Hơn 100 lao động thời vụ Việt Nam tại Thụy Điển đình công
Thứ tư 11 Tháng Tám 2010
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100811-hon-100-lao-dong-thoi-vu-viet-nam-tai-thuy-dien-dinh-cong
Theo hãng tin Pháp AFP, vào hôm qua, 10/08/2010, trong hai vụ việc khác nhau, khoảng 120 người Việt Nam qua làm công việc hái các loại dâu tây tại Thụy Điển đã đình công để phản đối điều kiện lao động áp đặt cho họ. Tuy được trả khoảng 2000 đô la mỗi tháng, nhưng vì giá sinh hoạt ở Thụy Điển khá cao, nên đồng lương không đáp ứng nổi.
.
Vụ đình công thứ nhất nổ ra tại Dalarna, một hạt (tương đương với cấp tỉnh ở Việt Nam), miền trung Thụy Điển, có 70 người tham gia. Trong vụ này, theo ông Hans-Aake Hedin - một nhân viên cảnh sát địa phương cho biết là các lao động Việt Nam đã nhốt 6 đốc công của họ trong một căn phòng tại nơi ở của họ vốn trước đây là môt trường học.
Vấn đề là theo viên cảnh sát nói trên, không những 6 đốc công người Việt bị giam cầm, mà họ còn bị đánh đập, thậm chí, có hai người còn bị trói. Các nạn nhân này sau đó đã được giải cứu, và cảnh sát đang truy tầm những người chịu trách nhiệm về các hành vi bạo đông này.
.
Bên cạnh cuộc đinh công tại Dalarna, theo cũng theo AFP, khoảng 50 lao động Việt Nam tại thị xã Nordmaling, miền Bắc Thụy Điển, cũng bỏ việc để tuần hành từ khu cư xá của họ ra biểu tình ngồi dọc theo một con đường.
Theo ông Magnus Haglund, một viên chức chính quyền địa phương, thì nhà chức trách địa phương chưa rõ yêu sách của những người biểu tình vì những người này rất ít liên lạc với chính quyền sở tại. Tuy nhiên ông cho biết thêm : "Những người phụ trách khu nhà ở của những công nhân này đồng thời là người đã có thỏa thuận với giới chủ công ty thu mua dâu tây cũng như với phía công ty quản lý lao động ở Việt Nam, đã thuyết phục các lao động này quay lại làm việc để giải quyết tranh chấp".
.
Cuộc đình công của lao động Việt Nam tại Dalarna diễn ra ít lâu sau một vụ đinh công khác của 120 lao động Trung Quốc, vào thứ sáu tuần trước, để phản đối chế độ lương bổng của họ. Theo hãng AFP, hàng năm đều có hàng ngàn người Châu Á, chủ yếu là từ Thái Lan, đến miền Bắc Thụy Điển lao động vào dịp hè để thu hoạch dâu tây, loại mọc dại. Nhiều khi họ phải làm việc trong những điều kiện rất nặng nhọc.
Năm nay, giới chủ đã phải đồng ý mức lương tháng tối thiểu là 16.372 kronor, tương đương với 2321 đô la, Tuy nhiên, theo một số công đoàn Thụy Điển, do chi phí cuộc sống ở nước này khá cao và thường công nhân phải tự lo nơi ở, phương tiện đi lại và vé máy bay khứ hồi, cho nên đồng lương không đáp ứng nổi.
.
Đây không phải là lẩn đầu tiên lao động thời vụ Việt Nam tại Thụy Điển đình công phản đối điều kiện làm việc khắc nghiệt. Vào thời điểm này vào năm ngoái, cũng đã xẩy ra một vụ đình công tương tự của 120 người Việt Nam làm công việc hái dâu tại Branas, hạt Varmlands miền Tây Thụy Điển.
Theo báo địa phương Värmlands Folkblad, các lao động Việt Nam khi ấy đã cho rằng họ không được trả lương tương xứng dù đã phải làm việc trong những điều kiện rất cực nhọc. Theo những người lao động này, họ phải chi 15.000 kronor (2.000 USD) đặt cọc cho hai tháng ở Thuỵ Điển, cộng với 9.000 kronor tiền ăn uống và thuê phòng trọ, nhưng chỉ được trả lương 14 kronor/kg. Nếu làm việc và lãnh lương ở mức đó, họ không thể kiếm đủ tiền chi trả cho số tiền mà họ đã phải bỏ ra để qua Thuỵ Điển làm việc.
Chị Lê Thị Hồng, một lao động Việt Nam cho biết: “Những người tuyển dụng nói rằng chúng tôi có thể hái từ 60-120 kg dâu/ngày. Nhưng điều này hoàn toàn không thể, cố gắng lắm chúng tôi mới hái được 10-30 kg/ngày”.
.
Tại Việt Nam một số người từng đi lao đông hái dâu tại Thụy Điển vào mùa hè năm 2009 cũng đã rất phàn nàn về điều kiện làm việc thực tế, nhiều khi không đúng với những gì đề ra khi tuyển dụng. Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm ngoái đã ghi nhận lời chứng của một số người làm việc tại Thụy Điển từ tháng 07 đến 09 như sau :
« Chị Nguyễn Thị Hương ở Thanh Hóa, để có được công việc hái dâu, đã mất gần 40 triệu đồng trả chi phí môi giới, vé máy bay, visa và còn phải chạy tiền đặt cọc chống trốn 36 triệu đồng. Sang Thụy Điển, sau hai tháng làm từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, chị kiếm được 67 triệu đồng. Trừ đi chi phí ban đầu, trả tiền lãi cho các khoản vay, khấu trừ các khoản sinh hoạt phí khác, chị không đủ thu hồi vốn. Anh H. ở Nam Định đi cùng đợt với chị Hương cũng phàn nàn: “Ngỡ sang sẽ được hái quả ở nông trường, hóa ra phải tự đi tìm. Tiền xăng xe, thuê lái xe, mua trang phục phản quang để đi hái dâu trong rừng chúng tôi phải tự lo. Làm việc cật lực nhưng cuối cùng tôi chỉ thu được 800 ngàn đồng” ».
.
Ngay cả giới lao động thời vụ Thái Lan cũng than phiền. Theo Nhật báo Bangkok Post, cuối tháng 8/2009, 27 lao động Thái Lan từ Thụy Điển về nước đã kiện vế tội đánh lừa họ trên hợp đồng sang Thụy Điển hái dâu. Các công ty môi giới hứa hẹn họ có thể kiếm từ 100.000 đến 200.000 baht. Tuy nhiên thực tế trái ngược hẳn.
.
.
.
No comments:
Post a Comment