Đại sự: nợ công thế nào ?
Tô Văn Trường
Ngày cập nhật: 16/8/010
http://www.vids.org.vn/vn/asp/News_Detail.asp?tabid=1&mid=802&ID=1292
Trong bề bộn những sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội của nước ta, thì nợ công đang là một đại vấn đề. Quản lý nợ công không những chỉ liên quan đến lòng tin của người dân đối với nhà nước về việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội mà còn tác động đến cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, lạm phát, đồng thời còn ảnh hưởng đến cuộc sống của thế hệ mai sau.
Trước hết, cần tìm hiểu để đi đến thống nhất quan điểm về nợ công. Theo chúng tôi hiểu, nợ của cả nền kinh tế hay là “national debt” tức là gồm nợ công và nợ tư. Nợ công bao gồm cả nợ nước ngoài và nợ trong nước như nợ của chính phủ hay có thể gọi là nợ nhà nước vì nhà nước là chính phủ.
Nợ của quốc doanh hay tư doanh mà chính phủ chịu trách nhiệm hay bảo lãnh đều phải tính vào nợ. Nợ tư gồm nợ của khối tư doanh gồm nợ doanh nghiệp tư không do chính phủ bảo lãnh hay trách nhiệm nợ của hộ gia đình. Các thông tin về nợ do Bộ Tài chính thông báo hiện nay mới chỉ để ý đến nợ công với nước ngoài.
.
Bài học kinh nghiệm của các nước đi trước đều phải ít nhiều vay nợ, huy động các nguồn vốn để phát triển kinh tế. Thực ra, hiện nay nợ công của Mỹ cũng rất lớn, hơn 90% GDP, cũng trong tình trạng báo động. Joseph Stiglitz đã từng cảnh báo “Nền kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái lần thứ 2, sự sụp đổ đang đến rất gần”. Tình hình nợ công ở Nhật Bản cũng rất tệ, nợ gần 200% GDP nhưng nhờ có tiềm lực kinh tế lớn, chính sách quản lý nợ công khá chặt chẽ, biết điều chỉnh kịp thời nên nhiều khả năng Mỹ và Nhật Bản sẽ vượt qua được cơn khủng hoảng về tài chính, tiền tệ. Một số nước quản lý nợ công yếu kém dẫn đến tình trạng đất nước bất ổn về chính trị xã hội, lệ thuộc vào chủ nợ và có nguy cơ vỡ nợ. Chuyện đại sự liên quan đến nợ công tại châu Âu là Hy Lạp cuối năm 2009, có mức nợ công chiếm 108,10% GDP đã thực sự vỡ nợ và phải cầu cứu đến gói cứu trợ 120 tỷ euro của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nước thuộc Vùng Euro. Xem ra, các nước khi đi vay nợ để phát triển kinh tế đều hiểu thấu đáo lời dậy của người xưa “Của biếu là của lo/Của cho là của nợ”! Huống hồ ở đây, không phải là của cho mà là của đi vay thì phải lo mà trả nợ cả vốn lẫn lời.
.
Theo nghiên cứu của một tổ chức chính phủ ở Mỹ, nợ công ở Việt Nam năm 2009 đã tăng rất nhanh, lên mức 53,70% GDP, đứng hàng thứ 44/129 quốc gia về nợ nần. Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính cho biết cuối tháng 12/2009, Việt Nam nợ khoảng 29 tỷ đô la chiếm 39% GDP bao gồm nợ của chính phủ VN và nợ được chính phủ bảo lãnh. Riêng năm 2010 chính phủ phải thanh toán trả nợ hơn 1 tỷ đô la. Theo Ông Nguyễn Văn Thuận Chủ tịch Ủy ban pháp luật của Quốc hội khoản nợ của Việt Nam là 42% GDP? Từ năm 2003, nước ta hết ân hạn 10 năm, bắt đầu phải trả cả gốc, lẫn lãi. Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, lãi suất trung bình nợ nước ngoài của Chính phủ đã tăng từ 1,54%/năm vào năm 2006 lên 1,9%/năm trong năm 2009 và năm 2010 đạt tới 2,1%/năm.
Chúng ta phải cố gắng trả những khoản đã nợ, và thận trọng, tính toán kỹ khi vay những khoản mới, vay đích đáng, dùng có hiệu quả cao, và ngay khi vay đã chuẩn bị để bảo đảm trả được nợ đúng hạn và đủ số. Điều đáng chú ý là số liệu nợ mà Bộ Tài chính Việt Nam phổ biến hiện nay là nợ nhà nước chứ không phải là nợ công. Nợ công chắc sẽ lớn hơn nhiều. Trong khi đó, nợ công của chúng ta tăng rất nhanh, trong khi hiệu quả chi tiêu, hiệu quả đầu tư không cao, nạn tham nhũng, lãng phí tràn lan và nạn khát đầu tư cho các siêu dự án không tưởng, đầy phiêu lưu mạo hiểm như đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Nợ, thâm hụt ngân sách hàng năm, vấn đề lạm phát và vấn đề dự trữ ngoại tệ liên quan mật thiết với nhau. Với mức thâm hụt cán cân thanh toán 8,8 tỷ USD vào năm 2009, dự trữ ngoại hối đã giảm từ mức 12 tuần trước đó, xuống chỉ còn 7-9 tuần nhập khẩu. Đây chỉ là nói về nợ nước ngoài mà chính phủ chịu trách nhiệm. Các tỷ lệ mà IMF và WB hoặc các nhà nghiên cứu sử dụng là tỷ lệ nợ nước ngoài của nền kinh tế trên GDP và tỷ lệ trả nợ trên xuất khẩu. Đây là tỷ lệ dùng để phân tích khả năng trả nợ của nền kinh tế và hối suất. Chỉ nói về nợ nước ngoài của nhà nước là không đủ. Có thể ở Việt Nam, nợ chính phủ lớn nhưng nợ doanh nghiệp nhỏ, ở các nước khác thì ngược lại. Tình hình ở VN hiện nay có lẽ là nợ nước ngoài của doanh nghiệp ngày càng lớn lên, không thể bỏ qua. Khi phân tích nợ và khả năng chi trả của chính phủ, có ảnh hưởng đến chính sách vĩ mô (tài chính và tiền tệ) thì phải bao gồm nợ nước ngoài và nợ trong nước. Theo ước tính, đến năm 2016 Chính phủ phải trả nợ khoảng trên 2 tỷ USD vào năm 2016. Nhưng, việc quản lý nợ nước ngoài quốc gia đang phải đối mặt với không ít thách thức. Để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển và bù đắp thâm hụt ngân sách, nợ nước ngoài quốc gia đã tăng đáng kể chỉ trong vài năm trở lại đây.
.
Đáng lo hơn cả là vay nợ nhưng làm ăn kém hiệu quả và khả năng trả nợ ngày càng khó khăn hơn. Thực ra, khả năng trả nợ không thể chỉ dựa vào con số GDP vì cách tính GDP của Việt Nam vẫn chưa theo thông lệ quốc tế. Những con số về khoản nợ, ngay cả các chuyên gia chuyên sâu về kinh tế khó biết sự thật ở đâu. Nợ của nước ta hiện nay là chưa tính đủ, vì con thiếu hẳn nợ của khu vực kinh tế nhà nước mà chính phủ phải chịu trách nhiệm trả nợ (con nợ); phần nợ này không được hiện thị hoặc không thấy trong số liệu thống kê; Ví dụ ai sẽ phải trả những tổn thất và thua lỗ của Vinashin? hiển nhiên là nhà nước - nghĩa là ngoài những khoản Vinashin vay của nước ngoài. Ngay trong số liệu dự toán ngân sách 2009 được chính thức công bố gồm 8 biểu bảng, nếu để ý như trái phiếu đến 2 tỷ đô la vẫn để ngoài cân đối ngân sách. Việc quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia cũng gần như bị "lọt lưới" vì sự chia cắt trong quản lý. Đó là sự thiếu minh bạch, thiếu dân chủ trong quản lý cần sớm chấm dứt. Nhà nước sử dụng tiền thuế của dân đóng góp nhưng lại giấu không cho dân biết những khoản chi sai do sự yếu kém trong quản lý gây nên, trong khi thành tích thì lại được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vấn đề người dân quan tâm nhất chưa phải là tỷ lệ mà là tốc độ tăng nợ hàng năm. Xin lưu ý là tốc độ tăng nợ đối với nước ngoài của Việt Nam ngày càng tăng cao như 4,18% năm 2004, tăng lên 12,66% năm 2005. Đến năm 2006 tăng lên 21,81%, đặc biệt năm 2010 là 34%. Không biết có bao nhiêu vị đại biểu Quốc hội am hiểu thực chất về nguyên nhân tăng đến chóng mặt về tốc độ tăng nợ đối với nước ngoài? Ngày trước, chỉ có Bộ Tài chính mới được đứng ra phát hành trái phiếu, ngày nay có xu hướng ngay cả các tỉnh cũng được làm. Nếu thêm nợ doanh nghiệp nữa thì đây là vấn đề khá lớn. Do đó, ngay từ bây giờ cần phải đặt lại vấn đề xem xét nợ nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội bền vững, xây dựng lộ trình đánh giá các dự án đầu tư của nhà nước.
.
Để nợ công không còn là chuyện đại sự, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ, việc trước tiên cần phải thực hiện là thuê tư vấn độc lập có chuyên môn cao, cùng với các chuyên gia có uy tín của nhà nước đánh giá toàn diện về nợ quốc gia, phân tích số liệu gốc, các nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề xuất các giải pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài. Các tổ chức thuộc nhà nước, đoàn thể nếu sử dụng nguồn vốn ngân sách đều phải công khai có kiểm toán. Cần phải sửa lại Luật ngân sách, tăng nguồn thu, kể cả các lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp nhà nước đều phải thuộc quyền kiểm soát chi tiêu của Chính phủ. Các chi tiêu có kế hoạch nằm trong chính sách tài khóa và thâm hụt phải trong tầm kiểm soát. Tiền vay được quản lý chặt chẽ theo những nguyên tắc, được sử dụng hiệu quả trên cơ sở của Luật quản lý nợ công một cách công khai, minh bạch và có lộ trình trả nợ. Phải có mô hình phát triển kinh tế phù hợp, vững bền, và chỉ có cách làm công khai, sòng phẳng để chấm dứt được tình trạng “nghiện vay mượn” dễ dẫn đến các hậu quả khó lường.
--------------------------------------
.
Bình luận thêm vào bài “Nợ công, đại vấn đề” của Tô Văn Trường:
Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính cho biết cuối tháng 12/2009, Việt Nam nợ khoảng 29 tỷ đô la chiếm 39% GDP. Đây là món tiền nhà nước vay mượn chủ yếu dùng vào việc đầu tư các công trình, được thể hiện ra các dự án nhà nước. Mặt khác, tỷ lệ thất thoát của các công trình đầu tư nhà nước được thừa nhận từ chính thức đến chưa chính thức là từ 15% đến 30 – 45%. Từ đó, chỉ trong số tiền thống kê chính thức là 29 tỷ đô la ta sẽ thấy phần thất thoát tài sản của nhà nước (chỉ phần đi vay) là không nhỏ: từ 4,38 tỷ đô la đến 8,7 – 12,75 tỷ đô la! Số tiền khổng lồ sinh ra do thất thoát này lan tỏa vào xã hội dưới các dạng đầu tư chứng khoán, mua cổ phần, cổ phiếu, xây nhà xây cửa, mua sắm, tiêu xài, du lịch...và các dịch vụ ăn theo, làm cho nền kinh tế xã hội của chúng ta cứ dường như đang “phát triển” mạnh từ vốn tự có, nhưng thực ra phần đáng kể sự “sôi nổi”, “năng động”, “đổi đời” đó là do đồng vốn vay chưa trả nói trên thất thoát lan tỏa ra. “Tiền chùa” bao giờ tiêu sài cũng dễ dãi. Thị trường chứng khoán dường như khai thác được nhiều vốn “tích tụ” trong dân. Giá cả đất đai dường như tăng lên là do sản xuất kinh doanh “phát đạt” nên người đi tậu đất ngày càng nhiều. Đời sống anh cán bộ tuyên giáo được cải thiện rõ, vì “chỗ nào cũng có tiền” mở lễ hội, biểu dương, khen thưởng. Người lái tắc xi thấy dường như gần đây mình chạy xe khá hơn trước nhiều. Các bà bán hoa quả, lương thực, thực phẩm ở chợ cảm thấy ngày nay làm ăn đễ dàng hơn trước nhiều, vì số nhà giầu mua hàng không cần mặc cả ngày càng tăng..."Nếp sống mới" đó ngày càng hấp dẫn, tạo động lực mạnh mẽ (thậm chí siêu mạnh) thúc đẩy không chỉ chính phủ, mà cả các tỉnh, các doanh nghiệp quốc doanh cũng vay nợ công nước ngoài, tạo dựng mọi loại đề án, dự án ép nhà nước phê duyệt nhằm tăng khoản tiền chùa mà mình có thể trích ra từ 15% đến 30, 45% dù chưa biết dự án lỗ lãi ra sao. Chính nó là một trong những nguyên nhân sâu sa tạo lực cản lớn nhất chống lại mọi ý đồ đổi mới triệt để thể chế chính trị của nước ta, chứ không phải chỉ là sự bảo thủ, trì trệ cố níu giữ CN Mác – Lê cổ điển. Chính nó có thể là nguyên nhân, động lực quan trọng nhất làm cho tốc độ nợ công tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây. Vì vậy, đề nghị chính phủ, các nhà kinh tế, các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nên đi vào nghiên cứu sâu hơn nữa.
Vũ Duy Phú
.
.
.
No comments:
Post a Comment