Wednesday, August 4, 2010

BẦU CỬ TUYỆT VỜI ?

Bầu cử tuyệt vời?
Trần Khải

04-08-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7654

Tổng tuyển cử trong không khí tự do, dân chủ, minh bạch? Có vẻ như không hề có ở VN trong thời này, phải không? Nhưng theo báo nhà nước, Việt Nam mình đã từng có một cuộc tổng tuyển cử, dân chúng đi bầu thoải mái trong không khí đa nguyên, đa đảng... Đúng vậy, chính báo nhà nước kể lại như thế, nhưng đó lại là chuyện cổ tích. Thời ông Hồ Chí Minh mới về nước. Còn bây giờ thì là hỏng rồi.

Trên báo Tuổi Trẻ, trong loạt bài nhan đề “Ngày Bầu Cử Đầu Tiên,” khởi đăng từ ngày Thứ Tư 16/5/2007, đã kể về cuộc bầu cử được mô tả là đa nguyên, đa đảng, tự do, dân chủ, minh bạch... Trích từ loạt bài này, chúng ta sẽ thấy rằng toàn dân tuy 90% là mù chữ, vẫn hoan hỉ, vui mừng với những ngày thơ mộng của dân chủ đa nguyên:

“TT - 7g sáng 6-1-1946, tiếng trống, chuông, chiêng... cùng vang dậy khắp Hà Nội, báo hiệu ngày hội tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc VN bắt đầu. Tại miền Nam, người dân cũng nô nức tham gia ngày bầu cử theo lời ca giục giã vang khắp mọi nơi: “Hãy ra bầu cử, người công dân nước Nam. Hãy ra bầu cử, nghị viện của mình...”
(…)
Chính phủ mới ra đời đã chủ động hòa giải với tướng Tiêu Văn (quân Tưởng) và Việt Cách thông qua bản Thỏa ước đoàn kết và hợp tác ngày 23-10-1945. Nhưng ít ngày sau, Nguyễn Hải Thần tự xé bỏ. Chính phủ lần thứ hai chủ động thảo luận với họ. Họ đòi thay quốc kỳ, lập lại chính phủ, xóa bỏ chế độ ủy ban nhân dân... Việt Quốc thì đòi nắm giữ bộ Nội vụ, Tài chính, Kinh tế, Giáo dục, Quốc phòng, Thanh niên; đòi hoãn tổng tuyển cử và đòi chia 1/3 số ghế Quốc hội, tương đương ghế của Việt Minh...
Ngày 19-11-1945, ba phái Việt Minh, Việt Quốc và Việt Cách cùng tướng Tiêu Văn nhóm họp dưới sự chủ trì của Hồ Chủ tịch đã tìm ra được tiếng nói chung. Mấy ngày sau, văn bản mang tên “Đoàn kết tinh thành” được ba phái chung bút ký. Nhưng tình hình chỉ thật sự dịu đi khi Hồ Chủ tịch tiếp tục thương lượng thêm nhiều bước để ba phái đồng tình với văn bản Biện pháp đoàn kết với ba điều quan trọng nhất là: Độc lập, đoàn kết trên hết; ủng hộ tổng tuyển cử và đình chỉ công kích lẫn nhau. Tổng tuyển cử lúc này mới có thể bắt đầu.”

(hết trích, từ bài Kỳ 1)

Nhưng tuyệt vời là hình ảnh: song song với bầu cử đa nguyên, đa đảng là tình hình báo chí tự do, không hề có chuyện 700 tờ báo duy chỉ một Tổng Biên Tập.

Trích bài Kỳ 2 của “Ngày Bầu Cử Đầu Tiên,” từ báo Tuổi Trẻ, như sau:

“...Dù cả nước có tới trên 90% người mù chữ, nạn đói vẫn hoành hành, phương tiện và công nghệ truyền thông lạc hậu, thiếu thốn; nhưng không khí tự do, dân chủ, minh bạch và công bằng trên các tờ báo giấy đen, in viết thủ công cũng đủ thổi vào đời sống từ thành thị đến thôn quê một luồng cảm hứng chính trị nồng nhiệt, chân thành. Đó là cảm hứng của người làm chủ cuộc đời.
Những tháng đầu năm 1945, báo chí cũng giống như mọi lĩnh vực khác đều trở nên nghèo nàn, uể oải bởi chiến sự, nạn đói và loạn lạc. Nhưng sau Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là khi sắc lệnh tổng tuyển cử được ban hành thì chưa bao giờ báo chí, nhân dân quan tâm đến chính trị như vậy. Các đảng phái, lực lượng ngoài Việt minh có khá nhiều ấn phẩm như Việt Nam, Thiết Thực, Đồng Tâm... thì Việt minh và các tổ chức dân chủ yêu nước có các báo Độc Lập, Cứu Quốc, Sự Thật, Cờ Giải Phóng... và các báo địa phương như Việt Nam Độc Lập của Việt Minh Cao Bắc Lạng. Các báo đều dành 80-100% lượng thông tin về tổng tuyển cử. Diễn đàn báo chí đăng tải đủ mọi quan điểm, vùng miền, tầng lớp, mọi giới quyền lợi xung quanh ứng cử và bầu cử...”

(hết trích)
Tuyệt vời, bạn thấy đó, ông Hồ cũng có chùm khế ngọt trao tặng dân mình trong tuần lễ đầu của năm 1946. Ai dám bảo ông Hồ chỉ biết độc đảng toàn trị?
Nhưng tuyệt vời là kháí niệm về quyền con người (tức: nhân quyền) nói rất là rõ: được quyền bầu cử theo ý mình muốn.

.

Bài kỳ cuối của loạt bài nêu trên, đăng hôm Chủ Nhật 20/5/2007, nói rõ đó mới thật là ngày hôị về quyền con người, trích:

“...90% dân mù chữ, khó khăn bủa vây, thế nhưng họ đã tham gia bầu cử với tất cả lòng nhiệt huyết, chân thành và trong sáng. Bởi vì người VN lần đầu tiên có chính quyền nhân dân, lần đầu tiên được tham gia ngày hội về quyền con người: bầu cử.
Khí thế ngùn ngụt.
Đúng 7g sáng 6-1-1946, cả Hà Nội cùng vang dậy tiếng chiêng, trống, chuông..., báo hiệu ngày hội tổng tuyển cử đầu tiên của nước VN độc lập bắt đầu.”

(hết trích)

Như thế, chúng ta đều thấy rõ rằng, ngày bầu cử đầu năm 1946 thực hiện được sau các tranh chấp, thương lượng và thỏa hiệp của nhiều đảng phái và người độc lập. Tuy bầu cử có nơi căng thẳng, xô xát, nhưng nói chung, theo bài báo nhà nước, là đa nguyên, đa đảng, tự do, dân chủ, minh bạch và là ngaỳ hội nhân quyền.

Câu hỏi nơi đây: tại sao bây giờ không được như thế? Nửa thế kỷ sau đó, Tướng Trần Độ đã nói thẳng trong năm 1995 rằng VN chỉ còn là bầu cử dỏm, dưới quyền cai trị toàn trị của CSVN.

Tác giả Bùi Văn Phú, trên trang blog riêng, có bài viết nhan đề “Trần Độ: người chiến sĩ vô cùng dũng cảm” đăng ngày 18/8/2002, ghi như sau:

“Ông Trần Độ, một tiếng nói có sức nặng trong việc đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam, vừa qua đời tại Hà Nội sau một thời gian lâm bệnh, thọ 78 tuổi.
Suốt cuộc đời của ông Trần Độ – với 58 tuổi đảng, từng mang quân hàm trung tướng, từng giữ chức phó chính ủy Lực lượng Vũ trang Nhân dân trong miền Nam – ông đã đóng góp rất nhiều cho thành quả đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước.
Những năm cuối đời, thay vì nghỉ hưu an nhàn với mọi ưu đãi dành cho một cựu tướng, một cựu Phó chủ tịch Quốc hội và một cựu quan chức Đảng Cộng sản; ông Độ đã nhìn thẳng vào tình trạng tha hoá của đất nước và lên tiếng kêu gọi dân chủ hoá tổ chức chính quyền. Tiếng nói của ông không những không được nhà nước đáp ứng mà ngược lại là những hệ lụy: ông bị trục xuất khỏi đảng năm 1999, bị trù dập và quấy nhiễu cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay...
Trong thư đề ngày 03.01.1995 gửi Tổng bí thư Đỗ Mười, ông Độ viết:

“Phải có một sự cải cách cơ bản chế độ bầu cử và ứng cử, bảo đảm chọn được các nhân tài thực sự, không chỉ là kêu gọi tăng thêm thành phần không Đảng trong các cơ quan dân cử, và hô hào khuyến khích tự do ứng cử.”

Đây là lời kêu gọi đổi mới chính trị từ một nhân vật có tầm vóc và ảnh hưởng lớn tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Những năm kế tiếp, ông tiếp tục gửi kiến nghị lên Bộ chính trị, Quốc hội đề nghị cải cách chính trị với việc ban hành những bộ luật cho phép tự do báo chí, tự do phát biểu quan điểm, tự do lập hội và luật bầu cử và ứng cử tự do. Ông mạnh mẽ đòi bỏ cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” vì chủ thuyết đó đã chết ngay tại nôi sinh ra nó là Liên Xô. Còn tại Việt Nam chủ thuyết này hiện nay tượng trưng cho những thất bại, xấu xa nhất trong xã hội, không phải thứ xã hội chủ nghĩa mà ông từng hình dung, mơ ước. Những suy nghĩ đã được ông viết lại trong một nhật ký nhưng đã bị công an cướp mất vào tháng 6 năm 2001...”

(hết trích)

Chưa hết, để nêu cụ thể về bầu cử thời này, trang báo Danluan.org tuần này đăng bài viết của tác giả Tiến Dũng. Bài có nhan đề “Tuyệt chiêu bầu cử hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh,” kể lời một quan chức cấp tỉnh tại Hà Tỉnh, kể lại về tuyệt chiêu bầu cử ở Hà Tỉnh, trích:

“...Bắt đầu từ việc tôi hỏi ông là tại sao ông Võ Kim Cự và ông Nguyễn Nhật ở cái tỉnh này ai cũng biết là các ông phá hoại môi trường lấy tài nguyên, mua chức bán quyền, lấy của công hóa giá thành của tư, đi xe Camry đời mới biển xanh, mua bằng cấp giả, v.v... Các bác với tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân sao không lên tiếng ở Hội trường (vì ở ngoài tôi thấy bác ấy ca thán về những tiêu cực trên nhiều lắm)? Tại sao khi bầu cử vẫn cứ 100% số phiếu? Chẳng lẽ cả trăm đại biểu HĐND không ai có ý kiến khác hay sao?
Bắt đầu bằng một câu chửi thề, ông nói “Đ. mẹ! Chú không biết đó thôi. Vô đó hắn bắt ăn c*t cũng phải ăn chứ dám nói chi đến chuyện có ý kiến khác!” Tôi rất ngạc nhiên, hỏi, “sao lại có thể bắt đại biểu ăn c*t?” Thêm vài chén nữa, bác hàng xóm cho tôi biết “tuyệt chiêu”.
Dù tiếng tăm ông Cự ông Nhật thì ở Hà Tĩnh này thằng con nít cũng biết hết những cái xấu của họ. Nhưng khi vào hội trường, ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh tuyên bố

“Ban thường vụ tỉnh ủy đã họp rồi. Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã họp và nhất trí cao rằng với tài đức của mình, hai đồng chí Võ Kim Cự và Nguyễn Nhật xứng đáng với nhiệm vụ Chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh. Hai đồng chí ấy có học rộng, tài cao, tâm sáng, làm kinh tế giỏi... Với cương vị là Chủ tịch và phó chủ tịch, tương lai không xa Hà Tĩnh sẽ thành đầu tàu kinh tế Bắc Miền Trung và cả nước....”

Sau đó đến phần bỏ phiếu thì nguyên tắc phiếu là “trên lá phiếu chỉ có duy nhất tên đồng chí Võ Kim Cự và đồng chí Nguyễn Nhật với chức danh tương đương. Đồng chí nào đồng ý thì để nguyên, đồng chí nào phản đối thì dùng bút gạch ngang.” Cả hội trường câm lặng và không một đồng chí đại biểu hội đồng nào dám sờ tay vào bút. Kết quả thì chắc chắc là ai cũng biết “MỘT TRĂM PHẦN TRĂM” đồng ý!!! Đúng là sáng suốt, tài tình như Bí thư tỉnh úy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình...”

(hết trích)

Bây giờ tất nhiên là khác với năm 1946 rồi. Không nghe Tạp Chí Nhân Quyền nhắc tới một quyền con người về bầu cử đa nguyên đa đảng nữa. Cũng không nhắc gì chuyện tự do báo chí nữa. Chỉ thấy cái gọi là “tuyệt chiêu bầu cử” đã sinh xuất ra những “đầu tàu kinh tế” kiểu như PMU18 và Vinashin...
----------------------------------------

Đăng với sự đồng ý của tác giả. DCVOnline biên tập và minh hoạ.

.

.

.

No comments: