Tượng Lý Thái Tổ ở vườn hoa Chí Linh
Nhà văn Hoàng Tiến
Chủ nhật ngày 15/8/2010
Những người học vẽ đều biết bức tranh “Người Vitruvius” (L’homme de Vitruve) của danh họa bậc thầy Léonard de Vinci. Đó là hình một người đàn ông khỏa thân đứng dang chân tay ở hai tư thế trong một hình vuông và một hình tròn lồng nhau, nên một mà thành hai. Tâm của hình tròn là rốn người mẫu. Hai đường chéo của hình vuông là nơi bộ phận sinh dục.
Người mẫu này cho ta các tỷ lệ về cơ thể con người. Đầu bằng 1/8 thân người. Hai tay giơ ngang bằng chiều cao thân người. Từ đỉnh đầu đến núm vú bằng 1/4 thân người. Độ rộng tối đa giữa hai vai cũng bằng 1/4 thân người. Bốn ngón tay bằng một lòng bàn tay. Sáu lòng bàn tay bằng một cánh tay …vv…
Các họa sĩ hay các nhà nặn tượng căn cứ vào đấy mà tạo nên các hình người đúng quy cách, ví như bên âm nhạc có cái công cụ âm thanh diapason (thường gọi âm cữ hay thanh la chuẩn), các nhạc cụ khác phải căn cứ vào thanh la chuẩn của diapason mà điều chỉnh âm thanh cho đúng cung bậc trong một buổi hòa tấu.
.
Người Vitruvius (L’homme de Vitruve) là mẫu người phương Tây. Cao ráo, cân đối. Ta có thể hình dung đến những vận động viên trong các cuộc thi Olympic của Hy Lạp cổ đại.
Còn người Việt chúng ta, theo học giả Nguyễn Văn Huyên, trong tập chuyên khảo “Văn minh Việt Nam” (La Civilisation annamite) bảo vệ luận án tiến sĩ Đại học Sorbonne Paris trước 1945, chương Một viết về Chủng tộc Việt, có những nhận xét như sau:
- Người Việt vóc nhỏ bé. Vóc người đàn ông trung bình là 1,595m và đàn bà là 1,53m. Bác sĩ Bigot, khi xem xét 322 người Bắc Kỳ lấy trong số lính khố xanh, kết luận rằng: 107, tức là 33,2%, vóc người nhỏ (1,50m đến 1,59m); 202, tức là 62,7%, tầm vóc trung bình (1,60m đến 1,69m); và 13, tức là chỉ 4% có vóc cao lớn (1,70m đến 1,79m). Thật ra, theo ông, nếu ta chấp nhận tầm vóc trung bình là 1,65m, thì ta thấy rằng 261 người, tức là 82,1%, dưới trung bình. Đại đa số tức là 208 (64,4%) nằm trong khoảng giữa 1,56m và 1,63m.
- Vai rộng, thân mình gày gò và dài so với hai chân. Ngực nhô ra đằng trước, khung chậu ít phát triển. Chân tay dài, cơ khớp mềm mại, làm cho họ nhanh nhẹn. Người Việt có khả năng dùng chân nhặt những vật nhỏ, điều khiển thuyền bằng các ngón chân. Bàn tay thon nhỏ và thanh, đốt ngón tay có mấu. Xưa kia, các nhà nho Việt Nam quen để móng tay thanh mảnh của họ thật dài.
- Về đại thể, người Việt rất mềm mại, và có khiếu về vận động thân thể. Họ trèo cây rất nhanh nhẹn, thân người tách khỏi thân cây, bàn tay và bàn chân cử động giống như những chiếc móc sắt. Về trò phóng giáo và đánh vật, ngày nay vẫn còn thịnh hành trong các hội làng, họ tỏ ra nhanh và dẻo như giống mèo. Ta ngạc nhiên khi thấy tấm thân kia, lúc thường thì bơi trong mớ áo quần rộng lùng thùng, trở nên mềm mại và nhanh nhẹn để tránh các đòn của đối thủ, và nhanh như chớp tung ra những cú đánh sấm sét.
- Người Việt nói chung không béo phị. Phụ nữ rất cân đối. Họ có những nét đẹp, bàn chân và bàn tay rất nhỏ, cổ chân, cổ tay rất xinh xắn.
- Sọ người Việt tròn. Sọ đó thuộc loại đầu ngắn. Trong khoảng 500 sọ người ở Bắc Kỳ mà ông Đỗ Xuân Hợp quan sát, ta có thể kết luận rằng người Việt Nam đầu ngắn trong 54,36% trường hợp; đầu trung bình trong 30,8% trường hợp. Đầu dài chỉ chiếm 3,22% trường hợp. Mặt khác, nói chung, đầu đàn bà nhỏ hơn đầu đàn ông.
- Râu chỉ mọc vào tuổi từ 25 đến 30, và vẫn thưa. Râu đen, cứng, thẳng và chỉ mọc ở cằm và phía trên môi. Tuy vậy, ta vẫn thấy ở một vài người râu mọc ở dưới tai và hai bên má.
- Tóc thì đen tuyền, rậm, rất dài và hơi cứng. Ta biết rằng tóc là sản phẩm chất sừng hệ trọng nhất của da, về phương diện phân biệt các giống người. Giống như người Trung Hoa, người Việt Nam phải được xếp vào các chủng tộc tóc thẳng và mượt. Nếu nói chung họ có tóc thô và cứng, thì ta cũng có thể thấy những người tóc thanh và mịn. Một vài người thậm chí có tóc làn sóng và quăn. Dù sao, tóc này bạc tương đối muộn, chỉ vào quãng năm mươi tuổi mới bạc. Lông mọc thưa.
- Đôi mắt họ hơi xếch về phía ngoài, mở to, đẹp, rất đen, rất hiền và rất diễn cảm nói chung.
- Môi người Việt rất mọng, nhưng không dày lắm.
- Hàm người Việt rất phát triển. Hàm răng rất đẹp, nhưng người nông dân lại thường thường nhuộm đen.
- Người Việt cả nam lẫn nữ đều phát triển chậm. Thường thường, một thanh niên 20 tuổi chỉ có vẻ 15 tuổi, còn các thiếu nữ thì, trong một thời gian dài, vẫn trông như những em bé gái. Tuổi dậy thì quá muộn ở Việt Nam. Tuổi trung bình để kết hôn là từ 14 đến 15. Phụ nữ rất mắn đẻ và ta thường thấy những gia đình từ bốn đến sáu con. Người ta ước lượng có đến trên 4% gia đình có hơn một chục con. Con số chửa đẻ trung bình được ước tính là bốn.
- Người Việt già đi nhanh chóng, bắt đầu từ tuổi bốn mươi. Một người đàn ông 50 tuổi đã già lụ khụ. Tuy nhiên tuổi thọ không thua kém ở châu Âu. Nhiều người sống đến 70 tuổi. Người 80 tuổi chẳng hiếm. Và thậm chí đôi khi ta còn gặp một số cụ thọ 100 tuổi.
Những nhận xét trên trích từ cuốn “Văn minh Việt Nam” (La Civilisation annamite) của học giả Nguyễn Văn Huyên, trang 41 đến trang 51. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2005.
.
Do đó tượng Lý Thái tổ được dựng ở vườn hoa Chí Linh để chào đón kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chỉ xét về mặt cơ thể học, đã không phải chủng tộc người Việt, theo nhận xét của học giả Nguyễn Văn Huyên.
.
Còn trang phục của bức tượng thì sao?
Không hiểu các vị lãnh đạo văn hóa Hà Nội và văn hóa Trung ương nghĩ thế nào mà lại cho tượng vua Lý Thái tổ ăn vận triều phục của phong kiến Trung Hoa. Cũng chiếc mũ bình thiên của Tần Thủy Hoàng đế. Cũng chiếc áo thụng, hoa văn rồng, dài tới chân, cửa tay áo rộng thêng thang có thể bỏ lọt một đứa trẻ.
Các vị có biết rằng, bức tượng đầu tiên được dựng ở vườn hoa này, là tượng viên toàn quyền Paul Bert, biểu trưng cho sự đô hộ của thực dân Pháp gần 100 năm trên xứ sở này. Năm 1945 chúng ta đã phá bỏ tượng Paul Bert, thời chính phủ Trần Trọng Kim, trước Cách mạng Tháng Tám.
Ngày nay, dựng tượng vua Lý Thái tổ ở nơi đây nhân dịp 1000 năm Thăng Long, là đắc địa. Nhưng lại cho ăn vận áo quần triều phục Trung Hoa, là ẩn chứa ý tứ gì? Trung Quốc lấn chiếm đất đai, lãnh hải, biển đảo của ta đang là vấn đề hết sức nhạy cảm hiện nay. Người Trung Hoa đang muốn bành trướng tinh thần Đại Hán ra khắp năm châu bốn biển. Vậy mà lù lù ở giữa thủ đô Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tượng vua Lý Thái tổ lại ăn vận triều phục Trung Hoa. Nó gây phản cảm nghệ thuật và phản cảm chính trị rất lớn.
.
Triều đại nhà Lý, triều đại nhà Trần, ý thức độc lập dân tộc của chúng ta vô cùng mạnh mẽ. Tiếp theo triều đại nhà Lê cũng thế. Chúng ta đã đánh thắng nhiều cuộc xâm lược lớn của phương Bắc, nói cách hào hùng trong áng văn Bình Ngô đại cáo: “NHƯ NƯỚC VIỆT TA TỪ TRƯỚC, VỐN XƯNG VĂN HIẾN ĐÃ LÂU. SƠN HÀ CƯƠNG VỰC ĐÃ CHIA, PHONG TỤC BẮC NAM CŨNG KHÁC…”
Dựng tượng vua Lý Thái tổ ở Thăng Long phải mang được tinh thần độc lập không phụ thuộc ai, ý thức tự chủ, tự cường của dân tộc Việt. Chúng ta có một nền văn hóa y phục từ ngàn đời, y phục của dân thường, y phục của vua chúa.
Xin mời đọc cuốn sách khảo cứu “Văn hóa phong tục” của nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà xuất bản Phụ Nữ in năm 2007. Trong đó có những bài: 1/Đôi điều về quốc phục, lễ phục. 2/Quốc phục, lễ phục với ngày Tết cổ truyền. 3/Quốc phục Việt Nam tồn tại hay không tồn tại. 4/Từ hội nghị tôm toàn cầu, nảy sinh vấn đề quốc phục… Rất tiếc các nhà làm tượng và các nhà duyệt tượng đã không chịu bỏ công sức tìm đọc.
.
Vì thế mà có mấy câu vè dân gian của một nhà thơ cấp phường đất Hà Thành, vịnh về tượng vua Lý Thái tổ ở vườn hoa Chí Linh:
Vua Lý Thái tổ nhà ta,
Cân đai, mũ mãng, y “cha” Thủy Hoàng.
Mặt to, mũi thẳng, phi phàm,
Thân hình cao lớn, tựa chàng phương Tây.
Trời xanh, mây trắng tung bay,
Vua Lý Thái tổ đứng ngay cán tàn.
Xin phản ánh để Ban tổ chức hội lễ 1000 năm Thăng Long được biết. Còn xử lý thế nào, tùy ban tổ chức bàn với chính quyền. Chứ để tượng vua Lý Thái tổ như thế e không tiện.
.
Đất thiêng Thăng Long tháng 7 – 2010
Nhà văn Hoàng Tiến.
Địa chỉ: Nhà A11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc – Hà Nội
Điện thoại: 0936.802.801
.
.
.
No comments:
Post a Comment