Wednesday, August 18, 2010

Báo SGTT phỏng vấn GS PIERRE DARIULAT về GIÁO DỤC VIỆT NAM

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat

Tranh đấu cá nhân đang triệt tiêu ý thức công dân

Kim Yến thực hiện, chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
Sài Gòn Tiếp Thị

08:00' AM - Thứ ba, 11/05/2010

http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Pierre_Darriulat_Tranh_dau_ca_nhan_triet_tieu_y_thuc_cong_dan/

.

Hiểu và yêu Việt Nam như một người Việt thực thụ, người đàn ông Pháp cao lớn với nụ cười đôn hậu đó chính là nhà vật lý hạt nhân tầm cỡ thế giới Pierre Darriulat, cố vấn khoa học tại phòng thí nghiệm tia vũ trụ Việt Nam – Auger, viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội, nguyên giám đốc khoa học của trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu.

Pierre Darriulat từng được trao giải thưởng André Lagarrigue năm 2008, giải thưởng dành cho các nhà nghiên cứu tiên phong trong việc chế tạo và khai thác thành công các thiết bị khoa học lớn như máy gia tốc, hệ thiết bị đo tại các phòng thí nghiệm Pháp và của các cộng đồng quốc tế có Pháp tham gia.

Chọn Việt Nam để dâng hiến đời mình, ông đã nỗ lực xây dựng một phòng thí nghiệm nghiên cứu về tia vũ trụ đầu tiên cho Việt Nam cũng như Đông Nam Á, để đào tạo một thế hệ nghiên cứu khoa học tinh hoa. Ông còn là người đóng góp rất thẳng thắn cho những vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học của Việt Nam.

- Giã từ môi trường khoa học tiên tiến, cuộc sống đủ đầy, hơn mười năm qua sống và làm việc ở Hà Nội trong điều kiện thiếu thốn, điều gì hấp dẫn ông nhất trong sự gắn bó với những chuyển động của Việt Nam?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : Đối với tôi, đó là khoảng thời gian thú vị. Việt Nam trong những năm gần đây tựa như một “phòng thí nghiệm” đầy bất ngờ của thế giới, nơi ẩn chứa rất nhiều mâu thuẫn nội tại của một đất nước đang phát triển. Tôi rất quan tâm đến kết quả của sự chuyển mình ấy, cả những động thái của Chính phủ nhằm thay đổi hiện tại trong điều hành kinh tế – xã hội. Về khoa học, sau mấy chục năm làm việc tại các trung tâm khảo cứu gia tốc lớn của thế giới, tôi muốn lập một trung tâm khảo cứu tại Việt Nam để quan sát những thay đổi của tia vũ trụ. Tôi hy vọng phòng thí nghiệm này sẽ kết nối được với nhiều trung tâm khảo cứu vũ trụ khác của thế giới và những đại học danh tiếng, để những sinh viên, những giáo sư đại học cùng làm việc với tôi có điều kiện trao đổi khoa học với bạn bè trong giới, từ đó trưởng thành hơn. Trong điều kiện phương tiện khảo cứu ở Việt Nam còn thiếu thốn, những trao đổi kết quả thu thập được từ các trung tâm lớn về phóng xạ vũ trụ của thế giới được bảo trợ bởi giáo sư James Cronin (nhà vật lý đoạt giải thưởng Nobel 1980) trong chương trình giúp các nước phát triển là rất quan trọng. Còn rất nhiều việc phải làm cho Việt Nam.

- Dựa vào kinh nghiệm lâu năm của một nhà vật lý từng làm việc ở châu Âu và Mỹ, từng giảng dạy trong các trường đại học Việt Nam, ông có thể bày tỏ một cách thẳng thắn về việc làm thế nào để xây dựng một tinh thần đại học?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : Vấn đề cần nhất trong cải cách giáo dục đại học là thay đổi quan niệm về sự học và nhiệm vụ của đại học. Gần đây, tôi có đọc một bài viết của ông Hồ Đắc Di nhân ngày khai trương đại học đầu tiên ở Việt Nam năm 1947, và ngạc nhiên vì ngay từ thời điểm đó, ông Di đã có những suy nghĩ rất sâu sắc về nhiệm vụ của đại học. Tôi cũng rất tiếc vì nhiều giáo sư, sinh viên Việt Nam, thay vì lúng túng nhiều năm với những giáo trình hiện tại, nếu đọc lại bài viết năm 1947 của ông Hồ Đắc Di sẽ nhận ra những gì phải làm và đường lối để đi một cách vững chắc. Theo ông Di, đại học là nơi không chỉ dạy khoa học, mà để làm khoa học. Chức phận của người giáo sư là hỗ trợ giáo huấn. Sự giao luu giữa thầy giáo và sinh viên chỉ để tạo ra những kết quả cho đại học, các giáo sư hoàn toàn độc lập trong giảng dạy và những vấn đề liên quan đến học thuật. Việt Nam đã từng có rất nhiều nhà trí thức tiên phong với những suy nghĩ chuẩn xác về cách tổ chức và đường lối của một trường đại học, nhưng rất tiếc tư tưởng đó không được phổ biến rộng rãi. Ra đường hỏi Hồ Đắc Di thì ai cũng ngơ ngác, nhưng hỏi Bill Gates thì ai cũng biết, điều đó thật đáng buồn.

Tại sao Việt Nam cần đại học? Tại sao Việt Nam cần nghiên cứu? Đây không phải là những câu hỏi tầm thường; câu trả lời cho chúng khác nhau từ nước này đến nước khác và trong cùng một đất nước, câu trả lời cũng khác tại mỗi thời điểm của lịch sử. Chỉ khi những câu hỏi này có lời đáp, mới hy vọng trả lời tiếp các câu hỏi liên quan: Việt Nam cần loại đại học nào, và Việt Nam cần nghiên cứu gì? Những câu trả lời phản ánh kiểu xã hội mà đất nước đó muốn có, chúng là các lựa chọn chính mà Chính phủ chọn thay cho nhân dân. Việt Nam không nên copy một cách mù quáng những cách các nước khác đã và đang làm. Tốt hơn là tìm những câu trả lời rõ ràng, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, phổ biến chúng, sử dụng chúng như là một khung chung để từ đó xác định đường lối chỉ đạo và đi lên.

- Nhóm Việt Nam – Auger đã trở thành thành viên của Dự án thí nghiệm Pierre Auger đang săn tìm các tia vũ trụ năng lượng cao nhất. Ông đánh giá như thế nào về tương lai của năm học trò đang trưởng thành từ phòng thí nghiệm của mình?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : Tôi rất vui vì thấy ý nguyện của mình đang thành hiện thực, một học trò của tôi đang làm luận văn thạc sĩ, và bốn người đang làm luận văn tiến sĩ. Nhưng năm người là ít quá, ít nhất phải trên mười người. Mục đích lớn nhất trong quãng đời còn lại của tôi là tạo ra một đội ngũ khoa học Việt Nam có hiểu biết căn bản, đầy đủ, để sau này nếu tôi không còn nữa, họ sẽ tiếp tục dạy dỗ cho sinh viên, tiếp tục khảo cứu về phóng xạ vũ trụ. Có trang bị kiến thức cơ bản và ra ngoại quốc trao đổi kết quả khảo cứu thường xuyên với các cường quốc khác thì các nhà khoa học Việt Nam mới có thể thận trọng hơn trước những tin tức của thế giới. Không chỉ đào tạo, điều tôi quan tâm hơn là làm sao cho các sinh viên có thể gắn bó cùng nhau, tập trung cho công việc khảo cứu trong một thời gian dài, mà không phải làm thêm “công việc thứ hai” để kiếm sống. Tôi có dịp trao đổi nhiều với giáo sư Phạm Duy Hiển, ông cũng rất tâm huyết với trách nhiệm cụ thể của các nhà khoa học đối với lớp kế cận, nhưng dường như các cơ quan nhà nước không mấy ai quan tâm đến thế hệ tiếp nối, thiếu hẳn sự hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần, để đám trẻ có thể theo đuổi sự nghiệp khoa học đến cùng.

- Vậy theo ông, Việt Nam đã thực sự có đủ nội lực để làm đại học đỉnh cao? Làm thế nào để thay đổi ý thức cả người học, người dạy, nhà quản lý?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : Chưa. Vì những gì đã viết trong bài phát biểu của ông Hồ Đắc Di chưa được áp dụng trong đại học Việt Nam. Tôi không muốn chỉ trích, vì chỉ trích không mang lại kết quả gì. Tôi muốn đưa ra những giải pháp để thay đổi tương lai. Theo nhận xét của riêng tôi, Chính phủ Việt Nam đã có ý thức thay đổi tổ chức đại học, nhưng chưa biết làm cách nào vì thiếu chuyên môn. Việc này không thể chỉ trông chờ vào các cơ quan chính phủ. Các nhà khoa học, các giáo sư Việt Nam phải giúp đỡ, hợp tác với Chính phủ mới mong rút ngắn thời gian. Tôi hy vọng các sinh viên trẻ có ý thức hơn, tự hợp tác với nhau, thảo luận, phản biện, đề nghị lại với Chính phủ những yêu cầu của chính mình. Tất cả mọi người, từ sinh viên đến nhà cầm quyền phải có ý thức muốn thay đổi mới được. Tôi rất ngạc nhiên khi một viện trưởng khoe rằng các sinh viên của viện ông ra nước ngoài học rất nhiều, mà đó lại là ngành Việt Nam học! Nếu ai cũng chỉ muốn đi nước ngoài học, để làm việc cho các công ty nước ngoài thì Việt Nam mãi mãi không có đại học tầm cỡ. Cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giới trẻ, vì suốt bao nhiêu năm chiến tranh, trải qua bao cực khổ, những gì họ được dạy dỗ trái ngược với hiện thực khi ra đời… Họ phải tranh đấu, phải giành giật bằng mọi giá để kiếm tiền hơn là sống cho danh dự nước nhà. Giới trẻ mất dần ý thức mình là nền tảng xã hội tương lai. Một đất nước trải qua quá nhiều biến cố, mất mát bởi chiến tranh làm chậm trễ tương lai như Việt Nam, phải có những người trẻ có ý thức học giỏi để giúp nước, mới mong tiến nhanh được.

- Nhưng theo ông, vì sao ngày xưa khổ cực thế mà Việt Nam vẫn có được những nhà khoa học lớn, còn bây giờ đời sống đã dễ dàng hơn nhưng giới trẻ lại thiếu tinh thần xả thân vì khoa học? Những tật xấu nào đang là lực cản cho sự phát triển?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : Phá huỷ thì rất dễ dàng, nhưng xây dựng lại thì cần rất nhiều thời gian. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, để theo kịp châu Âu, đại học Mỹ phải mất 30 – 40 năm. Việt Nam sau 30 năm chiến tranh, để bắt kịp thế giới cũng phải mất ba thế hệ. May mắn của Việt Nam là lực lượng trí thức Việt kiều trên toàn thế giới rất đông, nhưng Nhà nước mới chỉ chú trọng mời gọi những Việt kiều có vốn về đầu tư thương mại hơn là những Việt kiều trí thức về giúp đào tạo con em ở Việt Nam. Điều này quả thật rất đáng tiếc.

Mặt khác, sự thực dụng và ích kỷ đang tạo một lực cản lớn khiến những gì tốt đẹp chưa được thực thi. Thói đua đòi cá nhân nhiều lên khiến mọi người không thể kết hợp cùng nhau để đổi thay đất nước một cách vững chắc. Tranh đấu cá nhân đang triệt tiêu ý thức công dân… Điểm xấu thì nhiều, nhưng không nên chỉ trích, phải nhìn rõ đường đi mới có thể cùng nhau xây dựng nước nhà.

- Xin hỏi một chút riêng tư: quyết định nào đã làm thay đổi số phận ông?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : Trong cuộc đời làm khoa học, tôi may mắn được làm những gì mình thích trong suốt hơn 40 năm. Đó là đeo đuổi nghiên cứu khoa học phóng xạ của vũ trụ, và luôn bảo đảm sự độc lập, không ràng buộc, nên mới có thể gặt hái được một số kết quả. Thời trẻ, tôi chẳng biết lựa chọn này của mình có đúng không, nhưng 40 năm sau tôi nhận thấy đó là một chọn lựa may mắn. Quyết định sống và làm việc ở Việt Nam cũng đã làm thay đổi số phận tôi, tôi rất hạnh phúc với đời sống riêng của mình, với người vợ Việt Nam… Đó là cơ duyên sâu thẳm nhất khiến tôi gắn bó với đất nước này.

- Ông có gặp khó khăn nhiều không, về khác biệt văn hoá trong đời sống cá nhân?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : Khó khăn tôi gặp trong đời sống hàng ngày không đáng gì so với những việc tôi làm trong phòng thí nghiệm, nhưng chính điều đó đem lại cho tôi nhiều niềm vui hơn.

- Từng được trao giải thưởng André Lagarrigue năm 2008, ông có thể kể một chút về công trình khoa học mà ông theo đuổi nhiều năm, nhưng do công bố chậm hơn nên giải Nobel đáng lý dành cho nghiên cứu ấy đã thuộc về người khác?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : (Cười) Tôi không được giải Nobel nhưng vẫn hãnh diện khi thấy hai khảo cứu của chúng tôi đi song song. Ý tưởng chính về máy gia tốc của người đoạt giải Nobel cũng dựa trên một số kinh nghiệm của tôi. Tôi không quan tâm được hay không được giải, mà rất thích thú với những kinh nghiệm mình đã trải qua trong nghiên cứu khoa học.

Con đường nghiên cứu khoa học của tôi bắt đầu từ năm 1964 ở trung tâm Hạt nhân Saclay tại uỷ ban Năng lượng nguyên tử Pháp, phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkley tại Mỹ và trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu tại Geneva, Thuỵ Sĩ.

- Sống một cuộc sống bình dị, hàng ngày vẫn đạp xe đến nơi làm việc, bí quyết nào khiến ông giữ được sức khoẻ dẻo dai và một tình yêu cuộc sống tràn đầy?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : Vô tư, may mắn, và khoa học. Tôi là một người vui vẻ, linh động trong cả công việc và cuộc sống, nên tôi thấy hạnh phúc.

- Ông còn viết cả truyện ngắn, viết báo, ông quan tâm đến điều gì ở Việt Nam?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : Tôi có viết mấy truyện nhỏ cho tạp chí Việt Nam học bằng tiếng Pháp về những chuyện thời sự của Việt Nam, đối chiếu với thời sự Trung Quốc, để diễn tả những suy nghĩ của mình về tình hình chính trị, xã hội Việt Nam từ thế kỷ 19 đến giờ.

- Ông coi trọng điều gì nhất ở người làm khoa học?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : Một nhà khoa học phải có quy tắc nhất định trong thẩm định công việc mình làm, không bị ảnh hưởng bởi chính trị và những việc khác.

- Có bao giờ ông rơi vào tâm trạng cô đơn?

Giáo sư Tiến sĩ Pierre Darriulat : Khoa học ngày càng tiệm cận với triết học, nhất là đạo Phật. Nhìn hiện tại với sự hiểu biết khoa học song song với đạo học phương Đông, một ngày kia có thể giải quyết những vấn đề của con người, giúp con người bớt cô đơn.

- Cảm ơn ông.

-------------------

Bình luận :

Nguyễn Đình Đăng nói:

16/08/2010 lúc 2:56 chiều

http://www.talawas.org/?p=23384&cpage=4#comment-16783

“Trong cuộc đời làm khoa học, tôi may mắn được làm những gì mình thích trong suốt hơn 40 năm. Đó là đeo đuổi nghiên cứu khoa học phóng xạ của vũ trụ, và luôn bảo đảm sự độc lập, không ràng buộc, nên mới có thể gặt hái được một số kết quả. Thời trẻ, tôi chẳng biết lựa chọn này của mình có đúng không, nhưng 40 năm sau tôi nhận thấy đó là một chọn lựa may mắn. Quyết định sống và làm việc ở Việt Nam cũng đã làm thay đổi số phận tôi, tôi rất hạnh phúc với đời sống riêng của mình, với người vợ Việt Nam. Đó là cơ duyên sâu thẳm nhất khiến tôi gắn bó với đất nước này.”

“Sự thực dụng và ích kỷ đang tạo một lực cản lớn khiến những gì tốt đẹp chưa được thực thi. Thói đua đòi cá nhân nhiều lên khiến mọi người không thể kết hợp cùng nhau để đổi thay đất nước một cách vững chắc. Tranh đấu cá nhân đang triệt tiêu ý thức công dân.”

“Một nhà khoa học phải có quy tắc nhất định trong thẩm định công việc mình làm, không bị ảnh hưởng bởi chính trị và những việc khác.” - Pierre Darriulat

Trích từ phỏng vấn GS Pierre Darriulat tại Sài Gòn Tiếp Thị.

.

Giáo sư Pierre Darriulat (sinh năm 1938) là một nhà vật lý hàng đầu quốc tế, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986, đoạt giải thường André Lagarrique năm 2008 của viện máy gia tốc tuyến tính Orsay.

Từ 1979 – 1987: ông là người phát ngôn của thí nghiệm UA2 nổi tiếng tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) nhằm tìm ra các hạt boson W± và Z0 trong lý thuyết thống nhất tương tác yếu và tương tác điện từ. Từ 1987 – 1994 ông là giám đốc nghiên cứu tại CERN.

Năm 1978 CERN thông qua ý tưởng đặt thí nghiệm tại hai điểm của máy gia tốc Super Proton Synchrotron (SPS) năng lượng 450 GeV để đạt được năng lượng đủ lớn tạo bởi va chạm của các chùm proton và phản proton bay ngược hướng nhau nhằm tạo ra các hạt bosons của tương tác yếu có khối lượng trong vùng 80 – 100 GeV. Thí nghiệm UA1 được đặt tại điểm thứ nhất do Carlo Rubbia, giáo sư đại học Harvard, đứng đầu. Thí nghiệm UA2 được đặt tại điểm thứ hai do Pièrre Darruilat chỉ đạo. Ngày 20 tháng 1 năm 1983 nhóm của C. Rubbia công bố kết quả của 5 va chạm sinh ra các hạt W boson đo được tại UA1. Sáng hôm sau nhóm của P. Darriulat công bố kết quả của 4 va chạm đo được tại UA2. Tháng 5/1983 hạt Z0 cũng được phát hiện. “Vì những đóng góp quyết định vào những dự án lớn đưa đến những phát hiện nói trên” (đặc biệt là ý tưởng dùng SPS của CERN để tạo va chạm giữa proton và phản proton trong cùng một vòng xuyến của máy gia tốc) Carlo Rubbia và Simon van der Meer được trao giải Nobel về vật lý năm 1984.

Từ năm 1998, sau khi nghỉ hưu, giáo sư P. Darriulat đã chuyển hẳn tới Hà Nội sinh sống cùng vợ người Việt. Tại đây ông đã tự tay mình thành lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (Nghĩa Đô – Hà Nội), đào tạo các người nghiên cứu trẻ Việt Nam về vật lý tia vũ trụ, và lần đầu tiên đưa vật lý thiên văn hiện đại vào giảng dạy tại Đại học Quốc gia Việt Nam.

(Trích từ Lời giới thiệu trong bài “Việt Nam cần các trường đại học và viện nghiên cứu tốt hơn” của P. Darriulat)

Có được một nhà vật lý tầm cỡ giải Nobel như thế thực là vô cùng quý giá cho một quốc gia.

Chưa thấy nhà lãnh đạo hay doanh nhân nào của Việt Nam nào tới sờ chân hay hứa tặng GS Darriulat căn hộ hay biệt thự nghỉ mát.

.

.

.

No comments: