Friday, August 6, 2010

CHỦ QUYỀN LÃNH HẢI và CÔNG BỐ QUỐC TẾ TRONG NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI

Chủ quyền lãnh hải và công bố quốc tế trong ngành khoa học xã hội

TS Nguyễn Văn Tuấn

Thứ sáu, 06 Tháng 8 2010 09:54

http://nguyenvantuan.net/science/4-science/1048-chu-quyen-lanh-hai-va-cong-bo-quoc-te-trong-nganh-khoa-hoc-xa-hoi-

.

Câu chuyện chung quanh việc Google Maps và National Geographic phải chỉnh sửa thông tin liên quan đến lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam cho thấy vai trò của giới trí thức người Việt ở nước ngoài. Trước rất lâu khi phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao lên tiếng, một số trí thức Việt Nam đã có hành động thiết thực và kịp thời khiến cho các cơ quan trên không thể làm ngơ được. Theo tôi, việc làm của các bạn đó đã cung cấp một bài học quí giá là đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước phải diễn ra trên nhiều phương diện, và nhất là đòi hỏi khoa học tính cao.

.

Chúng ta đang tranh chấp với một số nước, chủ yếu là Trung Quốc, về Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy chúng ta vì tình cảm thiêng liêng có thể nói Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, nhưng trong tranh chấp quốc tế, tình cảm không có giá trị bằng lí lẽ và chứng từ khoa học. Còn nhớ trong vấn đề chất độc da cam, tuy sự thật là có gần 80 triệu lít hóa chất phun xuống Việt Nam và có bằng chứng cho thấy những hóa chất này độc hại đến sức khỏe người, nhưng khi ra tòa án Mĩ, phía Việt Nam vẫn thất bại. Lí do thất bại là phía Việt Nam chưa trình bày những bằng chứng khoa học cho thấy chất độc da cam gây tác hại đến sức khỏe của nạn nhân. Bằng chứng khoa học phải được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt (peer review), chứ không phải trên báo Tuổi Trẻ hay Thanh Niên, và càng không phải trên Nhân Dân. Trong hơn 40 năm sau chiến dịch rải chất độc da cam, các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố được 5 bài báo liên quan đến vấn đề, và hầu hết những bài báo này do người nước ngoài đứng tên tác giả chính. Người viết bài này đã nhiều lần lên tiếng đề nghị nghiên cứu khoa học về chất độc da cam (và cũng tham gia nghiên cứu) để công bố lấy làm chứng từ, nhưng chẳng ai tham gia hay để ý đến. Có lẽ chúng ta chỉ thích nói theo cảm tính chứ không thích làm một cách khoa học. Tôi rất sợ rằng vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa cũng sẽ diễn ra theo vết xe của chất độc da cam.

.

Có hai “mặt trận” trong cuộc đấu tranh này: với đối tác và với người ngoài tranh chấp. Với đối tác thì Nhà nước Việt Nam vẫn bàn luận với các nước tranh chấp như Trung Quốc và vài nước khác như Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan. Nhưng với người ngoài cuộc, vấn đề quan trọng hơn là học thuật. Chúng ta cần nhiều công trình nghiên cứu mang tính học thuật về chủ quyền của Việt Nam liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa. Những công trình đó nên được công bố trên các tập san khoa học xã hội bằng tiếng Anh để trình bày lí giải của chúng ta cho cộng đồng khoa hoc quốc tế biết.

.

Việt Nam chúng ta có nhiều tư liệu và chứng từ cho thấy hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam từ rất lâu. Những nước như Phi Luật Tân chỉ mới đòi chủ quyền gần đây. Theo tác giả Hồ Bạch Thảo (người có nhiều bài viết có giá trị liên quan đến vấn đề này) thì ngay cả chính sử Trung Quốc cũng không có các địa danh Tây Sa, Nam Sa trong Minh Sử! Tài liệu sử cho thấy một cách rõ ràng rằng chính nghĩa thuộc về ta.

.

Thế nhưng trong thực tế thì chúng ta chỉ nói cho chúng ta nghe/đọc. Thật vậy, hầu hết những bài tranh luận về Hoàng Sa và Trường Sa bấy lâu nay chỉ xuất hiện trong báo chí đại chúng bằng tiếng Việt, chứ không phải bằng tiếng Anh. Nói cách khác, bấy lâu nay chúng ta chỉ nói cho chúng ta nghe! Do đó, có thể nói rằng trong hai mặt trận, chúng ta chỉ mới có mặt trận ngoại giao (mà hiệu quả chưa biết ra sao!), chứ về học thuật chúng ta chưa làm được gì nhiều.

.

Trong khi đó, chứng từ của ta trong các tập san khoa học quốc tế còn quá ít. Chỉ cần vào scholar.google.com và thử gõ cụm từ “Vietnam Spratly and Paracel Islands Conflict” tìm những bài báo khoa học (cứ tạm cho như thế) chúng ta sẽ thấy rất nhiều bài nghiên cứu về vấn đề. Nhưng phần lớn (chắc cũng phải 99%) các tác giả bài báo hoặc là người nước ngoài (Âu Mĩ) hoặc là người có họ Trung Quốc. Phải vất vả lắm mới tìm được 2 bài báo của tác giả NH Thao và Nguyen Manh Hung (tức Gs Nguyễn Mạnh Hùng bên Mĩ). Mà, ngay cả hai bài báo này không bàn trực tiếp đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, trên “mặt trận” học thuật và khoa học, chúng ta ở vị thế kém hẳn khi so với Trung Quốc.

Từ sự hiện diện khiêm tốn của giới học thuật Việt Nam trên trường quốc tế, chứng từ của Việt Nam cũng không nhiều như Trung Quốc, và điều này dẫn đến thiệt thòi cho đất nước. Ngay cả những người tỏ vẻ khách quan mà cũng đành phải thú nhận là chứng từ nghiêng về Trung Quốc! Tiêu biểu cho tình trạng này bài “Legal status of the Paracel and Spratly Islands” của hai học giả từ Mĩ (nhưng chắc có gốc Hàn Quốc) là Hungdah Chiu và Choon-Ho Park, sau khi điểm qua bằng chứng trong các tập san cho biết rất khó mà đánh giá tính hợp lí của Trung Quốc hay Việt Nam trong việc tuyên bố chủ quyền hai quần đảo HS và TS, nhưng khi kết luận thì hai ông nói Trung Quốc có vẻ “mạnh” hơn Việt Nam! (Nguyên văn: it is not possible to determine the validity of the conflicting claims in either case. Relying on the available historic facts, however, China's claim to the Paracel and Spratly islands appears to be relatively stronger than that of Vietnam.) Các nhà khoa học xã hội Việt Nam đọc câu này có thấy đau không?

.

Sự có mặt của khoa học xã hội và nhân văn nước ta trên trường quốc tế còn rất thấp. Khi nói đến khoa học xã hội và nhân văn, tôi muốn nói đến các ngành như văn hóa học, sử học, sư phạm học, kinh tế học, chính trị học, v.v... Trước đây, tôi có làm một phân tích các ấn phẩm khoa học Việt Nam, và thấy trong số 3456 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tập san khoa học ISI trong thời gian 10 năm từ 1996 đến 2005, chỉ có 69 bài liên quan đến khoa học xã hội! Con số đó cực kì khiêm tốn. Dù biết rằng khoa học xã hội và nhân văn ở VN chịu sự chi phối của “cấp trên” (không phải tự do được nghiên cứu như ở ngoài), nhưng sự chi phối đó vẫn khó giải thích sự khiêm tốn của KHXH trên trường quốc tế. Tôi nghĩ rằng đây chính sự khiêm tốn đó làm cho chúng ta thiệt thòi khi tranh luận về chủ quyền trên trường quốc tế. Tình trạng này cũng chẳng khác vấn đề chất độc da cam, chúng ta có rất nhiều bằng chứng, nhưng bằng chứng không được trình bày trước công luận quốc tế một cách có hệ thống và có học thuật, nên khi ra tòa chúng ta bị thiệt thòi.

.

Có khi rào cản lại đến từ phía Việt Nam. Sự kiện một học giả ở TPHCM không được phép dự hội thảo ở nước ngoài về biển Đông dù anh ta đã có visa của Tòa đại sứ Mĩ (xem blog Ts Nguyễn Xuân Diện) đã làm cho nhiều người ngạc nhiên về không khí học thuật liên quan đến khoa học xã hội ở trong nước. Lí do không cho đi càng làm nhiều người ngạc nhiên: vì anh ta không phải là đảng viên! Lí do khác cho rằng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần phải có ý kiến của Bộ Ngoại giao càng không thuyết phục. Sự việc Hội Địa lí Mĩ và Google Maps in sai biên giới và hải đảo Việt Nam mà Bộ Ngoại giao có hay biết hay phản ứng gì đâu! Nếu không có giới trí thức người Việt ở nước ngoài lên tiếng thì chắc gì National Geographic và Google Maps sửa sai. Khó có thể trông chờ vào các quan chức ngoại giao của Nhà nước trong các vấn đề mang tính học thuật.

.

Do đó, tôi nghĩ đã đến lúc lập ra quĩ hay trung tâm nghiên cứu về biển Đông, tập hợp các học giả trong và ngoài nước thực hiện những nghiên cứu liên quan đến chủ quyền, và quan trọng hơn hết là công bố nghiên cứu trên các tập san quốc tế. Có lẽ vấn đề quan trọng nhất là cần cởi trói cho các học giả có cơ hội nghiên cứu về những đề tài có lợi cho quốc gia.

NVT

.

Hai bài báo của tác giả Việt Nam trong rừng tác giả Trung Quốc và Âu Mĩ:

Vietnam and the Code of Conduct for the South China Sea

NH Thao

This article portrays and characterizes the Vietnamese position toward the settlement of the island disputes in the South China Sea. The situation in the South China Sea has become more complicated since 1988 when China made its steps toward the Spratlys. After analyzing the situation in the South China Sea, the author emphasizes the need to have a code of conduct for this disputed area.

.

The Sino-Vietnamese conflict: power play among communist neighbors

Nguyen Manh Hung

.

.

.

No comments: