Thursday, August 5, 2010

HOÀNG NGỌC BIÊN - HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM : "VĂN HỌC DÂN TỘC" - MỘT THỨ DÂY XÍCH LENG KENG LỊCH SỬ....

Hoàng Ngọc Biên – Nhà văn Việt Nam nghĩ về Hội Nhà văn Việt Nam: “Văn học dân tộc” – một thứ dây xích leng keng lịch sử…

Hoàng Ngọc-Tuấn thực hiện

05/08/2010 8:17 chiều

http://www.talawas.org/?p=23134

.

Dưới đây là những câu hỏi do Hoàng Ngọc-Tuấn đặt ra để phỏng vấn các nhà văn Việt Nam trong nước và ngoài nước nhân dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Những câu hỏi này được gửi đến rất nhiều người, cả những người đang là Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam lẫn những người ở bên ngoài Hội. Những bài trả lời sẽ được đăng trên talawas và Tiền Vệ.

_________________

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hôm nay, 04/08/2010, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đang diễn ra tại Hà Nội. Cách đây vài ngày, blogger Nguyễn Xuân Diện viết trong bài “Nghẹt thở theo dõi diễn biến Đại hội Nhà văn” như sau: “Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sắp khai mạc. Văn giới sẽ có cuộc tụ họp cực kỳ hoành tráng tại một nơi cũng cực kỳ hoành tráng, đó là Học viện Nguyễn Ái Quốc (Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)…”

Anh/chị có cảm tưởng gì về cái sự kiện “hoành tráng” này?

Hoàng Ngọc Biên: Hoành tráng? Nếu không nhận được bản “hỏi/đáp” này tất nhiên tôi không biết được có một cái “hoành tráng” như thế diễn ra ở thời điểm này. Tôi 72 tuổi, đọc sách, viết lách, nhưng chưa hề quan tâm đến hội hè, nếu không nói là xưa nay vẫn mắc phải tật rất xấu là khi nghe ai nhắc đến những loại hội hè, hội đoàn như thế tôi không đủ sức giấu một cái cười [phải nói thật là]… khinh bỉ.

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Đại hội “hoành tráng” đến thế mà nhà văn Tạ Duy Anh, một hội viên, lại phát biểu trong một cuộc phỏng vấn (đăng trên talawas) có nhan đề “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay” rằng: “Khi nghe tin Đại hội tiến hành ở Cung Văn hoá Hữu nghị, tôi nghĩ là mình sẽ tham gia. Nhưng nay chuyển đến địa điểm mới thì có thể nói 90 % là tôi không dự. Kể cả dự hay không dự thì tôi cũng không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy.”

Anh/chị nghĩ thế nào về lời phát biểu này?

Hoàng Ngọc Biên: Tôi nghĩ câu trả lời trên đã trả lời chung cho cả câu này. Ông Tạ Duy Anh ở trong nước tất biết rõ nhiều chuyện, còn tôi thì với chút ít những cái tai nghe mắt thấy, tôi cho rằng ông Tạ Duy Anh đã viết ra những từ không sai vào đâu được: hão huyền, long trọng hóa, trò, mua vui, xa xỉ…

Hoàng Ngọc-Tuấn: Theo một bản tin trên trang web của Hội Nhà Văn Việt Nam, lần này, có 150 nhà văn từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Trước khi họ lên đường, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có cuộc gặp họ vào chiều ngày 22/07/2010.

Theo anh/chị, trong thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN này, tại sao Đảng lại quan tâm đến văn chương như vậy?

Hoàng Ngọc Biên: Bản thân tôi không thấy có gì chống việc đi tham dự đại hội ấy. Mỗi người có cách nhìn và cách xử của mình. Không ai có quyền áp đặt tôi, nên tôi cũng không tự cho mình quyền áp đặt ai. Nhưng nếu hân hạnh bị là một trong 150 nhà văn đi Hà Nội, mà lại cũng hân hạnh được ông Đua kia triệu tập, dù chỉ là để đem bia ra dụ khị, thì tôi không đi. Đơn giản, là vì nhà văn và chính quyền là hai thứ khác nhau: không choảng nhau thì thôi, làm gì có chuyện mất thì giờ… gặp gỡ?

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Năm 2007, trong bài “50 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Tài sản lớn của một chặng đường”, nhà thơ Phạm Tiến Duật có kể ra 4 tài sản lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, gồm có: 1/ tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng, của nhân dân; vì sự nghiệp văn học sâu xa và lâu dài của dân tộc; 2/ tài sản thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy việc tôn vinh học thuật đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo riêng biệt của mỗi tài năng là công việc hàng đầu và quan trọng nhất; 3/ tài sản thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam là tấm lòng của mỗi nhà văn và của Hội đối với người cầm bút trẻ; 4/ tài sản lớn thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam là xây ngôi nhà của mình thành ngôi đền lớn của văn học dân tộc.

Anh/chị nghĩ thế nào về những “tài sản” đó?

Hoàng Ngọc Biên: Thử nhận định về 4 tài sản được ông Phạm Tiến Duật đem khoe: 1/ nếu “đoàn kết” là chuyện cười, thì “vì sự nghiệp” phải nói là không cười không được; 2/ hãy tự hỏi: khi có bàn tay chính quyền nhúng vào, người ta làm sao còn “tôn vinh học thuật đỉnh cao”, làm sao có “cá tính sáng tạo riêng biệt”?; 3/ những người cầm bút trẻ tử tế tuyệt nhiên không cần “tấm lòng” của nhà văn lớn tuổi, hay của hội nhà văn; ngoài ra, cũng nên để ý hai từ xa cách “nhà văn” và “người cầm bút”… 4/ từ “ngôi nhà” đến “ngôi đền”? lại “long trọng” nữa rồi… Nhưng, ta vẫn nên để ý từ “văn học dân tộc” – một thứ dây xích leng keng lịch sử…

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hội Nhà văn Việt Nam có tham vọng trở thành “ngôi đền lớn của văn học dân tộc.” Nhiệm vụ của Hội là “tập trung tất cả nhà văn Việt Nam nhằm xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Thế nhưng, gần đây, tôi đọc bài phóng sự “Các nhà văn về nguồn” trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam thì thấy cuộc “về nguồn” ấy, do chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu đoàn nhà văn, đi đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, để viếng thăm nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I. Không lẽ cái “bản sắc dân tộc đậm đà”, cái nguồn của “văn học dân tộc”, nằm ở cái chỗ đó?

Theo anh/chị, ta nên lý giải cái logic này như thế nào?

Hoàng Ngọc Biên: Tôi đã phát biểu về từ “văn học dân tộc” ở câu trên. Không lạ, nếu cái “nguồn” của nó được Hội Nhà văn quan niệm là “đậm đà” từ không phải một mà [hiện người ta còn nhang khói bày ra] nhiều nơi chẳng [và chẳng nên] ăn nhập, dính dáng gì…

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Ngày 29/07/2010 vừa qua, nhà báo Trang Hạ có viết bài “Em không phải là nhà văn”, đăng trên Trangha’s Blog. Trong đó, Trang Hạ cho chúng ta thấy nhiều điểm rất thú vị trong nội tình của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay (đạo văn, mạo danh, bao che, quỵt tiền…) và đặc biệt ngoạn mục là thái độ của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đối với Trung Quốc và… tiền.

Theo anh/chị, những việc thú vị và ngoạn mục như thế diễn ra trong “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” đã phản ảnh đúng mức cái “bản sắc dân tộc đậm đà” chưa? Hay là anh/chị còn biết những sự kiện thú vị và ngoạn mục hơn nữa để làm những ví dụ xác đáng hơn nữa?

Hoàng Ngọc Biên: Cho đến khi nhận được bảng hỏi/đáp này tôi không được đọc bài viết nói trên của nhà báo Trang Hạ. Đọc xong, tôi thấy nên mời cô ấy làm Chủ tịch Hội Nhà văn vì như thế ít ra các hội viên khỏi cảm thấy quê, vì cô ấy kể chuyện có duyên, có lý luận, chửi nhưng biết giả vờ chửi một cách lễ độ… Nhưng đề nghị như vậy thì ác quá, vì cô ấy lẽ nào muốn ôm vào người một cái “đền” lạnh lẽo vô vị như thế…

.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Nếu có một vị tiên trên trời hiện xuống ban cho anh/chị 3 điều ước về Hội Nhà Văn Việt Nam, thì anh/chị sẽ ước những gì?

Hoàng Ngọc Biên: Tôi không tin có tiên, lại càng không tin có một vị tiên nào làm một việc “bất nhân” là ban cho ta một ân huệ để cầu ước cho hội ấy “sửa sai”. Bởi lẽ đó, nếu như bị ép quá, mà có một vị tiên được “bố trí” làm việc này, thì tôi chỉ xin một điều duy nhất: nếu hội ấy không được tái “cơ cấu” để biến mất, thì cho tôi không được nghe nói về nó nữa.

.

.

.

No comments: