Mỹ Có Đành Đoạn Rút Khỏi Afghanistan Không?
HOÀNG NGỌC NGUYÊN/Việt Tribune
August 13, 2010
http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=4942
Cái chết của mười nhân viên cứu trợ quốc tế đang làm việc tại Afghanistan trong tay của lực lượng Taliban đã dấy lên những đau buồn và lo ngại nơi những người đang theo dõi tình hình ở đất nước tuyệt vọng trong vùng Nam Á này. Dĩ nhiên, đau thương là tình cảm tất nhiên của tất cả những ai còn con tim khi nghe tin tổ chức phiến loạn đang tâm sát hại những người đang hy sinh cuộc sống của chính mình, chấp nhận những hiểm nghẻo, nguy nan để theo đuổi những mục đích nhân đạo trong cuộc sống, đó là giúp những ngưòi nghèo khổ, đau ốm, bệnh tật, vẫn chìm trong cuộc sống lạc hậu, bán khai giữa thời văn minh vật chất hiện đại ngày nay. Cuôc sống duy vật ngày nay đã phơi bày, hay khai thác, quá nhiều mặt bất ưng bất xứng của con người, trong một xã hội mà sự bóc lột của tầng lớp tư bản thống trị đối với giới lao động hạ lưu ngày càng tinh vi, và chỉ có những con người cao cả sống với lý tưởng từ bi, bác ái cho chúng sinh như mười nhân viên y tế đã bỏ mình trên vùng đất hoang dã và hung bạo Afghanistan mới cho được chúng ta những chỗ dựa, những nơi để bấu víu trong tâm trạng lạc loài khi đi tìm những giá trị của con người trong thời đại ngày nay.
.
Mười nhân viên cứu trợ quốc tế bị hại tại Afghanistan.Spencer Platt/Getty Images
http://www.viettribune.com/vt/files/vol05num224/hinh.jpg
.
Tất cả những vị anh hùng của chúng ta có một điểm chung nhất: họ đã từ bỏ những cái bả “vinh hoa, phú quí” của cá nhân, của bản thân, họ đã có dễ dàng để đến với đám đông cùng khổ đang mò mẫm ở tận đáy trong vực thẳm của nhân loại mà chẳng thấy con đường đi lên.
Theo một bài báo trên tờ New York Times, nhiều người trong đoàn này đã đi khắp thế gian trong những sứ mệnh cứu trợ nhân đạo. Bác sĩ Thomas L. Grams, 51 tuổi, vốn là một nha sĩ giàu có, kiếm tiền dễ dàng, văn phòng ở Durango, Colorado, cho đến năm 2007, ông đóng cửa việc kinh doanh, đi xông pha vào nơi gió cát của các làng mạc vùng rừng núi gần tới đỉnh Everest, không phải vì mộng hải hồ, bởi vì trong ba lô của ông chỉ toàn là dụng cụ chữa răng và thuốc đau răng, và ông phải thường xuyên thuyết phục, lúc dọa nạt, lúc năn nỉ, các phụ nữ cởi mạng che mặt để há miệng cho ông khám răng.
Karen Woo, 36 tuổi, người Anh, là một nữ bác sĩ chuyên khoa giải phẫu với mức lương $150.000 một năm, khi còn là sinh viên đã tham gia các đoàn y tế đến tận những nơi như Nam Phi, Úc, Papua New Guinea, Trinidad và Tobago. Cách đây hai năm, bà có dịp đến thăm bạn ở Afghanistan và khi trở về, bà quyết định bỏ việc để đến nơi này. Khi xảy ra vụ thảm sát, bà chỉ còn vài tuẩn nữa là “lên xe hoa”. Nhưng lên hay không lên, bà đã nhất quyết chọn ở lại Afghanistan để theo đuổi một “sứ mệnh giải phóng” cho phụ nữ ở một đất nước vẫn còn khó để giải thích cho nam giới hiểu rằng cho dù luật Hồi giáo nói gì thì nói, nhưng phụ nữ vẫn là con người và phải có đủ quyền sống của con người…
Cô Cheryl Beckett, 32 tuổi, là người đã ở nước này lâu nhất, đến sáu năm, sau mấy năm trước đó phục vụ trong các phái bộ nhân đạo do các nhà thờ bảo trợ ở nhiều nơi trên thế giới. Beckett vẫn bị ám ảnh trước sự hiểm nghèo của những phụ nữ đang mang thai ở các làng mạc xa xôi, hẻo lánh trong vùng rừng núi Afghanistan hơn là tìm đến niềm vui và lạc thú trong đời sống tình cảm và hôn nhân… Cô làm việc trong một trạm xá khám bệnh phụ nữ, thời gian rãnh rỗi cô chăm sóc những luống rau giúp người dân chung quanh “tăng gia cải thiện”, và đang ấp ủ giấc mơ có tiền để làm một công viên ở phía đông Kabul cho trẻ em. Cô nói rành tiếng Dari, là tiếng địa phương của người Afghanistan, cho nên xung phong có mặt trong đoàn leo đến Nuristan, là nơi họ thọ nạn, để làm thông dịch.
Trong đoàn còn có Daniela Beyer, 35 tuổi, cũng rành tiếng địa phương, con của một mục sư và chính cô cũng cống hiến đời mình cho niềm tin tôn giáo. Là người được mô tả “thầm lặng và e thẹn”, cô để nhiều thì giờ dịch các sách giáo khoa ra tiếng địa phương cho trẻ em học.
Và dĩ nhiên cũng phải nói đến hai người địa phương trong đoàn rất gần gũi với người đọc, anh Ahmed Jawed, 24 tuổi, đầu bếp, một vợ, ba con, và còn nhiều người thân quyến ngụ trong nhà, và ông Mahram Ali, 51 tuổi, dẫn đường, có hai con bị phế tật khiến ông ngày đêm cứ phải thở dài… Chúng ta đều hiểu rằng những người dân địa phương này khi tham gia những đoàn cứu tế của người nước ngoài, họ chỉ nghĩ đến chuyện cất đi một gánh nặng tài chánh cho gia đình và sự vui mừng trong gia đình khi đem đồng lương hay tiền thưởng về nhà…
Nhóm này có sáu người Mỹ, một người Đức, một người Anh và hai người Afghanistan. Đây là những người Mỹ đáng làm cho người Mỹ tự hào, ngẩng mặt trên khắp năm châu, bốn bể – không phải những “tấm gương thành công” của các doanh gia như Meg Whitman, Carly Fiorina, hay Mark Hud (tổng giám đốc của công ty Hewlett Packard vừa phải từ chức vì thâm lạm “của công” mấy ngàn cho dù bỏ túi tiền lương mấy triệu một năm). Cũng không phải là những chính khách như Sarah Palin, Rudy Giuliani, Mark Sanford, những người làm cho ta đặt dấu hỏi về tài đức và lý tưởng vì dân vì nước của những người làm chính trị … Những người của chúng ta làm cho chúng ta nhớ đến những bà xơ sống ở trong những làng cùi heo hút trong vùng cao nguyên của đất nước, hay những ni sư, ni cô đang sống với lũ trẻ quây quần trong những trại mồ côi ở các tỉnh duyên hải miền trung. Không phải những linh mục đang tìm cách thu vén đóng góp của tín đồ, hay những ông sư đang muốn xây dựng một cảnh chùa như cung điện của riêng mình.
.
Tại sao Taliban lại đi dập tắt những bó đuốc trong thời đại tăm tối này của loài người chúng ta? Lý do đơn giản là họ không cần ánh sáng hay thậm chí còn sợ ánh sáng. Họ đã quen sống trong tăm tối và cảm thấy sống thoải mái hơn, làm việc dễ dàng hơn, nhìn thấy được sự vật rõ hơn để hành động trong cảnh đêm tối. Và họ cũng muốn dìm những người đồng loại (nếu họ không có ý niệm được người đồng bào, đồng hương) trong bóng đêm để chẳng nhìn thấy được xã hội chung quanh, thế giới bao quanh, để tìm ra con đường dẫn đến một cuộc sống có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn, đáng theo đuổi hơn. Chính mười nhân viên y tế này đã đem đến cho người dân một niềm hy vọng, một niềm tin, một ý thức về cuộc sống, về định nghĩa của nó, về cách sống, về mục đích. “Tội lỗi” của họ như Taliban nói là “làm gián điệp” và đi truyền đạo Thiên Chúa. “Phản động” là cách bạo quyền thường kết tội những người không là nô lệ của cường quyền. Nhưng tội lỗi thực sự của những người này là đã tìm cách làm cho đời sống người dân tốt hơn, và do đó cho người dân một ý thức đời sống của họ có thể tốt hơn, một khả năng so sánh, liên hệ, là điều mà những người Taliban không thể tưởng được họ sẽ làm cho người dân hay vận động, khuyến khích người dân làm cho cuộc sống của họ ngày một bớt tối tăm.
.
Người ta kể lại rằng nhóm người làm công tác nhân đạo này đều hiểu những nguy cơ, hiểm nghèo đang rình rập, chờ đợi họ, trên vùng đất này, nhưng người ta nhún vai, cho rằng mọi thử thách đều quá nhỏ đến không đáng kể nếu so với sự to lớn trong những nỗ lực “đổi đời” đối với người dân, tuy chỉ là những việc như phân phối kính đeo mắt cho người già, bàn chải đánh răng cho trẻ con, thuốc đau nhức cho những người ốm, giúp săn sóc những phụ nữ đang mang thai… đang sống ở những làng mạc hẻo lánh mà người ta phải đi bộ cả chục cây số mới đến nơi. Những nhân viên y tế này giống như những bác sĩ và y tá… làm việc cho tổ chức Project Concern tại những trạm xá ở những nơi rừng sâu trên cao nguyên, từ Tùng Nghĩa đi vào, trong những năm chiến tranh. Họ là những người trẻ đến từ những nước như Đài Loan, Phi Luật Tân, Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ…, làm việc có khi đến bảy ngày một tuần, và bao nhiêu giờ một ngày? Chẳng ai tính được. Nhưng vào thời đó, xe hơi hay trực thăng còn có thể đưa họ đến nơi và đón họ đi, và tiếp tế thực phẩm và thuốc men cho họ. Những người dân miền núi gặp họ không chút sợ hãi, ngồi la liệt dưới nền đất trong những trạm xá được dựng lên khá vững chắc, sạch sẽ, ngăn nắp, với vật liệu xây dựng từ “cơ quan USAID, USOM” mà ra. Và những người nước ngoài đó, ban ngày làm việc, ban đêm ngủ trong những căn nhà chòi đàng sau là thác nước reo và suối con róc rách, và cuối tuần hoặc đi sâu vào vùng rừng núi cắm trại hay lái xe về Dalat đi rảo quanh khu Hòa Bình. Người ta chẳng thể tưởng một nếp sống thanh bình vô sự không sợ hãi như thế trong một đất nước đang có chiến tranh ác liệt.
.
Những phóng sự của những nhà báo Mỹ về cuộc sống của người dân quê Afghanistan ngày nay chắc chắn phải làm cho nhiều người Việt bàng hoàng, ngay cả những người đã từng sống ở miền Bắc trong thời chiến tranh. Những xóm làng hiếm có đường đi, chẳng có mấy chợ búa, chơ vơ, hẻo lánh giữa vùng đồi núi chứa chan ánh nắng và mê mệt dưới sức nóng của mặt trời. Người dân sống trong những khu xóm tồi tàn, không có điện, nước, phương tiện đi lại, nhà cửa thô sơ, mái tôn, vách đất, mùa hè quá nóng, mùa đông tuyết xuống quá lạnh. Cái cùng khổ của họ trong nhà cửa, trong cuộc sống, có thể tương đương với cuộc sống của những người dân Phát Diệm, như được mô tả trong cuốn “Đường Xưa Lối Cũ” của ông Vũ Ngọc Ánh từng dạy sử tại trường Chu Văn An trong những năm 60 tại Saigon. Nhưng đó là những người dân Phát Diệm của những năm 20, 30 thế kỷ trước. Và những người dân còn có hạnh phúc sống trong niềm tin ở Chúa. Người dân quê Afghanistan chẳng có gì để tin, bởi vì có quá nhiều thứ để sợ. Sợ lính “quốc gia”. Sợ bom đạn của quân đồng minh bắn nhầm. Nhưng rùng rợn nhất là sợ khủng bố từ phía Taliban. Sợ luật Hồi giáo sharia của lực lượng quá khích này. Sợ người ta ban đêm đến bắt đi làm “dân quân”, chẳng mấy hồi trở thành “liệt sĩ”, hay đi làm những người chuyển hàng, là các loại ma túy trồng ở những vùng “chiến khu” là nguồn lợi kinh tế nuôi dưỡng “cách mạng”.
.
Những người nước ngoài đã có dịp ở Afghanistan, những người chiến đấu, hay những người làm các công tác dân sự, hay những người tham gia các phái bộ nhân đạo… đều không mơ hồ ở tinh thần “nhân đạo” của Taliban. Đây là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới người ta không công nhận luật bất thành văn về việc cho phép hoạt động, đi lại của những người làm việc cho những tổ chức nhân đạo, từ thiện, y tế… Taliban đã được hình thành, phát triển và nắm được nền “chuyên chính” của mình trong “tim óc” người dân nhờ vào hai sách: thù hận với phương tây, nhất là Thiên chúa giáo, và khủng bố, trấn áp với người dân. Tuần báo Time, trong số đầu tháng, đã nêu lên câu hỏi “What happens if we leave Afghanistan” (Những gì sẽ xảy ra nếu chúng ta rời Afghanistan), với hình ảnh một cô gái 17 tuổi bị Taliban cắt mũi cắt tai bởi vì tìm cách trốn chạy sự bạo hành và cưỡng hiếp của toàn thể nhà bên chồng (nay Aisha đang ở Los Angeles để được “chữa trị”). Tại Kabul, sự chống đối Taliban mãnh liệt nhất đến từ phụ nữ, vì họ biết rằng một khi những người Hồi giáo này trở lại thủ đô trong những công thức chính trị “liên hiệp” gì đó mà Tổng thống Hamid Karzai đang khẩn khoản mời gọi và Mỹ có vẻ muốn thăm dò như một giải pháp đề triệt thoái “trong danh dự”, thì ác mộng sẽ trở lại với phụ nữ: không được đi học, không được ra đường, không được cởi mạng, bị ném đá đến chết nếu bị chồng tố tội ngoại tình, bị đánh đòn nếu để lộ bàn chân ra ngoài…
Người ta chẳng còn nhớ được cách đây 40 năm, khi các bên trong cuộc chiến tranh Việt Nam tới tấp đưa ra những “giải pháp hòa bình”, có ai ở Mỹ đặt câu hỏi “What happens if we leave South Vietnam” hay không? [HNN]
.
.
.
No comments:
Post a Comment