì nước Việt Nam nghèo nhưng có lắm người giỏi. Hãy tự hỏi vì sao lắm người giỏi mà Việt Nam vẫn nghèo?" — "Song of Hope"

Thành viên Dân Luận

.

.

Đề nghị tặng Huân Chương HCM cho Ngô Bảo Châu

Cập nhật lúc 14:30, Thứ Sáu, 20/08/2010 (GMT+7)

http://vietnamnet.vn/giaoduc/201008/De-nghi-tang-Huan-chuong-Ho-Chi-Minh-cho-Ngo-Bao-Chau-930450/

VNN - Ngày 19/8, ngay sau khi biết tin Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã gửi công văn và hồ sơ sang Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, đề nghị này đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sáng 28/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng các sinh viên xuất sắc... sẽ ra sân bay Nội Bài để đón GS Ngô Bảo Châu.

Tối 29/8, Lễ chào mừng "Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields" sẽ được tổ chức long trọng tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20h.

Dự kiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ có buổi tiếp GS Ngô Bảo Châu trong thời gian ông lưu lại Việt Nam.

Tú Uyên

.

Toàn cảnh thông tin về GS Ngô Bảo Châu và giải thưởng Fields

.

.

.

No comments: