Monday, August 16, 2010

DÂN CHỦ LÀ GIẢI PHÁP CHO BIỂN ĐÔNG

Dân chủ là giải pháp cho Biển Đông

Nguyễn Đan Quế & Al Santoli

Đinh Từ Thức dịch

16/08/2010 12:00 chiều

http://www.talawas.org/?p=23595

.

Cởi mở chính trị sẽ dễ hơn cho Việt Nam sát cánh với Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc xâm lăng

.

Lời người dịch: Nhật báo The Wall Street Journal, số đề ngày 14 tháng 8, 2010, có bài chính trên trang Quan điểm (Opinion) mang tựa đề “The Democracy Fix for the South China Sea”, tác giả là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, và Al Santoli. Bài viết đã dựa vào lịch sử để nêu ra ý kiến là Việt Nam chỉ có thể cùng với Hoa Kỳ đương đầu hữu hiệu trước sự đe dọa của Trung Quốc nếu có sự hậu thuẫn của toàn dân. Muốn được vậy, cần có sự mở rộng về chính trị.

--------------------

.

Một lần nữa Trung Quốc đang gây hấn bằng cả ngôn từ lẫn những cuộc tập trận để gửi sự khiếp sợ tới thủ đô các nước Đông Nam Á. Trọng tâm của những lời lẽ và hành động này là khẳng định rằng toàn thể Biển Nam Trung Quốc – nơi gần 50% giao thương quốc tế phải đi qua – là lãnh vực độc quyền của Trung Quốc.

.

Tháng trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã làm đúng khi đương đầu với những đòi hỏi này vào dịp họp với khối ASEAN tại Hà Nội. Cho rằng tự do lưu thông là “quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ”, bà Clinton đã kêu gọi những nỗ lực đa phương đề giải quyết các tranh chấp về lãnh hải, mà một phần trong đó cũng được các nước Đài Loan, Việt Nam, Mã Lai, Brunei và Phi Luật Tân nhận thuộc về mình.

.

Lời lẽ của bà Clinton đã được rất hoan nghênh tại nhiều nơi. Nó cũng thực sự phản ánh quan tâm thích hợp giữa Washington và Hà Nội. Điều này đặc biệt đúng vào thời gian khi Trung Quốc mới cho tập trận tại Biển Nam Trung Quốc, một cuộc diễn tập lớn nhất trong lịch sử Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Trung Quốc đã có cả một lịch sử quấy nhiễu, đôi khi gây thiệt hại nhân mạng cho ngư dân đánh cá biển người Việt, nhất là quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cả hai nước cùng nhận thuộc về mình.

.

Tuy nhiên, mặc dầu giữa những quan tâm như vậy, một điểm cực kỳ quan trọng của thực tế đã thiếu trong chính sách Hoa Kỳ một cách khó hiểu: Đó là sự thừa nhận rằng chỉ có một Việt Nam tự do và dân chủ mới có thể là đối tác đáng tin cậy cho hòa bình trong khu vực này.

Rõ ràng Hoa Kỳ đã dựa trên sự gia tăng mối thân thiện với Việt Nam để bù vào những hành vi đáng ngại của Trung Quốc trong vùng. Tại cuộc họp báo của ASEAN, bà Clinton đã hết lời ca ngợi nhà cầm quyền Việt Nam. Bà nói: “Tiến bộ vượt bực về kinh tế, tăng cường các cơ sở như chúng tôi đã thấy là rất nhiều hứa hẹn. Cả Nam Hàn và Việt Nam là những kiểu mẫu rất quan trọng cho các nước khác khắp thế giới”.

Nhưng phát biểu như vậy là bỏ qua một sự kiện chủ yếu: Việt Nam giống Bắc Kinh nhiều hơn Washington. Cả hai nước cùng theo chế độ cộng sản đàn áp dân chúng của mình. Về tất cả những tiến bộ mà Việt Nam đạt được, tự do thông tin — đặc biệt là trao đổi Internet — và tự do phát biểu dưới mọi hình thức đều bị kiểm soát chặt chẽ và cấm đoán.

.

Cũng như với Trung Quốc, chừng nào các cơ sở chính trị của một nước chưa được tự do, ngay cả kinh tế phát triển kinh ngạc, vẫn không tránh được thái độ hiếu chiến hay chính sách đối ngoại sai quấy. Khi các chính quyền không tự do thiếu tính chính đáng đối nội, họ phải tìm cách khác để biện minh cho quyền cai trị của họ trên dân chúng. Đây chính là trường hợp của Việt Nam và Trung Quốc vào lúc này khi họ không còn có thể bám chặt vào ý thức hệ kinh tế cộng sản một thời đã biện minh cho chế độ chuyên chính của họ.

.

Trong trường hợp Trung Quốc, hiện tượng này cộng với thế lực kinh tế đang lên của họ đã chế ra một thứ độc hại. Giống như Nhật Bản hồi Đệ nhị Thế chiến với “Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á”, Bắc Kinh cho rằng ưu thế của họ là vì quyền lợi của “toàn thể Á châu”. Và Trung Quốc không đời nào chịu theo Hoa Kỳ, nước mà họ vẫn lên án là “âm mưu chống lại Trung Quốc”. Đối với chúng tôi sống trong khu vực, đây là những lời lẽ có vấn đề. Như Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nói với một vị ngoại trưởng trong khối ASEAN, “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, đó là một sự thật”. Khi một giới chức Trung Quốc nói kiểu đó, chúng ta phải dè chừng.

.

Cho đến nay, sự thiếu dân chủ tại Việt Nam không đưa đến tình trạng chiến tranh tương tự — có chăng, là Hà Nội đã quá nhút nhát trong việc lên án thái độ của Trung Quốc – nhưng đặt ra vấn đề khác cho đối tác mới của Hà Nội tại Mỹ.

.

Trong suốt lịch sử của chúng tôi, chủ nghĩa quốc gia của người Việt đã giúp chúng tôi đánh bại những đạo quân Trung Quốc lớn hơn bội phần. Vị anh hùng đầu tiên đã đứng dậy chống lại Trung Quốc là Ngô Quyền. Năm 938 ngài đã tuyên cáo nền độc lập của Việt Nam sau một ngàn năm bị đô hộ. Cũng vậy, vào thế kỷ thứ 18, một nông dân là Nguyễn Huệ đã khiến quân Tàu thảm bại sau khi xâm lăng đất nước chúng tôi.

Điều đáng chú ý là, trong mỗi trường hợp bị đe dọa, sở dĩ có thể động viên được người Việt chiến đấu bảo vệ tổ quốc một phần vì những nhà cai trị sáng suốt đã cố gắng bao gồm dân chúng trong những quyết định về chính sách quốc gia. Thật vậy, việc làm dân chủ nhất trong lịch sử Việt Nam là Hội nghị Diên Hồng được triệu tập bởi vua Trần Nhân Tôn vào năm 1284 để đối phó với cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ. Tại Hội nghị Diên Hồng, ngài đã quy tụ đại diện của mọi miền trong nước và đặt trước họ câu hỏi: Hòa hay chiến? Ngài được sự hậu thuẫn của toàn dân, Việt Nam đã quyết chiến.

.

Ngày nay Việt Nam đối diện với sự đe dọa mới từ một Trung Quốc tái võ trang. Lịch sử chúng tôi gợi ý Hoa Kỳ đã có lý khi tin rằng chủ nghĩa quốc gia của người Việt sẽ hữu dụng trong việc duy trì sự ổn định trong phần thế giới cực kỳ quan trọng về chiến lược. Tuy nhiên, chủ nghĩa quốc gia của người Việt bao giờ cũng mạnh nhất và đáng tin cậy nhất khi chính quyền Việt Nam đứng về phía nhân dân. Nếu bà Clinton và Hoa Kỳ muốn một đối tác thực sự và lâu bền cho hòa bình và ổn định tại vùng này, họ nên tìm kiếm trong một Việt Nam tự do và dân chủ.

.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế sống tại Chợ Lớn — Việt Nam, là người được tặng giải Robert F. Kennedy về Nhân Quyền. Santoli là Chủ Tịch của Asia America Initiative và là tác giả của Everything We Had: An Oral History of the Vietnam War. (Nhà xuất bản Random House, 1982).

.

Nguồn: “The Democracy Fix for the South China Sea”, The Wall Street Journal, trang bình luận, ngày 14 tháng 8, 2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Đinh Từ Thức

Bản tiếng Việt © talawas

.

.

.

No comments: