Obama phục hồi ảnh hưởng của HK ở châu Á khi TQ sẩy chân
Đăng bởi anhbasam on 02/08/2010
AFP
Các chuyên gia đánh giá:
Obama phục hồi ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở châu Á khi Trung Quốc sẩy chân
Lachlan Carmichael
30-07-2010
WASHINGTON – Chính phủ Obama hiện đang phục hồi các ảnh hưởng trước đây của Washington ở châu Á do những sai lầm bởi gã khổng lồ Trung Quốc đang trỗi dậy, làm cho các nước láng giềng nhỏ hơn cầu xin [to turn to sb] Hoa Kỳ đóng vai trò như là một đối trọng, theo các nhà phân tích.
Các chuyên gia cho biết, Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng như các nước còn lại ở châu Á – cho dù là Nam Hàn và Nhật Bản ở Đông Bắc hay Indonesia, Singapore, Việt Nam và Lào ở Đông Nam – tất cả đang tìm kiếm và giữ vững [mối quan hệ] có được từ sự hợp tác.
“Tôi không xem điều này như một cuộc thi. Nó không phải là trò chơi được, mất ngang nhau“, đó là nhận xét của ông Kenneth Lieberthal, phân tích gia thuộc công ty hàng đầu, Brookings Institution, tại Washington, người đã phục vụ cho Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton.
Tuy nhiên Lieberthal nói với AFP rằng việc quay trở lại của Washington trong vai trò truyền thống mạnh mẽ ở Thái Bình Dương có thể làm Trung Quốc khó chịu đến mức làm tổn hại đến quan hệ song phương, tình thế mà cả hai nước đều không có lợi.
“Sự quan tâm rõ ràng là liệu điều này có ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng lên quan hệ của chúng ta với Trung Quốc hay không, hay đây chỉ là loại ổ gà trên đường” (*), ông Lieberthal nói.
Ông nghi ngờ một số lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng, chính phủ Obama sẽ thúc đẩy thái độ quả quyết đối với các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc lên mức trở nên khó khăn hơn cho cường quốc châu Á này (tức Trung Quốc) trong việc có được phương kế riêng của mình trong khu vực.
Các chuyên gia cho biết, sự cân bằng Trung – Mỹ đã thay đổi kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức năm ngoái, hứa hẹn sẽ “trở lại tham gia” trong khu vực mà chính phủ tiền nhiệm George W. Bush đã bỏ qua, do lo tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố.
Kể từ đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có hàng loạt các chuyến viếng thăm không chỉ của Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và các thành viên nội các khác, mà còn có các quan chức cao cấp từ nhiều cơ quan chính phủ khác nhau.
Ông Obama đã tự gọi mình là Tổng thống Hoa Kỳ “Thái Bình Dương” đầu tiên, khi ông được sinh ra và lớn lên ở Hawaii, cũng như đã viếng thăm khu vực [Đông Nam Á] mặc dù ông đã hai lần hoãn kế hoạch đến Indonesia, nơi mà ông đã trải qua một quãng đời thơ ấu.
“Chúng tôi chưa từng thấy có sự quan tâm ngoại giao của Hoa Kỳ đối với khu vực ở mức độ cao như thế, ở mức quan trọng hơn, trong một thời gian dài“, ông Douglas Paal, người đã phục vụ trong chính phủ Mỹ trước đó, nói.
“Nó nhắc tôi về những gì Trung Quốc đã làm sau năm 1998, khi Trung Quốc dường như thức dậy và nghĩ rằng Đông Nam Á rất quan trọng“, ông Paal, bây giờ là một phân tích gia hàng đầu tại Carnegie Endowment for International Peace.
“Trò chơi của Trung Quốc thời gian gần đây đã bị vuột mất“, ông nói.
Theo ông, không chỉ Trung Quốc không còn gửi các nhà ngoại giao “khéo léo nhất” tới Đông Nam Á, mà Trung Quốc còn lo ngại các nước láng giềng như Việt Nam với các bước [đàm phán] đơn phương trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Bây giờ Hoa Kỳ bước vào tình trạng rối rắm này.
Trong chuyến thăm Hà Nội hồi tuần trước tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, một nhóm 27 thành viên, bà Clinton cho biết Washington quan tâm đến việc bảo đảm sự tự do đi lại và tự do thương mại trên Biển Đông.
Trong lời bình luận rõ ràng là có sự phối hợp với các đối tác ASEAN của mình, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ này cho biết, Washington sẽ sẵn sàng tạo điều kiện đàm phán đa phương về các hòn đảo.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì sau đó đã cảnh báo Hoa Kỳ không nên quốc tế hóa vấn đề [Biển Đông], nói rằng các cuộc đàm phán trực tiếp song phương là con đường nên đi.
Điều bà Clinton đã làm là đánh bóng sự tín nhiệm của Hoa Kỳ, như là đối trọng với Trung Quốc.
Hoa Kỳ “đang trở lại trò chơi cân bằng với Trung Quốc theo cách nhìn của nhiều nước trong khu vực, những nước cảm thấy không thể một mình đương đầu với Trung Quốc và họ cần ai đó để kéo họ lại chung với nhau“, ông Paal nói.
Theo ông Paal, Trung Quốc cũng đã làm cho liên minh Washington với Nam Hàn và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn do Trung Quốc không thể hiện lập trường mạnh mẽ qua việc tàu chiến Nam Hàn bị đánh chìm hồi tháng 3, điều mà Seoul nói là do một ngư lôi của Bắc Hàn.
Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), và là nhà tư vấn cho Bộ Quốc phòng, nói rằng các nước châu Á đã lạnh nhạt với Trung Quốc và ấm áp với Hoa Kỳ.
“Hầu hết các nước trong khu vực thực sự hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc“, bà nói, đưa ra ví dụ về các cơ hội mới về đầu tư và thương mại ở đó.
“Nhưng ngày càng có nhiều nước nghĩ rằng các nước đã để cho Trung Quốc làm nhiều điều mà Trung Quốc muốn, rằng ở đó cần phải được cân bằng hơn, và rằng cường quốc có thể làm điều đó tốt nhất là Hoa Kỳ“, bà Glaser nói với AFP.
“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc thực sự đã đi trước chúng ta trong thập kỷ qua và Mỹ hiện nay dường như đang đuổi kịp“, bà nói thêm.
——–
(*) Bumps in the road: ý nói quan hệ hai nước lúc nóng, lúc lạnh nhưng không ảnh hưởng đáng kể. Đoạn này tác giả muốn nói, không rõ liệu quan hệ hai nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hay chỉ nóng, lạnh chút thôi.
Ngọc Thu dịch
Nguồn: http://www.google.com/hostednews/afp/article/ALeqM5iL4tUcnEN8EO7T1Yb1w0uBqQsOfw
.
.
.
No comments:
Post a Comment