Tuesday, August 17, 2010

THÔNG TIN TRUNG THỰC CHO NGƯỜI DÂN XỨ ĐỘC TÀI

Thông tin trung thực, cho người dân xứ độc tài

Hà Giang/Người Việt

Monday, August 16, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=117446&z=157

.

Hội thảo Đài Á Châu Tự Do

“Hãy thử tưởng tượng xem, đời sống sẽ như thế nào, nếu chúng ta đang ở Bắc Hàn, Cambodia, Việt Nam, nơi mà người dân chỉ được biết những tin tức mà chính quyền muốn cho dân biết?”

“Ở những đất nước có thể chế, người dân không có cơ hội để biết sự tham nhũng của chính quyền, và nếu bất cứ ký giả nào dám phanh phui những chuyện đó ra, thì sẽ bị tống giam?”

.

Các diễn giả trong buổi hội thảo về đài RFA. Từ trái: Ông Nguyễn Khanh, trưởng ban Việt Ngữ; ông Max Kwak, trưởng ban tiếng Hàn;
bà Libby Liu, tổng giám đốc đài; và Dân Biểu Ed Royce. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/117446-big_A1_RFA_HND63241aa.jpg

.
Dân Biểu Ed Royce mở đầu buổi hội thảo chủ đề “Ðài Á Châu Tự Do, Xây Dựng Nền tảng cho Tự Do và Dân Chủ” được tổ chức vào ngày 12 tháng 8 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Walter D. Ehler, Buena Park, bằng những câu hỏi trên.

Buổi hội thảo do văn phòng DB Royce tổ chức, nhân dịp Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua qui chế vĩnh viễn cho đài Á Châu Tự Do, quen gọi là đài RFA. Trước đây, đài RFA chỉ tồn tại từng năm một, mỗi năm lại phải ra Quốc Hội xin gia hạn.

Qui chế vĩnh viễn cho đài RFA được Tổng Thống Barack Obama ký phê chuẩn ngày 13 tháng 7.

Dân Biểu Royce đã tổ chức buổi hội thảo để mừng sự kiện này. Ông là một tác giả của đạo luật, và cũng từng là người hỗ trợ cho đài RFA tại Quốc Hội Hoa Kỳ, ngay từ những ngày đầu tiên thành lập đài.

.

Tại buổi hội thảo, cử tọa khoảng 60 người chăm chú ngồi nghe. Họ thuộc nhiều sắc dân khác nhau, nhưng đều là những người quan tâm đến việc đẩy mạnh tiến trình dân chủ cho quê hương họ, và cùng chia sẻ một niềm ao ước làm sao cho đồng bào tại Bắc Hàn, tại Cambodia, tại Việt Nam, cũng được hưởng quyền tự do thông tin mà họ đang có ở Hoa Kỳ.

.

Quang cảnh buổi hội thảo về đài RFA tại Trung Tâm Sinh Hoạt Walter D. Ehler, Buena Park, ngày 12 tháng 8. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/117446-big_B1_RFA_HND63111aa.jpg

.

“Nơi nào báo chí được tự do, và mọi người dân biết đọc, thì tất cả sẽ được an toàn,” DB Royce trích dẫn TT Thomas Jefferson. Ông nói tiếp: “Với quan điểm đó, tự do thông tin là một cách bảo vệ phúc lợi xã hội, do đó, bảo vệ quyền tự do báo chí là một ‘công tác quý báu’ (precious task) mà chúng ta phải làm.”

“Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để Hoa Kỳ có thể thúc đẩy, ‘một cách không đối đầu’ tự do thông tin ở những nước độc tài, thúc đẩy hay không?”

“Câu trả lời nằm trong những chữ 'phát thanh điền thế' (surrogate broadcasting),” Dân Biểu Ed Royce nhắc tới nhiệm vụ của đài RFA khi tự trả lời.

Vậy phát thanh điền thế, hay “surrogate broadcasting” là gì? Câu trả lời đến trong phần trình bày của bà Libby Liu, tổng giám đốc RFA. Mở đầu, bà Liu chiếu một đoạn phim tài liệu dài 10 phút, tóm tắt về vận hành của đài.

Cùng ngước lên màn ảnh, cử tọa nhìn như bị thu hút bởi hình ảnh các tăng ni Tây Tạng trong chiếc áo chùng màu vàng cam xúm xít ở một góc phố, vừa cùng ghé tai vào một chiếc radio nhỏ, vừa dáo dác nhìn quanh; rồi hình ảnh và tiếng kêu khóc của những người đàn bà Cambodia oằn cong người dưới làn dùi cui túi bụi của công an, chung quanh những chiếc xe ủi đất, đang ủi đi căn nhà lụp xụp của họ, trong khi một người dùng cell phôn để lén lút thu hình. Ở một cảnh khác, trong một Internet café, những thanh niên trẻ, dường như là người Việt Nam, vội vàng bấm nút gửi qua emails những tấm hình, những khúc phim, rồi cũng vội vã không kém, xóa hết mọi dấu tích.

“Họ, những người chúng ta vừa thấy dùng cell phôn để chụp hình, để quay phim, rồi tìm cách gửi đi, chính là những ‘nhà báo nhân dân.’” Tổng Giám Ðốc Liu nói.

“Họ là nhân chứng sống, những ký giả mà nếu ở một nơi có tự do thông tin, sẽ được tường trình những điều họ vừa chứng kiến.”

Nhưng, bà Libby Liu giải thích là vì tại những chế độ độc tài, những tin này không bao giờ được loan tải, cho nên, từ họ, những ký giả, thông tín viên, cộng tác viên của đài Á Châu Tự Do thu nhặt những tài liệu này, soạn tin, rồi tường thuật câu chuyện, y như những ký giả đó sẽ làm, tại quốc gia họ, nếu được phép.

“Chúng ta không thể có ‘surrogate broadcasting’ nếu không có những ‘nhà báo nhân dân’ (citizen journalist)!” Bà nhấn mạnh.

“Ngày nào tại các quốc gia chúng tôi đang phát thanh vào còn chưa có tự do thông tin, thì ngày đó những chương trình phát thanh này còn tiếp tục!”

“Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh vai trò then chốt của các nhà báo nhân dân.” Bà Libby Liu khẳng định.

Rồi bà duyên dáng nói tiếp:

“Tuy nhiên, mục đích của đài Á Châu Tự Do là tự làm cho mình thất nghiệp, vì khi quốc gia nào có tự do báo chí, thì chương trình phát thanh vào quốc gia đó sẽ chấm dứt.”

.

Cũng theo bà Tổng Giám Ðốc Libby Liu, thì để thực hiện sứ mệnh của mình, đài Á Châu Tự Do phát thanh đến 6 quốc gia Á Châu hiện không có tự do báo chí, gồm Bắc Hàn, Trung Hoa, Việt Nam, Cambodia, Lào, Miến Ðiện.

“Ðài Á Châu Tự Do tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook, Twitter, những blogs cá nhân, kể cả phản hồi của khán thính giả để truyền tải tin tức, và chúng tôi tin rằng, cứ với đà này, đến một lúc nào đó thì không nhà cầm quyền độc tài nào còn có thể bóp nghẽn thông tin.”

.

Tiếp lời bà Liu, ông Max Kwak, giám đốc chương trình phát thanh Hàn ngữ cho biết dân số Bắc Hàn khoảng 23 triệu người, và hiện đài Á Châu Tự Do có chương trình tiếng Hàn phát về nước này 5 tiếng một ngày.

Ông Kwak đơn cử nhiều thí dụ về sự không trung thực của truyền thông Bắc Hàn, chẳng hạn như chuyện mặc dù với quốc tế, chính quyền Bình Nhưỡng nhất định bác bỏ cáo buộc là họ bắn chìm tầu Cheonan của Nam Hàn, nhưng, chiếu lên màn ảnh một một tấm poster của Bắc Hàn có hình một quả đấm vĩ đại, đấm tan chiếc tàu Cheonan, ông nói:

“Một du khách đến Bắc Hàn đã gửi cho chúng tôi tấm poster này, câu này Ðây là những điều được tuyên truyền ở tại Bắc Hàn, thế nhưng họ (Bình Nhưỡng) vẫn cứ chối.”

“Không thể tin được họ!” ông Max Kwak kết luận và dẫn chứng là vào năm 2009, tổ chức Freedom House xếp Bắc Hàn đứng hạng thứ 195 trên 195 nước bóp nghẹt tự do thông tin tệ hại nhất thế giới.

.

Phần trình bày của ông Nguyễn Khanh, giám đốc chương trình phát thanh Việt ngữ súc tích và hiệu quả khi ông chia sẻ nội dung của email vừa nhận được của một sinh viên gửi đến từ Hà Nội. Ông nói:

“Email của em sinh viên này viết: ‘Trong nước có hơn 700 tờ báo, nhưng ngày nào em cũng chờ đọc trang Web của đài Á Châu Tự Do để được biết những gì đang thực sự xẩy ra ở Việt Nam.’”

.

Mở đầu cho phần hội thảo, câu hỏi của báo Người Việt, là “làm thế nào để đo lường hiệu quả của các chương trình phát thanh” đã khiến cho không khí trở nên sôi động.

Dân Biểu Royce trả lời là “rất khó có một công thức khoa học để đo lường chính xác hiệu quả việc làm của RFA,” nhưng theo ông biết thì “con số những người đào tẩu từ Bắc Hàn ngày càng tăng” và “ít nhất là 50% những người đào tẩu đã nghe chương trình phát thanh của đài Á Châu Tự Do khi còn ở Bắc Hàn.”

“Tôi còn được nghe câu chuyện là một viên chức nhà nước của Bình Nhưỡng nói với đồng nghiệp là: ‘Nếu anh không nghe đài RFA, thì giống như một con ếch ngồi trong đáy giếng, chẳng biết chuyện gì đang thực sự xảy ra trên thế giới cả.” Dân Biểu Royce nói.

.

Tổng Giám Ðốc Liu trả lời rằng, mặc dù có vài cơ quan nghiên cứu độc lập tìm hiểu về vấn đề này, nhưng với bà rất khó đo lường số người nghe chương trình phát thanh của đài một cách chính xác, ở những quốc gia mà nghe đài là một hành vi phạm pháp.

Nhưng bà cũng nói rằng qua bao nhiêu thư và điện thoại mà đài nhận được, bà biết là nhiều những người dân trong những quốc gia này rất khao khát tin tức của đài.

Bà Liu kể chuyện một người sinh viên Trung Quốc gọi điện thoại cho đài, nói rằng anh đã phải đạp xe đi 10 miles để đến một điện thoại công công gọi về, vì tất cả những cú điện thoại gọi quanh trường đại học đều bị nhà cầm quyền thâu lén.

“Anh ta gọi chỉ để nói là anh rất thích nghe đài, và nhờ có đài Á Châu Tự Do anh mới cảm thấy mình có chút liên lạc với thế giới.”

.

Ông Khanh cho biết là ông thường xuyên nhận được thư từ, hình ảnh và các khúc phim của một số người trẻ Việt Nam. Ông kể chuyện khi tôi hỏi một cô là tại sao cô đã gửi những thông tin cho chúng tôi, câu trả lời của cô làm tôi thấy mình hỏi thật “ngu xuẩn.”

“Nếu không gửi cho Á Châu Tự Do thì làm sao tin này được đưa đi?” Cô ta đã trả lời câu hỏi của tôi bằng một câu hỏi.” Ông Khanh nói.

.

Trả lời câu hỏi của báo Người Việt là tiêu chuẩn nào được dùng để quyết định ngân sách dành cho mỗi chương trình phát thanh, thí dụ như Việt Nam với hơn 84 triệu dân, thì có chương trình phát thanh ngày 2 tiếng, và Bắc Hàn, với 23 triệu dân, lại có một chương trình phát thanh ngày 5 tiếng, bà Libby Liu nói:

“Ðây là một câu hỏi thật sự khó. Có lẽ việc phân phối ngân sách là một yếu tố lịch sử. Tôi chỉ biết là Ban Quản Trị quyết định cần phải dành một ngân sách bao nhiêu cho mỗi quốc gia, và muốn thay đổi ngân sách, hay số giờ phát thanh vào mỗi quốc gia thì cần phải có sự thông qua của Quốc Hội.”

.

Trò chuyện với báo người Việt sau buổi hội thảo, Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, cựu trưởng ban điều hợp của Mạng Lưới Nhân Quyền, cũng là chủ tịch của Ủy Ban Vận Ðộng Thành Lập Ðài Á Châu Tự Do từ đầu thập niên 1990 phát biểu:

“Buổi hội thảo này vạch ra một điểm thật rõ ràng là muốn tăng thêm giờ phát thanh vào Việt Nam, cộng đồng người Mỹ gốc Việt cần tích cực vận động Quốc Hội Mỹ.”

Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang cho biết ông có lẽ ông sẽ bắt tay ngay vào việc liên kết với nhiều tổ chức khác để bắt đầu công việc vận động xin tăng giờ phát thanh cho chương trình Việt ngữ.

Dân Biểu Ed Royce cũng cho báo Người Việt biết là trong vai trò một người đại diện cử tri, ông có thể hỗ trợ một tay nỗ lực này, nhưng vấn đề phải được cộng đồng người Việt đưa ra trước.

.

.

ĐỌC THÊM :

'RFA nói thay những người không được nói' (Người Việt)

.

.

.

No comments: