Dòng sông quằn quại: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!”
12:01:am 10/08/10
http://www.danchimviet.com/archives/15870
Dòng sông giao thông tự nó phản ánh bộ mặt của xã hội. Dòng sông có quy luật của dòng sông. Nước không chảy ngược dòng. Khai thông dòng nước không đúng sông sẽ bị bồi lấp, khô cạn, nhiều rác rến, nhiễm ô. Đi trên dòng sông nếu không biết con nước lên xuống, lực chảy của dòng, luồng con nước, đáy dòng sông …thì làm sao tàu thuyền có thể “thông”!? Những dòng sông xã hội không thông nó sẽ tạo nên thảm họa cho sự sống, cả môi trường, con người, xã hội.
Người ta cũng hay ví giao thông như là mạch máu trong cơ thể con người, xã hội. Nhìn giao thông xã hội hiện nay ta thấy mạch máu ấy trong cơ thể như thế nào rồi. Chắc hẳn không phải là cơ thể khỏe mạnh, thậm chí, là triệu chứng bệnh không thể nào chữa nổi dù có kéo dài hơn 1500km đường sắt cao tốc thì cũng chẳng chữa lành. Lợi, có thể cho những kẻ kinh doanh thân xác xã hội, những bác sỹ tồi, không có lương tâm, đồng lõa với tội ác, những kẻ đã tạo ra cái cơ thể xã hội bệnh hoạn và nhởn nhơ sống trên sự đau khổ của đồng bào, đồng loại…
Một xã hội bình thường, yên hòa, “dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc” nó sẽ tuân theo quy luật, sống như cơ thể sống của dòng sông. Nó sống hài hòa cùng với bầu trời, mặt đất, thiên nhiên, núi rừng, thú, chim, muông; con người, môi trường, xã hội. Yêu quý, tưới tắm cho từng ngọn cỏ, cành hoa, muôn cây, ngàn lá, vạn vật muôn loài chứ không phải vì sự sống, lợi ích riêng mình, tàn phá cả rừng đầu nguồn, bán rừng biên giới, diệt môi trường sống của chính mình và yêu những đặc sản rừng, thú rừng trong đó cả những loài thú quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng… trên bàn nhậu và trong những hội nghị luôn gào thét vì nước, vì dân.
.
Tài nguyên của đất nước, xã hội từ trong thiên nhiên, kể cả không khí, ánh nắng, con gió, nước ngầm và cả khi” lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày…”, và tài nguyên – con người, trí tuệ, tính nhân bản, lòng yêu thương. Con người, một thời “trí, phú” đã bị “đào tận gốc, trốc gận rễ”, cải tạo, đấu tố cho tơi tả nay cũng vẫn còn nhập nhòe, gian dối cả con người trong bộ máy “tinh hoa” không phải của xã hội … Diệt” trí” đi thì xã hội chỉ còn những con cáo, bó tót, chồn hôi nhưng lại muốn biến những loài ấy đội mão, đi hia, đeo nhãn mác “tiến sỹ”… Diệt “phú, địa hào”, cả tư sản dân tộc đi thì nay mới có một lũ chuột cống, chuột đồng, cả một đàn, một lũ, chỗ nào cũng có, lúc nhúc, lô nhô, từ trong cung đình đến nơi nhà thổ, rồi lu loa diệt chuột bằng những cái bẫy “nạm ngọc, thếp vàng”, chẳng dám làm cho nó đau, lại cho thêm nhiều cái bồ thóc để bè lũ nó sống thì nạn dịch làm sao mà dập tắt cho nổi. Khổ nỗi, “ bứt dây động rừng”, diệt nó đi chẳng lẽ diệt cả chính mình!? Bởi vậy, những con Giòi, con Chuột, con Chồn, Bò Tót… mới tự huyễn hoặc mình, tự tin “Tôi yên tâm. Yên tâm rằng phải làm” và những kẻ khác kêu gào, hùa theo “ cần đi tắt đón đầu “; “ có tầm nhìn xa”; có “chỉ số IQ cao”. Cả xã hội đã nhìn thấu tận tim đen, từng chân tơ, kẽ tóc vậy mà bọn chúng lại hợm mình há cái hàm Cá Mập kêu gào giọng Quạ, giọng Sói tru mà cứ tưởng rằng Họa Mi hót …
.
Nhân dân khi quyền làm chủ của mình đối với xã hội đã bị tước đoạt thì dòng sông xã hội không thể hiền hòa, trong xanh. Nó là nạn nhân bị lũ bẩn thỉu ngồi thấp, ngồi cao cấu kết làm cho ô nhiễm, lại biến nó thành một tác nhân ô nhiễm cả bầu trời, mặt đất, môi trường, sự sống con người. Con người vì sự sống phải tự thích nghi với môi trường, chấp nhận sống, tham gia vào dòng chảy và ngập lặn, chịu mọi thứ dơ bẩn, khổ đau từ những dòng sông ấy tạo ra. Còn cái gì là yên bình, hạnh phúc cho mỗi con người và xã hội?! Tai họa gieo vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội từ một gốc mà ra. Cái gốc của nó ở đâu? Ai cũng thấy những lại có những kẻ không chịu thấy, cứ “Mất mùa là tại Thiên tai…”. Cái giỏi, cái tài, cái rất ư đạo đức của những ông Vua là – cái gì mình cũng đúng, cái gì mình cũng giỏi, cũng hay; Là “ông chủ” nhưng lại lừa bịp, tự xưng mình là “đầy tớ”, đẩy gậy tất cả về cho đầy tớ nhưng phong cho cái mác là “ông chủ”, rồi o ép ông chủ đủ điều, vắt kiệt tâm trí, thân xác “ông chủ” chẳng khác gì lũ ngựa trâu.
.
Dòng sông chảy theo quy luật của dòng sông. Dòng sông xã hội hôm nay đang bị ô nhiễm đâu chỉ một dòng sông Thị Vãi. Luật pháp cứ đu đưa, lại dung túng, bảo kê cho kẻ gây ra tai họa. Chúng dường như cùng một bản chất. Ăn hạt gạo của nhân dân nhưng lại phản bội, vô ơn. Kẻ tham có quyền lực đang móc ngoặc với nhau bằng chính cái luật pháp chúng đẻ ra thì dòng sông kia làm sao có thể trong xanh, không ô nhiễm nhưng rồi tất cả lại đổ vấy cho người bị dòng chảy ấy cuốn trôi; xem người bị cuốn vào dòng chảy như là tội phạm, mầm mống gieo tội ác. Cơn lũ tràn và đầy những cặn bã của cơn lũ giao thông, lũ mọi mặt của xã hội ai cũng thấy, ai cũng biết những chỉ có một lũ người không chịu hiểu, một nhúm người không chịu biết, chịu thấy lại có lũ Mèo “Tàu vị yểu” trắng, đen gì cũng là Mèo bảo bọc rồi thì chúng còn biết sợ gì ai?
.
Mọi dòng sông cuộc sống: chính trị, kinh tế, giáo dục, lịch sử, truyền thống, đạo đức, văn hóa, xã hội…hiện nay đều nhiểm độc chứ đâu riêng gì dòng sông giao thông. Nó từ một nhân mà ra, từ một cơ chế tác oai tác quái mà ra. Nếu “cục đất mà biết nói năng”, nhân dân có quyền “mở miệng”, nhân dân có quyền của người làm chủ xã hội thì những cái kẻ khoác lác, to mồm cá mập kia sẽ không thể nói bừa, nói càn, nói bậy; “cái răng” của chúng sẽ “không còn”. Chó không biết chủ là ai thì nó có biết sợ ai!
Chỉ nhìn dòng sông-giao thông thôi người ta thấy bộ mặt xã hội; bản chất xã hội, bản chất của lãnh đạo, quản lý … Nó là một bộ phận trong toàn thể những dòng sông đời sống đất nước. Từ “một” ta có thể nhìn thấu” tất cả! Những giá trị rất bình thường trong cuộc sống con người xã hội thời đại- tự do, dân chủ, nhân quyền, dân quyền; đạo đức, văn hóa…nhưng sao với dân tộc tự hào hơn 4 nghìn năm văn hiến bây giờ những giá trị ấy sao quá vời xa!
.
Một sự “tự do” chen lấn hỗn loạn, vô kỷ cương, luật pháp. “Dân chủ” đã bị đánh tráo, lừa bịp về nội hàm. Luật pháp là của kẻ mạnh; là sự thúc ép, bóc lột , đè nén, trói buộc con người; dung túng, bảo vệ cho sự ngu dốt, gian tham, tàn phá môi trường; tàn phá xã hội; tàn phá lịch sử, văn hóa, dân tộc, đất nước…Nó đào, nó bới, nó xới, nó bán, nó buôn; nó rước giặc vào nhà; nó phá thành, phá lũy, phá biên giới cả ngàn năm ngăn giặc thù bành trướng, xâm lược. Nó cúi đầu làm rào cản, “phối hợp” kiểm tra, ngăn cả Biển Đông sóng dậy; dâng biển đảo của tổ quốc cho kẻ thù; yêu nước mà bị bắt; yêu nước phải xin phép. Nó đã làm nhạt nhòa đi ý thức quật cường của dân tộc; biến con người VN trở thành vô cảm, tha hóa, lai căng, vọng ngoại, mất gốc; nó làm biến màu lịch sử, đem cả di tích lịch sử, văn hóa cha ông để lại cả hàng nghìn năm ra để kinh doanh; biến con người sống trên đất nước mình đi đâu, nhìn đâu thấy những cái tên xa lạ …
.
Bằng cái tâm đất nước, vì tổ quốc Việt
.
Nếu tất cả vì dân tộc đất nước, vì “nước” của từng dòng sông, vì ruộng đồng, hạt lúa, cây trái, rau hoa; vì muôn đời đất – nước hiện tại và mai sau thì dòng chảy của dòng sông sẽ khác; quy luật của nó sẽ hợp lòng dân, nguồn của nó sẽ từ nhân dân và sẽ không bao giờ cạn; nước dòng sông sẽ không nhiễm độc; không còn những con chuột, “con giòi” lúc nhúc cả đàn, cả lũ trên sông… Nước sẽ là nguồn sống, tưới tắm cho đất nước, cho dòng sống trong tâm hồn mỗi con người; cho tiếng hát trên mỗi dòng sông cộng hưởng, âm vang, yêu con người, quê hương, đất nước hài hòa với cuộc sống thế giới nhân loại.
Dòng sông xã hội lịch sử nó vẫn chảy theo dòng. Rồi nước của dòng sông sẽ sạch trong dù hôm nay con chồn, con cáo, con bò tót nó muốn bẻ dòng, ngăn chặn, tạo nên nhiều xú uế, tanh hôi…
Người kêu gọi tiếng hát xưa khi biết mình lầm mê thì đã đã muộn nhưng ” tiếng hát bốn nghìn năm” sẽ mãi còn. Khi cái ác còn ngự trị trong toàn xã hội thì cái đẹp, cái chân, thiện làm gì có để mà ngợi ca.
© Nguyễn Quang Nhàn
.
.
.
No comments:
Post a Comment