Friday, August 20, 2010

PHÍA TRONG CHIẾC ÁO CHOÀNG SẶC SỠ CỦA PHÁT TRIỂN, hay là SAU LỚP SON PHẤN CỦA CÔ GÁI ĂN SƯƠNG

Phía trong chiếc áo choàng sặc sỡ của phát triển, hay là sau lớp phấn của cô gái ăn sương

Lê Diễn Đức

Tháng Tám 20, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/08/20/phia-trong-chi%e1%ba%bfc-ao-choang-s%e1%ba%b7c-s%e1%bb%a1-c%e1%bb%a7a-phat-tri%e1%bb%83n/

.

Một Trùng Khánh với ánh sáng rực rỡ! - Ảnh: FP

http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/08/023.jpg?w=450&h=210

Nếu không bị những chính sách sai lầm của Đảng cộng sản và thất thoát, đất nước có khả năng phát triển hơn gấp nhiều lần nữa với số tiền hàng trăm tỷ đô la do nhân dân trong nước làm ra, do người Việt hải ngoại gửi về, do nước ngoài đầu tư trực tiếp và những khoản tiền lớn vay của các tổ chức tài chính quốc tế… trong hơn 20 năm qua.

.

Một Chicago Hoa Kỳ ở Trung Quốc?

Tờ “Foreign Policy” trong bài ‘The Global Cities Index 2010” hôm 16/8 có nói về Chongqing – tức là Trùng Khánh, một trong bốn thành phố Trung Quốc cấp tỉnh với cảng lớn trên sông Dương Tử, cạnh đường thoát của hồ chứa nước Đập Tam Hiệp.

Trong chiến lược tăng trưởng của Trung Quốc, Trùng Khánh phải đạt được những gì của Chicago bên Hoa Kỳ.

Từ những ngày cải cách đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách đã đổ dày lên đất Trùng Khánh nhiều tỷ đô la với hy vọng thúc đẩy nền kinh tế nghèo của Trung Quốc Đại Lục. Người ta đã đầu tư xây dựng sân bay Trùng Khánh tuyệt vời, rất nhiều tòa nhà chọc trời, những đại lộ ven sông sáng chói ánh đèn neon…

Nhưng song song, Trung Khánh cũng là ổ của căn bệnh tham nhũng và các tổ chức mafia lớn.

Trong năm 2009, Bí thư Đảng uỷ địa phương Bo Xilai đã cho biết có gần 5.000 người được xem là Bố già của các băng nhóm hình sự. Trong các băng đảng này, nhiều Bố già có quan hệ mật thiết với các thẩm phán và cảnh sát.

Năm nay, cái nóng ở Trùng Khánh phải nói là khủng khiếp, người ta ví như một cái lòng chảo bị đốt nóng của Trung Quốc.

Đường phố Trùng Khánh rất dốc nên vắng bóng xe đạp.

Đội quân nông dân nghèo không sống nổi trên cánh đồng, rủ nhau đổ về đây làm dịch vụ cửu vạn rất đông đảo, được gọi là “bang bang”.

Với cây gậy tre và giây gai, “bang bang” chuyên chở trên đôi vai của mình đồ đạc, hàng hoá, va li, thiết bị gia dụng từ các cửa hàng đến địa chỉ của những người thuê mướn. Mỗi chuyến đi nặng nhọc như vậy họ được trả công từ 2 đến 10 Nhân dân tệ, tức là vài chục cent cho tới hơn 1 đô la!

.

Những toà nhà chọc trời sau lưng cửu vạn - Ảnh: China Daily

http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/08/05.jpg?w=350&h=290

.

Người giàu mua sắm, "bang bang" khuân vác thuê - Ảnh: China Daily

http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/08/07.jpg?w=350&h=259

.

Bề ngoài của Trùng Khánh cho ta cảm giác một đô thị hiện đại, nhưng với khái niệm đúng của hai chữ “thành phố” thì Trùng Khánh tuyệt đối không phải là thành phố lớn nhất thế giới.

Trên địa giới hành chính của Trùng Khánh có 32 triệu người dân sinh sống nhưng riêng thành phố Trùng Khánh thì không quá 5 triệu người.

Trùng Khánh nếu nói đúng thì là một thành phố lớn, có khu vục kinh tế khổng lồ, cộng cả khu vực nông thôn với hàng trăm làng mạc.

.

Từ Trùng Khánh nghĩ đến Vinashin Việt Nam

Trùng Khánh cho ta bức tranh là đặc thù của các thành phố Trung Quốc và của cả Việt Nam: phát triển không đồng bộ và khoảng cách như trời với đất của một bộ phận nhỏ giàu có và đa số người nghèo.

Đối mặt với sự khuyếch trương phát triển kinh tế, sự giàu có, hiện đại là sự thiếu vắng văn minh đô thị về vệ sinh công cộng, giao thông đường phố, hoạt động tội phạm kinh tế, xã hội có tổ chức và cuộc sống nghèo nàn, cực nhọc, chạy cơm từng bữa của dân lao động bình thường.

Các toà nhà chọc trời, sang trọng ở đô thị thường là những trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí, dành riêng cho một giai cấp đặc biệt mới phất lên nhờ những đồng tiền bất chính, tham nhũng, ăn cắp, rút ruột các công trình hoặc nhờ tận dụng cơ chế đặc quyền đặc lợi, móc ngoặc với giới chức nhà nước, thậm chí với cả xã hội đen, để đầu cơ trục lợi.

Cho nên, chỉ những người có suy nghĩ nông cạn mới ngợi ca khơi khơi sự phát triển của đất nước nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam.

.

Một khu nhà cao tầng đắt tiền ở Hà Nội...

http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/08/trung-hoa-nhan-chinh-residential-in-hanoi.jpg?w=350&h=198

.

... nhưng không dành cho những người dân này!

http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/08/ulicznarestauracjawhanoimocca.jpg?w=350&h=263

.

Nếu không bị những chính sách sai lầm của Đảng cộng sản và thất thoát, đất nước có khả năng phát triển hơn gấp nhiều lần nữa với số tiền hàng trăm tỷ đô la do nhân dân trong nước làm ra, do người Việt hải ngoại gửi về, do nước ngoài đầu tư trực tiếp và những khoản tiền lớn vay của các tổ chức tài chính quốc tế… trong hơn 20 năm qua, chỉ tính từ năm 1986 khi có chính sách “đổi mới và “cởi trói”.

Đây không phải là nhận định của chỉ riêng cá nhân tôi.

.

Khá nhiều người Việt trong nước, ít thông tin, duy ý chí và bảo thủ vẫn thường coi nhẹ ý kiến của các tác giả viết độc lập trong dòng báo chí “Lề trái”. Họ cho rằng, báo chí Lề trái cố tình nói xấu, vạch lá tìm sâu, bôi nhọ Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam (đôi khi còn đánh đồng luôn cả với Đất nước, Dân tộc!), thậm chí dễ dàng áp đặt cho người khác chính kiến hai từ “phản động” một cách trâng tráo, mà không biết chính họ mới là kẻ “phản động” vì đi ngược lại lẽ phải và tiến bộ.

Cho nên, tôi vẫn thường dùng phương pháp “nói có sách, mách có chứng”, cố gắng đưa vào các bài viết của mình nhận định của những người trong cuộc, trong nước, với mục đích đảm bảo tính khách quan.

.

Trên trang web của “Viện Những Vấn đề Phát triển” (VIDS), cơ quan được xem là một think-tank của Nhà nước cộng sản Việt Nam – cũng đã chỉ ra cho thấy nguồn gốc của đồng tiền tạo ra khuôn mặt và cái áo choàng phồn vinh, phát triển làm nhiều người ngợp đến mức ngộ nhận, kể cả một vài bạn đọc trên Weblog này. Tác giả Vũ Duy Phú trên VIDS viết:

“…. Tỷ lệ thất thoát của các công trình đầu tư nhà nước được thừa nhận từ chính thức đến chưa chính thức là từ 15% đến 30 – 45%. Từ đó, chỉ trong số tiền thống kê chính thức là 29 tỷ đô la ta sẽ thấy phần thất thoát tài sản của nhà nước (chỉ phần đi vay) là không nhỏ: từ 4,38 tỷ đô la đến 8,7 – 12,75 tỷ đô la!

Số tiền khổng lồ sinh ra do thất thoát này lan tỏa vào xã hội dưới các dạng đầu tư chứng khoán, mua cổ phần, cổ phiếu, xây nhà xây cửa, mua sắm, tiêu xài, du lịch… và các dịch vụ ăn theo, làm cho nền kinh tế xã hội của chúng ta cứ dường như đang “phát triển” mạnh từ vốn tự có, nhưng thực ra phần đáng kể sự “sôi nổi”, “năng động”, “đổi đời” đó là do đồng vốn vay chưa trả nói trên thất thoát lan tỏa ra”.

.

Để minh chứng, chỉ cần nói đến số tiền hơn 4,5 tỷ đô la mà Đảng và Chính phủ đẩy đất nước vào gánh nặng nợ nần qua “quả đấm thép” Vinashin, chúng ta đã choáng và có thể ngất xỉu.

Trong bài “Trách nhiệm cá nhân và Vinashin” trên tờ “Đại Đoàn Kết” của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 13/07/2010, tác giả Thái Duy làm phép so sánh cụ thể như sau:

Đất nước chưa bao giờ có một vụ thua lỗ như Vinashin. Tiền đều là của dân đóng thuế. Năm xuất khẩu gạo nhiều nhất là năm 2009, được 6 triệu tấn thu về hơn 2 tỷ USD, cũng chỉ bằng nửa số nợ của Vinashin. Cơn bão lớn nhất ở Đà Nẵng, Quảng Nam năm 2007, thiệt hại tính thành tiền là 8.000 tỷ đồng, cũng chỉ bằng 1 phần 10 nợ của Vinashin. Số vốn Nhà nước tung ra cho gói kích cầu hỗ trợ lãi xuất 4% cho cả nền kinh tế trong đợt suy thoái vừa qua cũng chỉ bằng phần nợ của Vinashin. Tổng số vốn Nhà nước đầu tư cho cả chương trình xoá đói giảm nghèo chỉ bằng một nửa nợ của Vinashin”.

.

Có bao nhiêu cái lỗ của các “quả đấm thép” khác như Vinashin còn chưa được biết đến? Nên nhớ rằng, toàn bộ chính sách làm ăn dẫn Vinashin đến bờ phá sản và núi nợ trên đã được những người có trách nhiệm và lương tri cảnh báo từ 5 năm trước. (Xem bài “Sự phá sản của Vinashin đã được cảnh báo trước 5 năm” – 6 tuần trước khi có quyết định 104/TTG ngày 15/5/2006 thành lập Vinashin – trên trang Bauxite Việt Nam ngày 20/08/2010). Điều này có nghĩa là, biết trước hậu quả nhưng lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn nhắm mắt làm. Đến khi “cháy nhà ra mặt chuột” thì than ôi, tiền đã mất mà tật thì dân phải mang với lòng xót xa, cay đắng!

.

Câu hỏi đặt ra là: Vậy thì tại sao bộ ba cặp bài trùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Giao thông Vận Tải Hồ Nghĩa Dũng vẫn rót tiền bạc liên tiếp cho Phạm Thanh Bình? Và giờ đây họ lại tiếp tục kêu gào “toàn Đảng, toàn dân” xúm tay cứu để Vinashin không trở thành đống sắt vụn! Tiền bạc của ai mà họ cứ cho phép mình mãi mãi rót hoài vào cái thùng không đáy vậy?

Lời đáp, thiết nghĩ không có gì khó, nếu chúng ta nhìn vào các yếu tố kể trên.

Ngày 20/08/2010

© Lê Diễn Đức 2010

.

.

.

No comments: