Giáo dục Việt Nam nhìn từ ngã tư... Bảy Hiền (kỳ 1)
Nguyễn Huy Cường
Thứ tư, 11/8/2010 8:21 GMT+7
http://www.tamnhin.net/Diemnhin/2988/Giao-duc-Viet-Nam-nhin-tu-nga-tu-Bay-Hien-ky-1.html
(Tamnhin.net) - Nêu vấn đề này trong phần đầu bài trao đổi này, chỉ là phần “demo” gọn ghẽ cho một vấn đề, một tồn tại “nhỏ” trong toàn bộ trọng lượng kinh khủng của một tảng nặng những bấn bách, trì trệ của ngành giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Hẳn bạn đọc hơi ngạc nhiên rằng, tại sao khi muốn đề cập đến một vấn đề vĩ mô, hệ trọng như vấn đề giáo dục Việt Nam, tác giả lại chọn một cái tựa đề có dính đến một địa danh cụ thể, là một cái ngã tư có thật nằm ở trung tâm quận Tân Bình, tp HCM này.
Xin thưa, nó là một sự so sánh rất ý vị và dễ liên tưởng giữa hai hình ảnh giáo dục và giao thông lúc này.
Để bàn về giáo dục nước ta, có rất nhiều hướng tư duy, hướng tiếp cận và nhiều vấn đề cần giải phẫu. Tamnhin.net xin giới thiệu loạt bài viết về giáo dục Việt Nam của Nguyễn Huy Cường kể từ số này.
----------------------------
.
Càng ngày càng có nhiều người nói về giáo dục Việt Nam. Từ những giáo sư tiến sĩ hàng đầu đến giới báo chí. Nói xa nói sáng cũng có, nói băm bổ, chỉ trích cũng có, tán dương, xây dựng, uyên bác… đủ cả nhưng tình hình có vẻ như càng ngày càng lún sâu vào một cuộc khủng hoảng thật sự.
Có lần tôi có ý nghĩ rất “kinh điển” rằng: Nước non này có một đội ngũ trí thức đông nhất Đông Nam Á. Trong cả rừng bằng cấp, cả biển học hàm học vị đó, không phải ai cũng rởm cả, ai cũng tha hóa cả, sớm muộn gì cũng có người phăng ra vấn đề cốt lõi và khi đã “thấy” là sẽ giải quyết tốt.
Do đó, tôi cứ yên tâm “cày” với những đề tài khác của mình.
Nhưng...
Tình hình không khá lên. Nó đang là một tảng nặng trong nỗi âu lo của cả nước.
Bắt đầu bằng chuyện các kỳ thi đại học.
Hai tháng gần đây, một hiện tượng làm tôi bất an thật sự và có ý nghĩ không viết không thể nhắm mắt được, không thể có một giấc ngủ thư thái được.
Đó là việc trước “mùa” thi đại học, tất thảy các tờ báo lớn, năng động của ta nhất nhất chuẩn bị vào cuộc như họ đã làm hàng chục năm nay, như là phải làm thế, như là không có cách nào khác. Đó là không khí chuẩn bị cho kỳ thi đại học.
Người ta bắt đầu đăng các thay đổi sơ sơ trong nội dung thi năm nay so với năm ngoái, các môn sẽ thi, tỷ lệ “chọi” trong các trường đại học, cuộc “xuống đường” của các sinh viên lớp trước giúp các bạn lên thành phố thi…
Sau đó, là những trang quảng cáo tràn ngập các báo về các lò luyện thi, đây đó còn có những nơi ngầm phát đi những quảng cáo không chính thức về các lò “luyện thi chắc chắn đậu”…
Một số tòa báo chứng tỏ sự chuyên nghiệp, năng động của mình bằng những thông báo về khả năng cung cấp thông tin nhanh nhất, bài giải mẫu nhanh nhất, kết quả nhanh nhất truyền tải từng giờ.
Có vẻ như nhất nhất từ công luận đến dư luận, quên phắt nỗi bức xúc kinh người từ những lò luyện thi, quên luôn lời của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khi ông mới lên phụ trách Bộ Giáo dục rằng: Sẽ xóa bỏ kỳ thi đại học, ông cũng nói rằng trên thế giới, không có mấy nơi làm như ta, nó kéo theo nhiều tiêu cực.
Điều đó, thực ra cũng là một nhu cầu khẩn thiết của đời sống xã hội, của giáo dục xứ ta.
Thực ra, trước khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói, nhiều giáo sư danh tiếng, nhiều báo chí đã chỉ ra rất rõ những tiêu cực, thậm chí lố bịch trong trò thi cử này.
Cái thứ nhất, với 12 năm đằng đẵng học tập, nếu em nào có thiên hướng, có ý chí, có phương pháp học tập tốt và xin thêm một cái “nếu” khác là: Nếu cung cách giảng dạy thật tốt, thì đã dư đủ thời gian nắm bắt các kiến thức để thi (trong kịch bản vẫn phải thi đại học). Không cần ôn luyện gì cả.
Với diện này, nó cũng chính là tiềm năng thứ thiệt của đội ngũ trí thức tương lai của đất nước. Kết quả 12 năm trời thể hiện trong học bạ, trên thực tế và qua kỳ thi tốt nghiệp nghiêm cẩn là thước đo rõ nhất mã vạch của công dân trẻ này, nếu các em không đạt được chỉ số đó cũng chính là một đáp số đúng khác của bài toán nhân lực quốc gia, các em sẽ phải đi qua hướng khác để vào đời.
Thứ hai, nếu có một kịch bản thứ hai (như nhận định vừa nêu của cựu Bộ trưởng GD) là không cần thi đại học, trăm phần trăm được.
Không có bất cứ một lí luận nào chứng minh được rằng, với lực lượng giáo viên, giám thị, công an, cơ sở vật chất này, có thể tổ chức tốt được kỳ thi đại học sau đó hơn một tháng nhưng trước đó lại không thể tổ chức thật tốt một kỳ thi tốt nghiệp thật nghiêm túc được.
Có người nêu ý kiến rằng: Nội dung, cấp độ thi vào đại học cao hơn, khác hẳn kỳ thi phổ thông. Nếu tổ chức thi phổ thông bằng bộ đề thi đại học, e rằng tỷ lệ “trượt” sẽ rất cao. Nhiều em sẽ trắng tay sau hơn chục năm học tập.
Vấn đề lớn nằm ở đây.
Trước khi phát biểu tiếp, xin bạn đọc quan sát bốn hiện tượng sau đây:
Một là, ở Hà Nội, tp HCM vài năm gần đây đã quá quen với việc tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến của Anh, Úc, Canada, Mỹ...
Khoan nói đến các nội dung khác của họ mà chỉ nói đến đại học.
Với những nền giáo dục, công nghệ giáo dục của họ, khỏi cần học sinh phải qua kỳ “thi đại học” như ở ta.
Các em đã tốt nghiệp PTTH của ta cỡ nào cũng được, muốn theo học là họ nhận (thậm chí có nhiều trường của Mỹ nhận cả học sinh lớp 11 của ta).
Điều kiện cần nhất là một thang điểm ngoại ngữ Ielts Toefl trên mức trung bình. Em nào học xuất sắc món này còn được cấp một suất học bổng trị giá cả chục ngàn AUD, USD.
Trong trường hợp thí sinh không đạt mà vẫn muốn theo học, cũng không sao, các trường bên ấy sẽ tổ chức thi xếp lớp rồi dành ra một học phần vừa phải cho các em phổ cập khâu ngoại ngữ trước khi vào học chính khóa.
Để tránh tranh luận dài dòng, cần phải chỉ thẳng ra rằng, chất lượng đại học của Úc, Anh, Mỹ hiện nay, chắc chắn cao hơn Việt Nam. Bằng cấp của họ được thế giới coi trọng hơn.
Hai là: Hãy quan sát sau “mùa thi” là “mùa giảm giá” của hàng trăm trường đại học khác của ta. Nếu các cơ sở này “đói” sỹ số, nó hạ điểm chuẩn, vơ bèo vặt tép cho bằng đủ. Có trường nhận cả loại thí sinh chỉ đạt mười điểm trong kỳ thi vừa qua vào tuốt. Hiện có chuyện nực cười là có em đi thi về, ở trường đăng ký có “điểm sàn” là 18 điểm, em chỉ đạt 11 điểm. Sau khi thi hai tháng, “bỗng dưng” nhận được hàng loạt giấy báo… trúng tuyển vào nhiều trường khác, không gì hài hước hơn.
Thứ ba là hình ảnh, một cán bộ cấp quận, huyện gì đó chỉ học xong phổ thông với kết quả làng nhàng từ dăm bảy năm trước, nhiều năm sau kiến thức văn hóa phổ thông thực sự đã rơi rụng rất nhiều, vào công tác rồi, nay thực hiện “chủ trương” đại học hóa, cao học hóa nên cơ quan giới thiệu đi “dự” một lớp đại học tại chức. Vị này chỉ cần “đầu tư” bằng khoảng một phần ba thời gian của các em học đại học chính quy, vừa học vừa công tác, đeo đuổi chơi chơi vài năm xong là “chắc đậu” hết, thành cử nhân, rồi thành thạc sĩ, tiến sĩ nếu muốn, nhẹ như lông hồng.
Cuối cùng là: 80% các thí sinh phổ thông, dù đã bị luộc qua cuộc hành xác khốn khổ ở các lò luyện thi, vừa xả xong vài ngàn tỷ đồng vẫn trượt như thường, chỉ có không đến hai chục phần trăm đậu vào đại học.
Với bốn hình ảnh trên, có thể nói thẳng thừng: Kỳ thi đại học ở Việt Nam là sản phẩm thừa. Nó chỉ có ý nghĩa như là một lề thói, một cái dớp của công nghệ nhồi nhét.
Nhưng, để làm được cái thao tác dư thừa khốn khổ ấy, mỗi năm, người dân đất nước còn nghèo khó này phải quăng vào các đợt ôn luyện, thi cử hàng vài ngàn tỷ đồng. Hai chục năm qua. Số tiền này có thể xây được vài cầy cầu như cầu Mỹ Thuận!
Một hệ quả khác, rất nặng nề, rất sâu sắc là sau khi “luyện”, có một số không nhỏ thí sinh, thực chất học lực yếu nhưng được “bồi đắp” trúng tủ, đã thi đậu và các em này lẻn vào cửa đại học bằng học lực làng nhàng. Kể cả trường hợp các em khéo cày cụi, chui luồn để có tấm bằng sau này, thì diện này cũng không thể là “nguyên khí quốc gia”, là lực lượng cán bộ KHKT ra hồn để gánh vác non sông được.
Giải pháp ư? Nếu nhìn vào bức tranh bốn màu trên đây có thể thấy rằng, chỉ cần thay đổi vài khái niệm, vài cách nhìn là mọi chuyện ổn ngay.
Ngay cả khi muốn dùng một thang điểm thực, đo đếm một chất lượng thực để cung cấp cho nền đại học, cao đẳng, lượng “hàng” có chất lượng mà không phá vỡ hệ thống giáo dục bên dưới, không gây bức xúc trong học sinh diện không đậu đại học có gì khó?
Sau một đợt thi cử nghiêm túc, (ít ra là như việc thi đại học) rồi “nhặt” ra 30% từ trên xuống xem như ưu tú để cung cấp cho khối đại học.
Số còn lại, sau thang điểm được vào đại học, sẽ cấp cho các em trong khung từ X điểm đến Y điểm “Bằng tốt nghiệp THPT” như hiện nay.
Khoảng 10 - 30% còn lại, diện quá yếu kém sẽ được cấp “Giấy chứng nhẫn đã học xong THPT”. Tấm giấy này được xã hội, các cơ sở giáo dục, đào tạo sau phổ thông (ngoài đại học) dùng làm cơ sở để các em nhập vào các đợt thi vào đại học sau này sau khi đã rèn thêm hoặc đi học nghề.
Nếu làm được theo hướng này, sẽ cùng lúc đạt được một kết quả tuyệt vời: Những em thực sự cầu tiến, thực sự muốn vươn lên bằng con đường học vấn sẽ phải cố gắng từ dăm năm về trước, giữ vững nhịp độ học tập, thành quả học tập trong nhiều năm liền. Những nền tảng kiến thức chắc chắn như vậy sẽ tạo nên hẳn một lớp công dân chất lượng cao, hy vọng cho đến cả một ngày nước ta có nền “xuất khẩu kỹ sư” hay “xuất khẩu thạc sỹ - tiến sỹ” cũng không phải một ước muốn quá xa vời.
Nêu vấn đề này trong phần đầu bài trao đổi này, chỉ là phần “demo” gọn ghẽ cho một vấn đề, một tồn tại “nhỏ” trong toàn bộ trọng lượng kinh khủng của một tảng nặng những bấn bách, trì trệ của ngành giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Nó chỉ ra hai điều: Trước là để tạo những gợi mở khoáng đạt cho một hướng tư duy tích cực hơn, hai là chứng minh cái tiêu cực đã rồi. Anh không thể đổ cho ngàn vạn lý do khác khi “lối đi ngay dưới chân mình” như một nhà văn trẻ đã từng nói hay như đoạn dẫn về kỳ thi đại học trên đây.
Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường
.
.
.
Giáo dục Việt Nam nhìn từ ngã tư… Bảy Hiền (kỳ 2)
Nguyễn Huy Cường
Thứ năm, 12/8/2010 9:39 GMT+7
http://www.tamnhin.net/Diemnhin/3031/Giao-duc-Viet-Nam-nhin-tu-nga-tu-Bay-Hien-ky-2.html
(Tamnhin.net) - Ở các góc độ học thuật, chính sách đã có quá nhiều ý kiến. Trong loạt bài này tôi chỉ tập chung lột tả một khía cạnh “nhỏ” của giáo dục Việt Nam là những cái thừa.
.
Ngã tư Bảy Hiền chụp từ vệ tinh
http://www.tamnhin.net/Uploaded/ngoctra/Images/Thang8/aA%202.JPG
.
Đó là những hình ảnh có nét tương đồng với hình ảnh dưới đây:
Xin được mô tả chút ít về cái ngã tư nổi tiếng của Sài Gòn này.
Con đường Trường Chinh (trước đây là đường Cách Mạng Tháng Tám) là con đường huyết mạch rất lớn từ trung tâm Sài Gòn lên Củ Chi, Tây Ninh.
Tại đây, nó giao cắt với đường Hoàng Văn Thụ là một đại lộ lớn chạy từ quận 5 sang phía sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu nhìn vào lưu lượng phương tiện qua đây, hướng Sài Gòn - Củ Chi là hướng cần ưu tiên.
Lưu lượng xe gắn máy qua đây, chỉ tính một chiều từ phía nội ô trở ra An Sương, từ 6 giờ sáng đến 22 giờ tối là 100 chiếc một phút., xe ô tô là 30 chiếc một phút. Mỗi ngày, tính gòn gọn có hơn 100 ngàn lượt chiếc xe máy, 20 ngàn lượt ô tô qua đây.
Cách đây hai năm, để “chấn chỉnh”, “cải tiến”, “sáng tạo” cho việc giảm ách tắc giao thông đô thị, người ta “nắn dòng” như sau:
Tất cả các hướng đi như cũ.
.
phác đồ ngã tư Bảy Hiền
http://www.tamnhin.net/Uploaded/ngoctra/Images/Thang8/aA%206.JPG
.
Riêng tuyến đi từ nội ô ra An Sương, khi đến ngã tư này thì rẽ phải sang hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Qua khu vực Trung tâm Triển lãm Quốc tế, ra đường Xuân Diệu vòng trở lại đường Xuân Hồng rồi về đường Trường Chinh. Khi gặp đường Trường Chinh, xe nào đi về hướng Củ Chi thì rẽ phải đi tiếp. Xe nào đi về hướng quận 5 thì rẽ trái chạy vòng tròn trở lại ngã tư, gặp ngã tư rẽ phải theo đường Lý Thường Kiệt
Mỗi chiếc xe phải chạy xa thêm 600 mét. Mỗi ngày, lượng xe máy, nếu quy về một chiếc, phải đi xa thêm 60.000 km. Mỗi trăm km tốn hai lít xăng thì lượng xăng dầu tiêu thụ cho việc này là 1.200 lít.
Với ô tô, cũng quy về một chiếc, bình quân mỗi trăm km chạy trong đô thị, không quá 40 km/h hao 10 lít xăng thì 10.000 km tiêu hết 1000 lít xăng dầu nữa.
Như vậy, mỗi ngày tiêu hết hơn 2000 lít xăng cho khoản đi vòng này, trị giá 35 triệu đồng. Mỗi năm khoản này ngốn hết 13 tỷ đồng.
Cùng với số tiền có thể xây mỗi năm hai cái cầu vượt qua nơi đây là hàng triệu mét khối khí thải độc hại hơn số bình thường bơm vào không gian sống của khu vực này.
Vậy việc “đầu tư” vô lối mỗi năm hơn chục tỷ đồng này để làm gì???
Xin thưa: Không làm được gì cả.
Con đường đang có sự tham gia của hai hướng cắt nhau hình chữ thập, nay bẻ một hướng như đoạn dẫn trên, còn các hướng khác vẫn y như cũ. Thời gian qua ngã tư của tất cả các hướng còn lại vẫn y như cũ. Hướng đi thẳng từ Củ Chi vào nội ô vẫn phải dừng chờ đèn xanh y như cũ. Ở đây chưa tính đến chuyện, khi dòng xe đi hướng trở ra quận 5 phải quay lại… ngã tư trên phần đường ngắn này tăng lên đột ngột, gây ách tắc, chậm lưu thông rất rõ.
Đó, khi nêu “giải pháp” trên, chắc hẳn người ta phải hướng đến kết quả là xe chạy qua đây thông thoáng hơn, ít ách tắc hơn và không gây phương hại cho bất kỳ địa hạt nào khác, kể cả phương diện thời gian và môi trường. Nhưng thực tế, ngã tư Bảy Hiền hôm nay vẫn như xưa, ngạt ngào khói bụi, chậm trễ và lãng phí.
.
Giáo dục xứ ta không khác gì việc hành xử ở ngã tư Bảy Hiền cả.
Từ khung giáo dục 10 năm như xưa, kéo lên 12 năm. Từ mẫu chữ như xưa đã ổn định, cắt đầu nắn đuôi chán rồi trở lại như cũ.
Từ nhu cầu thực tế, nhiều nước đã vận hành thành công cho việc giáo dục, đào tạo cấp đại học cho đại đa số các môn học chỉ ba năm, riêng ta buộc phải qua “ngã tư Bảy Hiền” thành hơn bốn năm. Từ việc thi cử thật tốt như hướng nêu trên là giải tốt bài toán thi tuyển, bằng cấp sau phổ thông nhưng không làm, thấy rồi vẫn không làm, cứ cố thủ duy trì đợt thi đại học tốn kém, phiền nhiễu cho xã hội, cứ phải qua “ngã tư Bảy Hiền” của giáo dục.
Có nghĩa là, nền giáo dục Việt Nam bộc lộ rất rõ ràng hình hài một nền giáo dục ưa rối rắm, dài dòng và thiếu trọng tâm, lãng phí và có biểu hiện bấn loạn, ít hiệu quả.
.
Chiều cao thành tích
http://www.tamnhin.net/Uploaded/ngoctra/Images/Thang8/aA%208.jpg
.
Căn nguyên một vấn nạn
Để mổ xẻ kỹ, để hình dung và định lượng thật kỹ vấn đề trên, chúng ta đi thật sâu vào “ngã tư Bảy Hiền” này từ nhiều phía.
Bắt đầu từ nội dung sách giáo khoa.
Năm 1997, dù đã muộn, Thủ tướng Phan Văn Khải chính thức truyền đi chỉ thị: Giảm tải giáo dục ở hai địa hạt: Sách giáo khoa và nội dung giảng dạy.
Nhưng, từ lúc thủ tướng nói đến lúc thủ tướng về hưu, cho đến bây giờ không ai làm gì cả.
Mặc dù, người ta đã chi tiền tỷ cho việc chỉnh sửa sách giáo khoa nhưng thay vì rút gọn, nay nội dung sách giáo khoa được kích hoạt cho… tăng lên.
.
Bộ phương tiện tiêu diệt trí nhớ của tuổi lên 10
http://www.tamnhin.net/Uploaded/ngoctra/Images/Thang8/aA%2012.jpg
.
Học sinh lớp 1, lứa học sinh còn phải nhờ cô, nhờ cha mẹ giúp đỡ mặc quần khi đi ị đã phải làm quen với thơ Nguyễn Du.
Học sinh lớp hai phải học về hệ cơ, hệ xương như bác sỹ chuyên khoa! (trang 3 sách tự nhiên & xã hội lớp 2, NXBGD)
.
Một trang sách “nghiên cứu khoa học “ của lớp 2
http://www.tamnhin.net/Uploaded/ngoctra/Images/Thang8/hinh%20a%2001.jpg
.
Học sinh lớp 4 “nghiên cứu” về những cải cách chính trị, xã hội thời Tây Sơn.
.
Một HS lớp 4, khi trên lớp, đã phải học kinh tế, chính trị thời Quang Trung
http://www.tamnhin.net/Uploaded/ngoctra/Images/Thang8/aA%204.jpg
.
Học sinh lớp 9, nghĩa là em bé 14 - 15 tuổi, cái tuổi xin tiền quà của mẹ không được có thể khóc ngay, có em chưa biết giặt quần áo đã được học vế một mối tình ngang trái, nơi một anh sở khanh bắt người yêu “chiều” mình, cô gái có thai rồi tay kia bỏ chạy mất dạng, cô gái đành một mình nuôi con như trong những tiểu thuyết rẻ tiền (Bài “Chuyện của M” trang 41 sách giáo khoa môn Giáo Dục Công Dân lớp 9, NXBGD đang hiện hành)
.
Sách dạy sở khanh cho tuổi 14
http://www.tamnhin.net/Uploaded/ngoctra/Images/Thang8/aA%2015.jpg
.
Nói chung, ngay trong công tác biên tập, cơ cấu giáo khoa, ngành giáo dục có vẻ đang làm theo một hướng: Nhồi vào đầu các em càng nhiều, càng tốt.
Nhiều bậc thầy, cô giáo ở bậc tiểu học khi trao đổi với tôi, cũng đã phát phiền về bộ chương trình này. Về đại thể, chương trình giáo dục tiểu học hiện nay, lượng thông tin cao gấp ba lần thập niên 80.
Những năm 70, học sinh từ lớp 1 đến hết lớp 4 ở miền Bắc (gọi là cấp 1) trong cặp chỉ có 2 cuốn sách in, đó là Tập Đọc và Toán và hai cuốn sách viết là sách Toán và vở Chính Tả. Nhưng học sinh hồi đó tiếp thu tốt chương trình giảng dạy.
Ngày nay, học sinh lớp 3 phải dùng đến 16 cuốn sách in, riêng môn văn, cả sách học, sách đọc thêm, văn mẫu là 5 cuốn.
Đụng đến vấn đề này, dân báo chí và công luận rất dễ vấp phải phản ứng chuyên môn của ngành giáo dục.
Họ có rất nhiều lí lẽ để bảo vệ quan điểm nhồi càng nhiều càng tốt, về sự ưu việt của kiểu “giáo dục toàn diện”, “giáo dục bách khoa” của bộ sách giáo khoa theo khuynh hướng biến “phổ thông thành đại học” như hiện nay. Để chốt gọn vấn đề này xin lấy một điển hình là hai nét như sau:
Sau 30 năm cải tiến, cải lùi, bộ sách cho lớp 1 hiện nay có trọng lượng, độ dày hơn xưa 10 lần nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Hiện tượng hàng chục ngàn học sinh “ngồi nhầm lớp” theo cách nói của báo chí, là những em học lớp hai lớp ba chưa viết nổi tên mình, là một bằng chứng sống.
Nét thứ hai là: Ngày xưa, trước năm 1977 ở miền Bắc, đã lưu hành quyển Tập Đọc vỡ lòng (tương đương với lớp 1 bây giờ) rất đơn giản và hiệu quả. Tập sách biên tập theo kiểu “phố phở, phố có nhà to” hay “ơ lơ mơ – quả mơ” hồi đó, nhà có cô chị sáu tuổi đi học, chỉ ba tháng đứa em bốn năm tuổi ở nhà học theo đã biết gần hết mặt chữ. Mục tiêu cho lớp 1 “đọc thông viết thạo” hồi đó ngành giáo dục đạt được rất vững chắc, dễ dàng chứ không như bây giờ.
Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường
.
.
.
No comments:
Post a Comment