Cơ may hoá thân của Hội Nhà Văn Việt Nam
Trần Văn Tích
17/08/2010 1:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=23612
.
Theo câu hỏi đầu tiên của talawas (“Lại Nguyên Ân trả lời phỏng vấn của talawas: Ăn xôi chùa ngọng miệng“) thì nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân từng đề nghị:
- Nhà nước chấm dứt bao cấp cho các hội;
- Hội Nhà văn Việt Nam nên chuyển từ hội xin tiền Nhà nước thành hội tự nuôi tự quản.
.
Sống từng này tuổi đầu và tuổi đời rồi, tôi từng được nghe nhiều đề nghị ngược ngạo, ngược đời nhưng đây là một trong những đề nghị ngược ngạo, ngược đời nhất từ trước tới nay mà tôi được biết.
Nước Việt Nam hiện đang do một đảng cộng sản cầm quyền. Đảng này có cơ chế của nó. Cơ chế đó có nhiều điểm giống nhau, dù đảng cộng sản có ngự trị tại các quốc gia khác nhau. Quốc gia cộng sản nào cũng có Hội Nhà văn. Cuba có Unión Nacional de Escritores y Artistas de Cuba (UNEAC), do nhà thơ Nicolás Guillén thành lập ngày 22 tháng Tám năm 1961 với 8.454 hội viên năm 2007, với Ban Chấp hành gồm 30 người. Đông Đức cũ có Deutscher Schriftstellerverband (DSV), từ năm 1973 đổi tên thành Schriftstellerverband der DDR. Chuyên trị tiếng Đức, tôi xin trình bày sơ lược về DSV.
.
Hội Nhà văn Đông Đức ra đời ngày 4 tháng Sáu năm 1950 ở Berlin, trong khuôn khổ Hiệp hội Phục hồi Văn hoá Đức (Kulturbund zur demokratischen Erneuerung Deutschlands). Chủ tịch đầu tiên là nhà văn nữ Anna Seghers. Năm 1989 (năm nước Đức thống nhất) Hội có 931 hội viên chính thức và 118 hội viên dự bị. Hội qui tụ 15 khu hội địa phương và nhóm các tác gia viết tiếng dân tộc thiểu số Sorbisch. Hội chịu sự giám sát pháp lý từ Bộ Văn hoá và đặt dưới sự chỉ đạo chính trị từ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Đức. Ngoài ra, Bộ An ninh Quốc gia còn phụ trách kiểm soát Hội để bảo đảm lập trường cho các hội viên.
.
Như tất cả các hội khác trong chế độ Ulbricht-Honecker, Hội Nhà văn Đông Đức được Bộ Văn hoá bao cấp trọn vẹn. Năm 1989, Hội nhận từ Nhà nước 2,5 triệu Đức mã. Từ năm 1953, Hội điều hành trung tâm bồi dưỡng Friedrich Wolf ở Petzow trên hồ Schwielow. Hội không tự trao cho mình chức năng bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp của các nhà văn mà tự xem mình là một thiết chế chính trị của Cộng hoà Dân chủ Đức. Hội gây ấn tượng thảm hại qua một số nghị quyết và thư bày tỏ lòng trung với Đảng nhân vụ 17 tháng Sáu 1953; vụ đàn áp tàn bạo cuộc nổi dậy của dân chúng Hung Gia Lợi năm 1956, vụ xây Bức tường Berlin năm 1961 và hai vụ tước quốc tịch Alexander Solzhenitsyn năm 1974 ở Liên Xô và Wolf Biermann năm 1976 ở Đông Đức. Năm 1979, Hội khai trừ một loạt nhà văn phản kháng: Kurt Bartsch, Adolf Endler, Stefan Heym, Karl-Heinz Jakobs, Klaus Poche, Klaus Schlesinger, Rolf Schneider, Dieter Schubert và Joachim Seyppel, gây nên một làn sóng phản đối rộng rãi khắp thế giới.
.
Cơ quan ngôn luận chính thức của Hội là tờ Neue Deutsche Literatur (ndl). Về thông tin nội bộ thì Hội có những bản tin phát hành hàng tháng và trong thập niên 50, Hội còn có thêm tạp chí Nhà văn (Der Schriftsteller). Hội viên phải cam kết sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa và phải chấp nhận sự lãnh đạo của giai cấp công nhân với đảng của nó. Muốn gia nhập Hội, phải là hội viên dự bị, coi như đối tượng Hội, và được hai hội viên chính thức giới thiệu; đồng thời phải chứng mính đã có những sáng tác mỹ văn hay trữ tình (thông thường tối thiểu hai tác phẩm). Có một thời gian qui chế “hội viên dự bị” bị hủy bỏ nhưng từ năm 1974 trở đi, qui chế này lại được phục hồi. Cơ quan cao cấp nhất của Hội là Đại hội Nhà văn, trước sau đã hội họp mười lần. Mỗi bốn năm, Hội lại bầu Ban Chấp hành. Đại hội bất thường từ ngày 1 đến ngày 3 tháng Ba năm 1990 bầu Rainer Kirsch vào chức Chủ tịch Hội. Sau ngày nước Đức thống nhất và qua một cuộc trưng cầu ý kiến hội viên, Hội cải danh thành Deutscher Schriftsteller Verband (DSV). Phiên họp cuối cùng của Ban Chấp hành được triệu tập vào ngày 27 tháng Mười Một năm 1990. Ban Chấp hành quyết định chấm đứt hoạt động của Hội vào ngày 31 tháng Chạp cùng năm đó.
Muốn tồn tại như một nhà văn trong chế độ Đông Đức, phải gia nhập Hội Nhà văn vì chỉ qua tư cách hội viên mới được hưởng những quyền lợi vật chất thiết thân, đặc biệt là bảo hiểm sức khoẻ và trợ cấp tuổi già.
.
Tại Tây Đức và tại nước Đức thống nhất, cơ quan chính thức tập họp các tác gia là Verband deutscher Schrifsteller (VS). Cơ quan này là thiết chế đại diện các quyền lợi nghề nghiệp của các tác gia, Interessenvertretung professioneller Autoren. Về mặt tổ chức, nó là một thành viên của Liên hiệp Cung cấp Dịch vụ ver.di. VS hiện có khoảng 4.000 hội viên. Nó phân chia thành những Hội cấp tiểu bang và cấp quận huyện. Chức năng của nó là tham gia các buổi thương thảo hợp đồng với giới xuất bản sách báo, nó cung cấp những ý kiến đề nghị liên quan đến tiền thù lao. Nó giữ vai trò cố vấn các tác giả về mặt pháp lý và bảo vệ họ trước pháp luật.
.
So sánh hai cơ cấu qui tụ các cây viết trong hai chế độ cộng sản và dân chủ, thấy rõ tất cả sự nghịch lý, không theo lệ thường của đề nghị của Lại Nguyên Ân. Một bên hoàn toàn tuỳ thuộc kinh tế tài chánh vào nhà nước, chỉ biết phục vụ giai cấp được xem là lãnh đạo xã hội, tự nguyện tự giác sáng tác theo đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa. Không hề thấy quyền lợi nhà văn được bảo vệ. Bên kia qui nạp tất cả tôn chỉ mục đích sinh hoạt của mình vào mấy chữ “đại diện các quyền lợi nghề nghiệp“ của những hội viên sáng tác. Thần Mercure biến Argus thành con công thì được, nhưng Hội Nhà văn cộng sản làm sao biến thái thành hội nhà văn không cộng sản, chừng nào cộng sản còn đó?
.
Chủ nghĩa cộng sản dốc lòng nắm chặt quyền lãnh đạo văn hoá. Đối với nó, tư tưởng chủ đạo của nền văn hoá chính thống không phải là tư tưởng phấn đấu cho quyền làm người và quyền làm dân, mà là tư tưởng nô dịch ngu dân; văn hoá được đề cao không còn là nền văn hoá ngang tầm thời đại mà là nền văn hoá uốn nắn công dân thần phục chế độ toàn trị. Phải nhận là kẻ cầm quyền đã thực hiện được phần nào ý muốn của nó. Đảng Cộng sản Việt Nam hiện có dưới trướng hàng ngàn, thậm chí hàng vạn thân binh cuồng nhiệt, tín đồ hoạt đầu hoặc đảng viên cơ hội trong đội ngũ văn sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ. Những người cầm bút viết văn công khai, những người sáng tác trong mọi lĩnh vực văn hoá đành bắt buộc phải hợp tác với chế độ cộng sản; dầu muốn hay không muốn, họ cũng phải thoả hiệp, nhượng bộ hoặc ít hoặc nhiều. Nói cho đúng, họ phải nhượng bộ rất nhiều đối với kẻ thống trị. Sống trong nước, những ai còn có lương tri đều lâm vào hoàn cảnh mâu thuẫn bi đát giữa tâm nguyện chủ quan và hành động thực tế.
.
Tôi vốn không phải là nhà văn lại càng không phải là nhà văn trong nước. Thực tình tôi ngạc nhiên không hiểu sao Hội Nhà văn họp đại hội mà bà con xôn xao ghê gớm thế. Một loạt phỏng vấn được talawas đăng tải. Rồi chính nữ giáo chủ talawas cũng ra quyền đi cước. Rồi hết ông nhà văn này bị cắt micro đến ông nhà văn kia viết thư ngỏ. Nhưng tuy chỉ là kẻ bàng quan, tôi cũng thích thú ghi nhận một vài danh ngôn. Chẳng hạn câu hỏi hùng hồn cất lên trong hội trường hoành tráng: “không có bổng nhà nước thì Hội sống sao nổi?”
Hội Nhà văn Đông Đức đã chuyển đổi, đã thoát xác thành công nhờ vào sự thống nhất Tây và Đông Đức. Ai cũng thấy thế, kể cả những người cộng sản hay thiên tả Đức. Đến lượt mình, nếu Hội Nhà văn Việt Nam ngày nay muốn hoá thân, biến thái thì chỉ có cách làm sao cho Bắc và Nam Việt Nam thống nhất. Thống nhất theo kiểu made in
.
16.08.2010
© 2010 Trần Văn Tích
© 2010 talawas
.
.
.
No comments:
Post a Comment