Monday, August 9, 2010

NHỚ TRẦN ĐỘ

Nhớ Trần Độ

Đối Thoại

Tháng Tám 9, 2010

http://www.doithoaionline.org/gocnhinhangtuan/gocnhinhangtuan_180.php

Từ vài năm trở lại đây đã xuất hiện thêm nhiều lão tướng, trí thức, quan chức, nhà văn trong chế độ cộng sản Việt nam công khai phản đối gay gắt nhiều chính sách của Đảng Cộng sản Việt nam (ĐCS VN), từ vấn đề phá bỏ Hội trường Ba đình, dự án Bauxite, vụ án « siêu nghiêm trọng » Tổng cục II, mối quan hệ với Trung quốc cho đến các vấn đề như văn chương, giáo dục,v.v. Tuy nhiên các tiếng nói quí giá đó dường như vẫn tránh nói đến nguyên nhân của các nguyên nhân như chế độ độc đảng của Cộng sản (chuyên chính vô sản), ý thức hệ Marx-Lenin hay các vấn đề cơ bản của dân chủ. Sự thiếu hụt về nhận thức hay thái độ còn e dè, tránh né đó không thể không làm chúng ta phải nhớ đến một con người, đã từng là đồng đội, cấp trên, đồng nghiệp hay cùng giới thân thiết của các lão tướng, trí thức, quan chức, nhà văn đó: Trung tướng Trần Độ – người đã từ trần cách đây đúng tám năm, ngày 09 tháng Tám năm 2002.

Vào thời của Trần Độ, xã hội Việt nam vẫn chưa xuất hiện những vụ cô giáo bắt học sinh liếm ghế, quan chức cấp cao sử dụng bằng giả, người yêu cắt đầu người yêu, chủ tịch Hội nhà văn đạo văn, lãnh đạo quốc gia câm lặng, rụt rè khi Trung quốc bắt, giết ngư dân hay quan chức cao cấp của Đảng tồng ngồng trên mạng, nhưng Trần Độ đã hạ bút: « Bộ máy quản lý xã hội thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính. Đó là chuyên chính tư tưởng, sự chuyên chính tư tưởng được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là những « lưu manh tư tưởng »…Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt nam là tổng hợp tội ác ghê tởm của Tần Thủy Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài. Nó tàn phá cả một dân tộc, hủy hoại tinh anh của nhiều thế hệ…Nó đang làm hại cả một nòi giống. » (1)

.

Đến hôm nay mà vẫn còn nhiều người một mặt tỏ ra rất căm thù tham nhũng, bức xúc với suy đồi đạo đức xã hội hoặc thậm chí đã dám lên tiếng phê phán một số chính sách của Chính phủ nhưng vẫn tỏ ra tin tưởng vào ĐCS VN, kỳ vọng vào sự thay đổi của ĐCS VN, trong khi đó ngay đầu năm 2001 Trần Độ đã dứt khoát kết luận : « Những tình trạng yếu kém và khuyết điểm trong quản lý, cai trị và tình trạng xã hội không tốt đẹp. Không thể tìm nguyên nhân gần được, mà phải tìm từ nguồn gốc sâu xa, ở chỗ Đảng đã xây dựng nên một thể chế phản dân chủ và trọng quyền lực. » (2)

.

Tuy nhiên, Trần Độ, vì cũng chỉ là con người, không thể giấu được sự day dứt, đau xót khi phải chia tay với cái Đảng đã một thời là lý tưởng của ông, nhưng tấm lòng thực sự vì nước đã giúp cho lý trí của ông vượt lên hẳn tình cảm: « Tôi cũng cầu mong cái Đảng này tự phê bình mà nhận ra sự thật. Như thế tốt cho Đảng, và quan trọng hơn là tốt cho đất nước. Nhưng tôi lại cũng thấy rằng cái Đảng này, với thể chế và trình độ của nó hiện nay, không thể, không dám, và không muốn tự phê bình. Cuộc vận động chỉnh đốn Đảng có tự phê bình chỉ là một sự « gãi ghẻ » thôi. » (3)

.

Là người trọng tình nghĩa, Trần Độ cũng chân thành, nhưng hết sức thẳng thắn, hiến kế cho Đảng (đã từng là của ông): «Đường lối sắp tới, theo ý tôi phải là đường lối dân chủ hóa. Dân chủ hóa không phải là một số công tác, một số quyết định luật lệ. Dân chủ hóa phải là vấn đề đường lối chiến lược, vấn đề chính trị xã hội. Ta biết có những nhà trí thức quan trọng đã vẽ ra một bức tranh xã hội tươi đẹp cho nước ta ngay trước mắt, không cần phải định hướng, cũng không cần xã hội chủ nghĩa. » (4)

.

Có lẽ hiểu rõ sự lừng khừng, nửa vời, tránh né của giới thức giả đã bị Đảng kìm kẹp lâu ngày, Trần Độ cụ thể hóa ngay những việc then chốt cần thực hiện: « 1. Một mặt, phải đặt ra nghiên cứu, cải cách lại toàn bộ hệ thống chính trị hiện có, xóa bỏ chế độ Đảng độc tôn lãnh đạo. Phải thực hiện đa nguyên, đa đảng…2. Mặt khác có những việc cần làm ngay và có thể làm được ngay : Đó là mấy việc như sau : A. Sửa đổi ngay luật báo chí và xuất bản, bảo đảm thực sự cho tự do ngôn luận như điều 69 Hiến pháp….B. Sửa đổi các luật bầu cử, bãi bỏ thể chế « hiệp thương »… C. Nếu có đặt ra sửa Hiến pháp, thì sửa theo tinh thần Dân chủ hóa. Việc bỏ điều 4 có thể trưng cầu dân ý… »(4)

.

Cái đáng kính trọng của Trần Độ còn ở chỗ ông đã hoàn toàn rời thoát được lối suy nghĩ chủ quan, thái độ áp đặt, ngạo mạn hay đạo đức giả của giới lãnh đạo trong các chế độ cộng sản để trở thành người có lối tư duy khách quan với một thái độ thận trọng, cầu thị, chân thành thường thấy ở những nhà khoa học lớn. Gần cuối cuốn nhật ký, Trần Độ bộc bạch : « Tôi biết rất rõ là những ý kiến của tôi chưa thể đầy đủ, và chưa thể hoàn toàn chính xác. Tôi rất mong có dịp được gặp gỡ với những người có khả năng xét đoán để trao đổi ý kiến, và tôi sẽ được tranh luận, bổ sung, đào sâu hơn. » (5)

.

Đúng. Cố nhiên những hiểu biết về dân chủ và thậm chí cách nhìn của Trần Độ về chế độ cộng sản Việt nam vẫn còn chưa đầy đủ, thậm chí chưa đúng. Và Trần Độ cũng không phải là người đầu tiên xướng lên sự đòi hỏi dân chủ hóa Việt nam. Nhưng chỉ nội việc Trần Độ dám nói hết những hiểu biết của bản thân về vấn đề dân chủ hóa, dám chọc thẳng vào những húy kỵ gay go nhất của ĐCS VN đã làm cho Trần Độ vượt hẳn khỏi vũng lầy mà hầu hết những đồng chí, đồng đội, đồng thời của ông vẫn còn nấn ná hay lún sâu trong đó. Nhiều cái tên lẫy lừng ngày hôm nay của chế độ đảng trị chắc chắn sẽ bị hậu thế đánh dấu bằng loại mực màu đen. Nhưng chắc chắn, đối với Trần Độ thì không.

.

(1) Trần Độ- .Nhật ký Rồng Rắn (ngày 7/12/2000)

(2) Trần Độ- .Nhật ký Rồng Rắn ngày 21/2/2001

(3) Nhật ký Rồng Rắn Phần III , II. Hãy tìm một lối ra.

(4) Nhật ký Rồng Rắn Phần III , II. Hãy tìm một lối ra.

(5) Nhật ký Rồng Rắn Phần III , II. Hãy tìm một lối ra.

.

.

.

No comments: