Thursday, August 12, 2010

SỰ TRÍ TRÁ TRONG CÂU HỎI "ĐA ĐẢNG hay MỘT ĐẢNG - ĐÂU LÀ CHÂN LÝ"

Đảng chính trị và bữa party: “Two-in-one”(*)

KAMI

Posted 01.06.2010

http://nguoiduatinkami.wordpress.com/2010/06/01/d%e1%ba%a3ng-chinh-tr%e1%bb%8b-va-b%e1%bb%afa-party-to-in-one/

Nhiều năm nay báo chí, sách vở Việt nam trong và ngoài nước đã tốn kém biết bao nhiêu giấy mực và thời gian để tranh cãi vấn đề liên quan đến đảng phái chính trị đó là “Độc đảng hay đa đảng sẽ phù hợp với nền chính trị Việt nam”. Ngày 31/5/2010 trên Báo Quân đội Nhân dân mục Chính luận có đăng bài ” Đa đảng hay một đảng lãnh đạo cầm quyền – Đâu là chân lý?”[1] của tác giả Lệ Chi khẳng định rằng mô hình độc đảng chính trị như Việt nam hiện nay là phù hợp với hoàn cảnh Việt nam vì sự ổn định và phát triển bền vững.

Bài viết này xin không đi sâu vào đánh giá cụ thể và chi tiết bài viết của tác giả Lệ Chi bởi thiết nghĩ đó là vệc làm vô ích, vì truyền thông của Việt nam hoàn toàn là tuyên truyền một chiều và chịu sự lãnh đạo giám sát của đảng, có nhiệm vụ duy nhất là tuyên truyền nhằm bảo vệ quyền lợi của Đảng CSVN. Vì vậy những bài viết thể loại chính luận như bài viết của tác giả Lệ Chi mà không viết như vậy thì tác giả không được tiền nhuận bút, hay nói thẳng thắn là không viết như vậy thì lấy gì mà “ăn”! Nói như vậy để bạn đọc xa gần thông cảm với các cây bút như Lê Văn Bảo, Nguyễn Mạnh Thắng, Lệ Chi… để hiểu lý do gì họ phải lên gân lên cốt, nói những điều trái với thực tế khách quan và suy nghĩ của chính bản thân họ.

.

Xin được mượn đoạn mở đầu bài viết của tác giả Lệ Chi khi viết về khái niệm đảng chính trị, tác giả Lệ Chi viết “Đảng là một tổ chức chính trị của những người có chung một mục tiêu, lý tưởng tồn tại trong một chế độ xã hội nhất định. Mục tiêu trực tiếp của các đảng là tham chính [3] mục tiêu cuối cùng thường là giành và giữ quyền lực nhà nước (chính quyền)”. Một khái niệm về chính đảng chính trị (tuy chưa thực sự hoàn chỉnh) như cách đánh giá của tác giả được công khai bộc bạch trên báo của đảng như vậy thật là một chuyện hiếm hoi, khác với cách giải thích mập mờ kiểu sứ mệnh lịch sử (bắt buộc) trao cho đảng CSVN vai trò lãnh đạo đất nước như trước đây. Đây chính là chuyện phải bàn.

.

Về định nghĩa đảng chính trị có thể hiểu đó là một tổ chức chính trị tự nguyện của những người có chúng chí hướng (đồng chí), lý tưởng và đường lối với mục tiêu giành được một quyền lực chính trị nhất định ở mức cao nhất có thể trong chính quyền.

Dân gian ta có câu “Trăm người mười ý” để nói về sự đa dạng của tư tưởng, sự đa dạng của suy nghĩ của con người, nếu hiểu theo định nghĩa của tác giả Lệ Chi thì đương nhiên phải có nhiều nhóm người khác nhau với các đường lối, lý tưởng không giống nhau, điều đó hoàn toàn không trái với lẽ tự nhiên. Nhưng đặc biệt là mục tiêu chung của các nhóm này thì giống hệt nhau đó là (trích) “Mục tiêu trực tiếp của các đảng là tham chính. Mục tiêu cuối cùng thường là giành và giữ quyền lực nhà nước (chính quyền)”. Điều đó cho thấy thực chất động cơ thúc đẩy những người tham gia hoạt động chính trị(chính trị gia)khi tham gia các đảng phải khác nhau nhất là giai đoạn hiện tại của lịch sử Việt nam là giành và giữ quyền lực. Những giải thích của các chính trị gia cả hai bên cộng sản và chống cộng khi nói rằng động cơ của họ là vì yêu nước thương nòi, vì nhân dân v.v… xin nói thẳng là toàn bố láo và bịp bợm, ai ngu thì mới tin.

.

PARTY là chỉ bữa tiệc và đảng (chính trị) “Two – in – one) .

http://www.caiozip.com/Renoir3.jpg

.

Trong tiếng Anh PARTY là một danh từ có nhiều nghĩa khác nhau như chỉ nhóm người, hội đoàn, buổi liên hoan, bữa tiệc… nhưng hai nghĩa chính được dùng thường xuyên khi dịch sang tiếng Việt đó là chỉ bữa tiệc và đảng (chính trị). Chắc chắn một điều từ bữa tiệc sẽ có trước từ đảng trước đó rất lâu, bởi khái niệm đảng (chính trị) chỉ chính thức được công nhận một cách hợp pháp dưới chế độ dân chủ của thể chế cộng hòa khi chế độ tư bản dần thay thế cho các chế độ trước đó như chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến. Không hiểu vô tình hay cố ý mà người ta dùng từ party để chỉ đảng (chính trị) đồng nghĩa với từ một bữa đánh chén nói theo kiểu dân dã. Điều đó hoàn toàn đúng về nghĩa đen và nghĩa bóng khi nó chỉ tới sự hưởng thụ, chỉ khác rằng đảng chính trị lại đóng vai người thực khách để hưởng thụ trong buổi “đánh chén” nhằm phân chia quyền lực đó.

Hiểu được điều đơn giản này sẽ thấy đảng chính trị chả là cái gì quan trọng đối với người dân làm ăn lương thiện, kể cả đảng CSVN đang nắm quyền lãnh đạo hiện nay cũng vậy, nó chỉ là thứ đại diện cho nhóm những kẻ đi tìm kiếm quyền lực và tiền bạc.

Theo tác giả Lệ Chi thì chúng ta có thể hình dung rằng việc phân chia quyền lực cho các đảng phái chính trị là để thỏa mãn mục tiêu trực tiếp và mục tiêu cuối cùng [2] là tham chính, giành và giữ quyền lực nhà nước. Bởi đó là nguồn gốc của quyền lực và quyền lợi vật chất. Mà cái đó, những động vật gọi là (con) người đã ngấm vào máu mình như một loại ma túy khó mà dứt bỏ được. Trong số đông đảo các nhà chính trị chỉ có rất ít những người chiến thắng được cám dỗ của quyền lực và quyền lợi vất chất mà họ coi là tầm thường, những người đó chúng ta gọi họ là vĩ nhân hay lãnh tụ, nhưng tiếc rằng số vĩ nhân hay lãnh tụ thường là của rất hiếm hoi.
.
Bữa tiệc (party) chúng ta đang nói tới nếu một cách đơn giản, dễ hiểu thực chất là một cuộc hội ngộ của các đảng chính trị để phân chia “quả thực”cho các phe nhóm (party) trong việc quản lý và lãnh đạo chính quyền một nhà nước. Nhưng để được tới bữa tiệc đó không phải dễ, không phải là mạnh ai người ấy tới một cách vô tổ chức mà người đến dự bữa tiệc đó phải được nhận thiệp mời, mà quan trọng là người cấp thiệp mời đó là toàn bộ cử tri chúng ta. Mỗi phe nhóm (party) phải bằng nỗ lực cao nhất của mình để giành sự ủng hộ và đồng tình của cử tri để giành cho họ số giấy mời nhiều nhất để hy vọng giành được quyền lực tối đa trong bữa tiệc ăn chia đó.

.

Mỗi giấy mời tham dự bữa tiệc đó chính là một ghế đại biểu nhân dân (nghị viên)trong Quốc hội được trao cho mỗi chính đảng thông qua một cuộc bầu cử tự do, công bằng, dân chủ và bỏ phiếu kín. Bằng số lượng thực khách được cử tri tuyển chọn cho mỗi chính đảng (party), thì một hay nhiều chính đảng chiếm đa số thực khách sẽ được đánh chén no say món quyền lực nhà nước với vai trò lãnh đạo chính quyền. Thiểu số thực khách còn lại thì bị “nhịn” và phải làm vai trò của người bảo vệ đứng theo dõi, bắt lỗi nếu các vị thực khách ăn uống thô tục, ăn ẩu, ăn bừa bãi và ăn tham trái với quy định, đó chính là vai trò những người thuộc phe (đảng) đối lập.

Qua đó cho thấy rằng việc đa đảng là một biện pháp cần thiết để có những đại biểu nhân dân ngồi trong cơ quan Quốc hội với vai trò đối lập với đảng cầm quyền, để phối hợp với cơ quan quyền lực thư tư là báo chí (tự do) và các cơ quan khác là cần thiết để giám sát việc điều hành của Chính phủ (cơ quan Hành pháp) và các cơ quan bảo vệ pháp luật (Tư pháp).

.

Như trên đã nói đại đa số các thành viên lãnh đạo của chính quyền nhà nước là đảng viên của đảng cầm quyền, đảng nào cũng vậy và ở bất kỳ quốc gia nào cũng giống như nhau. Họ cũng chỉ là những con người bình thường, không phải là các vĩ nhân hay lãnh tụ vĩ đại để vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, do vậy cái thú tính luôn lớn hơn tính người trong con người họ. Chính vì vậy nên họ cũng tham lam như người bình thường, có cơ hội là “đớp” bất kể là miếng to hay miếng bé, bất kể là ăn bẩn hay ăn sạch miễn là thỏa mãn lòng tham nhằm vơ vét cho đầy cái túi tham vô đáy. Bởi thực chất nghề chính trị gia là một nghề béo bở nhất, kinh doanh chính trị là một nghề bỏ vốn không nhiều nhưng mang lại một lợi nhuận không lồ. Đó cũng chính là lý do tại sao những kẻ có tiền thường lao vào sân chơi chính trị, bởi trò chơi này mang lại danh tiếng và quyền lợi vật chất của cá nhân họ và phe nhóm những người hậu thuãn cho họ.

.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại của những người có đức có tài khi tham gia chính trường, nhưng vì số người như họ là quá ít ỏi nên họ không cưỡng nổi áp lực của nhóm các cá nhân và phe nhóm lợi ích khác đứng sau họ. Do vậy một đảng hay đa đảng không là yếu tố quyết định, đừng quan trọng nó quá, cái lợi của đa đảng trong việc dân chủ hóa xã hội có tác dụng thúc đẩy sự phát triển đất nước thì ai cũng đã rõ, sự thành công của các quốc gia có dân chủ tự do là một minh chứng cho nó. Nhưng sự sa lầy trong dân chủ như Thái lan cũng là một hiện tượng cần suy nghĩ nghiêm túc trong việc đánh giá sự lợi hại của nó. Độc đảng như Trung quốc mà đạt được những thành tựu khổng lồ về kinh tế trong ba thập kỷ qua, từ một nước thiếu đói triền miên với dân số trên một tỷ người đã trỗi dậy đừng hàng thứ 2 và đang ngấp nghé ngôi vị bá chủ thế giới đang nằm trong tay Hoa kỳ là một ví dụ.

Điều quan trọng nhất mà mỗi người dân cần không phải là độc đảng hay đa đảng, bởi đảng nào cầm quyền thì cũng tham lam và thối nát như nhau. Cái chúng ta cần là một cơ chế đảm bảo cho một chính quyền nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân toàn tâm toàn ý vào mục đích xây dựng và phát triển đất nước. Thì điều cơ bản nhất là phải tạo ra một hệ thống kiểm tra, giám sát, kiểm soát một cách hiệu quả và chặt chẽ mọi hoạt động của chính quyền nhà nước trên mọi lĩnh vực theo hướng công khai và minh bạch, thông qua việc tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức đảng đối lập (nếu có-không có cũng không sao), báo chí truyền thông tự do và các tổ chức phi chính phủ NGO’s. Và một điều tối quan trọng và không thể thiếu được đó là tuân thủ và tôn trọng nghiêm ngặt Hiến pháp và pháp luật, mọi người bình đẳng trước pháp luật. Trên cơ sở nguyên tắc Tam quyền Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp phải độc lập, đặc biệt là ngành tư pháp không chịu áp lực hay tác động của chính quyền trong công tác tư pháp để duy trì nghiêm phép nước.

.

Đa đảng chưa hẳn đã là hoàn toàn tốt và độc đảng chưa hẳn đã là dở, với tình hình chính trị hiện tại ở Việt nam cũng không ngoại trừ, nhưng sự độc đảng hay đa đảng phải xuất phát thực sự từ nguyện vọng và ý chí của người dân, chứ không phải xuất phát từ những đại biểu nhân dân giả hiệu trong một cuộc bầu cử mang tình hình thức và xếp đặt của đảng CSVN để thông qua một bản Hiến pháp với điều 4 thiếu dân chủ là không thể chấp nhận được. Khi một đảng chính trị tuyệt vời nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của dân chúng với số biểu Quốc hội là 100% đó là nền chính trị độc (một) đảng lãnh đạo như Singapore hiện tại, ngược lại một đảng chính trị còn khiếm thiếu sót thì việc dân chúng lựa chọn cho mình một vài đảng chính trị khác mà họ ủng hộ là lẽ tự nhiên, như vậy gọi là chế độ đa đảng.

.

Hãy trở lại với bàn tiệc phân chia quyền lực ở Việt nam ta hiện nay cho thấy đảng CSVN họ thể hiện là những kẻ tham lam vô độ, bất chấp quy tắc. Trò hề độc đảng lãnh đạo thực chất độc quyền sử dụng quyền lực, là hành động muốn ăn một mình, không chịu chia phần và cho phép các nhóm chính trị đại diện cho các lực lượng quần chúng khác có đường lối và hệ tư tưởng khác nhau tham gia giám sát và quản lý nhà nước. Nó đơn giản như trong một bữa tiệc, mấy kẻ đầu trâu mặt ngựa cậy mạnh, cậy đông đuổi những vị khách mời khác ra khỏi bữa tiệc để chúng thỏa thuê hưởng thụ theo ý thích của những kẻ thú tính nhiều hơn nhân tính. Những người có nhân cách nghĩ gì về chuyện tranh ăn như vậy?

Thực chất bài viết của tác giả Lệ Chi với tựa đề ” Đa đảng hay một đảng lãnh đạo cầm quyền – Đâu là chân lý” đăng trên Báo QDND vừa qua là một bài viết nhằm che chở và bảo vệ cho những kẻ tham lam thiếu nhân cách đó mà thôi. Con người ta đôi khi vì tiền họ cũng bán rẻ nhân cách như tác giả Lệ Chi như vậy đó.

Trách gì mấy ông bà chính trị gia, những kẻ lấy chính trị là một nghề kiếm ăn và làm giàu, ai tin vào lũ họ có mà ăn cám.

Vai trò lãnh đạo của một đảng chính trị là đương nhiên bắt buộc phải có trong một xã hội dân chủ, nhưng mọi người chúng ta phải luôn cảnh giác với bất kỳ đảng phái chính trị nào. Đừng để lòng tin của mỗi người chúng ta bị họ lợi dụng để kiếm chác quyền lực và tiền bạc dưới mọi hình thức.

Hãy làm theo khẩu hiệu của nhà văn Phu-xích, người Tiệp khắc ” Hỡi loài người hãy cảnh giác!”

Hà nội, ngày 02/6/2010.

——————-
Ghi chú:
(*)Party tiếng Anh nghĩa là đảng cũng có nghĩa với bữa liên hoan.
[1]http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/5/5/5/113727/Default.aspx
[2]Theo tác giả Lệ Chi (trích-nguyên văn)”Mục tiêu trực tiếp của các đảng là tham chính. Mục tiêu cuối cùng thường là giành và giữ quyền lực nhà nước (chính quyền)”.
[3] Từ tham chính tác giả Lệ Chi muốn nói tới việc tham gia chính quyền của các đảng phái chính trị. Như tôi (Kami) cho rằng bản chất thực của các chính đảng thì từ Tham chính được hiểu là THAM LÀ CHÍNH.

.

.

.

Sự trí trá chết người trong câu hỏi: “Đa đang hay một đảng- đâu là chân lý”

http://www.danchimviet.com/archives/10571

.

Để trả lời (một phần) tựa bài cuả tác giả Lệ Chi: “Đa đảng hay một đảng lãnh đạo cầm quyền?“, tôi rất đồng ý là “Đa đảng không phải là không tốt, cũng như một đảng không phải là không có lý“. Tôi sẽ diễn giải sự đồng tình này trong phần thân bài. Còn cho rằng “Độc đảng là chân lý“ thì xin ngài tác giả hãy… ở kín trong nhà mà ôm lấy một mình.

.

Chân lý, nói tóm gọn, nằm trong căn nguyên! Tác giả Lệ Chi (và chúng ta) đang luận bàn về dân chủ. Chân lý của dân chủ không thể bắt đầu bằng một câu hỏi đến từ hệ quả và sinh sau đẻ muộn: “Đa đảng hay một đảng lãnh đạo cầm quyền – Đâu là chân lý?“, như ngài tác giả đã gán và ghép.

Muốn đi tìm chân lý của dân chủ, chúng ta trước tiên (chỉ) nên bắt đầu bằng câu hỏi từ căn nguyên, tất nhiên đó phải là câu hỏi:

“ĐA ĐẢNG HAY MỘT ĐẢNG HIỆN HỮU TRONG XÃ HỘI – ĐÂU LÀ CHÂN LÝ?“

rồi từ đó mới suy mới nghiệm ra: “Đa đảng hay một đảng lãnh đạo cầm quyền – Có lý hay không?“ thì nghe mới thành thật và tử tế.

Như vậy, để lý giải dân chủ bằng tựa đề “Đa đảng hay một đảng lãnh đạo cầm quyền – Đâu là chân lý?“ của ngài Lệ Chi thì vừa là trứng khôn hơn rận, lại nhập nhằng, trí trá (lừa đảo) nên không thể chấp nhận được. Ngài có nghe rõ tôi nói không?

.

Tính cho đến hôm nay, đã 80 năm ròng -kể từ ngày ĐCSVN (đảng Cộng Sản Việt Nam) được thành lập-, dưới sự lãnh đạo cầm quyền của đảng, đất nước chúng ta hình như chưa hề có những chuỗi ngày vui vầy và hạnh phúc, kể cả khi có hòa bình cũng như trong thời chinh chiến. Mảnh đất quê hương không bị bom đạn cày xéo (lý do?) thì anh em cũng nồi da xáo thịt (vô tình hay cố ý?) đến nhừ cả dân tộc -Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, vụ án xét lại, ý thức hệ, chiến tranh miền nam, tù cải tạo, tù bất đồng chính kiến, đánh sập hơn 300 tờ báo trên Internet… . Người dân lúc nào cũng nơm nớp và phải còng lưng tối mặt vì miếng cơm manh áo.

“Bắt phanh trần, phải phanh trần,
Cho may-ô mới được phần may-ô“.
(theo Phùng Tường Vân – văn học hè phố)

Vì sao ta khổ thế?

Cũng cho đến lúc này, cũng vẫn cái độc quyền một đảng này của đảng, sau 80 năm, nước Việt Nam cũng vẫn đang ở trong cái xóm nghèo nhất trên quả đất, cộng thêm một nền đạo đức xã hội đa phần cũng kinh khủng nhất trên quả đất. Tôi không cường điệu đâu! Chúng ta -nước nghèo đói- không đang (thụ) hưởng những nguồn vốn cho không từ lòng nhân đạo của (tha) nhân nước ngoài là gì? Trong khi những nước ngoài này -được xây dựng trên một xã hội dân chủ đa đảng- thì lại là những nước tiên tiến, cường thịnh nhất của thế giới (nên mới có tiền mà cho không chúng ta). Mức thâu nhập bình quân tính theo đầu người của họ có khi cao gấp hơn 20 lần của Việt Nam. Con người ở môi trường đó sinh sống ung dung, lịch thiệp.

Tại sao lại thế?

Trong khi những tiếng nói dân chủ ở VN bị hạch sách , bị bắt bớ, bị qui kết là “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân“(?), hoạt động tôn giáo bị sách nhiễu, bị cản trở, thì trong xã hội đa nguyên đa đảng của những nước tiên tiến này, trong tinh thần tôn trọng sự khác biệt, mọi người được quyền bày tỏ, được tự do tôn kính niềm tin thiêng liêng của mình, được công khai nhóm hội, được tham gia hay thành lập tổ chức đảng phái, được tham gia vào chính phủ, và mọi người, mọi đảng phái được bảo vệ như nhau trước pháp luật. Trớ trêu thay!

Vậy đâu là chân lý?

Mưu cầu cho một xã hội lành mạnh như thế, chính giới đang rốt ráo cho một môi trường xã hội dân chủ thực sự hướng thiện, có sự hiện hữu của nhiều đảng phái khác nhau (đa nguyên) để họ vừa tham gia guồng máy chính quyền, xây dựng xã hội và trật tự, lại vừa giữ vai trò kiểm soát lẫn nhau, tránh lạm quyền, chống quan liêu.

Thế có nên không?

Theo đà văn minh và theo sự phát triển tích cực của tư duy xã hội ngày nay, các chính đảng (đảng phái lương thiện và tôn trọng công lý) theo đuổi mục tiêu tham chính (phương tiện) để đưa lý tưởng (cứu cánh) của họ vào đời sống. Những lý tưởng này tất nhiên phải có tiền ý tốt cho xã hội, chứ không phải „mục tiêu cuối cùng thường là giành và giữ quyền lực nhà nước“ như ngài tác giả bạo biện. Trong một xã hội dân chủ, những đảng (bè) phái chỉ có mục đích „giành và giữ quyền lực nhà nước“ không sớm thì muộn sẽ lòi đuôi và sẽ bị cử tri loại trừ. Hiện nay trên thế giới, những đảng phái tư duy phục vụ cho quyền lợi riêng tư -kể cả cho riêng tổ chức của mình- đã và đang bị xã hội cho đào thải, nhường bước cho tư duy rộng lớn phục vụ dân tộc, thậm chí còn phục vụ ra ngoài phạm trù dân tộc nữa (nhân loại). Điển hình như vì nhu cầu môi sinh, vì trật tự hòa bình chung, vì nhân quyền v.v….

Đâu là thiện-ác?

Ngài tác giả nói “Đến lượt mình khi đã trở thành đảng cầm quyền…“. Chúng ta phải hiểu “đến lượt mình“ là thế nào đây? Là đứng xếp hàng chờ? hay là sau khi cướp chính quyền trong lúc tranh tối tranh sáng rồi chễm chệ ngồi luôn? Và dứt khoát (cho đến nay) nhất định không chịu xuống?!
Hẳn ý ngài tác giả muốn lấy khởi đầu của những cuộc cách mạng trên thế giới từ 2 thế kỷ trước để trí trá cho sự thống trị của ĐCSVN từ 80 năm qua (kiên cường thật) và cố tình lờ đi cấu trúc tiến hoá hiện đại của xã hội dân chủ đa nguyên ngày nay. Lạc hậu lắm rồi ngài ơi!

Rồi lại “…tùy theo hoàn cảnh cụ thể, mà lựa chọn chế độ đa đảng hay độc đảng“. Ai? Đảng phái nào? có quyền lựa chọn điều này cho một dân tộc nếu không phải là dân của dân tộc đó?

Vậy đâu là dân chủ?

Vâng! Dân tộc Việt Nam hoàn toàn bị áp đặt. Cũng chỉ có chế độc đảng mới phát sinh ra toàn trị để rồi đẻ ra cái độc quyền „tùy theo mà lựa chọn“ này thưa ngài tác giả (và các ông các bà đồng hội đồng thuyền). Dân tộc VN đang phải phục tùng ĐCSVN, chứ không phải như khẩu hiệu “Đảng là của dân, do dân và vì dân“ đang được các ông các bà ngồi trên ngai nắm đầu dân lắc và bảo hô to.

Các ông các bà thật (hay vờ?) không biết rằng trong xã hội dân chủ đích thực, để “đến lượt mình“, một tổ chức (đảng phái) phải trải qua một trình tự vận động (có khi mãn đời không xong) để xác minh lý tưởng, ý chí của mình là phù hợp với quần chúng, và phải giành được ít nhất trên 5% (chỉ số thông thường) phiếu bầu của tổng thể cử tri, thì mới được công nhận là một đảng phái, và từ đó mới được tham chính với tỷ lệ thuận số ghế trong quốc hội (tượng trưng cho quyền lực chấp chính) của phần trăm số phiếu đã tranh được. Nếu sau đó hoạt động lôi thôi, lần bầu cử tới không giữ được trên 5% thì bị cho về vườn. Dân chủ là thế đấy ạ.

Lại phải cắt nghiã thêm với các ông các bà rằng dân chủ là xã hội mà người dân có quyền lựa chọn (bầu cử) người đại diện. Mà đã gọi là lựa chọn thì phải có ít nhất là 2 (loại) đảng để chọn. Ở VN chỉ có một loại thì không thể gọi là lựa chọn mà rõ ràng đó là bị áp đặt, bị ẩn cho.

Có lẽ nào?

Ngài tác giả viết: “Không ít người đã bị dẫn dắt, rơi vào sân chơi dân chủ…“.
Ơ.. hay! Dân chủ là môi trường mà dân tình đang mưu cầu một cách nghiêm chỉnh, sao ngài lại gọi đó là “sân chơi“ ở đây? Lại còn cho rằng „bị dẫn dắt vào“? Hoá ra theo ngài thì môi trường dân chủ chỉ là trò đùa và tối tăm độc hại lắm sao? Ngài vừa mới bảo “đa đảng không phải là không tốt“ kia mà?! Ngài còn lấy nước Anh với “quốc hội treo“ vả Thái lan với „áo đỏ xuống đường, xung đột…“ để dẫn chứng là “giúp người ta có thêm các căn cứ để suy nghĩ về những khó khăn, phức tạp của chế độ dân chủ – đa đảng“, nghiã là -theo ngải- dẫn đến xáo trộn, đem đến bất ổn chính trị (?). Thế nào là khó khăn, thế nào là phức tạp, thưa ngài? Ngài có biết thực hiện dân chủ tức là đảng này được quyền làm “áp lực“ với đảng kia (cái mà Ngài gọi là “treo“), và “dân được mở mồm“ (cái mà ngài cho là „xung đột“) không? Còn việc đối xử ngược lại của chính quyền có xứng tầm hay không là một chuyện đáng bàn khác. Không thể cứ “tháo dạ là đổ vạ cho cứt“ như các ông các bà được. Hàm hồ và chợ búa lắm!

Thật thế sao?

Các ông, và cả các bà nữa (có thể) còn luôn coi thành phần không cùng chính kiến là „thế lực thù địch“, trong khi ở môi trường dân chủ người ta công nhận đấy là tổ chức hay đảng phái đối lập để cùng nhau thi đua ngoài xã hội về chiều sâu của cái tâm và độ cao của cái tầm.

Cũng không ai trong “thế lực thù địch“ -có chăng là thành phần cực đoan, đừng có vơ đũa cả nắm nhé!- nói rằng dân chủ phải là chế độ đa đảng lãnh đạo. Họ (tổ chức đối lập) chỉ mưu cầu cho một môi trường dân chủ với đa đảng ngoài xã hội (điều kiện cần), và tự do bầu cử (điều kiện đủ). Còn ai cầm quyền hành, được bao nhiêu, thì phải tùy thuộc vào kết qủa của cuộc bầu cử chứ. Nó có thể do nhiều đảng cầm quyền -dưới hình thức liên minh-, hoặc chỉ do một đảng nếu đảng đó đạt số phiếu bầu cử tuyệt đối (tức trên 50% tổng số phiếu). Vậy đây mới là thực tế để tôi trả lời một cách rõ ràng rằng: Đúng, -xin nhấn mạnh- trong phạm trù cầm quyền, “Đa đảng không phải là không tốt, cũng như một đảng không phải là không có lý“.

Sẽ là phước lớn của ông bà để lại nếu nước Việt Nam có bầu cử tự do và ĐCSVN được trên 50% cử tri tín nhiệm.

Thế à?

Với lý do để tạo được ổn định chính trị trong “bối cảnh lịch sử cụ thể hoặc liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, trật tự xã hội“, ngài tác giả lại lấp liếm biện hộ cho thể chế độc đảng nhằm dẫn đến kết luận một đảng hiện hữu không những là có lý mà còn là chân lý.

Chân lý vừa độc đảng ngoài xã hội, vừa lãnh đạo lại vừa cầm quyền kiểu này (độc tài) hiện nay trên thế giới chỉ còn lại năm nước đang áp đặt vào dân tộc mình, đó là Việt Nam, Trung Hoa, Cuba, Bắc Hàn và Lào.

Ngài tác giả đã vạch ra 3 loại dân chủ: Dân chủ hàn lâm, dân chủ thực dụng, và dân chủ giả hiệu, nhưng lại quên béng đi là còn thêm (ít nhất) 2 loại dân chủ khác nữa đang phù phép (đặc biệt tại Việt Nam), đó là loại ´dân chủ trá hình` (lúc nào cũng bi bô mình có dân chủ) và loại ´dân chủ áp đặt` (như dẫn chứng ở trên).

Trá hình và áp đặt như thế nên càng ngày người đời lại càng có thêm cơ sở để nghi ngờ sự khả thi của một “diễn biến dân chủ“ bất bạo động ở Việt Nam. Càng ngày thì lời nói của một ông cầm cân nảy mực trong chế độ cũ của miền nam xưa kia lại càng có vẻ chí lý: Đừng nghe những gì.. ai nói đó, mà hãy nhìn kỹ những gì.. ai đang làm!

Dễ sợ thật!

Đấy! Cái trí trá và cái hiểm hoạ là ngài tác giả nói đông nhưng lại chỉ tây, nghêng ngang như chỗ không người, với những luận điệu (thường thấy) rất ngược ngạo, bưng bịt, và phủ chụp theo kiểu dân ngu nói mãi cũng phải vào đầu. Rồi dùng những lời lẽ mị dân như „những khó khăn, phức tạp của chế độ dân chủ – đa đảng“ để vuốt, và sau cùng thì tận dụng lòng thương xót của con người hòng được xí xóa như „ vì bối cảnh lịch sử, an ninh quốc gia, trật tự xã hội“ để vừa đấm lại vừa bóp, nhằm xoa dịu cơn bức xúc đến từ khát vọng là được sống trong một môi trường dân chủ, thực sự lành mạnh, mà là người ai cũng đang mong muốn và dân tộc Việt Nam thật đang thèm khát.

Mục đích bài viết của ngài tác giả là che đậy cho thể chế ở Việt Nam hiện tại: ĐCSVN tiếp tục độc tài cầm quyền! Ngài tác giả đang cật lực lia nón cối lên đầu quần chúng nhân dân vốn còn non yếu về ý thức dân chủ. Vì vậy, chết ở chỗ là có nhiều người ngơ ngác, cả tin, vô tình lại để đầu trần ra hứng.

Nguy hiểm thật!

Thật ra, những bài viết mang tính “âm phủ“ -như của ngài tác giả Lệ Chi đây- cũng không phải là “hàng hiếm“ nên (đáng lẽ) không cần phải lạm bàn, có thể nên coi như là một món điểm tâm lạ mắt vui tai trong lúc mắt mũi còn lèm nhèm và trời chưa sáng, rồi thôi. Nhưng nó đã được tờ báo Quân đội Nhân dân (tiếng nói của đảng) trịnh trọng quảng bá (cáo) chứng tỏ nó là “hàng độc“, là “lá bùa hộ mạng“ của đảng ta, luôn được sơn son thếp vàng, được tung ra để hoả mù, và để tiếp tục “vun giậu cho rắn trườn ©“.

Ảnh hưởng chết (cả một đống) người chứ không phải đùa đâu. Bất nhân thất đức lắm! Vì thế mà tôi phải lên tiếng đây. Thế nhưng chắc rồi cũng như thể muối bỏ bể mà thôi.

Suy cho cùng, nó là nắm đất đang nằm trong đầu của một số các ông các bà lớn và hầu đoàn ăn theo. Nắm đất này còn sót lại từ cái thời bao cấp của thế kỷ trước, nên bới đâu cũng va vào toàn là mảnh chĩnh. Biết làm thế nào.

Rồi đây sẽ ra sao?

Để thay đổi bầu không khí (xóa đi những bi quan tích cực), tôi xin mượn lời của nhạc sĩ Tô Hải để kết thúc bài viết:
Tớ cũng mong ước các vị nào đó có vai trò nặng kí trong “Đảng- Chính- Phủ” hãy tuyên bố đột phá (như Khơ-rút-xốp ở Đai Hội XX ấy):

`ĐẢNG của chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Nay trước nhiệm vụ xây dựng đất nước, đưa cuộc cách mạng kinh tế, khoa học, xã hội và nhân văn lên tầm cao mới, chúng tôi thấy không đủ tài năng và trí tuệ. Vậy xin nhường quyền lãnh đạo đất nước cho mọi nhân tài không phân biệt chính kiến, tôn giáo, đảng phái… ra lãnh đạo đất nước bằng một cuộc tuyển cử thật sự công bằng, văn minh´ “.

Ối…tôi có mơ không đây? Thế thì thật tuyệt vời và hạnh phúc biết là nhường nào! Xin chân tình ghi ơn đảng ta!

(Bài nhận được từ tác giả)

.

.

.

No comments: