Wednesday, August 4, 2010

ĐA PHƯƠNG LÀ CÁCH DUY NHẤT KHẢ THI CHO VỤ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

Đa phương là cách duy nhất khả thi cho vụ tranh chấp Biển Đông

Duy Ái - VOA

Thứ Tư, 04 tháng 8 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-territorial-disputes-08-04-2010-99936269.html

Tại cuộc họp hôm 23 tháng 7 của Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội, phái đoàn Việt Nam đã cùng với 11 phái đoàn khác, trong đó có Hoa Kỳ, lên tiếng cổ xướng cho việc áp dụng đường lối đa phương để tìm kiếm giải pháp cho vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Ðông. Tại cuộc họp này Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã chính thức tuyên bố rằng hòa bình ổn định, tự do đi lại, và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Ðông là “quyền lợi quốc gia” của Hoa Kỳ. Diễn tiến được mô tả là “quốc tế hóa” tranh chấp biển Ðông và sự can dự Mỹ vào vấn đề này đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội từ phía Trung Quốc.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Biển Ðông, cho đài VOA biết rằng vì hiểu rõ những điểm yếu trong các luận điểm pháp lý của mình đối với tranh chấp này nên Trung Quốc muốn dùng đàm phán song phương để dựa vào tiềm lực kinh tế cũng như sức mạnh quân sự của mình nhằm “bẻ gãy từng chiếc đũa hơn là một bó đũa” đối với các bên tranh chấp khác. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết qua cuộc phỏng vấn do Duy Ái thực hiện sau đây.

VOA: Theo chỗ chúng tôi được biết, trong cuộc hội thảo về Biển Đông do nhiều học giả Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hồi gần đây tại Đại học Temple ở Hoa Kỳ ông đã đóng góp một bài tham luận có tên “Tranh Chấp Biển Đông và Một Số Vướng Mắc của Luật Quốc Tế”. Xin ông vui lòng cho thính giả VOA được biết nội dung sơ lược của tham luận này.
GS Hoàng Việt: Trong tham luận này tôi muốn gợi mở một số vấn đề: Thứ nhất, việc giải quyết tranh chấp biển Đông phải sử dụng phương pháp hòa bình, và như vậy phải dựa vào luật pháp quốc tế; Thứ hai, dựa vào luật pháp quốc tế thì dựa vào những quy định nào? Bởi vì luật quốc tế nó không giống luật quốc nội. Như vậy thì chúng ta phải dựa vào các nguồn của luật quốc tế. Tuy nhiên, nguồn của luật quốc tế rất khác nhau, đặc biệt phải dựa vào nhiều án lệ trước đó. Tranh chấp biển Đông là một trong những tranh chấp phức tạp nhất thế giới, cho nên chưa có án lệ nào trước đó hoàn toàn giống như trong tranh chấp biển Đông, vì thế các án lệ chỉ được xem xét để giải quyết một phần nào của vấn đề. Nhưng luật pháp thì luôn tồn tại những “khoảng trống”, tức là có nhiều vấn đề luật chưa giải quyết được, cho đến thời điểm này. Vì vậy, phải có nhiều nghiên cứu để tìm cách lý giải các vấn đề này.

VOA: Chắc ông cũng đồng ý là những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ rất khó giải quyết và phần lớn những vụ đã được giải quyết xong đều phải y cứ vào luật pháp quốc tế và dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thực lịch sử và tinh thần tương kính, tương nhượng. Ông đánh giá như thế nào về thiện chí của các bên liên quan trong vụ tranh chấp Biển Đông và triển vọng giải quyết vụ tranh chấp này.

GS Hoàng Việt: Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp trong việc giải quyết tranh chấp, đó là sự thiện chí. Như tôi đã nói, luật pháp quốc tế trong tranh chấp này rất phức tạp và chứa đựng nhiều điều không rõ ràng, mỗi một nhà nghiên cứu lại có góc nhìn của riêng mình. Theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp trên thế giới nói chung thì có thể giải quyết bằng biện pháp thương lượng giữa các bên, hoặc hòa giải bởi một bên thứ ba, hay là sử dụng biện pháp tài phán, tức là đưa ra phân xử tại các Tòa án quốc tế. Trong tất cả các phương pháp đó, đều cần phải có sự thiện chí của tất cả các bên. Nói một cách ngắn gọn, nếu chỉ cần một trong các bên không có thiện chí thì tranh chấp gần như không thể giải quyết được.

VOA: Chắc ông cũng rõ là Trung Quốc đã cực lực chỉ trích Hoa Kỳ về việc cổ xướng cho đường lối đa phương để giải quyết vụ tranh chấp ở Biển Đông. Xin ông cho biết ý kiến về lập luận của Trung Quốc cho rằng đàm phán đa phương chỉ làm cho tình hình phức tạp thêm chứ không ích lợi gì.
GS Hoàng Việt: Như tôi đã trình bày trong một số bài viết, lập trường của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp biển Đông là thông qua biện pháp thương lượng song phương. Trung Quốc luôn kiên trì quan điểm này. Trung Quốc hiểu rất rõ những điểm yếu trong các luận điểm pháp lý của mình đối với tranh chấp này, cho nên Trung Quốc muốn dùng đàm phán song phương để dễ dàng thông qua tiềm lực kinh tế cũng như sức mạnh quân sự của mình nhằm “bẻ gãy từng chiếc đũa hơn là một bó đũa” đối với các bên tranh chấp khác. Với lại, giải quyết song phương sẽ khiến cho các cường quốc như Hoa Kỳ không có cớ gì để “xen vào”.
Nhưng rõ ràng tranh chấp biển Đông liên quan đến rất nhiều quốc gia, chưa kể đến con đường vận tải biển chiến lược này liên quan đến rất nhiều quốc gia khác, trong đó 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc, 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Nhật Bản …phải đi qua vùng biển này. Chính Ngoại trưởng Hoa Kỳ mới đây cũng phải thừa nhận “Hoa Kỳ có lợi ích trên vùng biển này”. Tiềm lực quân sự và kinh tế của Trung Quốc thì không có quốc gia nào trong khu vực có thể sánh kịp, vì thế, trong bối cảnh này, việc đa phương hóa là cách làm duy nhất khả thi để giải quyết những tranh chấp biển tại khu vực này.

VOA: Trước đây đã có những vụ tranh chấp lãnh thổ nào có liên hệ tới nhiều nước và đã được giải quyết bằng phương pháp đa phương hay không, thưa giáo sư?
GS Hoàng Việt: Tranh chấp lãnh thổ nói chung thì ở Việt Nam cũng có lâu rồi. Việt Nam có rất nhiều tranh chấp lãnh thổ đất liền với nhiều nước, bây giờ đã giải quyết gần xong tất cả, nhưng tất cả những tranh chấp đó đều giải quyết bằng con đường thương lượng song phương chứ không phải đa phương. Tranh chấp biển Đông thì hoàn toàn khác, nếu như tranh chấp tại khu vực biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc chẳng hạn, thì chỉ liên quan đến hai nước mà thôi, cho nên thương lượng song phương là tất yếu, còn tranh chấp biển Đông ít nhất là liên quan trực tiếp tới 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, chưa kể đây là vùng biển quốc tế nhộn nhịp, có những tuyến giao thông chiến lược trên biển, liên quan đến rất nhiều quốc gia, vì vậy muốn giải quyết tranh chấp này, con đường đa phương là tất yếu.

VOA:
Thưa giáo sư, một số người cho rằng diễn tiến hồi cuối tháng 7 tại cuộc họp ở Hà Nội là một thắng lợi đáng kể về ngoại giao của Việt Nam. Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng Việt Nam nên dựa vào thắng lợi này để thực hiện những hành động cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của mình thay vì chỉ đưa ra những tuyên bố suông mỗi khi có sự xâm phạm của Trung Quốc?
GS Hoàng Việt: Theo tôi thì đúng là ngoại giao Việt Nam đã có những khởi sắc tốt trong chuyện này, nhưng muốn có những hành động cụ thể thì phải xem xét đến cục diện quốc tế cũng như khu vực trong giai đoạn này, trong đó một vấn đề cơ bản là thực lực quốc gia. Trong một hội thảo về biển Đông trong nước, một số nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế lâu năm cũng đã lên tiếng là ngành ngoại giao phải làm sao để không tạo cớ cho các nước lớn khác xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, có lẽ vì lẽ đó mà nhiều người dân khá bực bội, nhưng tôi cho rằng mình là nước nhỏ nên trong quan hệ phải khéo léo, khéo léo chứ không phải sợ sệt.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận định rằng trong khoảng 10 năm tới, chiến tranh trên biển Đông là điều khó xảy ra, nhưng tôi xin lưu ý là những va chạm vẫn luôn là nguy cơ thường trực. Nếu chúng ta không khéo léo, tạo cớ để các quốc gia khác có cớ xâm lược một số đảo của mình (trong quá khứ họ đã từng làm, còn chúng ta vì tiềm lực quân sự yếu nên phải chịu thiệt) thì đó là những điều không nên.

VOA: Xin chân thành cám ơn giáo sư Hoàng Việt đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn này.

.

.

.

Obama muốn ngăn chận sự bành trướng trên biển của Trung Quốc

Thuy My
August 3, 20100

http://www.vietthuc.org/?p=7821

Hoa Kỳ cố gắng chống lại những đòi hỏi về chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh, bằng cách giúp đỡ các đồng minh trong khu vực. Đó là nội dung của bài báo mang tựa đề «Obama muốn ngăn chận sự bành trướng trên biển của Trung Quốc», của đặc phái viên nhật báo Le Figaro tại Washington.

.

Tác giả nhận xét, sau khi ông Obama đăng quang vào đầu năm 2009, một vị tổng thống Mỹ đậm chất « Á châu » nhất từ trước đến nay, nhiều nhà phân tích của Washington cho rằng, thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 sẽ chứng kiến một thế giới lưỡng cực Mỹ – Trung, được gọi là Chinamerica. Được dựa trên một lý thuyết thuần kinh tế, quan niệm này đang vỡ vụn qua thực tại ở châu Á.

.

Đối với nước Mỹ, có hai vấn đề. Một là cần phải thừa nhận sức mạnh kinh tế tài chính ngày càng tăng của Trung Quốc, và như vậy phải chấp nhận G20 là một diễn đàn của các vấn đề toàn cầu, nâng cao vai trò của Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Mặt khác, phải để cho Bắc Kinh đóng vai trò lãnh đạo chính trị tại vùng Viễn Đông – khu vực đang là đầu tàu của nền kinh tế thế giới, và Hoa Kỳ đang có các đồng minh thân thiết. Nhưng vào tháng bảy vừa qua, chính quyền ông Obama đã phát ra các tín hiệu cho thấy Mỹ không có ý định ngó lơ tình hình khu vực này.

.

Bài báo nêu ra vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ từ thập niên 50, bị ngư lôi Bắc Triều Tiên bắn chìm làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Tuy các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn coi chế độ Bình Nhưỡng là một chế độ « hơi điên khùng », nhưng vẫn không muốn khuyên giải, cho dù Bắc Kinh dư sức gây áp lực. Cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn vừa qua là một thông điệp cứng rắn gởi đến Bình Nhưỡng. Lập tức Bắc Triều Tiên đe dọa sẽ đáp trả « bọn đế quốc » bằng vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giữ thái độ bình tĩnh, thậm chí dửng dưng trước lời đe dọa này. Nhưng ngược lại, sự phản kháng của Trung Quốc tuy lời lẽ ít hiếu chiến hơn, nhưng phía Mỹ lại coi là nghiêm trọng hơn.

.

Do còn nể mặt Bắc Kinh, nên cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn chỉ diễn ra ở vùng biển Nhật Bản, tránh vùng biển Hoàng Hải gần lãnh hải Trung Quốc. Nhưng các tuyên bố công khai đầy ngạo mạn của Bắc Kinh đã khiến Washington trở nên cứng rắn hơn. Hải quân Hoa Kỳ vừa loan báo là sẽ tiến hành một cuộc tập trận trên biển thứ hai, và lần này sẽ ngay tại hải phận quốc tế Hoàng Hải.

.

Tác giả cũng nhận định, từ nhiều tháng qua Washington đã sử dụng một chính sách ngoại giao khá tế nhị, nhằm kìm hãm tham vọng bá chủ của Trung Quốc tại vùng biển Đông Nam Á, nơi giao thương phân nửa trọng tải hàng hóa giao dịch của thế giới. Đối với Hoa Kỳ, các đòi hỏi về lãnh hải của Trung Quốc là không thể nào chấp nhận được, và Hoàng Hải cũng như Biển Đông không phải là Tây Tạng !

.

Le Figaro nhắc lại sự kiện Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đích thân tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN vừa qua. Và trước đoàn đại biểu Việt Nam không giấu được vẻ hài lòng, bà Clinton đã tuyên bố không có quốc gia nào được tự cho mình sở hữu đặc khu kinh tế trên biển, lấy cớ nhằm kiểm soát quân sự các hòn đảo san hô không người ở là Hoàng Sa và Trường Sa.

.

Tờ báo nói thêm, năm 1974 Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa của miền Nam Việt Nam và năm 1988 đã dùng vũ lực chiếm các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa, đánh chìm các tàu Việt Nam. Trận hải chiến này đã làm quan hệ ngoại giao giữa hai chính phủ cộng sản « anh em » bị băng giá trong suốt ba năm. Theo Le Figaro, bên cạnh quyền đánh cá ở vùng biển giàu hải sản này, quan trọng nhất vẫn là nguồn dầu hỏa vốn được các nhà địa chất Mỹ phát hiện vào năm 1968.

.

Le Figaro cũng chú ý đến chi tiết, bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, quá tức giận vì bài phát biểu của bà Hillary Clinton, đã bỏ ra khỏi phòng họp cả tiếng đồng hồ. Khi quay lại, ông ta đã hùng hồn lên án Hoa Kỳ xúi giục các nước chống lại Trung Quốc, chế diễu « chế độ xã hội chủ nghĩa » của Việt Nam, và nhìn thẳng vào mặt người đồng nhiệm Singapore khi tuyên bố : « Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và đây là một thực tế ».

Còn thứ ba tuần rồi, ông Đổng Vân Hổ, thứ trưởng Thông tin Trung Quốc đã tuyên bố với báo Le Figaro là người Mỹ chẳng việc gì phải can dự vào các tranh chấp lãnh hải trong một khu vực chẳng phải thuộc về họ, nơi họ đã gây chiến trước đây, và mọi vấn đề sẽ được giải quyết một cách hòa bình « giữa những người châu Á với nhau ».

Tác giả nhắc lại rằng, trong thập niên 30 người Nhật cũng đã từng hùng biện là người da trắng chẳng nên can dự vào châu Á, nơi sẽ xây dựng khối Đại Đông Á thịnh vượng, và kết quả ra sao thì ai cũng rõ.

.

Thụy My (RFI)

.

.

.

No comments: