Saturday, August 14, 2010

NGỤY BIỆN "SÚNG CƯỚP CÒ" hay CỐ Ý TRUY SÁT !

Ngụy biện súng “cướp cò” hay cố ý truy sát !

Đại Đoàn Kết

12/08/2010

http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1451&chitiet=15926&Style=1

Vụ cảnh sát mặc đồ dân sự truy đuổi và nổ súng bắn thủng đùi một nữ sinh viên ở Thái Nguyên đang gây ra sự phẫn nộ và lo ngại trong dư luận.

Không phẫn nộ sao được khi 2 viên cảnh sát mặc thường phục, đã chặn bắt, đã truy đuổi, đã nổ đến 2 phát đạn trong đó viên đạn thứ 2 được bắn sau khi xe của nạn nhân đã đổ. Đến khi người dân xung quanh xúm lại chất vấn thì 2 người mặc thường phục đó mới phân bua là công an đang “truy bắt tội phạm”.

Đó thực sự là một hành vi tội phạm hay là cách lấp liếm, đổ vấy trách nhiệm?

Vì sao một hành vi vi phạm hành chính lại có thể bị truy sát như đối với trọng phạm? Vì sao CSGT được phép mặc đồ dân sự và nổ súng, tới hai lần, vào người dân?

Có một tình tiết đáng chú ý: Nạn nhân Hoàng Thị Trà, một sinh viên năm thứ 2 khoa Toán Tin, ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã bị viên đạn trúng đùi trái, xuyên qua hố xương chậu rồi găm vào tủy xương đùi phải. Với việc đạn xuyên tủy, rất nhiều khả năng chị Trà sẽ tàn tật suốt đời. Và, ngay sau khi có vụ nổ súng bắn thành thương một người dân, một nữ sinh viên, CA Thành phố Thái Nguyên đã đối phó dư luận về hành vi phạm pháp của 2 viên cảnh sát này bằng cách yêu cầu nhân chứng điều khiển xe (chở chị Trà) phải nhận lỗi “Không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông”. Nhân chứng đã không chấp nhận lỗi này. Nhận sao được khi anh ta bất thần bị những người mặc đồ dân sự chặn đường. Nhận sao được khi hoàn toàn không có dấu hiệu gì để phân biệt những người truy đuổi và nổ súng đó không phải là cảnh sát hoặc là cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ dân.

Những giải thích sau đó của 2 viên CSGT rằng “Súng cướp cò”, càng làm dư luận phẫn nộ hơn. Có người đã nói mỉa mai và cay đắng rằng cần phải xem lại “trình độ dùng súng”, nói rộng hơn, phải xem lại “Trình độ nghiệp vụ” của họ, khi mà những vụ súng cướp cò, hoặc “chỉ bắn chỉ thiên” lại trúng vào nạn nhân đã xảy ra quá nhiều.

.

Ở Nghệ An, thiếu tá CSGT Lưu Văn Năm dùng súng bắn chỉ thiên, nhưng viên đạn “chỉ thiên” lại trúng lưng nạn nhân. Ở Nghi Sơn- Thanh Hóa, súng của công an “cướp cò”, đạn xuyên qua… tay 1 người phụ nữ và găm vào bụng 1 đứa trẻ, làm cháu chết ngay tại chỗ. Ở Bắc Giang, cảnh sát đang ngồi làm việc với một thanh niên, vừa đi ra ngoài, người khác vào thì thấy người thanh niên đã chết ngồi trên ghế. Và ở Thái Nguyên, súng “cướp cò” nhưng viên đạn không vào người có súng mà lại xuyên thủng đùi cô sinh viên trẻ.

Đó không phải là những vụ súng cướp cò, là những phát đạn chỉ thiên cảnh cáo, mà là việc công an dùng súng không đúng quy định làm hại dân.

.

Sau Nghị định 34, với việc giao rộng quyền xử lý người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm tới công an cấp phường xã, đã xảy ra sự lạm dụng quyền hạn, tùy tiện đến thô bạo. Ở TP.Hồ Chí Minh, người dân phản ảnh một số người mặc đồng phục bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ tham gia rượt đuổi, đạp dân ngã xe lăn quay giữa phố. Ở Hà Nội, báo chí còn ghi được hình những dân phòng chặn, đuổi bắt người vi phạm giữa dòng người xe đông nghịt. Những hành vi vượt quyền, lạm quyền này liên tục xảy ra trong khi lực lượng này chỉ giữ vai trò hỗ trợ CSGT, chứ tuyệt đối không được phép dừng xe hay truy đuổi người vi phạm. Họ truy đuổi gắt gao và hăng hái đến mức người dân không thể không đặt câu hỏi: Họ truy đuổi chặn bắt vì tiền phạt hay là vì bảo đảm an toàn cho dân chúng.

.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm đã từng khẳng định, Bộ Công an không cho phép, đã cấm truy đuổi người vi phạm giao thông với lỗi nhỏ để tránh xảy ra những tai nạn chết người. Ông nói rất rõ ràng, rằng: Trường hợp người dân tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm thì cần tuyên truyền giáo dục, nếu giữ được thì phạt còn nếu họ sợ hãi bỏ chạy thì không cần thiết phải đuổi bắt vì dễ gây tai nạn.

Nhưng quy định là quy định, còn việc truy đuổi vẫn là truy đuổi.

.

16 giờ, ngày 6-5, CSGT Công an huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh truy đuổi xe máy BKS 31K1 – 8727 chở ba người không đội mũ bảo hiểm. Đến gần cầu Đá Hát, hai thanh niên ngồi sau nhảy xuống xe, vừa lúc nhóm cảnh sát lao tới áp sát xe máy làm người điều khiển đâm vào một chiếc xe ô tô cùng chiều tử vong tại chỗ. Ở Thanh Hóa, dư luận còn chưa quên vụ em Phạm Thị Hương (SN 1990), bị CSGT dồn đuổi đến mức lao thẳng xe vào cột điện bên đường. 2 CSGT mặc sắc phục khi thấy tai nạn xảy ra đã quay xe chạy, bỏ mặc nạn nhân nằm bất tỉnh. Phạm Thị Hương, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh phân hiệu tại Thanh Hóa sau đó đã tử vong ở tuổi 19.

Ở TP. Hồ Chí Minh, thậm chí còn có vụ 2 CSGT Đội An Sương, thượng sĩ Lại Thái Bình và Nguyễn Đức Minh đã truy đuổi người vi phạm gần 1 km, bắn liền 3 phát đạn (cao su). Đến phát đạn thứ 3, người vi phạm giao thông bị bắn trúng vào đầu, viên đạn găm vào trán, ngay phía trên mắt.

.

Trong tất cả các trường hợp kể trên, đều chỉ có dấu hiệu là người vi phạm giao thông không đội mũ bảo hiểm. Đuổi bắt và “cướp cò” có phải là biện pháp mà công an áp dụng để đảm bảo giao thông? Những câu chuyện đó đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến hình ảnh người chiến sĩ CAND – Những người luôn sẵn sàng nơi đầu sóng ngọn gió xả thân vì sự bình yên của nhân dân.

Anh Đào

.

.

.

No comments: