Tuesday, August 24, 2010

CÁC NƯỚC VIẾT GÌ VỀ GIẢI FIELDS ?

Các nước viết gì về giải Fields?

BBC

Cập nhật: 02:59 GMT - thứ ba, 24 tháng 8, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/08/100823_fields_medals_perspective.shtml

Trong lúc dư luận Việt Nam hiện nói nhiều về Ngô Bảo Châu, báo chí Israel, Nga, Pháp cũng đưa tin về giải Fields năm 2010 nhưng với mức độ khác nhau.

Gần với chuyện đang diễn ra ở Việt Nam có lẽ là Israel, nước có công dân Elon Lindenstrauss cũng nhận huy chương Fields tại Ấn Độ hôm 19/8 vừa qua.

Báo chí nước này, và cả các trang của người Do Thái trên thế giới đồng loạt đưa tin ngợi giáo sư Lindenstrauss là “người Israel đầu tiên được Nobel toán học”.

Họ cũng trích lời giới khoa học Israel nói với giải này nước họ xứng đáng là "cường quốc toán học".

Tờ Haaretz đưa tin Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chúc mừng người được giải trong tinh thần dân tộc, rằng “đây là thành tích vĩ đại cho ông và cho Quốc gia Israel, và chúng tôi rất tự hào vì ông”.

Tờ Jewish Chronicle trên mạng cũng không quên nhắc rằng Giáo sư Lindenstrauss (40 tuổi), như nhiều người Israel trẻ tuổi khác, từng phục vụ trong quân đội và vẫn là thiếu tá dự bị của Không quân Israel.

Nhưng cho đến ngày 23/8 không thấy báo chí Israel hay Do Thái nói gì về các buổi lễ trọng đại đón chào huân chương Fields tặng cho ông Lindenstrauss.

Họ cũng nhắc đến Viện Toán mang tên Einstein ở Đại học Hebrew, Jerusalem nơi ông Lindenstrauss làm việc, vốn đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học lừng danh thế giới khác như GS Robert Aumann, người nhận Nobel kinh tế năm 2005.

Báo chí Israel cũng nói ông Lindenstrauss được giải Fields một phần vì ở độ tuổi đúng 40 bởi nước này có nhiều nhà toán học lỗi lạc khác nhưng quá tuổi nhận huy chương Fields.

Họ cũng nhắc Israel đã có chín công dân được giải Nobel, người gần nhất vào năm 2009 trong môn hóa học.

.

Xuất xứ và thành tích

Còn về giải Fields cho Stanislav Smirnov, cả truyền thông Nga và Thuỵ Sĩ đều đưa tin nhưng ở mức độ ít hơn nhiều so với Israel và Việt Nam.

Báo Thuỵ Sĩ gọi ông là Giáo sư đại học Geneva, nhấn mạnh đến nơi làm việc.

Trang của Nga, Voice of Russia thì nói “Lại thêm một người Nga nhận ‘Nobel’ môn toán”.

Khác với Israel và Việt Nam, đây không phải là lần đầu người Nga nhận giải Fields vốn có từ bảy chục năm qua.

Trước ông Smirnov đã có các vị khác nhận giải Fields là Sergei Novikov (1970), Grigory Margulis (1978), Vladimir Drinfeld (1990), Yefim Zelmanov (1994), Maixim Kontsevich (1998), và Vladimir Voyevodsky (2002).

Còn Grigory Perelman, cũng từ St Petersburg như Stanislav Smirnov, từng được trao giải Fields năm 2006 nhưng từ chối không nhận.

Điều thú vị là Pháp coi cả hai người còn lại, Cédric Villani và Ngô Bảo Châu đều là các nhà khoa học Pháp, và ghi công cho hai viện nghiên cứu là nơi họ làm việc.

Trang của cơ quan CNRS tại Pháp gọi Ngô Bảo Châu là “nhà toán học Pháp – Việt” (Franco-Vietnamese mathematician) dù có ghi rõ rằng ông “sinh tại Hà Nội, Việt Nam năm 1970”.

Cơ quan nghiên cứu của ông Châu (Orsay Mathematics Laboratory, Université Paris Sud 11/CNRS) đã có ba người được giải Fields trước đó là Jean-Christophe Yoccoz (1994), Laurent Lafforgue (2002) và Wendelin Werner (2006).

Trang CNRS nói với hai huy chương mới nhất của Ngô Bảo Châu và Cedric Villani, Pháp có 11 trên tổng số 52 huy chương Fields cho toàn thế giới từ 1936.

Người ta cũng nhắc đến sự tiếp nối truyền thống học thuật của hai người.

Ông Villani, hiện là Giám đốc Viện Institut Henri Poincaré (UPMC/CNRS), chuyên gia toán xác suất, là học trò của GS Pierre-Louis Lions, người từng đoạt giải Fields năm 1994.

Còn Ngô Bảo Châu được giới thiệu là hoàn tất bằng tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Gérard Laumon.

Nếu như Ngô Bảo Châu được một phần dư luận ở Việt Nam coi là hiện tượng đặc biệt thì với giới chuyên môn Pháp, điều không kém phần đáng ghi nhận là môi trường làm việc của ông, tức Viện Toán Orsay thuộc ĐH Paris-Sud 11.

Trong số 22 nhà toán học có công trình được mời tham gia hội nghị toán học quốc tế tại Ấn Độ năm nay, 13 người có bằng tại ĐH Paris-Sud 11 hoặc đang là giáo sư tại đó.

Ví dụ của Smirnov và Ngô Bảo Châu cho thấy câu chuyện về việc quê gốc hay quốc tịch của người được giải không phải là điều quan trọng với giới khoa học.

Smirnov gốc Nga nhưng làm giáo sư ở Thuỵ Sĩ còn Lindenstrauss nghiên cứu cả ở Hoa Kỳ và Israel.

Chính thức mà nói thì Ngô Bảo Châu là người châu Á thứ tư được giải Fields sau ba người Nhật nhưng nếu tính cả người gốc Á Đông thì ông là người thứ năm.

Năm 2006, Terence Tao, (Terence Chi-shen Tao - Đào Triết Hiên) trở thành nhà toán học trẻ nhất nhận huy chương Fields năm 31 tuổi.

Cho tới thời điểm đó, ông Tao, sinh tại Adelaide nhưng làm bằng tiến sĩ ở Đại học Princeton và sống từ đó tại Mỹ, cũng được báo Úc coi là 'người Úc đầu tiên' nhận giải thưởng toán học này.

.

.

.

No comments: