Saturday, August 7, 2010

QUYỀN LỰC MỀM và CƠ CHẾ YÊU GHÉT TRONG VIỆC XÉT CHỨC DANH GIÁO SƯ Ở VIỆT NAM

Quyền lực mềm và cơ chế yêu ghét trong việc xét chức danh Giáo sư

Nguyễn Văn Tuấn

Thứ bảy, 07 Tháng 8 2010 22:46

http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/1051-quyen-luc-mem-va-co-che-yeu-ghet-trong-viec-xet-chuc-danh-giao-su

Qui trình tiến phong chức danh giáo sư ở nước ta còn lắm nhiêu khê. Có thể đọc bài "Hành [là] chính trong xét duyệt chức danh giáo sư" để thấy vấn đề hành chính. Nhưng còn vấn đề "quyền lực mềm" nữa. Một trong những vấn đề là sự tồn tại của 2 hội đồng: cơ sở và liên ngành. Có lần người viết bài này nhận xét rằng chính hội đồng cơ sở là một cơ chế quyền lực mềm có thế dẫn dẫn đến tiêu cực. Bài viết sau đây dưới dạng tâm sự của một ứng viên phản ảnh vấn đề với hội đồng cơ sở. Bài viết chỉ lưu truyền trong bạn bè, và tác giả đồng ý cho đăng ở đây. Nhân dịp này tôi cũng xin cám ơn tác giả.

NVT

------------------------------------------

.

Quyền lực mềm và cơ chế yêu ghét trong việc xét chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư

.

Giáo sư, phó giáo sư là các chức danh khoa bảng bậc cao trong nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực KHCN được quyết định bởi đội ngũ các nhà khoa học tinh túy này. Dù được tổ chức theo nhiều mô hình khác nhau, nhưng luôn có một mẫu số chung cho tất cả các trường đại học đẳng cấp quốc tế là đội ngũ đông đảo các giáo sư, phó giáo sư ở các vị trí chỉ đạo nhóm nghiên cứu được thiết kế theo một hệ thống khá hoàn chỉnh. Thông thường mỗi bộ môn (phòng, ban) có một số nhóm nghiên cứu theo những hướng khác nhau và độc lập với nhau (thường là một Lab) và do một GS hoặc PGS phụ trách - làm thủ lĩnh nhóm nghiên cứu. Vì vậy số lượng GS, PGS của một trường đại học lớn có đẳng cấp thường từ vài trăm đến hàng ngàn người. Chỉ khi có người về hưu hoặc mở thêm hướng nghiên cứu thì mới có nhu cầu tuyển đụng GS, PGS thay thế hoặc bổ sung cho nhóm nghiên cứu mới.

.

Ở Việt Nam tuy chưa có thống kê cập nhật có bao nhiêu GS, PGS đang làm việc, nhưng theo ước tính số lượng này vào khoảng trên 3000 người. Đây là một con số quá nhỏ nếu so một quốc gia có dân số 86 triệu và số lượng gần 400 trường đại học. Không những thiếu về số GS, PGS so với nhu cầu mà chất lượng đội ngũ GS, PGS còn khá thấp so với mặt bằng quốc tế. Hơn nữa, phần đông GS, PGS đang làm việc lại tập trung ở một số trường đại học lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong khi nhiều trường đại học ở ta lại không có GS, PGS thuộc diện cơ hữu. Nếu chỉ tính nhu cầu tối thiểu mỗi trường đại học cần 50 giáo sư thì số lượng giáo sư cần cho hệ thống đào tạo đại học của ta sẽ là 20.000 ngàn. Sơ bộ như vậy mới biết nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực KHCN bậc cao cho các trường đại học ở ta là rất lớn. Có được nguồn nhân lực như vậy đã khó nhưng việc tuyển chọn bổ nhiệm những người xứng đáng vào vị trí khoa bảng này cũng không kém phần quan trọng. Trong thời gian qua đã có khá nhiều ý kiến xung quanh việc xét tuyển chức danh GS, PGS ở ta. Thưc tế, cũng đã có một số sửa đổi, cải tiến từ các cơ quan có trách nhiệm, nhưng dường như việc xét chức danh GS, PGS ở ta vẫn còn là một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận và cộng đồng khoa học.

.

Theo thống kê của HĐCDGSNN tính từ đợt xét GS, PGS năm 1980 đến năm 2009, tổng cộng HĐCDGSNN đã phong, công nhận 8398 GS,PGS (1.336 giáo sư và 7.062 phó giáo sư). Còn theo GS Đỗ Trần Cát, nguyên tổng thư ký HĐCDGSNN, tính đến tháng 11 năm 2006 cả nước có 1.217 GS, 5.975 PGS. Tuy nhiên, quá nửa số đó đã nghỉ hưu. Chỉ có khoảng 20% GS dưới 60 tuổi.

.

Việc xét chức danh GS, PGS ở ta đã được thực hiện khá bài bản từ năm 2001 đến nay mặc dù còn nhiều điểm, nhiều tiêu chí cụ thể “không giống ai” nhưng ít nhất cũng đã tạo ra một đội ngũ GS, PGS cho đất nước. Từ năm 2009, quy định mới đã có một vài cải tiến như i) quy trình xét và bổ nhiệm chức danh GS, PGS được phân định thành 2 khâu là khâu xét đủ tiêu chuẩn và khâu xét bổ nhiệm, ii) nhấn mạnh hơn thành tích nghiên cứu bằng việc chấm điểm cao gấp 2 lần đối với các bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế và quốc gia có uy tín; iii) yêu cầu các ứng viên phải giao tiếp được bằng tiếng Anh,v.v. Tuy có một số thay đổi như trên, nhưng nhìn chung về cơ bản việc xét chức danh GS, PGS ở ta hiện nay vẫn dựa trên cái khung tư duy cũ đó là coi việc xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS như việc phong tặng các chức tước khoa bảng cho nhà khoa học hơn là việc xét tuyển những nhà khoa học có đủ phẩm chất vào các vị trí thủ lĩnh trong nghiên cứu và giảng dạy đại học. Điều này cũng có nghĩa là việc xét chức danh GS, PGS ở ta không căn cứ vị trí, nhu cầu của một trường đại học hay một cơ sở giáo dục mà bất kỳ ai, dù không trực tiếp giảng dạy, thậm chí cả những ứng người đã về hưu vẫn có thể đăng ký chức danh GS, PGS và cũng được xem xét phong tặng, không cần biết xét phong tặng xong có cần cho nhiều vị trí còn trống trong hệ thống nghiên cứu và đào tạo hay không. Mặt khác, việc xét tặng GS, PGS ở ta hầu như không dựa vào năng lực hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai của một ứng mà lại xem nặng các tiêu chí thành tích trong quá khứ để phong tặng. Vì vậy, không khó hiểu khi xét quả xét tặng phần lớn người đạt chuẩn GS, PGS là những người đã lớn tuổi mà rất ít người trẻ. Rõ ràng việc xét chức danh GS/PGS theo quy trình hiện nay bên cạnh những cái được còn nhiều vấn đề cần được xem xét.

.

Những mảng sáng - tối

Mặc dù tiêu chí và các tiêu chuẩn của việc xét công nhận chức danh GS, PGS trên văn bản được quy định tưởng như là khá rõ ràng và minh bạch. Tuy nhiên, trong thực tế một số quy định được hiểu và lượng hóa không hề dễ dàng. Ngoài những tiêu chí “cứng” có thể lượng hóa được lại có những tiêu chí “mềm” chỉ phụ thuộc vào ý chí cá nhân người tham gia HĐCDGS là người có quyền bỏ phiếu quyết định. Vì vậy, quy trình xem xét công nhận CDGS vẫn còn khá nhiều phức tạp và bất cập, trong đó nổi lên hai vấn đề liên quan đến 2 khâu quan trọng nhất là khâu thẩm định hồ sơ và khâu bỏ phiếu tín nhiệm.

Khâu thẩm định hồ sơ của ứng viên: là khâu quan trọng nhất nhằm lượng hóa thành tích nghiên cứu, giảng dạy của ứng viên xem có đáp ứng tiêu chuẩn xét chức danh GS/PGS hay không. Nhưng thực tế, việc thẩm định này không hề đơn giản, do các quy định hướng dẫn cho điểm còn khá mập mờ và linh động. Ví như người thẩm định có thể cho từ 0-2 đối với công bố trên tạp chí có uy tín, từ 0-1 đối với công bố trên tạp chí quốc gia loại 1 và từ 0-0,5 đối với công bố trên tạp chí quốc gia loại 2. Việc xác định Tạp chí quốc gia loại 1 hay loại 2 cũng rất linh động, vì cùng một tập chí nhưng đối với ứng viên ngành này thì được coi là loại 1, nhưng với ứng viên ngành khác thì là loại 2 (?). Việc quy định không rõ ràng như vậy gây khó cho người thẩm định, kết quả thẩm định và cho điểm lại còn phụ thuộc vào trình độ, năng lực thẩm định và cách hiểu của người thẩm định hồ sơ. Thực tế khá nhiều người chịu trách nhiệm thẩm định nhưng chưa bao giờ có công bố quốc tế nên cũng không biết tạp chí nào thuộc danh sách ISI (danh sách tạp chí SCI và SCIE được Thompson Institute of Information xếp loại) nên đã không tính theo thang điểm được quy định từ 0-2, gây thiệt thòi cho ứng viên. Việc tính điểm sách giáo trình cũng vậy, có trường hợp ứng viên có giáo trình được xuất bản nộp lưu chiểu và thực tế đang được sử dụng để giảng dạy nhưng vẫn không được tính điểm bởi vì cho các bài báo trên tạp chí có uy tin không có biên bản thẩm định của Hội đồng khoa học cơ sở đào tạo. Cũng vì cách hiểu và cho điểm khá linh động này mà số điểm công trình của ứng viên có thể xê dịch khá lớn, thậm chí từ gấp rưỡi đến gấp đôi dẫn đến kết quả cũng rất khác nhau đối với một ứng viên, từ mức điểm thực tế thừa thành thiếu so với quy đinh và cũng có thể cho kết quả ngược lại.

Thực ra, ở nhiều nước trên thế giới việc bổ nhiệm các vị trí khoa bảng này thường do các trường quyết định hoặc ở một số ít nước nước do trường tuyển chọn và nhà nước ra quyết định bổ nhiệm. Do truyền thống, uy tín và thương hiệu của trường mà họ có cách thức để tuyển chọn được những người xuất sắc nhất trong số các viên tham gia xét tuyển. Việc xét tuyển và bổ nhiệm thường đơn giản hơn, công khai, minh bạch nhưng mang lại kết quả chuẩn xác hơn. Các ứng viên có thể giới thiệu nhà khoa học đồng nghiệp có uy tín gần và chuyển môn tham gia thẩm định hồ sơ. Tiêu chí chủ yếu để xét tuyển các vị trí khoa bảng này là thành tích nghiên cứu khoa học được xác định trên cơ sở số lượng và chất lượng công bố của ứng viên (Số lượng bài báo khoa học công bố, tổng số lần trích dẫn các bài báo và hệ số ảnh hưởng của tập chí khoa học). Các công bố quốc tế được thẩm định khá dễ dàng vì phần lớn tạp chí quốc tế đã được xếp hạng và có hệ số ảnh hưởng (impact factor-IF) và các kết quả này cũng được yêu cầu trình bày rõ trong hồ sơ của ứng viên. Vì vậy, công việc của Hội đồng xét tuyển là thẩm khai báo trong hồ sơ của ứng viên và thư tiến cử của các nhà khoa học có uy tín để thông qua quyết định tuyển chọn đối với ứng viên có thành tích khoa học cao nhất.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan, ĐH Sydney, Australia): Đề bạt giáo sư ở các đại học trên thế giới thường dựa vào 4 tiêu chuẩn chính: thành tích hoạt động khoa học, giảng dạy và quản lí bộ môn, khả năng thu hút tài trợ cho nghiên cứu, và hoạt động cộng đồng. Trong 4 tiêu chuẩn này, thành tích hoạt động khoa học được xem là tiêu chuẩn số 1, còn các tiêu chuẩn khác cũng được xem xét nhưng trọng lượng không cao.

Khâu bỏ phiếu tín nhiệm khâu cuối cùng sau khi thẩm định hồ sơ ứng viên và nghe ứng viên trình bày báo cáo tổng quan – không những là một tiêu chí cần và đủ mà còn được coi là khâu quyết định. ở ta. Quả thật, một vị GS và chủ tịch một Hội đồng GS ngành nhận xét khâu này quyết định đến 80% số phận một ứng viên (!) vi thực tế không ít ứng viên dù có “non” về các tiêu chuẩn cứng nhưng đủ số phiếu tín nhiêm vẫn được thông qua, trong khi đó không ít ứng viên có đủ thậm chí thừa điểm công trình nhưng tỷ lệ “tín nhiệm” không đủ vẫn trượt. Thực tế, trong đợt xét chức danh GS, PGS vừa qua tại một HĐCDGS ngành đã có tới 2/3 ứng viên bị loại chỉ vì không đủ phiếu tín nhiêm, mặc dù phần lớn họ đã được Hội đồng cơ sở thẩm định đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo quy định.

Tại sao việc bỏ phiếu tín nhiệm lại có ý nghĩa quyết định như vậy và tiêu chuẩn tín nhiệm có thực sự cần và có phản ánh đúng chất lượng của một ứng viên GS/PGS hay không là điều mà chúng ta cần phải bàn. Trước hết, những người thiết kế quy trình xét và bổ nhiệm GS/PGS cho rằng đây là tiêu chí quan trọng vì phiếu tín nhiệm thể hiện uy tín của một ứng viên trong công đồng khoa học. Cái gọi là “uy tín” mới nghe qua tưởng như có lý nhưng thực tế lại khó thuyết phục trong nhiều trường hợp ứng viên có thành tích khoa học, thậm chí được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhưng lại không đủ uy tín khi xét chức danh GS, PGS ở Việt Nam. Phải chăng nhiều người trong chúng ta đã nhầm lẫn uy tín trong khoa học với các quan hệ yêu ghét rất đời thường. Mà một khi đã quy về quan hệ xã hội thì nảy sinh nhiều cách đánh giá phi khoa học. Mặc dù trong quy định tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cũng đã đề cập khá rõ những phẩm chất đạo đức, nhân cách khoa học mà ứng viên cần đáp ứng. Phải chăng những tiêu chí này đã thể hiện uy tín của một ứng viên GS, PGS.

Tiêu chuẩn chung của chức danh GS, PGS là: / Có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục, nghĩa là ứng viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo (theo quy định tại các Điều 70 và 72 của Luật Giáo dục năm 2006); 2/ Trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Suy cho cùng, uy tín của ứng viên chính là phẩm chất đạo đức cộng với tích nghiên cứu và giảng dạy của ứng viên. Mà những điều này đã thể hiện trong hồ sơ và có thể dễ dàng thẩm định chứ không nhất thiết phải phải tạo ra một tiêu chuẩn “mềm” khác. Nhất là tiêu chuẩn đó lại quyết dịnh bởi lá phiếu tín nhiệm của các thành viên hội đồng. Ngay cả yêu cầu tỷ lệ tín nhiêm là 2/3, 3/4, 2/3 đối với mỗi HĐCD từ HĐ cấp cơ sở đến HĐ cấp nhà nước cũng không xuất phát từ cơ sở nào cả. Tại sao lại 2/3 đến 3/4 mà không phải là trên 50%. Thậm chí tỷ lệ phiếu tín nhiệm trên là tính chung cho tất cả thành viên của Hội đồng trên giấy thay bằng chỉ tính tỷ lệ tín nhiệm trên số thành viên có mặt (?). Vì sự bất cập này mà các thành viên vắng mặt lại mặc nhiên được coi là những phiếu chống. Khác với các tiêu chuẩn “cứng”, là các tiêu chuẩn ít nhất còn có thể lượng hóa và “đong đếm được”, tiêu chuẩn “mềm” này thực tế chỉ dựa trên cảm tính yêu hay ghét, thích hoặc không thích theo mối quan hệ cá nhân của các thành viên hội đồng với ứng viên mà đưa ra quyết định thiếu khách quan.

.

Như vậy, rõ ràng việc xem xét thẩm định cả hai khâu cứng và mềm rất co giãn phụ thuộc vào cơ chế yêu ghét của các thành viên HĐCDG và trong thực tế tác động của cơ chế yêu ghét cũng rất khác nhau phụ thuộc vào cách hiểu và cách hành xử khác nhau giữa các Hội đồng: yêu thì cho điểm tối đa và bỏ phiếu tín nhiệm, còn không yêu thì cho điểm thấp và bỏ phiếu chống. Cũng vì vậy, số phận của không ít ứng viên đã được định đoạt bằng cảm tính tính yêu – ghét này. Thực tế không ít ứng viên xứng dáng thậm chí thừa các tiêu chuẩn theo quy định nhưng vẫn bị loại bởi phiếu “tín nhiệm và ngược lại, không ít ứng viên chưa xứng đáng vẫn được thông qua (?). Cũng chính cái cơ chế yêu ghét mà không ít ứng viên đã phải vất vả chạy chọt để có đủ phiếu “tín nhiệm” của hội đồng. Theo một GS - nguyên là Chủ tịch HĐGS ngành cho biết hầu như 100% ứng viên trong ngành của ông đã phải lobby hậu trường để chắc chắn có được sự ủng hộ của các thành viên Hội đồng. Dư luận cũng không quá ngạc nhiên tại sao kết quả xét chức danh GS, PGS quá khác biết, trong một số ngành như Y, Dược, Kinh tế, Nông ngiệp, Thủy lợi có tỷ lệ khá cao, trong khi một số ngành khác lại không được như vậy. Tin rằng không phải tất cả thành viên HĐCDGS hay tất cả các ứng viên đều hành xử theo cảm tính yêu ghét nhưng chắc chắn chuyện yêu ghét không còn là chuyện hiếm.

Quyền lực mềm và cơ chế yêu ghét không những làm méo mó, biến dạng kết quả xét chức danh GS, PGS ở ta mà nó cũng góp phần làm tha hóa nhân cách đội ngũ tinh hoa của đất nước. Nếu không có cách loại bỏ, chúng ta khó đạt được mục tiêu chung của Hội đồng CDGSNN là chọn người xứng đấng để bổ nhiệm vào các vị trí GS, PGS. Điều trớ trêu là không ít các vị trong các HDCDGS các cấp lại là những người không những đề cao mà còn luôn giao giảng về sức mạnh của quyền lực mềm.

Thực tế cho thấy tiêu chuẩn “tín nhiệm” chính là sự thách đố đối với bất kỳ ứng viên nào. Đã không ít người chán nản bỏ cuộc vì khó vượt qua cái “rào cản tín nhiệm” này. Một số người vì quá khảng khái đã không đăng ký chức danh GS, PGS vì họ không muốn bị tổn thương lòng tự trọng và danh dự cá nhân để thách đố với quyền lực mềm và cơ chế yêu ghét đang hiện hữu.

Chừng nào mà các thành viên Hội đồng - những nhà khoa học có đẳng cấp và có uy tín xã hội và cộng đông khoa học vẫn còn tôn thờ cách hành xử “phi khoa học” và dung dưỡng cái “vòng xoáy yêu ghét” này thì chắc chắn còn nảy sinh nhiều tiêu cực. Một khi các thành viên Hội đồng chưa thoát khỏi cái bóng của chính mình thì không chỉ họ tự đánh mất niềm tin và uy tín của trước xã hội, trước cộng đồng khoa học, mà chắc chắn nền KHCN của đất nước sẽ không bao giờ đi vào quỹ đạo phát triển lành mạnh để lớn nổi bằng người.

.

Giải pháp nào để giảm thiểu tác động của quyền lực mềm

Trong tương lai gần chắc chắn việc xét tuyển chức danh GS, PGS sẽ phải gắn với các trường đại học và do các trường đại học tự quyết định. Xu hướng cải cách giáo dục đại học, giao quyền tự chủ cho trường đại học theo tiêu chí quốc tế, không còn là chuyện nên hay không mà vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Khi đó chắc chắn việc xét tuyển chức danh GS, PGS cũng sẽ trở nên đơn giản, minh bạch hóa và cũng chuẩn xác hơn. Chắc chắn khi đó quyền lực mềm và cơ chế yêu ghét sẽ không còn môi trường để tồn tại.

Trong khi hướng tới một tương lai như vậy, chúng ta cũng nên vafv có thể thay đổi và làm được ngay một số việc để loại bỏ hoặc chí ít cũng giảm thiểu những yếu tố yêu ghét đang lộng hành.

Trước mắt, HĐCDGSNN cần có cơ chế công khai, minh bạch trong việc thẩm định và cho điểm công trình khoa học. Theo quy định trong hồ sơ ứng viên có thể tự mình chấm điểm công trình, vì hơn ai hết ứng viên là người rõ nhất những gì mình có. Nhưng nếu ứng viên tự chấm điểm để biết thôi thì chẳng chẳng để làm. Nên chăng việc tự chấm điểm của ứng viên cũng cần được tham khảo và đối chiếu với kết quả chấm điểm của người thẩm định. Trong trường hợp nếu có sự khác biệt lớn (ví dụ khác biệt 20% trở lên) giữa số điểm của người thẩm định với điểm ứng viên tự đánh giá thì các HĐCDGS nên tạo cơ hội cho ứng viên gặp mặt công khai người phản biện với sự chứng kiến của thường trực HĐCDGS để so sánh và làm sáng tỏ sự khác biệt trên.

Theo quy trình xét chức danh GS, PGS hiện nay thì hầu như ứng viên chỉ có vai trò và trách nhiệm “một chiều” trong quá trình xét. Mặc dù ứng viên là đối tượng trung tâm trong cả quá trình xem xét, nhưng ngoài quyền nộp hồ sơ, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Hội đồng CDGSNN và chấp nhận kết quả phán xét của các Hội đồng chức danh thì ứng viên không có quyền nào khác, ít nhất là quyền được biết và phản hồi về các quyết định sai trái đối với mình. Vì vậy, để công khai, minh bạch quá trình xem xét, ứng viên cũng cần được tham gia đối chiếu kết quả thẩm định, làm sáng tỏ sự khác biệt nếu có và được thông báo lý do không được thông qua. Trong trường hợp chưa thực sự “tâm phục, khẩu phục” ứng viên có quyền khiếu nại tới Hội đồng CDGSNN.

Cần xem xét khâu bỏ phiếu tín nhiệm. Như đã phân tích ở trên, trong hồ sơ xét chức danh GS, PGS hầu như đã thể hiện và hội đủ cả tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của ứng viên, nên không cần thiết phải có tiêu chuẩn tín nhiệm riêng. Thay vào việc bỏ phiếu tín nhiệm, các Hội đồng nên bỏ phiếu công khai xác định kết quả thẩm định hồ sơ là đúng và đủ tiêu chuẩn quy định hay không và trong trường hợp này số phiếu quá bán sẽ có hiệu lực. Như vậy, nếu không có lý do xác đáng, mọi tiêu chuẩn của ứng viên đều đáp ứng đủ mà HĐCDGS vẫn không thông qua thì Hội đồng CDGS cấp trên có quyền xem xét lại và đưa ra quyết định cuối cùng trên cơ sở khiếu nại của ứng viên.

Ngoài ra, HĐCDGSNN cũng cần có cơ chế giám sát trách nhiệm xã hội đối với các HĐCDGS cấp dưới. Bởi lẽ, về nguyên tắc các HĐCDGS này được trao quyền lực rất lớn nhưng lại không phải chịu trách nhiệm nào đối với nhà nước, xã hội và cộng đồng khoa học. Cũng như bất kỳ tổ chức quyền lực nào khác trong hệ thống chính trị, xã hội, chúng ta không thể giao phó quyền lực cho các HĐCDGS mà lại thiếu cơ chế kiểm tra giám sát quyền lực. Chính vì vậy, các HĐCDGS cũng cần được đặt trong sự giám sát và phải chịu trách nhiệm xã hội về các quyết định của mình. Để làm được việc này Hội đồng CDGSNN cần thành lập một Ban Thanh tra nhằm giám sát hoạt động của các HĐCDGS (như thanh tra giáo dục khác). Ban này hoạt động độc lập với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các HĐCDGS và sẵn sàng nhận đơn và giải quyết các khiếu nại phát sinh nếu có.

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2009

========

Nỗi buốn của một ứng viên giáo sư

Là ứng viên đăng ký xét chức danh giáo sư tại một Hội đồng CDGSCS của một Viện tầm cỡ “quốc gia”, “đầu ngành” tôi muốn chia xẻ đôi điều với các đồng nghiệp quan tâm về việc này. Chả là năm nay là năm thứ hai đăng ký xét chức danh Giáo sư, nhưng vẫn “trượt vỏ chuối” chỉ vì với cùng một lý do duy nhất như năm trước: không đủ phiếu tín nhiệm của Hội đồng: (thành tích tín nhiệm năm ngoái là 3/9, còn năm có tiến bộ hơn cũng chỉ đạt 4/9). Đây là một hiện tượng bất bình thường, không biết giải thích thế nào, cũng chẳng biết phải phấn đấu ra sao để hoàn thiện mình nữa. Để đồng nghiệp hiểu được tôi xin phép được “trích ngang” hồ sơ đăng ký xét chức danh GS của tôi như sau:

Về thành tích nghiên cứu: i) Có 98 bài báo khoa học, trong đó có 12 bài công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh sách SCI. ii) Đã xuất bản 8 đầu sách (gồm 4 sách chuyên khảo (trong đó 1 quyển thuộc Bộ sách chuyên khảo có uy tín của Viện KH & CNVN), 2 sách tham khảo và 2 giáo trình với đủ xác nhận. iii) Tổng số điểm quy đổi “tính khiêm tốn” là khoảng 45 điểm, trong đó khoảng 14 điểm sách. Thực ra, so với các đồng nghiệp bên các ngành lý thuyết thì thành tích này còn quá khiêm tốn, nhưng bên thực nghiệm thì số điểm này cũng đã vào loại cao trong Viện.

Về thanh tích đào tạo: i) Có 12 thâm niên giảng dạy cao học, tham gia dạy 4 môn cho Chương trình cao học tại Cơ sở đào tạo Viện. ii) Đã hướng dẫn chính thành công 01 NCS bảo vệ tiến sĩ năm 2006. Đang hướng dẫn chính 02 NCS người Việt Nam tại một đại học nỏi tiếng ở Tây Âu (theo Chương trình học bổng sandwich, một quỹ tài trợ rất danh giá với đủ hợp đồng hướng dẫn NCS được ký bởi cơ quan cấp học bổng, University Rector, professor đồng hướng dẫn phia Tây và phía Việt Nam cùng với NCS). iii) Đã hướng dẫn 03 sinh viên cao học.

Về tư cách, đạo đức; Được khá nhiều đồng nghiệp trong Viện “khen” là một trong những người “tiên phong” trong hoạt động khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế. Cũng được nhiều người khen thuộc dạng “to mồm”, thỉnh thoảng tham gia viết bài về các vấn đề KHCN, GD ĐT. Là trưởng phòng nghiên cứu lâu năm, Nghiên cứu viên cấp cao từ năm 2007, Là Ủy viên Hội đồng khoa học Viện, Thành viên Hội đồng Khoa học một ngành của NAFOSTED (là những người có thành tích công bố quốc tế nổi bật trong ngành). Thậm chí về chính trị còn là Bí thư chi bộ Đảng nhiều nhiệm kỳ vì “muốn thôi mà chưa được”.

Chà, như bản lý lich tự thuật chi tiết. Quả thật tôi cũng không muốn “khoe khoang cá nhân” một cách “thượng vàng hạ cám” ở đây, nhưng vì không muốn các đồng nghiệp “nghĩ oan” cho rằng chắc tôi cũng là “người như thế nào đó” nên mới có “tín nhiệm” thấp như vậy.

.

Từ đợt xét năm 2009 một số giáo sư Hội đồng ngành tham gia thẩm định Hồ sơ đăng ký xét GS của tôi đều thừa nhận đây là một hồ sơ mạnh, không biết sao HĐGSCS không thông qua. Qua 2 lần đều bị loại ở vòng thấp nhất số phiếu “tín nhiệm” quá thấp đến mức ngỡ ngàng, không biết phải hiểu thế nào về cái “Hội đồng nhà” của mình Mà đâu có xa lạ gì, thành viên Hội đồng đều là các đồng nghiệp “gần gũi”, không hề có xích mích hoặc tranh chấp quyền lợi cá nhân. Thậm chí lâu ngày có gặp nhau còn hồ hởi ‘tay bắt, mặt mừng” là khác. Ấy vậy mà khi có chút “quyền lực mềm” người ta vẫn sẵn sàng “xử khó với nhau” như người dưng, nước lã. Dù đã định bụng là đừng nên bận tâm quá nhưng khổ nõi mỗi lần gặp đồng nghiệp Hội đông nhà lại phải nghe một câu an ủi như: thật ra thì “phần cứng” của ông mạnh rồi chỉ mỗi “phần mềm” thì không biết thế nào mà thôi. Thậm chí sau mỗi lần tín nhiệm, một số đồng nghiệp Hội đồng còn hào phóng thông tin là thật tiếc tôi đã bỏ phiếu “ủng hộ’ cho ông nhưng vẫn còn nhiều người trong Hội đồng không ủng hộ. Khổ nỗi, cả 2 lần được trình bày báo cáo tổng quan, nhiều thành viên Hội đồng còn chân tình nhận xét là báo cáo chuẩn, trình bày mạch lạc, đáp ứng theo yêu cầu… chỉ cần lưu ý vài lỗi nhỏ về câu cú, ngữ pháp, tiếng Anh để trình bày ở Hội đồng ngành cho “hoành tráng” xứng đáng với “tầm cỡ GS” mà thôi. Thuộc dạng bôn ba hải ngoại, làm việc với Tây nào cũng thoải mái, chẳng ngại, thế mà cũng “run” khi gặp mấy đồng nghiệp ngồi trong “Hội đồng nhà” vì họ cười đấy, chân tình đấy, nhưng chẳng biết chân tình thật hay không. Có lẽ ai trong hoàn cảnh này cũng cảm thấy “bất lực” chẳng biết phải như thế nào cho phải.

Rõ ràng trường hợp của mình đâu phải do hồ sơ kém, không đạt điểm này điểm khác hay do tư cách đaọ đức của ứng viên “có vấn đề” mà chẳng qua do “quân mình làm khổ quân ta” hay do tư tưởng tiểu nông hẹp hòi, không muốn ai hơn mình. Quả thật, cả Viện trước đây có hang chục giáo sư, nay chẳng còn GS nào mà chỉ lôm nhôm một chục PGS. Mà cũng lạ, thời buổi cởi mở, hội thập này mà không thấy ai dám công khai khuyến khích đăng ký xét CDGS, thậm chí một số người thấy đồng nghiệp đăng ký còn cho là bạo gan, dũng cảm. Vì nhiều người vẫn nghĩ rằng PGS thì dễ còn GS là cài gì đó ghê gớm lắm chứ đâu phải chuyện thường, phải là những nhà khoa học tầm cỡ , phải là TSKH thì mới nên đăng ký chức danh GS. Khi không được vài người còn tỏ ra thông cảm và chân tình khuyên “nên tạm nghỉ vài năm” xem sao đã. Nhiều lúc nghĩ cái Viện đầu ngành này, giữa một Trung tâm khoa học lớn nhất mà như cái ốc đảo, tách biệt với thế giớ bên ngoài.

Cũng lạ là trong khi tôn cao cái chức danh GS thì nhiều người lại hạ thấp chức danmh PGS đến mức một vài ứng viên PGS trình bày báo cáo tổng quan hầ như lạc đề, chẳng ăn nhập gì với yêu cầu tối thiểu của một bản tổng quan thì người ta lại đồng thuận ban cho đủ phiếu tín nhiệm và được khuyến khích sửa lại hồ sơ để báo cáo ở Hội đồng ngành. Thật tế, không ít người mạnh về khoa hoc nhưng vì “khảng khái” hoặc hay “phát biểu” thì “bị ghét”, còn khá nhiều người quỵ lụy, chạy chọt cho đủ “giờ dạy”, đủ “điểm công trình” thì lại “đươc yêu”, được ban phát “tín nhiệm” vô tư.

Có lẽ vì tình trạng lộn xộn này mà khá nhiều PGS trong Viện tuyên bố sẽ không bao giờ đăng ký chức danh GS để “trườn mặt” cho người khác “hành” à. Đây là một thực tế đáng buồn tại một sơ sở nghiên cứu và đào tạo thuộc loại “đầu ngành” mà nhiều người vẫn thích dìm nhau xuống. Trong khi nhiều Viện, Trường đã thức tỉnh khi ý thức được tầm quan trọng của đội ngũ khoa bảng đẳng cấp cao mà có cả chiến lược tạo uy tín, thương hiệu cho Viện, Trừng bằng cách đôn nhau lên để có được nhiều GS, PGS.

Cũng vì tình cảnh trên đây, một số đồng nghiệp quen biết khuyên tôi nên đăng ký xét CD GS ở Hội đồng khác. Còn nếu cứ trung thành với “Hội đồng nhà” thì chỉ tổ mất thời gian, công sức và mua “cái bực”, “cái thất vọng” vào người mà thôi.

Năm ngoái, cũng vì thất vọng khi không đủ tín nhiệm tôi đã gọi điện cho vài GS ở Hội đổng CDGDNN trao đổi về những bất cập trong việc xét CD GS, PGS. Tôi cũng viết một bài về “Quyền lực mềm và cơ chế yêu, ghét trong các Hội đồng xét CD GS”, rất tiếc báo Tia Sàng cũng chỉ dám đăng một đoạn ngắn đã cắt xén gai góc của bài viết. Một số đồng nghiệp cũng đã phản ánh trên mạng về kết quả “trái khoáy” của tôi chỉ vì không đủ “tín nhiệm”. Nay một lần nữa vấn đề tín nhiệm lại làm tôi day dứt chẳng biết chi xẻ cùng ai. Vì vậy, viết thêm mấy dòng này mong các anh ở Thường trực Hội đồng nắm được thực tế của việc xét GS, PGS hiện nay và cùng suy nghĩ để thay đổi tận gốc cái quy trình tưởng là “công việc cao quý” của những người thuộc đẳng cấp cao của xã hội, lại đang trở thành một “trò hề’ ở không ít Hội đồng hiện nay.

Trong bài bài viết năm ngoài tôi đã trình bày “bức xúc” là mặc dù là đối tượng trung tâm trong cả quá trình xem xét, nhưng theo quy trình xét chức danh GS, PGS hiện nay thì hầu như các ứng viên chỉ có trách nhiệm “một chiều”. Đó là quyền nộp hồ sơ, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Hội đồng CDGSNN, quyền gọi dạ bảo vâng và quyền chấp nhận kết quả ban phát tín nhiệm của các Hội đồng thì ứng viên chẳng có quyền nào khác. Nên chăng, đối tượng trung tâm cũng nên có quyền được biết, được phản hồi các quyết định sai trái đối với mình. Vì vậy, để công khai, minh bạch quá trình xem xét, ứng viên cũng cần được tham gia đối chiếu kết quả thẩm định, làm sáng tỏ sự khác biệt nếu có và được thông báo lý do không được thông qua. Trong trường hợp chưa thực sự “tâm phục, khẩu phục” ứng viên có quyền khiếu nại tới Hội đồng CDGSNN”.

Nghĩ cũng kỳ, mấy cái chức danh khoa bảng “vô thưởng, vô phạt”, mặc dù nếu có được chắc cũng “oai hơn” nhưng để có được cũng khó đáo để. Trong khi đó muốn có cái chức danh nghiên cứu viên cấp cao ứng viên phải thi cử mấy môn, nhưng hầu như chẳng có ai trượt, khi thi được lại do Bộ trưởng Nội vụ ký quyết định bổ nhiệm, được tăng lương đàng hoàng thì lại quá dễ mà cũng chẳng thấy ai kèn cựa cả.

Hà nội, ngày 6 tháng 8 năm 2010

.

.

.

No comments: