Wednesday, August 4, 2010

NHỮNG MÓN NỢ GIẤU KÍN (RFA)

Những món nợ giấu kín

Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

2010-08-04

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/Hidden-Debts-NXN-VL-08042010091105.html

Khi dư luận tại Việt Nam bàng hoàng vì vụ tập đoàn quốc doanh Vinashin bị ngập nợ thì ở bên ngoài, thế giới lại chú ý đến một hiện tượng bất ngờ không kém. Đó là những khoản nợ vĩ đại của các chính quyền địa phương tại Trung Quốc, nơi mà người ta cứ tưởng là có dự trữ ngoại tệ dồi dào và còn đem tiền cho người khác vay. Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng hai hiện tượng Vinashin và Trung Quốc mắc nợ đều có chung một số nguyên do. Ông trình bày sự việc và giải thích như sau với Việt Long trong mục Diễn đàn Kinh tế tuần này...

.

Cùng hệ thống - cùng hậu quả

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trước hết, chúng ta nói qua về vụ tập đoàn quốc doanh Vinashin bị mắc nợ có thể đến hơn bốn tỷ đô la, là một biến cố đang gây chấn động tại Việt Nam khiến ông Chủ tịch Tổng giám đốc đã bị ngưng chức. Sau đó thì mình sẽ tìm hiểu vì sao mà người ta có thể đi vay dễ dàng như vậy...

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi lại xin nói ngược và nêu lên một vấn đề khác vì hiện tượng Vinashin không là hãn hữu. Vấn đề khác là Trung Quốc thật ra cũng ngập nợ mà dư luận bên ngoài không biết. Các Công ty Đầu tư Địa phương của xứ này được chính quyền địa phương lập ra để đi vay tiền vô tội vạ và tính đến đầu năm nay thì mắc nợ ít ra là một ngàn bảy trăm tỷ đô la, bằng một phần ba tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Y như Vinashin tại Việt Nam, họ hồn nhiên vay tiền để thổi vào các dự án vô giá trị về kinh tế và không thể sinh lời nên sẽ vỡ nợ.

Khi ấy, chính quyền Bắc Kinh sẽ giải quyết ra sao? Người ta cứ nói rằng với hơn hai ngàn tỷ đô dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc đang là một quốc gia chủ nợ của thế giới mà ít khi nhìn ra khối nợ bị che giấu đó. Đấy là "hiện tượng Vinashin", nhưng với màu sắc và kích thước Trung Quốc! Và nguyên nhân vì sao thì tất nhiên là cũng giống nhau.

Việt Long: Ông vừa nêu ra một con số gây giật mình là 1.700 tỷ đô la nợ nần của các Công ty Đầu tư Địa phương của Trung Quốc. Các công ty này là gì mà có thể vay mượn đến như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin đề nghị là mình hãy nhìn sâu vào cơ chế và hệ thống kinh tế của Trung Quốc thì có khi thấy ra những nguyên nhân đã dẫn tới vụ Vinashin ở Việt Nam. Cùng một hệ thống thì cũng dẫn tới một hậu quả. Tôi xin trình bày sự kiện, rồi mới phân tích nguyên do trước khi ta rút kết luận về hiện tượng Vinashin.

Trước hết, các chính quyền địa phương tại Trung Quốc thường thiếu hụt ngân sách nên phải vay tiền. Nhưng theo luật lệ có dời đổi liên miên, mức vay của họ bị trung ương hạn chế. Vì vậy, chính quyền các tỉnh, huyện hay thành phố mới lập ra Công ty Đầu tư Địa phương để thay mặt vay tiền từ các ngân hàng cũng là quốc doanh. Chính quyền trung ương có thấy việc đó, nhưng từ hai năm nay lại khuyến khích - như chính quyền Việt Nam đã khuyến khích Vinashin dù rằng tập đoàn này đã bị trễ nợ khi đáo hạn từ hai năm nay rồi. Lý do khiến Bắc Kinh khuyến khích chuyện đó vì tin rằng nhờ vậy mà tiền sẽ sớm được giải ngân thực hiện các dự án ở địa phương.

Kết quả thì có hơn 8.000 Công ty Đầu tư Địa phương đã ra đời và vay tiền các ngân hàng của nhà nước ở địa phương, với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, để thực hiện các dự án cho địa phương, như cầu đường, nhà máy điện hay khách sạn, văn phòng, sân vận động, v.v... đôi khi với đất đai do chính quyền địa phương cấp cho các công ty đầu tư này làm tài sản thế chấp và thường thì với điều kiện tín dụng ưu đãi vì là dự án của địa phương.

Việt Long: Ông vui lòng xác định với thính giả một bản sơ đồ toàn cảnh trước khi nói đến sự vận hành của hệ thống đó. Như quý thính giả có thể hiểu: trung ương cho địa phương lập ra công ty đầu tư thực tế là quốc doanh ở địa phương, đi vay tiền của ngân hàng cũng quốc doanh ở địa phương, với đất đai, tiếng là tài sản của toàn dân nhưng do nhà nước quản lý ở địa phương để đưa vào dự án của địa phương. Tức là một hệ thống kinh tế của nhà nước, mà ở cấp bộ địa phương, có phải vậy không? Nhưng chắc ông không quên rằng Vinashin là tập đoàn mang tầm cỡ quốc gia, kinh doanh một ngành chiến lược cho quốc gia?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về việc lập ra tập đoàn gọi là có tầm cỡ quốc gia như Vinashin thì chỉ là sáng kiến dại dột năm 2006, học lại từ các "chaebol" Nam Hàn mà quên mất hậu quả là khủng hoảng năm 1997 khiến nhiều "chaebols" vỡ nợ và phải cải cách sau đó. Mà "chaebols" Nam Hàn đều là tư doanh đi lên sau mấy chục năm tích lũy, học hỏi chứ các tập đoàn Việt Nam chỉ là con ếch muốn sớm to bằng con bò, được nhà nước thổi lên bằng tiền đi vay. Nói chung, tập đoàn nhà nước hay công ty đầu tư địa phương, tất cả chỉ là hệ thống do nhà nước ban xuống, bên trong là do đảng lập ra và chỉ đạo vì nếu không là đảng viên thì chẳng thể ngồi vào các vị trí quyết định ấy. Ông Chủ tịch Vinashin cũng thế, là bí thư đảng trong tập đoàn này, và thi hành chiến lược quốc gia bằng cách mua hàng đồng nát và kinh doanh bừa phứa qua mấy trăm chi nhánh.

Nhìn chung thì trong hệ thống kinh tế nhà nước, mọi người đều tin là có nhà nước yểm trợ nên nảy sinh tâm lý ỷ thế mà bất cẩn. Cụ thể tại Trung Quốc nếu dự án không có đất làm tài sản thế chấp thì ngân hàng địa phương đòi chính quyền ký giấy đảm bảo rồi cho vay. Ấn tín nhà nước là yếu tố an toàn cho hệ thống, nhưng theo kiểu "cha chung không ai khóc".

Bây giờ, nói về sự vận hành của hệ thống thì yếu tố chính trị thực tế là quan hệ giữa đảng viên và quan chức địa phương với nhau trong các địa hạt hành chính, ngân hàng và đầu tư. Yếu tố tiền tài thực tế là sự chia chác đỉnh chung cho từng hợp đồng tín dụng, từng dự án. Đều là của công mà do cán bộ phân bố cho nhau và báo cáo lên trên là đã có dự án này dựa án kia được thực hiện, rồi cắt băng khánh thành hay hạ thủy...

.

Hệ thống kinh tế - chính trị

Việt Long: Bây giờ, ta nói qua kết quả của chuỗi hiện tượng đó. Các Công ty Đầu tư và ngân hàng cùng chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã làm được những gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Kết quả của sự vận hành sáng tạo ấy là người ta lấy quyết định kinh tế mà bất kể rủi ro lời lỗ, nhưng đảng viên cán bộ thì đều có lợi. Trước hết là tín dụng ngân hàng của nhà nước được cấp dễ dàng cho các dự án đầu tư hay đầu cơ về bất động sản ở địa phương. Dân thì mất đất, nhưng quan chức có lợi và ngân hàng ôm vào một núi nợ khi bong bóng đầu cơ bị bể. Thế giới đang chờ đợi một vụ khủng hoảng ngân hàng vô cùng vĩ đại tại Trung Quốc vì khoản nợ lên tới một phần ba tổng sản lượng quốc gia lại là nợ thối, không sinh lời và sẽ mất. Các trương chủ bỏ tiền tiết kiệm vào ngân hàng sẽ trắng tay và nổi loạn nếu nhà nước không đứng ra trả nợ đậy.

Thứ hai, người ta thực hiện các dự án vĩ đại mà vô dụng, không kém gì các dự án của tập đoàn Vinashin đang được phanh phui ở nhà. Một thí dụ được giới nghiên cứu quốc tế nhắc tới là tại thành phố Ngân Xuyên, thủ phủ của Khu tự trị Ninh Hạ, gọi là Hồi Ninh Hạ.

Ninh Hạ là tỉnh nghèo vào hạng thứ ba của cả Hoa lục - chỉ có hai tỉnh hay khu hành chính nghèo hơn - cần trung ương cấp cho 70% số thu ngân sách mà lại đang mắc nợ 15 tỷ đô la, bằng 75% sản lượng kinh tế của cả địa phương. Lý do là họ vay tiền thực hiện các dự án quy mô và vô dụng, như một cao ốc có kích thước và dáng vẻ của tòa nhà Empire State Building tại Mỹ, hơn 100 tầng, cao gần 400 thước. Hoặc một viện bảo tàng nguy nga, một thư viện khổng lồ, một trung tâm khoa học và công nghệ tân tiến, cái nào cũng lớn bằng mấy sân banh, mà trống không, chưa nói đến sân vận động thênh thang và nhiều biệt thự tráng lệ cho tiêu chuẩn triệu phú. Cư dân nơi đó thưa thớt, đa số thuộc tộc Hồi, và quá nghèo để sử dụng loại phương tiện công ích hoành tráng như vậy. Mà địa phương không thể thu được tiền thì làm sao bảo trì và trả nợ?

Việt Long: Vì sao người ta lại thực hiện loại công trình như vậy ở giữa một khu vực khô cằn của sa mạc trong một địa phương thật ra vẫn còn rất nghèo? Người ta không biết tính hay sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Như trong vụ Vinashin, người ta có biết tính cả đấy. Nhưng là ai tính và tính cho ai, vì mục đích gì? Trong ngần ấy dự án phi lý này, cái hợp lý là mối lợi của đảng viên quan chức khi ký hợp đồng cho vay và thực hiện công trình, rồi phó mặc tất cả cho người khác.

Cấp lãnh đạo địa phương thì viện dẫn lý do rất phải đạo rằng họ thi hành chỉ thị của trung ương, là góp phần phát triển các khu vực lạc hậu nghèo đói ở miền Tây. Cấp lãnh đạo tại trung ương thì té ngửa, rồi đành tự an ủi và tuyên truyền rằng tộc Hồi được nâng đỡ và Ninh Hạ đang nhảy vọt vào thế kỷ 21. Nó cũng tương tự như lời quảng cáo về Vinashin đã xuất hiện từ năm 2008 là có công nghiệp đóng tàu tiên tiến nhất, có thể vượt qua cả nước Anh về tính hiện đại!

Thực tế thì Bắc Kinh có thấy ra mối nguy nên từ tháng Sáu vừa qua, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra chỉ thị. Rằng thứ nhất, các chính quyền địa phương phải đảm bảo là mọi cơ sở đầu tư của địa phương đều có khả năng trả được nợ. Nếu sau này không trả được thì sự việc sẽ ra sao, chúng ta chưa biết. Thứ hai, địa phương phải hoàn tất các dự án dang dở trước khi khởi công dự án mới. Nếu đang thi công mà không vay thêm được tiền thì các dự án lưng chừng này sẽ đổ xuống đâu, người ta cũng chưa biết, nhưng chắc chắn đang là nỗi đau đầu cho địa phương.

Trong khi ấy, thực tế phũ phàng của kinh tế và chính trị khiến chính quyền trung ương vẫn không thể đạp thắng được vì cần tạo ra việc làm. Và họ phải tiếp tục Chương trình Phát triển miền Tây trong 10 năm tới, với ngân khoản hơn một trăm tỷ đô la riêng cho năm nay, vì sợ động loạn xuất phát từ nông dân nghèo, từ đám "dân công" là công nhân di động đang đi kiếm việc, từ dân thiểu số sắc tộc. Vì vậy, Bắc Kinh đang gặp thế lưỡng nan là bị khủng hoảng ngân hàng với kích thước vĩ đại của Trung Quốc, hoặc bị suy trầm kinh tế và động loạn xã hội.

Việt Long: Tổng kết lại câu chuyện kinh hoàng này và nhớ tới vụ Vinashin, ta rút tỉa ra những bài học gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về Trung Quốc, lãnh đạo xứ này phải quan niệm lại vai trò và trách nhiệm ngân sách của các địa phương và phải kiểm soát được sự chi tiêu hay gọi là đầu tư của các địa phương. Nếu không, trung ương è cổ lãnh nợ chứ không thể huênh hoang được nữa.

Thứ hai, chuyện này đưa ta trở về Việt Nam, cần giải tỏa hệ thống kinh tế thực tế là nhà nước, khi thì đội mũ tập đoàn quốc doanh, khi thì khoác áo tổng công ty nhà nước, hay ngân hàng của nhà nước, và khi nào cũng có thể lấy quyết định mờ ảo và mờ ám mà thị trường và luật pháp không kiểm soát được trong khi vẫn được ở trên bao che vì cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa". Đây không chỉ là vụ đảng viên cán bộ tham ô làm thất thoát tài sản quốc gia. Tham nhũng hay tệ nạn đưa thân nhân gia đình vào chốn bẻo bở này chỉ là hậu quả. Nguyên nhân nằm trong hệ thống kinh tế và chính trị ở trên.

Chuyện Vinashin kinh doanh sai trái và vỡ nợ về pháp lý vì trễ hạn trả nợ đã xảy ra từ cuối năm 2008. Vậy mà sau đó chính nhà nước, là Chính phủ và Thủ tướng, vẫn bao che vì lý do này lý do nọ để Vinashin vay thêm và thực hiện các dự án quái đản và hoang phí cho tới ngày phá sản. Khi ta mới chỉ thấy Vinashin vỡ mủ thì nhiều doanh nghiệp nhà nước khác vẫn đang mưng mủ mà dân chúng không biết. Trong khi núi nợ vẫn chồng chất hàng ngày, lãnh đạo đòi kích thích kinh tế cho hồ hởi để chuẩn bị Đại hội đảng và thế giới thì hạ mức khả tín của Việt Nam khi vay tiền.

Việt Long: Ông nhắc đến việc công ty lượng cấp tín dụng là Fitch vừa hạ trái phiếu Việt Nam xuống bốn nấc dưới cấp đầu tư, tức là có giá trị của giấy lộn, của junk bond. Câu hỏi cuối, thưa ông, trong hoàn cảnh hôm nay đâu là những rủi ro của Việt Nam, và ông có thấy gì sáng sủa đôi chút không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Hạ tầng cơ sở vật chất và luật pháp lạc hậu lẫn giáo dục tồi tệ khiến xứ này khó phát triển lành mạnh, bền vững và cân đối được, cho dù bất cứ ai lên lãnh đạo vào lúc này hay vào những năm tới. Đó là rủi ro từ trung hạn đến trường kỳ. Trước mắt, tham nhũng làm vẩn đục môi trường đầu tư và nản chí doanh gia quốc tế, và khả năng trả nợ rất yếu khiến Việt Nam vay tiền khó hơn, trả nợ càng đắt hơn. Mà nếu lại vay tiền theo kiểu Ninh Hạ thì khủng hoảng sẽ là tất yếu: vốn liếng của Việt Nam chi đủ cho hai tháng nhập khẩu thôi!

Việt Long: Xin cảm ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: