Tuesday, August 24, 2010

HẬU ĐẠI HỘI VIII – HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

PHÚT TRẢI LÒNG CUỐI THÁNG CỦA VI THÙY LINH

24-08-2010

http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/08/phut-trai-long-cua-vi-thuy-linh.html

Cuối tháng 8 nhớ lại Đại hội Hội NVVN lần VIII (4 – 6/8/2010)

NHÀ VĂN VÀ CHIẾC CẶP ĐỰNG LAPTOP

Đó là quà của các nhà văn (NV) được nhận khi dự Đại hội (ĐH) VIII, 5-6/8. Ai ở Hà Nội đến nhận từ 2,3/8 tại trụ sở Hội số 9 Nguyễn Đình Chiểu, đây cũng là nơi đón các đoàn HV các tỉnh về rồi mới chia ra 3 nơi ở: Cụm nhà khách số 10 Chu Văn An và 37 Hùng Vương (NV miền Bắc, Bắc miền Trung); khách sạn Bàn Cờ (NV Nam miền Trung và Tây Nguyên); KS Kim Liên (NV TPHCM, Đông Tây Nam Bộ).

Chính xác như trại lính, các nhà NV ăn sáng lúc 6 giờ, ăn tối lúc 18 giờ, ăn trưa tại nhà ăn Học viện Hành chính (nơi họp). Chuyện đi lại, tiền tiêu vặt của các NV ngoài HN, do địa phương lo. Đó là cách mà Hội NV xã hội hoá công hiệu để giảm tải gánh nặng chi phí. Nhà nước cho tất cả các Hội 1,5 tỷ để tổ chức ĐH đại biểu. Hội NV làm ĐH toàn thể, phải gọi tài trợ từ nhiều nguồn. Cty Bách Việt tặng 1000 cuốn sách các tác giả đương đại Bảo Long, Bảo Việt cho kinh phí. An ninh thế giới giúp 70 triệu. Giờ giải lao các NV ăn dưa vàng, dưa lê, bánh ngọt, La vie và sữa đậu nành Vina soy (uống thoải mái).

Nhưng trị giá quà tặng thì chỉ được Bộ tài chính quy định 100 nghìn / người. Các NV được tặng chiếc cặp loại đựng laptop, trong có: huy hiệu (trị giá 20.000đ), 1 cuốn sổ bìa hồng kèm bút bi Trung Quốc, tài liệu các tác phẩm xuất bản trong nhiệm kỳ VII. NV và phóng viên đều có cuốn kỷ yếu.
Tại ĐH NV các tỉnh phía Bắc 9/6, KS Hải Yến, Đồ Sơn, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định trước các HV: “Tới đây, việc các nhà văn chúng ta sẽ đi nước ngoài nhiều hơn, mỗi người sẽ được trang bị một lap top là chuyện trong tầm tay”.
Vậy nên, khi tấm giấy mời màu hồng kèm cái phiếu nhận quà cũng màu hồng (nhỏ như phiếu bé ngoan) chuyển phát nhanh tới tất cả HV, không ít người đã hy vọng, sắp có laptop. Từ Việt Trì, nhà thơ Kim Dũng, Chi hội phó chi hội NVVN tại Phú Thọ nhắn tin háo hức: “ Đã nhận quà chưa? Có laptop không?”.
Hết buổi sáng 5/8, chiếc cặp của NV Ngọc Bái bị đứt quai. Sau bữa ăn trưa đầu tiên, một số NV cầm nhầm cặp của nhau.

Quà có giá trị nhất không phải là chiếc laptop tưởng tượng, mà là cuốn kỷ yếu (đề giá 200.000đ) dày 1296 trang, khổ 16 x 24cm, nặng 2,3kg “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NXB Hội nhà văn) in lần thứ IV, 1500 cuốn, bìa màu cỏ úa.
Những lần in trước: 7/1992, tháng 4/1997 (dịp 40 năm), tháng 4/2007 (dịp 50 năm thành lập Hội), alphabet sắp xếp theo tên, hợp lý dễ tìm. Mỗi lần in, cuốn sách đều có sự chỉnh lý thông tin, bổ sung HV, tài liệu mới.
Đội ngũ biên soạn, biên tập được lập với những cái tên bảo đảm: Nguyên An, Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Hoa, Mai Hương, Ma Văn Kháng, Nguyễn Ngọc Thiện, Lưu Khánh Thơ. Ban biên tập gồm 4 uỷ viên, nhà thơ Nguyễn Hoa phó Ban thường trực Ban tổ chức - hội viên gánh đảm nhiều nhất. Tôi và nhiều đồng nghiệp theo nếp alphabet từ lúc tiểu học, tìm trang của mình theo vần chữ cái không thấy. Mãi mới biết phải tìm ở vần V, thứ tự xếp theo họ.
Cuốn kỷ yếu 1200 trang in năm 2007, sẽ vẫn là cuốn tôi chọn khi cần tra cứu.
Ở Lời nói đầu, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ biên khẳng định: “Với tinh thần kế thừa một cách tích cực ưu điểm của các lần in trước, để cuốn sách càng hoàn thiện hơn”, xong sự thay đổi “đột phá” này khiến các NV toát mồ hôi tìm tên. Nếu không ngồi ổn định, đặt sách trên bàn mà đứng loay hoay, sách rơi vào chân thì khốn.
Phương Tây, Alphabet xếp theo chữ cái đầu của họ, họ đứng sau tên. Ở VN, xưa nay chúng ta vẫn xếp theo tên, vì họ luôn đứng trước. Mặt khác bút danh nhà văn có đặc thù khác với danh sách học viên, sinh viên hay học sinh tiểu học, phổ thông. Khá nhiều tác giả không dùng họ, chỉ lấy tên làm bút danh, như một loạt: Hữu Loan, Hữu Mai, Hữu Ước, Hữu Việt...Vậy là phần tên đệm trên thực tế này được xếp cùng vần “H” với các nhà văn họ Hà, Hoàng, Huỳnh. Nhà văn Nam Cao được tính từ ký tự “N” để xếp cùng các nhà văn họ Ngô, Nguyễn, Nông...
Vần N đông nhất: 274 người, rồi T: 210 người, L: 133, H: 132.
Điều này được giải thích ở trang 6 cuốn sách: “ Về thứ tự sắp xếp các nhà văn, chúng tôi tuân theo quy định trật tự trước sau của bảng mẫu tự chữ quốc ngữ, với quan niệm tên nhà văn là toàn bộ cụm từ nhà văn dùng để ký dưới lược các tác phẩm, dẫu đó là bút danh, tên khai sinh hay một phần tên khai sinh”.
Đây là một đổi mới bất ngờ?

ĐH nhà văn thật oách. Có 4 xe cảnh sát còi hụ dẫn đường, khoá đuôi chia làm 2 ngả cho 9 ô tô loại 45 chỗ chở NV. Ai cũng có chiếc cặp chờ lap top tương lai ... Một số người cấp tốc học vi tính.
Chiếc huy hiệu xanh lá cây, tròn như cái nấm, như một giọt mực như đồng xu chứa những hy vọng gì? Tôi cất huy hiệu vào ngăn kéo đồ lưu niệm. Huy hiệu đầu tiên của ĐH NV đầu tiên tôi tham gia.
Người ta ví nhà văn như người lính. Có những người lính mỗi dịp kỷ niệm, đeo trên ngực nhiều huân huy chương. Cá nhân tôi không muốn phô diễn hết “mề đay” trên ngực.
Tấm huy hiệu, huân chương sang trọng, kiêu hãnh nhất là đánh giá của công chúng về tác phẩm và sức sống của tên nhà văn.
Tôi dốc sức sáng tạo, không trông chờ các chuyến đi Tây, tài trợ sáng tác hay ngóng laptop.

Phật dạy, tất cả cũng trở về cát bụi. Tham vừa thôi, tham quá nghĩa lý gì. Nhưng nhiều người vẫn tham cái danh để “hoắng”. Sứ mệnh và danh dự của NV là sáng tạo tác phẩm chất lượng. Nghiêm ngặt xét, chỉ 1/10 hội viên đang dốc sức cho lý tưởng này.
Không phải được kết nạp, có tên trong kỷ yếu, đã là NV. Có thể lọc ra cả trăm người không đồng nghiệp nào biết tên, tác phẩm, chưa nói đến công chúng. Cứ sẽ tiếp tục kết nạp, không tăng chất lượng từ đầu vào, Hội sẽ rất đông, cồng kềnh, mà không thể mạnh, thiêng. Kẻ mờ nhạt vô tài thường dày đặc háo danh, tham vọng.
Mấy ai tâm niệm trách nhiệm của NV là sống tử tế, lao động cật lực để không rơi vào alphabet của lãng quên.
Tới đây, nếu việc tặng laptop là sự thật, đồng loạt được trang bị phương tiện làm việc hiện đại, liệu các NV có viết hay, khoẻ hơn? Những lần in sau, cuốn kỷ yếu sẽ dày thêm, tăng tập. Liệu có tăng nổi số các NV tài năng để mỗi lần lật sách, không bắt gặp những trang xoàng?
VI VI

Bài do Vi Thùy Linh gửi Nguyễn Xuân Diện - Blog vào chập tối nay.
Xin cám ơn tác giả đã chia sẻ.


Vài lời của Nguyễn Xuân Diện:

Quả thực, theo dõi Đại hội Nhà văn vừa rồi cảm thấy rất buồn! Sao văn học không song hành với thời đại? Sao nhà văn không đau cùng những nỗi đau của những số phận con người? Văn học Việt Nam gần đây không có tác phẩm lớn, kể khắp lượt các nhà xuất bản, trên mục văn học của các báo, và kể cả các trang mạng trong và ngoài nước đều vậy. Các trang mạng nước ngoài và các tạp chí văn học hải ngoại có kiểm duyệt gì đâu, các nhà văn trong nước gửi đăng vô tư, vậy mà cũng chẳng có tác phẩm lớn nào. Rồi cả các trang website và các blog của rất đông nhà văn, nhà thơ nữa, cũng không thấy xuất hiện tác phẩm lớn. Vậy thì muốn có một nền văn học lớn, phải làm gì và bắt đầu từ việc gì? Tôi chẳng thể trả lời, cũng chẳng dám bàn luận, vì "xin lỗi, tôi không phải là hội viên Hội Nhà văn"

.

.

.

No comments: