Sunday, August 15, 2010

GS NGÔ BẢO CHÂU KHÔNG VỀ NƯỚC SẼ CÓ ĐIỀU KIỆN CỐNG HIẾN NHIỀU HƠN CHO ĐẤT NƯỚC

TS Hoàng Vĩnh Sinh: Không muốn kiếm tiền bằng nghề tay trái

15/08/2010 16:52:37

http://bee.net.vn/channel/1988/201008/TS-Hoang-Vinh-Sinh-Khong-muon-kiem-tien-bang-nghe-tay-trai-1763597/

Nếu tôi là GS Ngô Bảo Châu, tôi sẽ không về nước để có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho đất nước”- TS Hoàng Vĩnh Sinh đã nói như vậy nhân sự kiện Nhà nước đang có ý định mời GS Ngô Bảo Châu về công tác tại Việt Nam. TS Hoàng Vĩnh Sinh cho rằng, nhà khoa học có trí tuệ thì sẽ biết cách kiếm sống và sống sung túc. Vấn đề ở đây là Nhà nước cần thay đổi tư duy về chế độ đãi ngộ cho nhà khoa học không chỉ lương mà điều kiện làm việc để chất xám thực sự phục vụ cuộc sống.


Lương thôi chưa đủ

-
TS có nghe nói đến việc Nhà nước và một số đơn vị nghiên cứu đang trải thảm đỏ để mời GS Ngô Bảo Châu về nước công tác. TS bình luận gì về điều này?
- Quan điểm cá nhân của tôi, GS Ngô Bảo Châu ở nước ngoài thì có lợi cho nền khoa học nước nhà hơn. Với sự đãi ngộ, điều kiện làm việc tốt như ở Mỹ, Pháp, GS Ngô Bảo Châu sẽ có điều kiện cống hiến, phát huy tối đa khả năng, chất xám của mình.
Bên cạnh đó, với mối quan hệ và uy tín của mình, GS Ngô Bảo Châu sẽ là cấu nối cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận với khoa học thế giới. Cần lưu ý, dù chế độ đãi ngộ cho GS Châu có tốt đến đâu, nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ hỗ trợ cho công việc của GS. Bản chất của nghiên cứu khoa học là không thể làm một mình. Công trình mà GS Châu đang tham gia có sự góp sức của nhiều nhà khoa học thế giới... vậy, Việt Nam có đủ tầm để hỗ trợ?

- Nói đến việc hỗ trợ, đãi ngộ, chúng ta cũng có nhiều chính sách để tạo điều kiện cho các nhà khoa học hoạt động đấy chứ. Có vẻ như nhà khoa học kêu hơn nhiều thì phải?

- Tôi không nghĩ thế. Bao nhiêu năm nay, chỉ riêng việc trả lương cho các nhà khoa học theo kiểu đánh đồng, cứ hết đến hẹn lại tăng lương thì làm sao khuyến khích sự sáng tạo. Đã có cơ chế nào đột phá để ưu đãi các nhà khoa học như kiểu doanh nghiệp trả công mua chất xám chưa.

Tôi không sống bằng lương

-
Nghe nói thu nhập của anh khá lắm mà. Vậy sao anh vẫn bức xúc vậy khi đề cập đến vấn đề lương?
- Bức xúc lắm chứ, nhưng đừng hiểu nhầm là tôi bức xúc chỉ vì chuyện lương. Ra trường và đi công tác nghiên cứu đã 15 năm nay rồi nhưng tôi thu nhập từ công việc chính mà tôi được đào tạo cũng chưa đến 3 triệu đồng.
Vấn đề là tôi không sống bằng đồng lương mà công việc chính của tôi đem lại. Tôi không chết đói và không cảm thấy bí bách về mặt kinh tế vì không làm việc này, tôi làm việc kia.
Nếu bạn hỏi 100 nhà khoa học thì tôi tin chắc rằng, 100% trong số họ sẽ trả lời rằng họ mong muốn được sống bằng chính chuyên môn của mình. Chẳng nhà khoa học nào muốn kiếm tiền bằng nghề tay trái thay cho tay phải. Tất nhiên, đôi khi ngay cả trong cuộc sống và một số người, tay trái lại là tay mạnh. Điều tôi muốn nói ở đây chính là hệ thống quản lý khoa học của chúng ta đang có vấn đề.

- Vấn đề? Cụ thể ở đây là gì thưa TS?
- Vấn đề khó nhất của các nhà khoa học hiện nay là không được làm chuyên môn một cách chuyên tâm. Phần lớn thời gian họ dành cho việc lo chạy đề tài, lo giấy tờ, thủ tục, các loại công văn... Hỏi làm sao mà còn thời gian để cống hiến cho sự nghiệp.
Bên cạnh đó, nếu có một nhân tố nào thực sự vượt trội thì cảm giác dường như họ tự bơi, tự bươn trải để khẳng định mình mà khó tìm thấy sự trợ giúp nào. Nhìn sang các nước tiên tiến như Mỹ, Nga, vai trò hỗ trợ của Nhà nước cho các công trình nghiên cứu vượt trội, có tính sáng tạo là rất lớn.
Ở đây, chúng ta đang thiếu đi một người đỡ đầu, một cánh tay nâng đỡ. Hãy hình dung, một mầm non vừa nhú lên, nó rất cần sự che chở để tránh gió, mưa vùi đập. Nếu có được điều đó, cây sẽ lớn nhanh, đâm hoa kết trái trả cho đời.

Nhà khoa học chân chính không thể chết đói
- TS nghĩ sao về câu nói của một nhà khoa học khá nổi tiếng ở Việt Nam: nếu đã là nhà khoa học chân chính, có lòng tự trọng thì đừng có đòi hỏi về lương?

- Tôi đồng ý với quan điểm này. Nhà khoa học chân chính, có trí tuệ thì không bao giờ chết đói. Chỉ có điều, chất xám đó được dùng vào việc gì, xã hội có được hưởng lợi từ chất xám đó hay không thì cần phải suy nghĩ.

- Người Việt Nam vốn tự hào về bản tính chăm chỉ, thông minh. Có không ít nhà khoa học Việt Nam đã được thế giới công nhận và vinh danh. Vậy tại sao, nền khoa học Việt Nam vẫn bị cho là trì trệ, có vấn đề?
- Có thể do các nhà khoa học thiếu tính tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Đã làm khoa học thì không có một ai dám vỗ ngực tôi có thể làm một mình. Tôi khẳng định, nhà khoa học không thể làm được gì nếu đứng một mình, mà cần phải có sự hỗ trợ của nhiều người, nhiều tổ chức. Thế mới có chuyện, nhiều nhà khoa học có công trình nghiên cứu rất hay nhưng chỉ biết để đó mà không biết ứng dụng như thế nào.

- Vậy theo TS có cách nào khắc phục hiện tượng trên không?

- Tôi thì không dám nói nghĩ đến việc một ý kiến cá nhân có thể thay đổi một hệ thống. Song điều tôi cho rằng cần thay đổi chính là tư duy quản lý khoa học. Tôi xin kể câu chuyện mà tình cờ đọc được trên báo. Câu chuyện đó nói về một tổ chức xã hội đen làm lũng đoạn một bến xe. Chúng để một tên trông rất còm nhom, gầy gò ngồi ở một gốc cây trước cổng ra vào bến để thu tiền của các xe.

Thế mà, chẳng cần phải đao to búa lớn, xe nào xe đó răm rắp nộp tiền. Hình ảnh đó và sự sắp xếp trật tự đâu ra đó của tổ chức xã hội đen luôn đặt câu hỏi trong tôi: làm thế nào mà chúng có thể làm được việc đó rất quy củ, chặt chẽ. Trong khi đó, chúng ta có hàng đống văn bản pháp luật về ưu đãi, phát triển khoa học công nghệ nước nhà nhưng vẫn rất lúng túng.

- Đó là một hình ảnh đáng để suy nghĩ. Nếu cho ông một mong muốn để mình có thể cống hiến hết mình cho khoa học?
- Đó là được công nhận và được tạo điều kiện tốt nhất để làm việc. Đừng để các nhà khoa học bị “chôn vùi” trong đống hồ sơ, tài liệu, công văn... những việc đáng lẽ họ có thể được hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý.

- Xin cảm ơn anh và chúc cho TS còn giữ được niềm đam mê khoa học.

---------------------------

TS Hoàng Vĩnh Sinh sinh năm 1972, hiện đang là phó trưởng bộ môn Gia công vật liệu và Dụng cụ Công nghiệp. Ngoài việc giảng dạy, TS Hoàng Vĩnh Sinh khá nổi tiếng trong việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Với công ty Bkmech, TS Sinh đã thành công trong lĩnh vực thương mại hóa các sản phẩm cơ khí “made in Vietnam”. Lần đầu tiên, sản phẩm cơ khí Việt Nam đã vượt qua Đức, Nhật… những cường quốc về máy cơ khí để xuất khẩu sang chính những quốc gia này.

Thu Ba (Thực hiện)

.

.

GS Ngô Bảo Châu : Bí quyết của tôi là niềm đam mê khoa học

Trả Ngô Bảo Châu 5 triệu/tháng, Bộ trưởng 2,5 triệu/ngày

.

.

.

No comments: