Hoa Kỳ và thái độ quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông
Trọng Nghĩa / Đức Tâm (RFI)
Thứ hai 02 Tháng Tám 2010
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100802-hoa-ky-va-thai-do-quyet-doan-cua-trung-quoc-tai-bien-dong
Chuyên san Security Challenges (Thách thức an ninh) của hội Kokoda Foundation (Úc) số mùa đông 2010 có đăng bài của giáo sư Carlyle Thayer với tựa đề : « Hoa Kỳ và thái độ quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông ». Bài viết nêu bật thái độ ngang ngược của Trung Quốc, nâng vấn đề Biển Đông lên thành một khu vực « lợi ích cốt lõi » và có những hành động khiêu khích với danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, trái với chính sách mà Bắc Kinh tuyên bố là mong muốn thúc đẩy « hòa bình, ổn định và phát triển » trong « một thế giới hài hòa ».
Theo giáo sư Thayer, những động thái trên đây đã dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam và ảnh hưởng đến những lợi ích chiến lược và thương mại của Mỹ. Đáp lại, Hoa Kỳ khẳng định quyền tự do thông thương và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Bài viết của giáo sư Thayer gồm 5 phần. Trong phần đầu, tác giả cung cấp những thông tin cơ bản, làm cơ sở cho sự hiểu biết những phát triển gần đây. Phần hai nêu bật ý nghĩa chiến lược của căn cứ hải quân Du Lâm (Yulin) trên đảo Hải Nam. Phần ba của bài viết nhắc lại những hoạt động quấy nhiễu của Trung Quốc đối với các tàu của Mỹ ở ngoài khơi đảo Hải Nam.
Thái độ quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và những ảnh hưởng của nó đối với các lợi ích thương mại và an ninh của Hoa Kỳ là nội dung chính của phần bốn bài viết và cuối cùng, tác giả nêu ra những trở ngại cho việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung và đưa ra một số gợi ý nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực Biển Đông. Trong tạp chí hôm nay, chúng tôi tập trung giới thiệu phần bốn và phần năm bài viết của giáo sư Thayer.
.
Các hành động "quyết đoán" của Trung Quốc tại Biển Đông
Trong phần bốn phân tích về thái độ quyết đoán hiện nay của Trung Quốc tại Biển Đông, giáo sư Thayer đã điểm lại các diễn biến xẩy ra từ năm 2007 đến nay đã khiến cho tình hình an ninh khu vực Biển Đông xấu đi và tạo ra va chạm giữa Trung Quốc và Việt Nam. Giáo sư Thayer tập trung vào ba sự kiện chính đều bắt nguồn từ các động thái của Trung Quốc.
Trước hết là việc Trung Quốc gây áp lực trên các tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ, buộc họ từ bỏ các thỏa thuận khai thác với Việt Nam trong vùng Biển Đông; kế đến là việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá trên vùng Biển Đông đang tranh chấp; và sau cùng là sự kiện Trung Quốc phản đối các đề nghị mở rộng thềm lục địa của nước khác và tái khẳng định chủ quyền trên 80 phần trăm biển Biển Đông. Về diễn biến thứ nhất, Giáo sư Thayer viết :
“Vào năm 2007, Việt Nam thảo ra một kế hoạch dài hạn để hội nhập sự phát triển vùng duyên hải của mình với các nguồn tài nguyên biển ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Các chuyên gia kinh tế Việt Nam ước tính rằng vào năm 2020, sự phát triển của nền kinh tế biển được hội nhập sẽ đóng góp đến 55 phần trăm cho GDP của Việt Nam và từ 55 đến 60 phần trăm hàng xuất khẩu.
Trung Quốc phản ứng bằng cách gây áp lực trong hậu trường trên các công ty dầu hỏa phương Tây có khả năng tham gia vào chiến lược phát triển biển của Việt Nam như ExxonMobil, hăm dọa trả đũa chống lại các lợi ích thương mại của các tập đoàn này ở Trung Quốc nếu họ tiến hành các liên doanh với Việt Nam.”
Về các lệnh cấm đánh cá do Trung Quốc đơn phương ban hành, giáo sư Thayer đã nêu bật thái độ hung hãn của Trung Quốc, đặc biệt đối với ngư dân Việt Nam tại vùng quần đảo Hoàng Sa :
“Năm 2009, Trung Quốc cử tám chiếc tàu ngư chính hiện đại đến khu vực để thi hành lệnh cấm. Việt Nam gởi công hàm ngoại giao phản đối. Theo các phương tiện truyền thông Việt Nam, Trung Quốc đã hành động thô bạo hơn trước đây. Tàu Trung Quốc chận tàu Việt Nam lại, leo lên và tịch thu lượng cá đánh bắt được. Họ còn đuổi tàu thuyền Việt Nam khác ra khỏi khu vực cấm. Trong một trường hợp, một chiếc tàu ngư chínhTrung Quốc đã đâm chìm một chiếc tàu Việt Nam.
Ngày 16 tháng 6 (2009), Trung Quốc bắt giữ ba chiếc thuyền Việt Nam và ba mươi bảy thuyền viên tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Sau khi thả hai chiếc tàu cùng thủy thủ đoàn, Trung Quốc giữ lại chiếc thứ ba và mười hai thuyền viên, đòi nộp 31.700 $ tiền phạt. Hành động của Trung Quốc đã gây ra bất bình nơi giới chức chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ngãi, nơi xuất phát của các ngư dân bị bắt giữ. Họ tuyên bố từ chối trả tiền phạt. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gởi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu trả tự do cho các ngư dân bị bắt giữ (...)
Qua tháng tám 2009, hai chiếc tàu đánh cá Việt Nam với một đoàn thủy thủ tổng cộng 25 người đã dạt vào quần đảo Hoàng Sa để tránh bão. Họ liền bị chính quyền Trung Quốc giam giữ. Việt Nam không chỉ yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho công dân của mình mà còn cứng rắn hơn, đe dọa hủy bỏ một cuộc họp đã được lên kế hoạch để thảo luận về vấn đề hàng hải. Trung Quốc thả các ngư dân và các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng đã được tổ chức trong những ngày 12-14/08/ 2009 tại Hà Nội.”
Về các biến cố xảy ra trong năm 2010, Giáo sư Thayer đặc biệt ghi nhận một chiến thuật được ngư dân Việt Nam sử dụng để chống lại tàu ngư chính của Trung Quốc :
‘’Đến tháng tư năm 2010, Trung Quốc lại một lần nữa đơn phương công bố lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Họ cử hai tàu tuần tra Ngư Chính (Yuzheng) 311 và 202 xuống hiện trường để thực thi lệnh cấm này và để giúp đỡ ngư dân Trung Quốc vốn cho biết là họ bị cơ quan hàng hải Việt Nam sách nhiễu.
Khi hai chiếc tàu ngư chính Trung Quốc đến nơi, họ phải đối phó với một chiến thuật mới của Việt Nam. Thuyền đánh cá Việt Nam bao quanh chiếc Ngư Chính 311, ngăn cản không cho vận hành một cách an toàn. Khi thông tin về cuộc tập trận thứ hai của hải quân Trung Quốc được công bố, tàu thuyền đánh cá của Việt Nam đã rời khỏi khu vực".
Về tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, giáo sư Thayer giải thích :
“Ủy ban của Liên Hiệp Quốc về Giới hạn của Thềm Lục Địa (CLCS) đã ấn định ngày 13 tháng Năm 2009 là thời hạn chót để các nước có bờ biển nộp bản tuyên bố về vùng thềm lục địa mở rộng ra ngoài giới hạn 200 hải lý quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Ngày 06/05, Malaysia và Việt Nam đệ trình một đề nghị chung của hai nước, và hôm sau, Việt Nam cũng trình bày một yêu cầu riêng biệt. Trung Quốc lập tức lên tiếng phản đối nhưng không chính thức đệ trình bản đề nghị của mình. Theo quy định của Ủy ban của Liên Hiệp Quốc về Giới hạn của Thềm Lục Địa (CLCS), các bản đề nghị bị tranh chấp không được xem xét. Việt Nam đối phó với hành động của Trung Quốc bằng cách đệ trình bản kháng nghị của mình.”
Điều đáng nói là thay vì khẳng định chủ quyền suông như trước đây, lần này Trung Quốc đã đính kèm theo các đòi hỏi lãnh hải của họ một tấm bản đồ gồm chín dòng gián đoạn tạo thành một khu vực hình chữ U thâu tóm hầu như toàn bộ vùng Biển Đông về tay Trung Quốc. Đối với giáo sư Thayer, đây là một bước mới trong chính sách Biển Đông của Bắc Kinh :
“Có thể nói đây là lần đầu tiên mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức trình bày đòi hỏi chủ quyền theo cách này. Trước đây, không có bất kỳ tấm bản đồ nào như vậy được gắn vào ba bản tuyên bố chính và bộ luật mà Trung Quốc thường xuyên viện dẫn để hỗ trợ cho các đòi hỏi vùng biển của họ: Tuyên bố về Lãnh hải của Trung Quốc (09/1958), Tuyên bố của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và Vùng lân cận (1992), Tuyên bố của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về Đường cơ sở của lãnh hải (1996), và Luật của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa (1998)”.
.
Thái độ quyết đoán của Trung Quốc thúc đẩy Hoa Kỳ nhập cuộc
Chính các hành động càng lúc càng quyết đoán kể trên của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến cho Hoa Kỳ quan ngại về các mối đe dọa đối với quyền lợi của Mỹ trong khu vực. Giáo sư Thayer phân tích :
“Trong quá khứ Hoa Kỳ đã nói rõ là họ không thiên về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia có liên can, mà chỉ tập trung mối quan tâm vào vấn đề an toàn và tự do hàng hải. Điều này vẫn là lập trường của Hoa Kỳ.
Thế nhưng hiện thời Hoa Kỳ đã trở thành chủ động hơn vì các mối đe dọa của Trung Quốc nhắm vào các lợi ích thương mại của Mỹ và vì suy nghĩ đang gia tăng trong vùng, cho rằng ưu thế của Mỹ có thể là đang suy tàn.
Trong những tháng đầu của chính quyền Obama, đã xẩy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines sau khi Manila thông qua bộ luật về Đường cơ sở của quần đảo này. Trung Quốc phản đối và gửi một tàu tuần tra đến giám sát các vùng biển đang tranh chấp. Tổng thống Obama đã gọi điện choTổng thống Gloria Macapagal-Arroyo để tái khẳng định quan hệ an ninh hỗ tương giữa hai nước và các cam kết của Washington ghi trong và Hiệp định quân sự Visiting Forces Agreement đã ký kết. Thời điểm cuộc gọi được rất nhiều người cho là nhằm hỗ trợ cho Philippines trong vụ tranh cãi với Bắc Kinh.
Đến tháng 7/2009, chính quyền Mỹ nêu rõ chính sách của mình đối với cácvấn đề hàng hải ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Hai quan chức, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Scot Marciel của Bộ Ngoại giao và Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher, đã được cử đến Thượng Viện để điều trần trước Tiểu Ban Đông Á và Thái Bình Dương của Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Marciel bác bỏ thẳng thừng tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) mà không xuất phát từ một lãnh thổ đất liền. Ông Marciel khẳng định: "Những đòi hỏi hàng hải như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế ". Ông cũng lưu ý rằng Hoa Kỳ có "một lợi ích thiết yếu trong việc duy trì ổn định, tự do hàng hải và quyền hoạt động thương mại hợp pháp tại các đường biển vùng Đông Á" (CT nhấn mạnh).
Và một cách cụ thể hơn, sau khi điểm qua các vụ Trung Quốc đe dọa các công ty dầu khí Mỹ làm việc với đối tác Việt Nam, ông Marciel nói: "Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe doạ các công ty Hoa Kỳ".
Theo giáo sư Thayer, việc Trung Quốc gây căng thẳng tại Biển Đông còn có một hệ quả thứ hai. Đó khiến cho Việt Nam cởi mở hơn trong việc đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ.
“Vào tháng sáu năm 2008, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện một chuyến đi quan trọng qua Hoa Kỳ, gặp gỡ Tổng thống George W. Bush. Ông cũng trở thành thủ tướng Việt Nam đầu tiên kể từ năm 1975 đã đến Lầu Năm Góc. Trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp Bush-Dũng, hai bên đồng ý tổ chức thường xuyên các cuộc đàm phán cấp cao về các vấn đề an ninh và chiến lược. Hơn nữa, Tổng thống Bush cũng nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ "chủ quyền quốc gia của Việt Nam, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ".
Tuyên bố chưa từng thấy của Tổng thống Bush có thể được lý giải nhiều cách khác nhau vì không xác định rõ ràng vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Tuy nhiên, câu nói này đã củng cố ý kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trước đó trong năm tại Singapore : ''Trong chuyến đi châu Á của tôi, tôi nghe từng nghe thấy các vị khách của tôi lo lắng về tác động của nhu cầu tài nguyên gia tăng trên vấn đề an ninh, và về đường lối cưỡng chế ngoại giao, và những áp lực khác có nguy cơ tạo ra những biến chứng gây rối ...”.
Gộp lại với nhau, các ý kiến của Tổng thống Bush, Bộ trưởng Gates và Trợ lý Ngoại trưởng Marciel chứng minh rằng Washington đã lưu ý Bắc Kinh là phải đình chỉ việc đe dọa các công ty Mỹ muốn làm ăn với Việt Nam trong lãnh vực dầu khí ở vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)”.
Đối với Giáo sư Thayer, sau một thời gian ngần ngại, trì hoãn, Việt Nam đã mạnh dạn hơn trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ :
‘’Vào tháng 10/2008, Việt Nam và Hoa Kỳ khai trương cuộc đối thoại chính trị-quân sự cao cấp đầu tiên giữa hai bộ Ngoại giao.
Tháng tư năm 2009, quan chức quân sự Việt Nam được đưa ra tàu sân bay USS John Stennis để quan sát các phi vụ trong vùng biển Đông.
Trong tháng 8 năm 2009 và tháng ba năm 2010, nhà máy đóng tàu Việt Nam tiến hành công việc sửa chữa bảo trì hai chiếc tàu thuộc bộ chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ Sealift Command.
Cuối năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Phùng Quang Thanh công du Washington và thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Gates tại Lầu Năm Góc.
Trên đường đến Washington, Tướng Thanh dừng chân ở Hawaii để thăm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ. Tại đấy, ông được chụp ảnh lúc nhìn vào kính viễn vọng của một tàu ngầm Mỹ.
Hoa Kỳ và Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức của hội đàm quân sự cao cấp đầu tiên giữa hai bên trong nửa sau của năm 2010.
Cuối cùng, Bản duyệt xét quốc phòng năm 2010 của Mỹ Quadrennial Defense Review nêu bật khả năng Việt Nam (cùng với Indonesia và Malaysia) là một đối tác chiến lược tiềm tàng của Hoa Kỳ. ‘’
Trong phần năm và cũng là phần cuối của bài viết, giáo sư Carl Thayer đề cập đến những trở ngại ngăn cản sự phát triển quan hệ Mỹ-Trung. Sau khi ghi nhận mong muốn và một số hành động cụ thể của chính quyền Obama nhằm nâng mức Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung lên cấp bộ trưởng, ông Thayer đã nêu bật thái độ dè dặt của phía quân đội Trung Quốc đã được chính tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, nêu lên nhân chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2009 :
« Tướng Trung Quốc Từ Tài Hậu… đã nêu ra bốn trở ngại chính cho sự phát triển quan hệ quân sự Mỹ Trung :
- Trước tiên và cũng là điều quan trọng nhất : đó là mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Đài Loan. Vấn đề Đài Loan thuộc phạm vi lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, và là vấn đề cốt lõi trong quan hệ Mỹ Trung. Nếu Washington không giải quyết tốt điểm này thì không thể có quan hệ quân sự Mỹ-Trung ổn định.
- Thứ hai là máy bay, tầu chiến Mỹ cần phải chấm dứt xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc hy vọng là quân đội Mỹ tôn trọng Công ước Quốc tế về Luật biển cũng như những luật lệ hàng hải của Trung Quốc, và đình chỉ các hành động nói trên vốn đe dọa an ninh và quyền lợi của Trung Quốc.
- Thứ ba là Hoa Kỳ vẫn có những luật lệ cản trở sự phát triển quan hệ quân sự với Trung Quốc, đặc biệt là Luật Chuẩn Chi Quốc phòng của Mỹ năm 2000 (Defense Authorization Act), được thông qua năm 1999.
- Một trỏ ngại khác là Mỹ thiếu vắng lòng tin chiến lược vào Trung Quốc”
.
Trung Quốc hù dọa Việt Nam khi biến Biển Đông thành vùng « lợi ích cốt lõi »
Chỉ ít lâu sau tuyên bố kể trên, vào tháng ba năm nay, Bắc Kinh đã lấn thêm một bước khi nói với các quan chức Mỹ công du Trung Quốc rằng Biển Nam Trung Hoa, tức là Biển Đông đã trở thành vùng « lợi ích cốt lõi » về chủ quyền và sẽ không cho phép bên ngoài can thiệp vào hồ sơ này. Đối với giáo sư Thayer, lời đe dọa đó hàm ý nói Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực để bảo vệ « lợi ích cốt lõi » của họ. Theo ông Thayer, có nhiều cách giải thích thái độ của Trung Quốc :
"Trước tiên, có thể Bắc Kinh có ý đồ gây sức ép buộc Hà Nội chấp nhận những thỏa thuận liên quan đến việc cùng thăm dò và khai thác dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam, tương tự như thỏa thuận hồi tháng 06/2008 giữa Trung Quốc và Nhật Bản cùng phát triển vùng dầu khí Xuân Hiểu tại những vùng biển có tranh chấp về chủ quyền ở biển Nhật Bản, tức biển Hoa Đông.
Nếu đúng vậy thì nỗ lực của Trung Quốc khó thành công bỏi vì vùng có trữ lượng dầu khí mà Trung Quốc muốn nhắm tới lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Hơn nữa, với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, Việt Nam sẽ kháng cự lại ý đồ doạ nạt của Trung Quốc muốn buộc Hà Nội chấp nhận thỏa thuận.
Mặt khác, Trung Quốc cũng không thành công trong việc gây sức ép, ngăn cản các tập đoàn dầu khí Mỹ và ngoại quốc không làm ăn với Việt Nam. Có những dấu hiệu cho thấy là cả hai công ty British Petroleum và ExxonMobil có ý định tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký. Chính quyền Washington cũng đã nói rõ với Bắc Kinh là họ sẽ chống lại mọi sự đe dọa nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ.
Cách giải thích thứ hai là Trung Quốc có thể bắn tín hiệu cho Việt Nam thấy là họ rất không tán thành quan hệ an ninh Mỹ-Việt ngày càng phát triển. Mục đích là tác động đến những thảo luận ở hậu trường tại Việt Nam trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 sẽ tổ chức vào tháng giêng năm 2011. Kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, vào năm 1995, chính quyền Hà Nội luôn thận trọng hạn chế quy mô quan hệ quốc phòng với Washington để tránh làm phật lòng Bắc Kinh".
Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, kể từ 2003, quan hệ quân sự song phương Mỹ-Việt đã tăng tốc, một xu hướng ngày càng rõ hơn như để đáp trả những hành động của Trung Quốc tại vùng Biển Đông :
"Cuối năm 2007, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua những quy định quản lý hành chính khu vực Biển Đông. Điều này đã dấy lên những phản ứng mạnh mẽ trong giới trẻ, sinh viên Việt Nam. Phản ứng này càng phát triển mạnh trong năm 2008 và gia tăng cường độ khi tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố rằng sự dính líu của Trung Quốc vào mỏ quặng bauxite ở Tây Nguyên là một mối đe dọa an ninh quốc gia. Sự trỗi dậy của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa bài Hoa tại Việt Nam là một thách thức chính trị trực tiếp đối với sự lãnh đạo của đảng và việc quản lý mối quan hệ của đảng với Bắc Kinh.
Giới quan sát tình hình Việt Nam dự đoán rằng ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam bị chia rẽ giữa một bên là những người chủ trương hội nhập toàn cầu, và bên kia là những người đặt ưu tiên là hòa thuận với Trung Quốc, coi đó là một đồng minh xã hội chủ nghĩa. Những người lãnh đạo bảo thủ trong đảng muốn thúc đẩy hòa thuận với Trung Quốc thì lo ngại là tư tưởng bài Hoa tại Việt Nam có thể làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.
Sự quyết đoán của Trung Quốc có thể nhằm mục đích thuần phục Việt Nam qua việc chứng tỏ cho Hà Nội thấy hòa thuận thì có lợi hơn là đối đầu. Nếu giả thuyết này đúng, thì Trung Quốc đã hiểu sai Việt Nam bởi vì chính những lãnh đạo bảo thủ trong đảng Cộng sản Việt Nam đã phải ủng hộ việc hiện đại hóa quốc phòng»
Giáo sư Thayer còn nêu lên một giải thích thứ ba cho sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, đó là những mối quan ngại có tính chất địa lý chiến lược vào lúc nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc tăng cao, cần phải bảo đảm an ninh cho tuyến giao thông đường biển và hỗ trợ cho tham vọng siêu cường nước lớn của mình.
"Việc phát hiện những trữ lượng dầu khí ở vùng Biển Đông đã làm cho Bắc Kinh thay đổi quan điểm về khu vực này. Trung Quốc không chỉ tiến hành các chương trình chủ chốt để hiện đại hóa quân đội mà còn xây dựng một căn cứ hải quân quan trọng ở đảo Hải Nam, và từ đây, Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh quân sự ở Biển Đông, củng cố những đòi hỏi về chủ quyền của mình.
Vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông, làm cơ sở giải quyết các tranh chấp về chủ quyền... Mặc dù có Tuyên bố này, các tranh chấp về chủ quyền, lãnh hải vẫn tiếp tục gia tăng từ mức thấp lên mức trung bình trong ba năm qua. Các sự cố giữa tàu Trung Quốc và Mỹ vừa qua cho thấy Biển Đông một lần nữa lại có thể vươn lên hàng đẩu trong số các nguyên nhân gây ra chiến tranh nếu không được quản lý một cách phù hợp".
Trên cơ sở những phân tích kể trên, giáo sư Thayer đưa ra một số gợi ý nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực :
"1- Cần phải khuyến khích Trung Quốc hơp tác với những quốc gia ven biển trong việc cùng quản lý nguồn cá tại Biển Đông và qua đó, ngăn ngừa được việc áp dụng một cách hung hăng những lệnh cấm đánh cá đơn phương.
2- Khi bản Tuyên bố về ứng xử của các bên được thương lượng, thì các bên đã thỏa thuận rằng đây chỉ là giai đoạn đầu tiên hướng tới một bộ Luật ứng xử. Giờ đây, ASEAN và Trung Quốc cần thiết phải làm rõ và xây dựng một « lộ trình » qua việc tiến hành thương lượng một bộ Luật ứng xử mang tính pháp lý ràng buộc hơn đối với vùng Biển Đông.
3- Trung Quốc và Mỹ cần phải đàm phán về một Thỏa thuận giải quyết những sự cố trên biển nhằm ngăn ngừa những hiểu lầm và nguy cơ đụng độ tàu bè trên biển.
4- Trung Quốc và các quốc gia nguyên tử khác, đặc biệt là những thành viên của Hội Đồng Bảo An nên tham gia vào Hiệp ước Đông Nam Á không có Vũ khí hạt nhân. Từ lâu nay, Trung Quốc cho biết là có thể ký kết Hiệp ước này. ASEAN cần phải làm rõ phạm vi địa lý áp dụng bản Hiệp ước này liệu có bao gồm phần ngoài khơi vùng biển phía nam đảo Hải Nam hay không.
5- Các quốc gia trong khu vực cần đưa ra sáng kiến tổ chức những cuộc thảo luận ở cấp quan chức cao cấp về Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển để chấm dứt sự bế tắc về những đòi hỏi mở rộng thềm lục địa và làm rõ loại hoạt động của tàu chiến nào có thể được tiến hành tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước khác.
6- Cuộc họp sắp tới của Hội nghị Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN với các nước đối thoại (ADMM Plus) tại Hà Nội cần xem xét việc xây dựng lòng tin và các biện pháp ngoại giao phòng ngừa cho vùng Biển Đông.
7- Các quốc gia trong khu vực nên tiến hành thảo luận để đánh giá những đề nghị nhằm củng cố cấu trúc an ninh khu vực thông qua một cơ chế bao gồm những cuộc gặp thường kỳ giữa những người đứng đầu nhà nước/chính phủ nhằm giải quyết một loạt những vấn đề liên quan có thể tác động đến an ninh khu vực".
.
.
.
No comments:
Post a Comment