Tuesday, August 10, 2010

NHỮNG THÔNG ĐIỆP TỪ GIÁO XỨ CỒN DẦU

lNhững thông điệp từ giáo xứ Cồn Dầu

Joseph Nguyễn Hưng An

10/08/10 3:42 AM

http://www.nuvuongcongly.net/xa-hoi/binh-luan/nh%e1%bb%afng-thong-di%e1%bb%87p-t%e1%bb%ab-giao-x%e1%bb%a9-c%e1%bb%93n-d%e1%ba%a7u/

(nuvuongcongly.net) Hãy chung tay góp sức để cứu lấy Cồn Dầu như một mệnh lệnh của trái tim những người Kito hữu. Hãy chung tay cứu lấy Cồn Dầu như một mệnh lệnh từ lương tâm của những người yêu Sự thật, Công Lý, Hòa bình. Hãy chung tay cứu lấy Cồn Dầu, như cứu lấy một phần chi thể của Hội Thánh công giáo đang đứng trước nạn chia rẽ và hủy hoại bởi tai ương Cộng sản. Đó là những thông điệp chúng tôi đọc được qua một chuyến ghé thăm Cồn Dầu.

Những ngày qua trên các hãng thông tấn trong và ngoài nước sự kiện Cồn Dầu dần dần nóng lên bởi những thông tin về sự man rợ của nhà cầm quyền Đà Nẵng đối với dân chúng ở đây. Những biện pháp bạo lực cộng sản như thời trung cổ đã được thực hiện để hòng thực hiện việc trấn, cướp đất đai, tài sản… và xóa đi một làng quê hàng trăm năm lịch sử để phục vụ nhu cầu của một nhóm tư bản đỏ nơi đây.

Nhiều phương tiện đưa tin về những cuộc đàn áp mà điển hình là cái chết của anh Toma Nguyễn Thảnh Năm, một tín hữu Công Giáo tại Giáo Xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng bị công an tại đây đánh chết một cách dã man vào ngày 3/7/2010.

Sự kiện tàn ác này gây nên một làn sóng căm phẫn đối với nhà cầm quyền Đà Nẵng đứng đầu là “hung thần Miền Trung Nguyễn Bá Thanh”, ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN..

Trước tin đau thương xảy đến với anh chị em Cồn Dầu và đặc biệt trước cái chết của anh Nguyễn Thảnh Năm. Chúng tôi lên đường về với Cồn Dầu đau thương như là mối hiệp thông với anh em mình trong cùng một Đức Tin. Đến Thành phố Đà Nẵng, chúng tôi muốn tới ngay Cồn Dầu để thỏa mãn được cơn khát hiệp thông với nỗi đau của anh chị em nơi đây đang phải chịu và đặc biệt đến đồng cảm cùng gia đình của anh Tôma Nguyễn Thành Năm, một chứng nhân SỰ THẬT vừa mới qua đời.

.

Giáo xứ Cồn Dầu quá khứ và hiện tại.

Giáo xứ Cồn Dầu là một xứ đạo đã có trong lòng Giáo hội Việt Nam từ lâu. Khi chúng tôi đến thăm cũng là lúc giáo xứ đang chuẩn bị bước vào Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập giáo xứ và kỷ niệm 135 năm hạt giống Tin Mừng có mặt trên đất Cồn Dầu. Với thông tin này chúng ta thấy được một xứ đạo đã có bề dày lịch sử về đời sống Đức Tin.

Cồn Dầu nằm trong khu vực thành phố Đà Nẵng nhưng khi chúng tôi đặt chân tới phần đất của giáo xứ Cồn Dầu lại có một cảm giác khác lạ. Tôi tưởng rằng nó cũng ồn ào náo nhiệt như thường có của một thành phố đứng thứ 3 Việt Nam sau Sài Gòn và Hà Nội. Nhưng Cồn Dầu lại làm chúng tôi ngạc nhiên với một cảm giác yên ắng đến rợn người, cái yên ắng của một làng quê mà dấu vết tội ác vẫn còn như hiển hiện, phảng phất đâu đây.

Những ánh mắt ngờ vực, nhớn nhác của trẻ thơ, những cái nhìn lấm lét của các cụ già khi thấy người lạ vào làng đã phản ánh một tâm trạng hoảng sợ của những người dân lành nơi đây, nơi tội ác bạo lực của nhà nước “của dân, do dân” vừa đi qua chưa lâu.

Chúng tôi đến nhà thờ Cồn Dầu lúc trời đổ hoàng hôn, người dân ở đây đang chuẩn bị bước vào thánh lễ Misa.

Tiếp xúc với chúng tôi vẫn là những ánh mắt ngờ vực, cho đến khi họ hiểu rằng chúng tôi là những đồng đạo của họ, đau cùng nỗi đau của họ thì họ mới có vài lời chia sẻ ngập ngừng. Khi chúng tôi hỏi họ về những biến cố vừa qua, một số vẫn còn mang tâm trạng sợ sệt không dám mô tả lại. Những câu chuyện họ nói với chúng tôi trong giọng nói thầm thì, trong những ánh mắt nhìn lấm lét đã cho chúng tôi biết sự tàn bạo và dã man của nhà cầm quyền ở đây đối với họ như thế nào. Tất cả được thể hiện không chỉ trong nội dung các câu chuyện họ kể, mà trong cử chỉ, thái độ và hành động của họ hôm nay. Họ đang sợ hãi đến tận cùng.

Sự bình yên giả tạo của Cồn Dầu khi nhìn người lạ lấm lét, khi chó còn không dám sủa trước người lạ cho thấy sự bình yên giả tạo bên ngoài đang che giấu đi những đau đớn, tuyệt vọng của những người dân nơi đây. Khi một đám tang bị cướp xác, những giáo dân bị trấn áp không thương tiếc, khi mới đây một giáo dân khỏe mạnh, lực lưỡng trong đội trợ tang là ạnh Toma Nguyễn Thẳnh Năm vừa mới bị đánh đập đến chết và 6 người hiện còn đang bị bắt giữ không biết số phận như thế nào trong vòng tay của lũ cường hào kiêm côn đồ Đà Nẵng.

Mọi nguời lặng lẽ bước vào Thánh lễ ban chiều, còn chúng tôi rảo bước quanh làng Cồn Dầu để cảm nghiệm bi kịch đau thương vừa ập đến vùng đất hiền lành và đẹp đẽ này những ngày qua.

Chúng tôi đi trên những con đường vắng lặng của Cồn Dầu. Lâu lâu, chúng tôi mới trông thấy một vài người đang bước nhẹ trên con đường làng với một vẻ âm thầm và kín đáo đến mức lạ thường. Xa xa, trong sân nhà thờ một vài nhóm người đang tâm sự với nhau về một câu chuyện gì đó rất kín đáo, thấy chúng tôi đi ngang qua họ nhìn với một ánh mắt hồ nghi trong vẻ lo sợ.

Ai sẽ cứu họ thoát khỏi bi kịch đau thương này? Chính điều đó đang là câu hỏi của bao người dân tại xứ Cồn Dầu. Trong lúc này “chỉ biết trông cậy vào Thiên Chúa” là tâm trạng của họ như lời của một cụ già tâm sự với chúng tôi.

.

Tương lai nào cho Cồn Dầu? Những thông điệp gửi đi

Trong những câu chuyện ngập ngừng trao đổi với chúng tôi, chúng tôi hiểu được tâm trạng lo lắng của những người dân nơi đây. Điều họ lo lắng nhất là tương lai của họ và con em họ, tương lai của giáo xứ Cồn Dầu trong một ngày không xa khi nhà cầm quyền Đà Nẵng bằng mọi cách, sử dụng mọi thứ bạo lực, vũ khí để khuất phục buộc họ rời khỏi mảnh đất thân yêu với bao đời gắn bó này để đưa cả hàng ngàn con người ở đây vào cuộc phiêu lưu không định hướng và không đường sống.

“Cuộc sống của chúng tôi rồi sẽ ra sao” đó là câu hỏi của một giáo dân Cồn Dầu tâm sự với chúng tôi. Vì họ phải di dời đến một vùng đất mới mà nhà nước chỉ định cho với giá là 1.000.000/m2 trong lúc đó khoản tiền người dân nhận được là 50.000 đồng/m2 đất ruộng và 350.000/m2 đất thổ cư.

Ngoài chuyện có thể mua được đất, còn tiền làm nhà, rồi sinh sống bằng cách gì khi nhà cầm quyền đã tước từ tay họ mọi thứ công cụ và nguyên liệu sản xuất bao đời nay họ đã chắt chiu gây dựng. Con cái họ sẽ hướng về đâu?… tất cả đang là những câu hỏi đặt ra trước cuộc đời họ, với những người đã tuổi già tóc bạc như một câu đố không có lời giải.

Một người dân khác tâm sự: “Gia đình chúng tôi rồi phải chia ly. Mấy đứa con lớn phải đi nơi khác làm thuê làm mướn vì khi nhà nước cướp đất đai đất ruộng vườn thì chúng tôi lấy gì để sống?” Một thảm họa nhìn thấy rất rõ là nạn thất nghiệp của biết bao người dân Cồn Dầu trong tương lai, và từ đó những tệ nạn, suy đồi đạo đức là chắc chắn.

Nhưng, vất vả trong cuộc sống vật chất là một phần, điều chính yếu là mảnh đất này cha ông họ đã dày công khai phá, vun đắp và xây dựng nên một truyền thống đầy tình yêu người, mến Chúa bỗng dưng bị lột sạch thành trắng tay.

Liệu giáo xứ Cồn Dầu của họ sẽ còn lại gì hay chỉ còn lại một ngôi nhà thờ chơ chỏng giữa muôn vàn thứ tệ nạn vây quanh như thường có của những khu ăn chơi của những tên tư bản đỏ vốn nhiều tiền lắm của do cướp được từ tấm lưng còng của người dân.

Ai cũng biết, chính sách của nhà cầm quyền CSVN đối với các xứ đạo toàn tòng là “chia để trị” họ không bao giờ muốn có một xứ đạo sầm uất tôn vinh Thiên Chúa cách công khai. Đó là một trong những nguyên nhân để nhả cầm quyền Đà Nẵng bằng mọi giá triệt hạ Giáo xứ có bề dày truyền thống đạo đức này.

Chúng tôi không thể cầm được nước mắt khi một cụ già da mồi tóc bạc cầm tay chúng tôi rưng rưng: “Chúng tôi tuyệt vọng chú ạ, chúng tôi như người đi biển cô đơn giữa cơn bão dữ không biết nương tựa vào đâu, chỉ cầu xin Thiên Chúa đổ xuống ơn phúc để chúng tôi vượt qua được cơn khốn khó này”.

Giáo dân Cồn Dầu đang tuyệt vọng, giáo xứ Cồn Dầu đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, giáo hội Việt Nam đang phải chứng kiến một cuộc bách hại trắng trợn của nhà cầm quyền Cộng sản bằng nhiều cách tinh vi nhưng chưa có tiếng nói hiệp thông mạnh mẽ.

Nếu để Giáo xứ Cồn Dầu bị xóa sổ, sẽ là một tội ác không chỉ là của CSVN mà là của cả những kẻ đã đồng lõa, đã ngậm miệng trước tội ác này.

Nếu để giáo xứ Cồn Dầu bị xóa sổ, giáo hội Việt Nam hiện tại không thể biện minh cho sự nhu nhược, hèn đớn của mình trước công lao của các bậc tiền nhân đã đổ biết bao máu xương tử đạo để xây dựng nên Giáo hội hôm nay, nhưng thế hệ này đã không biết gìn giữ và phát huy những giá trị đó mà ngược lại đã làm ra vô ích máu xương của các đấng tiền nhân.

Điều này chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ chia rẽ trong Giáo hội không thể biện minh.

Chúng tôi rời Cồn Dầu khi chỉ còn ba ngày nữa thì Giáo xứ kỷ niệm 80 năm Thành lập Giáo xứ, bao giấy mời đã được gửi đi và nghe rằng Đức giám mục sẽ về Dâng Thánh lễ tại đây.

Chúng tôi hi vọng rằng trong cuộc lễ trọng đại đó, Đức giám mục giáo phận, các linh mục, tu sĩ và quan khách sẽ hiểu được những thông điệp, những tiếng kêu khẩn thiết từ giáo xứ Cồn Dầu.

Hãy chung tay góp sức để cứu lấy Cồn Dầu như một mệnh lệnh của trái tim những người Kito hữu.

Hãy chung tay cứu lấy Cồn Dầu như một mệnh lệnh từ lương tâm của những người yêu Sự thật, Công Lý, Hòa bình.

Hãy chung tay cứu lấy Cồn Dầu, như cứu lấy một phần chi thể của Hội Thánh công giáo đang đứng trước nạn chia rẽ và hủy hoại bởi tai ương Cộng sản.

Đó là những thông điệp chúng tôi đọc được qua một chuyến ghé thăm Cồn Dầu.

Cồn Dầu 7/8/2010

Joseph Nguyễn Hưng An

.

.

.

No comments: