Thursday, August 12, 2010

THẢM CẢNH NGƯỜI VIỆT NAM ĐI TÌM CÔNG LÝ NHÂN QUYỀN

Thảm cảnh người Việt Nam đi tìm công lý nhân quyền

L.S. Trần Thanh Hiệp
Monday, August 09, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=117128&z=12

Tình trạng người dân Việt Nam hiện nay - chẳng những về mặt nguyên tắc, không được nhà cầm quyền Cộng Sản công nhận cho có bất cứ một “nhân quyền” nào trong số mấy chục nhân quyền bẩm sinh (sinh ra đã có), phổ quát (ở bất cứ đâu cũng phải được tôn trọng), liên lập và bất khả nhượng (không ai được quyền tước đoạt) mà luật quốc tế cũng như luật quốc nội đã ghi rất rõ trong các văn bản có hiệu lực pháp lý - mà, về mặt thực tế, còn là nạn nhân của vô số hành vi xâm phạm thô bạo phẩm giá con người, tài sản tính mạng không được bảo vệ, tự do bị trắng trợn chà đạp hàng ngày.

Vậy người dân Việt Nam biết trông vào đâu để chấm dứt tình cảnh nhục nhã, đau thương này?

Từ nhiều năm nay, người ta đã bàn chuyện “đi kiện” nhà cầm quyền Cộng Sản về những tội ác sang đoạt nhân quyền, dân quyền. Rồi gần đây lại thấy nói “khiếu kiện” thay vì “kiện”. Ông Vũ Quốc Dụng, một trong những người Việt Nam rất am tường và đầy kinh nghiệm quốc tế về vấn đề bảo vệ và tiến thăng nhân quyền, qua nhiều bài viết phổ biến trên mạng, đã khuyến nghị chỉ nên dùng chữ “khiếu nại” vì nó đúng hơn chữ “kiện” hay “khiếu kiện”. Ông Vũ Quốc Dụng là tổng thư ký Hội Quốc Tế Nhân Quyền, trụ sở tọa lạc tại Ðức. Theo ông Dụng thì “Hội đồng Nhân quyền LHQ không phải là tòa án nên thủ tục này không thể gọi là một vụ kiện được. Các biện pháp đối phó mà Hội Ðồng Nhân Quyền đưa ra không mang tính cách chế tài. Biện pháp nặng nhất là đưa vấn đề ra bàn luận trong một phiên họp công khai”.

Ðối với người dân Việt Nam thì thủ tục để kêu oan rất đơn giản. Nếu thấy mình là nạn nhân của bất công thì phải được kêu oan. Như thời xưa mà không biết chữ để viết đơn thì cứ việc đến trước cửa công đánh lên mấy tiếng trống đòi công lý.

Thời đại bây giờ, tân tiến hơn, liệu người dân Việt Nam có thêm được những quyền mới trong địa hạt nhân quyền để kêu oan không?

Rất tiếc là câu trả lời sau đây sẽ cho thấy thân phận người dân Việt Nam vào thời đại dân chủ ngày nay còn hèn mọn hơn cả thời quân chủ ngày xưa. Công lý chỉ là một khẩu hiệu trống rỗng được nêu lên để ngụy trang cho một trật tự xã hội bất bình đẳng gợi nhớ những thời mà phẩm giá người dân bị bạo quyền ngoại bang chà đạp.

Ðó là một nghịch lý của thời đại những năm 2000, thời đại của nhân quyền dân chủ đã đạt qui mô toàn cầu hóa.

Một cuộc cách mạng trường kỳ của loài người, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đã không là gì khác hơn những chinh phục đối với chính mình để cải thiện thân phận cho con người dưới ánh mặt trời. Ngày nay con người, dù trên cương vị cá thể cũng như trong khuôn khổ tập thể, là chủ thể của những quyền sống dưới mọi hình thức, được công nhận là những quyền khách quan không do bất cứ ai ban phát mà ai cũng đương nhiên có và toàn quyền hành xử. Những quyền ấy ai cũng có nghĩa vụ phải tôn trọng nhân quyền của nhau. Ðặc biệt những người cầm quyền trong nước phải thực sự tôn trọng, hết lòng bảo vệ và ra sức phát huy. Có thể nói mức độ tôn trọng và bảo vệ này chính là những tiêu chuẩn để đánh giá trình độ văn minh của một xã hội. Và trong những phát minh mới nhất của loài người phải kể hệ thống cơ chế pháp-lý-chính-trị để cho con người thực hiện các nhân quyền của mình.

Ba hệ thống cơ chế đã được sáng chế từ trên nửa thế kỷ nay trong chiều hướng cung cấp cho con người cơ hội hành xử nhân quyền của mình. Trước hết là hệ thống các “báo cáo” của các quốc gia căn cứ trên đó các quốc gia này sẽ được cộng đồng quốc tế thẩm lượng về mặt tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Thứ đến là hệ thống tổ chức cho các nạn nhân của những hành vi xâm phạm nhân quyền được quyền tố cáo và đòi hỏi xử lý các thủ phạm. Sau cùng là hệ thống để tiến hành những cuộc điều tra về tình trạng nhân quyền ở khắp nơi.

Quyền “khiếu nại” về nhân quyền, nói chung, dựa trên nền tảng pháp-lý chính-trị là hệ thống “khiếu nại”(complaint procedure) trong đó các “quốc gia” (Nhà nước) phải thi hành triệt để nhiệm vụ cung cấp cho các nạn nhân thực sự có cơ hội đưa ra trước ánh sáng những hành vi xâm phạm nhân quyền mà nhà nước là thủ phạm. Nhà nước sẽ phải chịu xử lý chứ không thể nại bất cứ ký do gì để lẩn tránh không bị xem xét. Tất nhiên, trong thực tế cũng đã có những lạm quyền không thể tránh khỏi vì nhà nước là một “đương sự” có những đặc quyền vượt trội so với những người dân thường, có nhiều khả thế tẩy xóa tội phạm. Nhưng không thể phủ nhận rằng tại các nước dân chủ văn minh, địa vị của người dân, nhờ hệ thống “khiếu nại” đã được nâng cao một cách đáng kể đối với nhà nước.

Nhưng dưới chế độ đảng trị ở Việt Nam người dân không hề có bất cứ một nhân quyền nào để mong tự bảo vệ mỗi khi nhân quyền, dân quyền của mình bị xâm phạm. Với chính sách cai trị “phi nhân quyền” theo đó tất cả mọi quyền của người dân là do đảng ban phát. Ðảng là tập đoàn cầm quyền tự phong cho mình chức vụ “lãnh đạo” tối cao của quốc gia, của xã hội. Ðảng tự quyền làm ra luật, bắt đầu từ bản Hiến pháp là luật cao nhất rồi đến tất cả các đạo luật và các văn bản dưới luật. Thủ đoạn của nhà cầm quyền Hà Nội là một mặt “liệt kê” tất cả những nhân quyền phổ quát mà luật quốc tế đã công nhận và Hà Nội có nhiệm vụ phải tôn trọng, nhưng mặt khác lại cũng dùng một thứ Hiến Pháp và luật để tước đoạt hết, và người dân chỉ còn được quyền làm nô lệ cho đảng, một tập đoàn cầm quyền có quyền lực vô biên, hơn cả Thượng Ðế.

Do vậy mà trước những hành vi đạo tặc cướp của giết người của bộ máy cầm quyền ở Việt Nam, người dân sống dưới chế độ bộ máy ấy gọi là chế độ “thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, người dân Việt Nam không biết làm cách nào để tố cáo rằng nhà nước Cộng Sản không thực hiện mục tiêu loan báo, xã hội hiện nay không công bằng, văn minh. Ở trong nước, những cơ quan có chức năng thực hiện công lý cho người dân chẳng những đã không chấp nhận lời “khiếu nại” của dân mà còn ra tay “đàn áp” bằng pháp luật do đảng làm ra, rồi được các tay sai của chế độ áp dụng một chiều do đảng ấn định trước, biến công thành tội và ngược lại tội thành công. Trên bình diện quốc tế, nhà cầm quyền Hà Nội tìm mọi cách bao vây người dân Việt Nam không cho người dân với tư cách cá nhân được hành xử quyền “khiếu nại” mà Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự Chính Tri đã trù liệu. Hà Nội tuy ký tham gia công ước này nhưng lại không ký Hiệp Ðịnh Thư số 1 phụ đính công ước đó để ngăn cản không cho người dân dùng quyền “khiếu nại” để tố cáo tội phạm vi phạm nhân quyền có hệ thống và thường trực của Hà Nội.

Hơn nữa theo ông Vũ Quốc Dụng thì thủ tục khiếu nại của Hội đồng Nhân quyền được dùng để đưa ra “những vụ vi phạm thô bạo nhân quyền và quyền tự do căn bản xảy ra theo những dạng mẫu nhất quán và được kiểm nhận là xác thực ở bất cứ nơi nào trên thế giới và trong bất cứ hoàn cảnh nào” (consistent patterns of gross and reliably attested violations of all human rights and all fundamental freedoms occurring in any part of the world and under any circumstances). Cần chú ý rằng thủ tục khiếu nại chỉ cứu xét về những vụ vi phạm thô bạo xảy ra theo những dạng mẫu nhất quán và được kiểm nhận là xác thực. Như vậy thủ tục này không cứu xét các trường hợp vi phạm đơn lẻ. Ngoài ra vụ vi phạm phải có tính chất thô bạo và phải xảy ra một cách có hệ thống. Thêm vào đó, những thông tin đưa ra phải ở mức độ đáng tin cậy. Không có những tính chất này một vụ vi phạm sẽ không được chấp nhận cứu xét theo Thủ tục Khiếu nại của Hội đồng Nhân quyền.

Trước một thủ tục tố cáo nhiêu khê như vậy, thiết tưởng người dân Việt Nam không nên trông chờ vào pháp luật của nhà nước đảng trị Cộng Sản cũng như Hội Ðồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc để được thấy công lý nhân quyền được thực hiện ở Việt Nam.

Chỉ có một con dường mà lịch sử cũng như thực tế đất nước đã vạch ra đó là nhân dân Việt Nam phải tự mình tự đứng lên thiết lập công lý cho chính mình, như nhân dân Căm Pu Chia đã trừng trị những tên diệt chủng Khơ Me Ðỏ.

.

.

.

No comments: