Friday, August 13, 2010

ÔM RƠM RẶM BỤNG

Ôm rơm rặm bụng

Nguyễn Quang A

10/08/2010 17:08:30

http://bee.net.vn/channel/4461/201008/Om-rom-ram-bung-1762847/

.

Việc Nhà nước tự mình đi kinh doanh, với các doanh nghiệp nhà nước như ở Việt Nam từ trước đến nay, là việc đã được rất nhiều nước thử nghiệm, kể cả các nước tư bản phát triển. Suốt 50 năm qua người ta đã rút ra kết luận: làm thế nói chung là “ôm rơm rặm bụng”. Nhà nước có nhiệm vụ khác, không phải đi kinh doanh; việc cử các quan chức làm quan chức-doanh nhân, nhìn chung, luôn dẫn đến thất bại.

Hiện nay không mấy chính phủ của các nước phát triển bận tâm đến doanh nghiệp Nhà nước, chúng đều được chuyển đổi sở hữu, được tư nhân hóa. Nhà nước làm việc của nhà nước, và đó không phải việc kinh doanh.

.

Các nước đã trót có các doanh nghiệp nhà nước đều tìm cách chuyển đổi.

Một cách chuyển đổi triệt để là bán các doanh nghiệp đó cho tư nhân. Nếu bán đúng giá, Nhà nước không mất tài sản; tài sản chỉ chuyển từ dạng doanh nghiệp thành tiền mà nhà nước thu về mà thôi.

Một cách khác là cổ phần hóa, tức là biến doanh nghiệp thành công ty cổ phần, bán một phần cho các chủ tư nhân. Đấy là cách tư nhân hóa từng phần và là cách làm đòi hỏi nhiều hiểu biết và việc thực hiện cũng không đơn giản vì hiểu biết của các quan và doanh nhân ở ta chưa cao. Còn các doanh nghiệp nhà nước mua cổ phần lẫn nhau, sở hữu chéo lẫn nhau là một tập quán rất xấu và chứa đựng nhiều nguy hiểm.

.

Sự cố Vinashin vừa rồi phải là lời cảnh báo nghiêm khắc. Đã bàn quá nhiều, từ bàn về xóa bỏ “bộ chủ quản” suốt cả chục năm, đến tập trung các công ty nhà nước lớn nhất, quan trọng nhất thành các tập đoàn và tổng công ty dưới quyền Thủ tướng, thực ra là thiết lập chế độ “thủ tướng chủ quản”.

.

Kết luận số 78-KL/TW của Bộ Chính trị (Đảng cộng sản Việt Nam), đã nêu: "Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước còn nhiều tồn tại, phân tán, tình trạng có quá nhiều chủ sở hữu trong một tập đoàn (từ Thủ tướng đến Bộ trưởng, Hội đồng quản trị đều là đại diện chủ sở hữu), dẫn đến trách nhiệm không rõ ràng, cần được sớm khắc phục”.

.

Có nhất thiết cứ phải ôm rơm cho rặm bụng, trong khi “ôm rơm” không phải là nhiệm vụ của nhà nước? Nếu xác định là không, thì nên có lộ trình để sớm khỏi phải ôm rơm hay ôm ngày càng ít càng tốt; đấy mới là cách khôn ngoan. Còn nếu vẫn muốn có công cụ để điều khiển, thậm chí muốn công cụ có vai trò chủ đạo, thì nhất thiết phải ôm và chắc chắn sẽ còn rặm bụng.

Nguyễn Quang A

.

.

Bình luận của Dân Luận : Nếu xét theo quan điểm của một nhà nước của dân, do dân và vì dân thì ôm các doanh nghiệp nhà nước như hiện nay là "ôm rơm rặm bụng". Nhưng nếu xét trên quan điểm của một nhà nước độc tài muốn duy trì quyền lực và sự giàu sang của mình thì đó lại là "ôm rơm ấm cật".

Xin hãy đọc bài "Minxin Pei - Tham nhũng giết Đảng, nhưng chống tham nhũng cũng giết Đảng luôn!" để thấy tại sao người ta lại cố gắng duy trì những Vinashin. (http://danluan.org/node/6067)

.

.

.

No comments: