Monday, August 9, 2010

NHÂN PHẨM PHỤ NỮ BỊ CHÀ ĐẠP TÀN TẠ TRONG NHÀ TÙ CSVN

‘Nhân phẩm của phụ nữ bị chà đạp tàn tạ trong nhà tù”

Lê Thị Công Nhân

Nhóm phóng viên thực hiện

Tạp chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC

Sau 3 năm bị Nhà nước Việt Nam giam cầm với lý do “hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” luật sư Lê Thị Công Nhân chia sẻ cùng độc giả PHÍA TRƯỚC những ngày tháng đấu tranh dân chủ đến những ngày cơ cực trong cảnh tù đày. Luật sư Lê Thị Công Nhân tâm sự rằng “nhân phẩm của phụ nữ bị chà đạp” và tù nhân bị đối xử “như một người nô lệ.”

.

Khi được hỏi về quá trình tham gia vào các hoạt động dân chủ ở Việt Nam, cô luật sư trẻ tuổi cho biết:

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Thực ra từ bé tôi đã thích thời sự. Đó là khởi đầu sơ khởi cho thiên hướng của tôi. Nó là cả một quá trình chứ không phải tự nhiên một ngày kia thì tôi bỗng dưng thay đổi. Đến một ngày nào đó khi nhận thức ấy đủ một mức độ về lượng thì chất của nó thay đổi. Trải qua một quá trình nhận thức, tôi chuyển sang hành động!

Phía Trước: Chị có thể chia sẻ cùng bạn đọc của Phía Trước về quá trình bị bắt giam vào năm 2006?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Trước đó thì tôi đã bị bắt rất nhiều lần. Khi Đảng Thăng Tiến công khai thành lập vào 8/9/2006, tôi đã xác định không sớm thì muộn tôi sẽ bị đi tù. Trước khi bị đi tù, chắc chắn rằng tôi sẽ trải qua quá trình bắt bớ, thẩm vấn, dọa dẫm, khích bác… Mặc dù chưa từng trải qua nhưng tôi đã được nhiều người đi trước truyền kinh nghiệm.

Gần 6 tháng từ ngày 8/9/2006 đến 6/03/2007 tôi bị dụ dỗ, dọa dẫm, khích bác nhưng tôi không từ bỏ con đường của mình. Họ dụ dỗ tôi bằng cách hứa sẽ bố trí tôi làm việc ở Bộ Tư pháp. Còn dọa dẫm thì quá nhiều, đe dọa bản thân tôi và thậm chí cả gia đình tôi. Ví dụ, họ dọa rằng khi mẹ tôi bị lên cơn đau tim, họ sẽ nói với bệnh viện không chữa cho bà. Nhưng tôi đã vượt qua tất cả và họ phải từ bỏ việc thuyết phục tôi quy thuận.. Họ đã chọn cách ứng xử rất tồi tệ với những tù chính trị như chúng tôi. Và tôi hiểu rằng, đi tù không phải là điều tồi tệ nhất và việc đưa Lê Thị Công Nhân vào tù cũng chưa phải việc tồi tệ nhất của công an Việt Nam.

Trong nhiều cuộc thẩm vấn, họ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng: “Nếu đi tù chưa phải là điều tồi tệ nhất, thì họ sẽ làm cho cuộc sống của tôi sẽ còn tồi tệ hơn cả cái chết.” Tôi cũng chưa hình dung ra điều gì tồi tệ hơn cái chết vì tôi cũng không biết cái chết là như thế nào. Vì vậy, tôi để cho việc gì đến sẽ phải đến. Ngày bắt giam tôi, tôi vẫn nhớ. Sau một đợt rất căng thẳng giữa hai bên, tôi bị bắt vào ngày 3/2 và giữ tôi 2 ngày 2 đêm tại 87 Trần Hưng Đạo. Từ đó đến ngày 7/3/2007, tôi liên tục bị triệu tập nhưng tôi không đi và khiến họ rất bực mình. Sau đó tôi bị khởi tố và bị bắt giam. Những hành động của họ không làm tôi chùn bước mà càng khiến tôi tin tưởng hơn vào những gì mình đã làm.

Phía Trước: Còn về những ngày đi tù chắc hẳn đó phải là quãng thời gian rất tồi tệ? Chị có thể chia sẻ về những khó khăn đó?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tôi phải kể từ những ngày đầu tạm giam, vì một ngày tạm giam được tính như một ngày tù. Ngay từ ngày đầu tiên tôi đã bị giam chung với thường phạm và sinh hoạt như một tù nhân bình thường. Buồng giam của tôi nằm ở Hỏa Lò (Trại tạm giam số I Hà Nội và đến năm 1997 chuyển về Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội).

Buồng giam được thiết kế cho 15-16 người nhưng lúc nào cũng trong tình trạng quá tải với ít nhất là 19 người và cao điểm lên tới 40 người. Chỗ nằm mỗi tù nhân là 2 mét vuông (1mX2m), nhưng trên thực tế, mỗi người chỉ có chiều rộng khoảng 3-4 chục centimét để nằm và đương nhiên xảy ra tình trạng một người nghiêng thì tất cả cùng nghiêng. Nhưng riêng tôi, tôi đấu tranh bằng được 2 mét vuông cho mình. Một chuyện nhỏ như vậy thôi, nhưng ở trong tù đó là việc rất quan trọng. Những tù nhân bình thường khác, họ không biết về quy định này và kể cả khi đã được biết, họ cũng không dám đấu tranh vì sợ bị đánh bằng nhiều cách (đánh bằng dùi cui hoặc đánh bằng hạnh kiểm, không có cơ hội được giảm án…).

Trên thực tế, tôi được “khác người” rất nhiều so với tù nhân khác, nhưng tôi có được nhờ sự đấu tranh của riêng bản thân mình và cũng không được trọn vẹn 100 phần trăm đúng với quy định. Ví dụ về nước uống, tù nhân phải được 2 lít thì họ chỉ phát được 1-1,2 lít. Tôi yêu cầu phải nhận đầy đủ nước uống như đã được nhà nước quy định, vì không được phát đầy đủ nước uống nên rất nhiều tù nhân bị bệnh sỏi thận. Một tuần 7 ngày thì chúng tôi chỉ được 2 ngày ăn rau tử tế, vì đa phần các rau đã bị úng thối khi họ dùng để nấu canh cho tù nhân. Một tuần họ phát cho chúng tôi một lát thịt (mỡ) khoảng bằng 2 ngón tay (phụ nữ), và 1 con cá. Nực cười nhất là quy định án tù 4 năm thì được phát một cái màn, nhưng đã bị nhà tù Việt Nam biến thành nhất định phải đi tù 4 năm mới được phát một cái màn!

Ở trong tù còn có tình trạng nhiều người tù thi đua, có thể gọi là “mama tổng quản”, được cán bộ quản tù sử dụng với phương châm: lấy tù nhân để quản tù nhân. Những người này gần như bán linh hồn như quỷ dữ và họ biến nhà tù thành địa ngục. Ở trại giam số 5, họ ra những quy định rằng tù nhân phải gọi cán bộ là ông, bà và xưng cháu – chuyện này hoàn toàn không khác thời phong kiến xa xưa. Thậm chí, người cán bộ đó chỉ 18, 19 tuổi vừa tốt nghiệp lớp 12 và người tù có thể là 50, 60 tuổi vẫn phải gọi cán bộ là ông, bà và xưng cháu, có trường hợp còn xưng con – như một người nô lệ! Nếu không tuân theo thì lập tức các “mama tổng quản” sẽ đến hù dọa và đánh đập. Có những tù nhân “ưu tú” được lựa chọn để phục vụ cho những ý đồ đen tối của các cán bộ, và cán bộ công an ở đó luôn luôn là chân lý và đúng.

Phía Trước: Cảm xúc của chị khi ngồi trong phòng giam của chính quyền như thế nào?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tôi thấy rằng nhân phẩm của phụ nữ bị chà đạp tàn tạ trong nhà tù và đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh, vẫn nằm mơ thấy những ngày ở tù. Rất đáng tiếc là nhà tù tôi ở được đánh giả là tốt nhất Việt Nam, đặc biệt là tốt nhất miền Bắc Việt Nam.

Phía Trước: Từ hôm ra tù ngày 6/3/2010, phía bên an ninh đã có động thái gì với chị không?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Ngày ra tù, bên an ninh áp giải tôi về. Tôi không được có cái cảm giác sung sướng như các tù nhân khác. Tôi chưa kịp bước chân ra khỏi khuôn viên nhà tù thì công an A42, những người đã từng bắt giữ tôi đã đợi ở cổng để áp giải tôi. Tôi đã nói đùa với họ rằng: “Trước khi đi tù thì tôi đã đi tù rồi, và đến khi đi tù xong thì vẫn đi tù nữa.” Thái độ của họ thì vẫn như trước đây – luôn hằn học vả dọa dẫm.

Phía Trước: Trong số những người công an thẩm vấn và canh giữ chị, chị có gặp người nào khiến chị thấy họ có những tư tưởng, suy nghĩ đối lập với “đồng chí” của họ không?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Tôi chưa thấy người nào nhưng tôi không nghĩ là không có người nào. Vì họ đã được đào tạo nghiệp vụ để che giấu cảm xúc. Hơn nữa, trong tất cả các buổi thẩm vấn, luôn có 3 người tra hỏi tôi. Sự bố trí này tôi cho rằng chủ yếu là để giám sát nhau và hỗ trợ nhau. Thật tiếc là trong suốt quãng thời gian ấy, tôi chưa gặp người nào khiến tôi có cảm nhận hơi rõ rệt về việc có tư tưởng khác với số đông bọn họ. Nhưng tôi cũng có cảm nhận rằng hai người – một nam và một nữ – trong số họ không ghét tôi, không hằn học tôi như nhiều người khác. Hai người ấy đều nằm trong A42 và đều là những người còn rất trẻ.

Đa số họ làm việc rất thiếu văn hoá vì khi họ thẩm vấn tôi thì họ không bao giờ cho biết tên cả. Thậm chí khi tôi hỏi thì họ không trả lời, và khi tôi hỏi theo lý lẽ pháp luật thì họ vẫn không trả lời. Hiếm hoi lắm thì tôi được biết tên một vài người, trong số đó thì có khoảng 3-5 người.

Phía Trước: Thưa chị, về phía gia đình thì họ có phản ứng thế nào với các hoạt động chính trị của chị?

Luật sư Lê Thị Công Nhân: Công chúng dường như ai cũng quan tâm tới vấn đề này với một sự háo hức, kinh ngạc. Dễ hiểu thôi, vì ai cũng biết rằng sự cản trở của người thân sẽ gây khó khăn nhất cho con đường sự nghiệp của bản thân, còn hơn sự cản trở của kẻ thù gập bội lần. Nhưng tôi là một người may mắn! Gia đình tôi có thái độ và hành xử đúng đắn, đúng với lương tâm của chính họ trước tiên và thể hiện họ là những người có nhận thức. Họ không đủ hiểu biết về chính trị, cũng không tham gia trực tiếp và cũng không bị chèn ép và đối xử bất công, nhưng họ đều ủng hộ tôi.

Vâng, xin cảm ơn chị đã tham gia cuộc trò chuyện! Phía Trước chúc chị những ngày tươi đẹp trước mặt và luôn bỏng cháy niềm tin.

Nhóm phóng viên PHÍA TRƯỚC
© 2010 Tạp chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC số 36

.

Tải TCPT số 36 (PDF) – BIÊN GIỚI & LÃNH HẢI VIỆT NAM

Download TCPT36 – Bản HD (12MB)
Download
TCPT36 – Bản Standard (5.5MB)
Download
TCPT36 – Bản Mini (3MB)

.

.

.

No comments: