Monday, August 2, 2010

RA MẮT SÁCH "HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM 1955-1975"

‘Hai Mươi Năm Miền Nam, 1955-1975’ được tán thưởng
Hà Tường Cát/Người Việt

Sunday, August 01, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116819&z=157

WESTMINSTER - Trong một chiều Chủ Nhật có nhiều sinh hoạt, đặc biệt nhất là đại nhạc hội trợ giúp thương phế binh VNCH thu hút rất đông đảo đồng hương, buổi ra mắt cuốn tiểu luận mang tựa đề “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” diễn ra tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt của tác giả Nguyễn Văn Lục vẫn được sự chờ đón của khoảng 100 cử tọa, vốn có nhiều quan tâm khắc khoải về quá khứ lịch sử.

.

Nhà văn Uyên Thao cho rằng Nguyễn Văn Lục không là sử gia, học giả, chính khách hay nhà văn, và tác phẩm của ông không mang bất kỳ tính chất nào liên quan đến các chức danh đó. Ðến định cư ở Hoa Kỳ khá muộn màng, năm 1999, ông đã thành lập câu lạc bộ sách Tiếng Quê Hương, cố gắng tập hợp được một số người viết và xuất bản những tác phẩm cũ cũng như mới của họ để phổ biến đến quần chúng.

Từ Virginia tới Little Saigon tham dự buổi ra mắt sách, nhà văn Uyên Thao giải thích ý nguyện của mình là “giới thiệu những tiếng chưa nói lên được cùng các điều nên biết trong một giai đoạn tế nhị của lịch sử dân tộc,” và tác phẩm “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” nằm trong nội dung ấy.

.

Giáo Sư Lưu Trung Khảo giới thiệu cuốn sách 520 trang gồm 3 phần chính trình bày tư tưởng, tinh thần và hình thức của các sinh hoạt ở miền Nam trong lãnh vực chính trị, văn học và báo chí. Theo ông, là một giáo sư trung học bộ môn triết, tác phẩm của ông Lục gồm nhiều tiểu luận gom góp lại, với phán đoán mang tư duy triết học, có giá trị căn bản rất công bằng và khách quan. Giáo Sư Khảo có đề cập đến một nhận xét của tác giả về thực tế thiếu tư tưởng đấu tranh nhất quán của giới người được coi là trí thức miền Nam, trước cũng như sau biến cố 1975. Nhưng rất tiếc là dù bằng lời giới thiệu khá dài, có lúc lại đi lạc vấn đề, nên Giáo Sư Lưu Trung Khảo đã không phân tích được đầy đủ nội dung bao gồm những đề mục quá rộng rãi về một thời đại lịch sử để giúp hướng dẫn cho cử tọa nhận thức rõ tầm ý nghĩa của tác phẩm.

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện chia sẻ những ý kiến với tác giả Nguyễn Văn Lục và đồng ý về nhận định rằng trí thức miền Nam đã không trực tiếp sống với Cộng Sản nên hãy còn nhiều người hiểu mơ hồ về chế độ mà theo ông thật ra không hề có văn hóa hay văn học nghệ thuật.

.

Ông Huỳnh Văn Lang, một cựu viên chức cao cấp Việt Nam Cộng Hòa từ thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm tán thành những nhận xét về văn hóa miền Nam mà theo ông căn bản là “chân thật, tự do và có tình người.”

Dân Biểu Trần Thái Văn tin rằng công trình sưu tập của ông Nguyễn Văn Lục để hình thành tác phẩm này giúp ông và những người thế hệ ông hiểu thêm được về một giai đoạn mà cá nhân ông chưa được biết nhiều.

Tác giả Nguyễn Văn Lục trong lời phát biểu ngắn gọn ca ngợi lý tưởng của nhà văn Uyên Thao và những sự trợ giúp để hoàn thành tác phẩm “Hai Mươi Năm Miền Nam”. Ông cũng bày tỏ lòng cảm kích đối với sự quan tâm của một thành phần cử tọa đa dạng trong buổi ra mắt sách.

.

Hiện diện trong buổi này có các giới chức dân cử hiện tại như Dân Biểu Trần Thái Văn, Nghị Viên Tạ Ðức Trí, cũng như ở chế độ cũ như Thượng Nghị Sĩ Lê Châu Lộc, Dân Biểu Dương Minh Kính. Ngoài ra còn rất đông đảo giới trí thức, các nhà tranh đấu, nhà văn và nhà báo trong cộng đồng.

.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, học trò cũ của tác giả tại trường trung học Ngô Quyền, Biên Hòa, cho là ông Nguyễn Văn Lục có lối trình bày rất khách quan và trung thực đúng với tinh thần của một nhà giáo.

Nhà văn và nhà báo Phạm Phú Minh nhắc lại một vài kỷ niệm cũ khi cùng học tại trường Ðại Học Sư Phạm Ðà Lạt và nhận định rằng ông Nguyễn Văn Lục là người viết rất nhiều và luôn luôn giữ tinh thần phân tích triết học. Ông cũng nêu lên ý kiến của một người bạn không hiện diện hôm nay nhưng chuyền qua e-mail, cho rằng “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” là một cuốn sách hay nhất về tính cách tài liệu lịch sử, nghiên cứu chính trị xã hội và phê bình văn học.

Ðồng ý kiến ấy, Giáo Sư Phạm Cao Dương nói rằng cuốn sách có thể không mang tính cách sử liệu nhưng có giá trị góp phần hướng dẫn đề tài cần nghiên cứu cho những nhà viết sử.

Phần nào chia sẻ ý kiến ấy, ông Kiều Vĩnh Phúc, cựu ký giả làm việc cho đài BBC và đồng nghiệp với tác giả ở trường trung học Ngô Quyền, thân mật phê bình tác giả về ưu cũng như khuyết điểm trong cách làm việc, đó là ông Nguyễn Văn Lục viết được rất nhanh và rất nhiều nhưng do đó thiếu thời gian duyệt xét kiểm điểm lại. Tuy nhiên ông Phúc xác định rằng “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” là một tác phẩm có giá trị cao và mong mỏi sẽ đón nhận thêm những cuốn khác của ông Nguyễn Văn Lục trong tương lai gần.

Nhà văn Trần Phong Vũ điều hành cuộc thảo luận trao đổi, một buổi ra mắt sách hiếm thấy kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ mà vẫn còn nhiều cử tọa lưu lại cho đến lúc kết thúc.

.

.

.

Góp thêm chút ý nghĩ về sách :
“Hai Mươi Năm Miền Nam, 1955-1975”
của tác giả Nguyễn Văn Lục,
Nhà Xuất Bản “Tiếng Quê Hương”, 2010.

Phạm Thăng Long

Monday, August 2, 2010

http://www.diendantheky.net/2010/08/ban-oc-viet-2-thang-8-2010.html

Tôi viết để cám ơn anh Phạm Phú Minh, chủ bút tờ báo mạng “Diễn Đàn Thế Kỷ”, đã cho tôi dịp viết vài nhận xét ngắn về quyển sách biên khảo rất công phu mới ra của tác giả Nguyễn Văn Lục với tựa đề: “Hai Mươi Năm Miền Nam, 1955-1975” (HMNMN). Trong lúc tình cờ “tâm sự” về quyển sách qua email, ý anh Minh là sẽ trích vài nhận xét ngắn gọn của tôi cho bài nói chuyện của anh trong buổi lễ ra mắt sách anh N.V. Lục vào trưa chủ nhật 1/8 ở Tòa soạn báo Người Việt tại Quận Cam, California.

Tôi vốn đã đọc rất kỹ quyển sách đó, do được một chị bạn tặng dù mới quen ở Tòa soạn báo N.V. lúc tôi ghé đó xem trận bán kết bóng tròn giữa Đức và Tây Ban Nha vào tuần đầu tháng 7. Và đã đọc ngấu nghiến sách đó trong vài ngày sau, say mê đến nỗi đọc lại cả 2 lần những chương mình thích như
“Trí thức miền Nam nhập cuộc”, “Mạn đàm về chế độ đệ nhất cộng hòa” hay “Hai mươi năm, người và việc”.


Thú thật là trong những quyển đã được đọc về đề tài Việt Nam, tôi chưa thấy có quyển nào viết trung thực và cẩn trọng như sách HMNMN, khách quan và tôn trọng tính hàn lâm của một sử liệu có tra cứu và dẫn chứng các sự kiện, ngoài ra còn phần lý luận rất chắc chắn và cách viết hấp dẫn thôi thúc phần suy nghĩ phán đoán riêng cho người đọc.

Như anh Minh đề nghị tóm tắt ý nghĩ về quyển sách vào 2-3 điều thôi, tôi đã xin nói như sau:

1. Đây là quyển sách hay nhất về miền Nam VN, cả về (i) tính cách tài liệu lịch sử, (ii) nghiên cứu chính trị xã hội hay (iii) phê bình văn học, mà tôi đã được đọc trong gần 100 cuốn sách tôi đã có dịp đọc về Việt Nam trong 40 năm qua, cả bằng ngoại ngữ lẫn tiếng Việt.

2. Từ lâu với nhiều kỷ niệm cá nhân êm đẹp của thời mới lớn ở Sài Gòn, tôi ấp ủ cho mình ý nghĩ sẽ viết một quyển bút ký nhỏ đã có tựa đề chọn sẵn từ nhiều năm
“Sài gòn Như Một Tình Nhân”. Nhưng sau khi đọc xong sách NV Lục thì đã bỏ ngay dự định đó vì sách viết tuyệt quá. Tác giả đã nói lên giúp nhiều điều rồi! Và mến mộ tác giả chưa gặp đó và đoán ông chắc chỉ hơn mình vài tuổi, vì ông đã nói hộ hết tâm tư của thế hệ mình ngày đó. Và cho mình tìm lại niềm tự hào của một thuở là thanh thiếu niên Miền Nam VN ngày đó, đã ôm ấp bao lý tưởng mộng mị phục vụ, và rút cục bây giờ chợt thấy chỉ còn bàn tay trắng khi nghĩ về quốc gia đất nước.

Đọc xong quyển sách, tưởng như được rũ sạch nỗi ấm ức cái syndrome từ lâu về một Miền Nam cũ trong giấc mộng. Thật sự từ trên 40 năm nay sau khi du học ở Mỹ lúc tuổi 18 rồi ra trường, sống và đi làm khắp thế giới vẫn chưa tỉnh ra khỏi nó, chưa giải tỏa được cái ấm ức của một "giấc mơ không trọn vẹn", của một thanh niên Miền Nam đầy nhiệt huyết tự tin mà suốt đời vẫn không có minh chủ, không có chỗ dung thân để phục vụ lý tưởng tuổi thanh niên, về sống lại ở Sài Gòn chỉ mang nỗi u hoài tìm lại khoảng thời gian đã mất ("à la recherche du temps perdu"), tìm về không gian cũ đã mất, tìm về cái lý tưởng không còn nữa. Nhìn lại chỉ thấy hàng ngày một mảnh đất tương đối phồn thịnh hơn về vật chất nhưng lại thiếu “phần hồn của ngày xưa”, chứng kiến một thế hệ kém xa thế hệ mình ngày trước về khả năng và lý tưởng dù họ hơn mình về vật chất do có tiền đầu tư nước ngoài đổ vào và sự vùng lên kiếm sống của khối đông thầm lặng luôn nhẫn nại chăm chỉ.

3. Suy rộng thêm, ý kiến chủ quan là sách này nói lên được tiếng nói và mang niềm tự hào có lẽ đã phai nhạt dần cho cả cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là thế hệ 50-70 tuồi bây giờ đã lớn lên hay trưởng thành trong những năm 1960 và 1970 dưới cả 2 thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa, để có chút gì nói lại với con cháu hay các bạn ngoại quốc như sau:

"Chúng tôi từ Miền Nam Việt Nam ra đi với di sản tinh thần của một thời có tự do dân chủ tương đối như khung cảnh đa số các nước Á châu, và mang theo giấc mơ của "một thời đã lỡ (the lost opportunity)" mất dịp xây dựng lên một miền Nam phồn thịnh về kinh tế và độc lập về chính trị như Đại Hàn ngày nay. Những điều kiện ban đầu về tài nguyên vật chất hay con người kể cả khung cảnh chính trị, chúng tôi đều có như so sánh với Đại Hàn thời cựu Tổng Thống Lý Thừa Vãn (khoảng 1958-62), nhưng chúng tôi chỉ thiếu một lãnh đạo anh minh tiếp nối như Park Chung Hee đã là người lãnh đạo cho nước bạn trở thành một con hổ châu Á như ngày nay và vẫn giữ được độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ dù chỉ là 1/2 quốc gia Hàn Quốc."


Từ xa, với tính cách một người đọc, tôi thành thật cám ơn tác giả đàn anh Nguyễn Văn Lục (mà tôi chưa hề quen biết hay nghe nói đến—dù mới biết thêm hôm qua do email của anh Minh là tác giả là em ruột GS Nguyễn Văn Trung khá nổi tiếng ở Văn Khoa những ngày đó lúc tôi còn học bên APM ở Sài Gòn) đã cho tôi sống lại những tự hào của một thời thiếu niên là con dân Miền Nam đó với lý tưởng mộng mị muốn phục vụ một Việt Nam hùng mạnh tương lai, rồi ra đi du học mong trau dồi kiến thức với tâm huyết hừng hực của một thanh niên 20-25, và sau này lúc ra đời làm việc trong nhiều năm tháng vẫn với trái tim tuổi 30 dù mái tóc đã điểm sương, đọc xong sách lại bừng lên sức sống vì nó gợi lại giấc mơ xưa:
"BIẾT ĐÂU CÓ MỘT NGÀY."

.

.

.

No comments: