MỸ - Việt đàm phán về hạt nhân
Jay Solomon
Đăng ngày 07/08/2010 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4989
Quá trình đàm phán giữa chính quyền Obama và Việt Nam để triển khai hợp tác về năng lượng và kỹ nghệ hạt nhân đã đạt được những tiến bộ khả quan. Kết quả sẽ là một thoả thuận để Hà Nội có khả năng tinh lọc Uranium. Một số nhận vật tại Hạ nghị viện Mỹ đã lên tiếng chỉ trích một thoả thuận như thế. Họ cho rằng, thoả thuận này sẽ khiến các đìều kiện mà Hoa Kỳ thường đòi hỏi từ các đối tác Trung Đông mất hết giá trị.
Được Bộ ngoại giao Mỹ trực tiếp chỉ đạo, cuộc đàm phán trên cũng sẽ gây nhiều đụng chạm với Trung Quốc vì quốc gia này có đường biên giới dài cả trăm ngàn cây số với Việt Nam. Đây cũng là một thí dụ điển hình và một bằng chứng mới nhất của nỗ lực phục hồi địa vị Hoa Kỳ tại Nam Á và Đông Nam Á. Hoa Thịnh Đốn đang củng cố bang giao với các quốc gia ngày càng tỏ ra lo ngại trước hiện tượng Trung Quốc đang trở thành một cường quốc khu vực.
Giới chức trách Hoa Kỳ gần gũi với cuộc thương thuyết hạt nhân cho biết rằng Hoa Kỳ đã đề nghị nguyên tắc hợp tác hạt nhân toàn diện với Việt Nam, một quốc gia cộng sản và cũng là một cựu thù trong giai đoạn Chiến tranh lạnh. Các nhân viên đặc trách đìều đình cũng đã bắt đầu lập hồ sơ trình lên Uỷ ban Ngoại giao của Thượng và Hạ nghị viện Mỹ. Một chức trách cấp cao Hoa Kỳ, sau khi được nghe báo cáo về cuộc đàm phán, đã tiết lộ rằng Trung Quốc đã không được thỉnh thị trong tiến trình đàm phán: “Trung Quốc không được tham khảo”, ông cho biết.
Sau khi được hội ý, một số chuyên gia về đề tài ngăn chặn phổ biến hạt nhân và một số đại diện Quốc hội cũng quan niệm rằng cuộc đàm phán Việt-Mỹ đánh dấu sự thay đổi chính sách mà Hoa Thịnh Đốn đã theo đuổi trong những năm gần đây: cố gắng ngăn chặn hiện tượng phổ biến vũ khí hạt nhân. Chứng minh cho quan niệm này, họ đưa ra điều khoản quan trọng nhất của cuộc đàm phán: Tạo điều kiện để Hà Nội có thể tự sản xuất lấy năng lượng hạt nhân.
Cả chính quyền Obama lẫn chính quyền George W. Bush đều đã từng đòi hỏi các quốc gia mong muốn có được sự hợp tác của Hoa Kỳ trong việc phát triển kỹ nghệ hạt nhân một điều kiện quan trọng: Các quốc gia này phải từ bỏ quyền tinh lọc Uranium cho các mục tiêu dân sự, mặc dù đây là một quyền lợi mà Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hủy diệt hàng loạt (NPT) đã nhìn nhận đối với một quốc gia đã ký hiệp ước NPT. Hoa Kỳ áp đặt điều kiện này vì kỹ thuật sản xuất năng lượng cho các lò phản ứng (power reactors) cũng có thể được dùng để chế tạo vũ khí nguyên tử và, vì vậy, sẽ gia tăng rủi ro phổ biến vũ khí.
Với điều kiện trên, Hoa Thịnh Đốn đã hoan nghênh hiệp ước hợp tác hạt nhân mà Tổng thống Obama đã ký kết với các Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Hoa Kỳ đánh giá hợp tác này như một mẫu mực trong chính sách ngăn ngừa việc phổ biến hạt nhân. Thật vậy, thay vì chế tạo năng lượng cho các lò phản ứng, các Vương quốc Ả Rập đã đồng ý mua loại năng lượng này để cung ứng cho các lò phản ứng. Chính quyền Obama cũng đang điều đình một thoả hiệp với nước Jordan. Yêu sách của Hoa Kỳ là Jordan phải cam kết không phát triển chu trình chế tạo năng lượng cho các lò phản ứng (nuclear-fuel cycle).
Theo lời của giới chức trách Mỹ, Bộ ngoại giao đang đưa ra một chuẩn mực khác dành cho Hà Nội vì các chính giới ngoại giao cho rằng rủi ro phổ biến hạt nhân tại Trung Đông lớn hơn tại Á Châu. Một chức trách Mỹ cho biết: “Vì chúng tôi đặc biệt quan ngại về tình hình Iran và vì những mối đe doạ chạy đua võ trang hạt nhân tại Trung Đông, chúng tôi tin tưởng rằng thoả thuận giữa Hoa Kỳ và UAE là một khuôn mẫu cho mọi thoả thuận trong khu vực này”. Ông cũng cho biết thêm “Những quan ngại như trên không đặt ra với châu Á. Tuỳ theo thực trạng của từng khu vực và của từng quốc gia, chúng tôi sẽ tiếp cận vấn đề một cách thích hợp”.
Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng Lượng Nguyên tử Việt Nam, một cơ quan nhà nước, cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam đã vượt qua gian đoạn đầu của cuộc thương thuyết về hợp tác hạt nhân vào Tháng 03. Đôi bên hy vọng sẽ hoàn tất thoả thuận về hợp tác hạt nhân vào cuối năm 2010. Ông Tấn cũng cho biết thêm rằng Việt Nam không có ý định tự mình tinh lọc Uranium vì “đây còn là chuyện khá tế nhị đối với hoàn cảnh Việt Nam”.
Các chuyên gia về đề tài phổ biến hạt nhân và một số đại diện Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích Bộ Ngoại giao vì đây là thái độ trở mặt so với cương lĩnh của chính quyền Obama về đề tài phổ biến hạt nhân. Họ cũng cho rằng quan điểm của Hoa Thịnh Đốn sẽ bị các quốc gia Trung Đông và các nước nhược tiểu chỉ trích vì Hoa Kỳ đang đi “nước đôi” trong chính sách hạt nhân.
Thái độ trên sẽ khiến Jordan, Ả Rập Xê Út và các quốc gia hiện đang đàm phán về đề tài hợp tác hạt nhân cùng Hoa Thịnh Đốn chùn bước. Họ sẽ từ chối những điều kiện khắt khe, tương tự như hiệp ước giữa Mỹ và UAE, mà Hoa Kỳ muốn áp đặt.
Một chính khách Ả Rập thuộc một quốc gia đang cố gắng phát triển kỹ nghệ hạt nhân đã lên tiếng: “Thật trớ trêu, khi chính sách ngăn chặn phổ biến hạt nhân là một trong những mục tiêu hàng đầu của Tổng thống thì chuẩn mực không được áp dụng tại đây. Không chóng thì chầy, mọi người sẽ nhận diện được chính sách “nước đôi” và thái độ này sẽ khó đưọc chấp nhận trong tương lai”.
Các chuyên gia cũng đặt nghi vấn về lời biện hộ của Bộ Ngoại giao cho rằng Á Châu chứa đựng ít đe doạ về phổ biến hạt nhân hơn khu vực Trung Đông. Họ lưu ý rằng Triều Tiên đã tả xung hữu đột xuất khẩu kỹ thuật hạt nhân có thể được dùng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự. Kỹ thuật này đã được đem sang Miến Điện trong những năm tháng gần đây. Có lẽ Nhật đã nắm được kỹ thuật chế tạo, và sẽ nhanh chóng đi vào công nghệ vũ khí hạt nhân một khi giới chức trách quyết định cho phép.
“Sau khi đã ký hợp tác với UAE và xem đây như tấm gương để noi theo, thoả thuận với Việt Nam không những đã gây nhiều ngạc nghiên, nó có thể là phát súng ân huệ cho những có gắng kềm hãm việc phổ biến kỹ thuật chế tạo năng lượng hạt nhân”, ông Henry Sokolski tuyên bố như vậy. Ông hiện là giám đốc của Trung tâm Giảng dạy về Ngăn chặn Phổ biến Hạt nhân (Nonproliferation Education Center – NPEC). NPEC là trung tâm tụ họp các chuyên gia cố vấn tại Hoa Thịnh Đốn.
Việt Nam đã ký một giác thư với chính quyền Bush vào năm 2001 để hợp tác cùng Hoa Kỳ trong hai lãnh vực: an toàn hoá quá trình phân hạch hạt nhân; phát triển kỹ nghệ hạt nhân dân dụng.
Chính quyền Obama đã thúc đẩy những cuộc đàm phán với Hà Nội trong những tháng qua. Theo lời của chính giới Mỹ, mục tiêu của các cuộc điều đình là tiến đến việc hoàn tất một thoả thuận, mở đường cho những trao đổi về bí quyết kỹ thuật, về hợp tác an toàn hoá kỹ nghệ hạt nhân, về lưu trữ và về đào tạo. Thoả thuận trên cũng sẽ cho phép các công ty Mỹ, như General Electric Co. và Bechtel Corp., bán cho Việt Nam một số trang thiết bị và lò phản ứng.
“Nếu chúng ta có khả năng đưa các công ty và kỹ thuật Mỹ vào sân chơi Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ tạo được bàn đạp để phát triển. Nếu chúng ta tự loại ra ngoài, nhiều đối tác khác sẽ nhập cuộc với những giá trị và chuẩn mực khác hẳn”, một chính khách Mỹ đã cho biết như vậy.
Hoa Thịnh Đốn nhấn mạnh rằng mọi thoả thuận với Hà Nội đều đòi hỏi các cơ sở hạt nhân Việt Nam được đặt dưới sự kiểm soát của các Cơ quan Quốc tế Nguyên tử lực, thuộc Liên Hiệp Quốc. Đây là biện pháp để bảo đảm rằng những thiết bị sẽ không bị Việt Nam dùng cho mục tiêu quân sự.
Theo lời của giới ngoại giao Mỹ, Việt Nam đang nghiên cứu bản dự thảo cuối của thoả thuận. Song song đó, đàm phán sẽ được tiếp diễn vào mùa thu.
Chính quyền Obama đang ráo riết củng cố địa vị Hoa Kỳ tại Nam Á và Đông Nam Á, giữa lúc mà Trung Quốc đang trỗi dậy và chế ngự khu vực này trên phương diện kinh tế và chính trị.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hillary Clinton, vừa ghé thăm Hà Nội tháng qua và đã ghi nhận mối hợp tác giữa Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng tăng trưởng trên nhiều lãnh vực: An ninh, kinh tế và môi trường. Tại diễn đàn an ninh khu vực, bà Clinton đã hậu thuẫn lời kêu gọi của Hà Nội trong đề tài gầy dựng một thủ tục pháp lý hầu dàn xếp những tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải tại vùng Biển Đông. Trung Quốc đã lên tiếng công kích bà Clinton và cho đó là thái độ làm tổn thương lợi ích và an ninh của Bắc Kinh.
Tại Hà Nội, bà Clinton đã tuyên bố “Chính quyền Obama đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa mối bang giao Việt-Mỹ vào giai đoạn mới. Chúng tôi quan niệm rằng không những mối quan hệ này phải xứng đáng với tầm quan trọng của nó, hơn thế nữa, nó là một phần của chiến lược nhằm củng cố sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương”.
Độ căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đã tăng vọt trong những tuần qua, sau khi bang giao giữa đôi bên dường như đã được ổn định vào mùa xuân vừa qua.
Trong tuần qua chính giới Hoa Kỳ cho biết, khi đàm phán với Việt Nam về đề tài hạt nhân, họ không bắn tin cho Bắc Kinh và cũng không tìm kiếm sự đồng thuận của Bắc Kinh. “Đây là cuộc thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chúng tôi không cần sự đồng thuận của Trung Quốc trên những đề tài có tầm vóc lợi ích chiến lược cho chúng tôi”.
Giới ngoại giao Trung Quốc đã không được liên lạc kịp thời đễ có thể bình luận.
Vào những tháng gần đây, Hoa Kỳ cũng có những bước tiến khác để thắt chặt quan hệ với các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á ngày càng trở nên cảnh giác hơn trước thế lực của Trung Quốc.
Tháng qua, Ngũ Giác Đài đã tái thiết quan hệ với Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt Nam Dương, Kopassus, sau khi đã tỏ ra gay gắt với lực lượng này vào năm 1999 vì những hành vi vi phạm Nhân quyền. Hoa Kỳ cũng đã hoàn tất một hiệp ước hợp tác hạt nhân với Ấn Độ vào tuần qua. Hiệp ước này cho phép Tân Đề Li tái chế biến năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ.
Một số chính phủ đã chỉ trích Thoả thuận Tân Đề Li, tương tự như những lo ngại đã được bày tỏ về cuộc thượng thuyết Mỹ-Việt: Nó chứng minh cho thái độ “nước đôi” của Hoa Kỳ. Giới chức trách Hoa Kỳ tranh luận rằng thoả ước với Ấn, một quốc gia đã sáng chế được năng lượng hạt nhân, sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho công tác kiểm tra quốc tế.
Thêm vào những tranh chấp tại Biển Đông, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã chạm trán về đề tài Triều Tiên. Đôi bên đã không đồng tình về cách phản ứng khi Bắc Triều Tiên bị tình nghi là thủ phạm vụ đắnh đắm một tàu chiến của Hàn Quốc (tàu Cheonan). Chính quyền Obama cũng công khai chống đối việc Trung Quốc bán hai lò phản ứng hạt nhân cho Pakistan. Hoa Thịnh Đốn cho rằng Bắc Kinh đã vi phạm những cam kết của Hội các Quốc gia Cung cấp Năng lượng Hạt nhân (Nuclear Suppliers Group). Đây là định chế có cơ sở tại Vienna (Áo) với mục đích kiểm soát sự phổ biến kỹ thuật hạt nhân.
Jay Solomon
Nguồn: The Wall Street Journal, ngày 03/08/2010
Nguyễn Huy Đức chuyển ngữ
© Thông Luận 2010
.
Nói về đàm phán hạt nhân Mỹ Việt (BBC) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2010/08/100806_us_viet_ngodangnhanh.shtml
Đàm phán hạt nhân dân sự Mỹ – Việt, ai hưởng lợi? (RFA)
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/US-and-Vietnam-negotiate-nuclear-cooperation-VHa-08062010172951.html
Các ý kiến xoay quanh cuộc đàm phán hạt nhân Việt Mỹ (VOA) http://www1.voanews.com/vietnamese/news/us-vietnam-nuke-deal-8-6-10-100137889.html
Thương lượng về hạt nhân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ gây mất ổn định (VOA) http://www1.voanews.com/vietnamese/news/politics/us-vietnam-nuke-deal-destabilizing-08-06-10-100111369.html
Trung Quốc lo ngại hợp tác hạt nhân Mỹ-Việt (RFI)
China shaken by US move to sign nuclear deal with Vietnam (The Times of India)
US-Vietnam nuke deal likely to allow enrichment (The Times of India)
.
.
.
No comments:
Post a Comment