Monday, August 23, 2010

GIÁO DỤC và HỌC THUẬT của MỘT THẾ HỆ TỘI NGHIỆP


Giáo dục và học thuật của một thế hệ tội nghiệp
Lê Bá Thiện Cơ

22.08.2010

http://www.tienve.info/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=55D0058C37F8DB0FEF62F2CB82C95B67?action=viewArtwork&artworkId=11186

Cảm giác của tôi khi đọc những bài viết và phản biện của Ngô Hương Giang là tội nghiệp. Tội nghiệp vì con người trẻ tuổi này ham hiểu biết và muốn vươn lên thật cao từ một cái bệ đứng lỏng chỏng, nhưng lại không đủ kiên nhẫn và cũng không có điều kiện để xây dựng cái bệ cho được vững vàng trước khi bước lên...

Gần đây nhất, anh đã dựa hẳn vào một cuốn Từ Điển và Danh từ Triết học của Trần Văn Hiến Minh để đưa ra những phát ngôn phản biện. Nhưng những điều anh đưa ra chỉ chứng tỏ anh hoàn toàn thiếu căn bản về triết học. Thì ở Việt Nam hiện nay có ai được học triết đàng hoàng đâu mà có căn bản! Những gì anh thu thập được để làm vốn kiến thức triết lý chỉ là kết quả của lối đọc lốm đốm, thiếu hệ thống, từ những trang sách cũ kỹ và đầy thiếu sót.

Linh mục Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh (1918–2003), một người trong nhóm biên soạn cuốn Từ Điển và Danh từ Triết học, không phải là xa lạ đối với thế hệ chúng tôi ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Cuốn Từ Điển và Danh từ Triết học lại càng quá quen thuộc đối với học sinh trung học ban C (tức là ban Triết-Văn trước 1975). Hồi đó, linh mục Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh đã dạy triết tại các trường: Nguyễn Bá Tòng, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Trưng Vương, Trường Sơn... Cuốn Từ Điển và Danh từ Triết học đã được linh mục cùng một vài người khác soạn ra từ năm 1952. Trong lời tựa của ấn bản đầu tiên ghi ngày 21 tháng 1, 1966, linh mục đã viết:

“Ngay từ năm 1952, xuất bản tại Hà Nội cuốn Danh từ Triết Học do một nhóm Giáo sư dạy Triết Học trong một số trường công, tư. Mục đích của những người biên soạn ra nó là muốn đáp lại nhu cầu Việt hóa môn Triết Học, một môn quan trọng trong chương trình tú tài phần hai Việt Nam lúc đó vừa mới manh nha. Năm 1956, tại Sàigòn, nhóm họp Hội Nghị thống nhất ngôn ngữ từ 5-9 tới 10-9-1956. Trong Hôi Nghị này được thiết lập một ban từ ngữ chuyên môn mà chúng tôi hân hạnh được bầu làm Trưởng Ban. Riêng chúng tôi giữ Tiểu Ban danh từ Triết Học và đã cống hiến độc giả một số danh từ làm mẫu in trong Đặc san về Hội nghị thống nhất ngôn ngữ tháng 11-1956 của Văn Hoá nguyệt san, số đặc biệt 16. Năm 1959, một nhóm Giáo sư Đại Học Huế với sự hợp tác của nhiều nhân sĩ đã cho xuất bản cuốn Danh từ Triết Học mới để thay thế cuốn Danh Từ Triết Học 1952 đã không còn bán trên thị trường. Từ đó tới nay đã hơn 6 năm, sau bao nhiêu chờ đợi và lưỡng lự, chúng tôi đánh bạo xuất bản cuốn Từ Điển và Danh từ Triết học này, nhằm tiếp tục và bổ sung cho các cuốn trước.”

Quả vậy, cuốn này chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh trung học hồi đó, chứ nhóm tác giả không xem đây là một cuốn sách cho trình độ đại học. Linh mục Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh đã tự thấy cuốn sách còn nhiều thiếu sót, nhưng vì nhu cầu Việt hóa môn Triết ở bậc trung học, đành tạm thời xuất bản với ý định sẽ tiếp tục bổ sung. Rất tiếc vì bao nhiêu lý do bất khả kháng khác, mãi cho đến năm 1975 cuốn sách vẫn chưa được bổ sung và chưa có cuốn nào khác thay thế.

Một số học giả trước 1975 đã nêu ra nhiều chỗ thiếu sót và sai lệch trong cuốn Từ Điển và Danh từ Triết học. Thiếu sót vì điều kiện tài liệu nghiên cứu trong những năm 1952-1956 rất là khó khăn. Sai lệch vì tiếng Việt hồi đó chắc chắn là chưa đủ để dịch và giải các thuật ngữ triết học cho chính xác được. Đó là chưa kể nhóm soạn giả gồm những người chuyên về thần học Công giáo hơn là triết học.

Dẫu sao, học sinh tú tài hồi đó chỉ dùng cuốn từ điển này để tra cứu thêm, và những gì thiếu sót, lệch lạc thì được thầy giáo bổ sung và giảng giải trực tiếp trong các giờ Triết.

Trước 1975, môn Triết trong trường trung học được chia ra thành 4 nhánh: Siêu hình học (Metaphysique), Luận lý học (Logique), Đạo đức học (Éthique) và Tâm lý học (Psychologie). Học sinh được học về những khái niệm căn bản và những trường phái chính của triết học Tây phương. Lên đến năm thứ nhất đại học, sinh viên có thể theo học sâu rộng hơn ở các ngành triết Đông và Tây. Nói tóm lại, thế hệ chúng tôi được học triết có hệ thống, căn bản, dù còn nhiều thiếu sót.

Sau 1975, môn Triết bị vứt đi, thay vào đó là môn chính trị Mác-Lênin! Tất cả sách triết xuất bản ở miền Nam trước 1975 đều bị xem là chứa đựng tư tưởng phản động, không thể chấp nhận được! Ai nấy mang sách triết đi đốt, đi giấu, đi bán ký cho người ta gói bánh mì...

Kể từ đó, học sinh trung học và sinh viên đại học ở Việt Nam không còn cơ hội để tiếp xúc với triết học một cách đàng hoàng đúng đắn. Những ai thích triết thì chỉ còn tìm đọc theo kiểu lượm lặt rời rạc chỗ này vài câu, chỗ kia một đoạn, chẳng đâu vào đâu nữa. Thật là một thảm họa!

Gần đây, những cuốn sách triết được cất giấu ở đâu đó trước kia đã dần dần thò ra, một số được in lại, và những người thích triết mới bắt đầu tậu được dăm ba cuốn mang về đọc.

Ở Hà Nội có nhà văn Nguyễn Hoàng Đức là người sính triết và anh rất hãnh diện đã sưu tầm được vài chục cuốn sách triết cũ in trước 1975! Từ đó, hầu hết những cuốn sách dày cộm do anh viết đều ngào ngạt mùi triết lý! Nhưng những ý tưởng triết được anh trình bày, ngoài những ý tưởng riêng xuất phát từ bản thân, thì đều chỉ là một sự chắp vá thiếu hệ thống từ những gì nhặt được trong một mớ sách miền Nam trước 1975.

Đọc sách của Nguyễn Hoàng Đức, tôi không tránh khỏi cảm giác xót xa, tội nghiệp. Một tâm hồn muốn vươn lên từ một đôi cánh tả tơi...

Nay đọc những bài viết của Ngô Hương Giang, cảm giác tội nghiệp còn xót xa hơn nữa. Kiến thức của anh là một hỗn hợp của những chắp vá được diễn đạt qua một cách hiểu hoàn toàn thiếu căn bản và đầy sai lầm. Thật khó có ai mà đủ kiên nhẫn để vạch ra và phân tích cho hết những sai lầm đó. Hy vọng một ngày nào anh già dặn hơn, nhìn lại những trang viết của mình, anh sẽ tự thấy tất cả.

Thế hệ trẻ Việt Nam đang lớn lên ở đầu thế kỷ 21, hầu hết bị vong thân trong đời sống xô bồ thảm hại của một thứ kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, chỉ còn một số ít là chuộng học thuật, thích tìm hiểu triết lý. Nhưng, than ôi, họ lại chỉ có thể học hỏi bằng cách lượm nhặt những mảnh vụn đây đó và ghép lại thành những hình thù không ra đầu, chẳng ra đuôi, nhập nhằng, lộn xộn...

--------------

Bài liên hệ:

16.08.2010

Phản biện sự phản biện thiếu tính phản biện của ông Lâm Quang Thăn - Ngô Hương Giang

[GIÁO DỤC] ... Thưa ông Lâm Quang Thăn, điều đầu tiên, tôi rất vui khi ông đã bỏ thời gian đọc các bài viết của tôi. Tôi xin phản biện lại ông như sau. Ông Lâm Quang Thăn hẳn tuổi cao nên đã lẩm cẩm... (...)

Vài lời với Thảo Vi - Ngô Hương Giang

[GIÁO DỤC] ... Đọc xong bài của Thảo Vi, tôi ngao ngán không biết có nên trả lời hay không nữa. Vì đó là một bài viết xuyên tạc, bóp méo sự thật và thiếu căn cứ... (...)

12.08.2010

Phản biện phản biện Ngô Hương Giang - Lâm Quang Thăn

[GIÁO DỤC] ... Ngô Hương Giang cứ nghe loáng thoáng ngôn ngữ, tiếng nói là hấp tấp ráp chúng với kiến thức lỗ mỗ của mình, rồi phát ngôn bừa. Không nhìn ra cái hố to đùng ngăn cách hai phạm trù kia thì càng phản biện càng chứng tỏ sự... lẩm cẩm phi vật thể của mình... (...)

11.08.2010

Về bài “Lời xin lỗi muộn màng” của Ngô Hương Giang — Một chút lương tri người học trò cũ - Thao Vi

[GIÁO DỤC] ... Có thể tôi thiển cận, có thể tôi nông cạn nhưng cái cách tri ân với người thầy từng giảng dạy, từng hướng dẫn mình của tác giả Ngô Hương Giang làm tôi thấy khó hiểu. Phải chăng, anh ta đang ngấm ngầm thực hiện ý đồ hạ bệ tượng đài người thầy mà anh ta đã nêu lên trong Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam... (...)

06.08.2010

Phản biện về bài viết của Lý Liên - Ngô Hương Giang

[GIÁO DỤC] ... Thưa chị Lý Liên, tôi rất cám ơn chị đã bỏ thời gian đọc bài tôi viết. Tôi xin trả lời chị về một số điểm sau... (...)

04.08.2010

Những so sánh của Ngô Hương Giang - Lý Liên

[GIÁO DỤC] ... Hữu thể (Dasein, Being) của Heidegger thì có gì liên quan với nước ta của Phạm Quỳnh hay dân tộc của Hương Giang nhỉ? Tôi không thể hiểu nổi. Hồ Chí Minh thì có gì liên quan tới Thích Ca, Jesus cơ chứ? Hay cứ là danh nhân thì có thể thoải mái ghép họ vào một chỗ được?... (...)

03.08.2010

Phản biện về bài viết của TT Đông Ba - Ngô Hương Giang

[GIÁO DỤC] ... Xin thưa, có cái tượng đài đó hay không? Nên hạ hay tiếp tục giữ vững? Tôi xin gửi nơi bạn đọc tự phán xét. Về phần tôi, tôi im lặng (ít nhất là giây phút này). Còn quá nhiều những hiểu lầm nữa, tôi không những không có thời giờ, mà còn không muốn bàn tiếp về những điều bắt bẻ phi lý như trên của TT Đông Ba... (...)

02.08.2010

Những điều quái gở trong “giáo dục” và “học thuật” của Ngô Hương Giang - TT Đông Ba

[GIÁO DỤC] ... Cái loại học thuật của Ngô Hương Giang như thế mà đòi hạ cái tượng đài về người thầy ư? Nhưng làm gì có “cái tượng đài về người thầy” trên đất nước này để mà hạ xuống? Trên đất nước này, các tượng đài chỉ dành cho những kẻ giết thầy, chôn sống thầy mà thôi... (...)

31.07.2010

Mấy suy ngẫm về giáo dục Việt Nam - Ngô Hương Giang

[GIÁO DỤC] ... Chúng ta mở ra liên tiếp các cuộc hội thảo về đổi mới giáo dục. Thế nhưng, cái điều bình dị và giản đơn là học trò, chúng ta lại không để ý tới. Đó là sự né tránh đối với hạn chế của chúng ta, hay đó là hành vi xem nhẹ những cá thể học diễn giải. Học thuật Việt Nam cần phải xem học trò như là trung tâm của mọi nhận thức. Đã đến lúc cái tượng đài về người thầy vốn từng được xem là trung tâm của mọi sự vững bền, cần phải được hạ xuống... (...)

.

.

.

No comments: