Tuesday, August 3, 2010

BẮC HÀN, "CHIẾN TRANH LẠNH" GIỮA HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC

Bắc Hàn, ‘chiến tranh lạnh’ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Việt Nguyên

Monday, August 02, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116826&z=97

.

Một thử thách của chính sách Obama

.

LTS - Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.

***

Từ khi nhậm chức, TT Barrack Obama đã hứa sẽ dựa trên sức mạnh mềm dẻo (soff power) của Hoa Kỳ không thách thức các chánh quyền khác trên thế giới ngay cả những chánh quyền không dân chủ, Hoa Kỳ chỉ yêu cầu các quốc gia tránh bạo động (gồm khủng bố, vũ khí phá hoại hàng loạt, gây hấn với các quốc gia lân bang)

Chánh quyền Obama không dùng chiến thuật cây gậy và củ cà rốt cố hữu của Hoa Kỳ nhưng nhắc nhở “những người bám vào quyền hành bằng sự tham nhũng, đàn áp đối lập chà đạp nhân quyền phải hiểu rằng họ đứng vào vị trí sai trái nhưng chúng ta sẵn sàng dơ tay đón nhận nếu họ chịu từ bỏ không giữ chặt quả đấm”.

Sau hơn một năm cầm quyền, chánh quyền Obama đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì không chú trọng đến dân chủ và nhân quyền. Á Châu sẽ là nơi thử thách chánh sách của ông nhất là Bắc Hàn và Việt Nam.
.

Xã hội Bắc Hàn của “Bác Kim kính yêu”

Bắc Hàn dưới sự lãnh đạo của Kim Chánh Nhật là một quốc gia tuyệt đối theo chế độ Stalin duy nhất còn sót lại trên thế giới hơn cả Cuba. Trẻ em được dậy học kính yêu lãnh tụ ngay từ bé, bài hát vỡ lòng các thiếu nhi của Bác Kim Nhật Thành hát là “Chúng cháu không có gì ghen tị với thế giới”, khẩu hiệu này cũng được dán trên các cổng trường mẫu giáo khắp nước. Chẳng những chỉ có các cháu của bác không ganh tị mà cả nước Bắc Hàn cũng chẳng còn gì để ghen tị, tình trạng giống như Việt Nam thời kỳ đảng CSVN goi là “thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa” sau 1975.

Năm 1991 sau khi đế quốc Sô Viết xụp đổ, trong nửa thập niên nạn đói lan tràn, kinh tế lệ thuộc vào nền kinh tế xã hội chủ nghĩa chỉ dựa trên Sô Viết và Trung Cộng, số người đói lên đến từ 2 đến 10% dân số. Thực phẩm phân phối theo hộ khẩu, chia theo khẩu phần, nhà máy sản xuất gạo và các kỹ nghệ lớn bị bỏ trống, công nhân bỏ về vùng quê. Đời sống dân chúng bị xáo trộn. Dân sống trong tình trạng lo sợ và khủng hoảng với sự kiểm soát của công an và đảng viên. Những sự thật này được kể lại từ các người tị nạn chạy về Nam Hàn được tả trong các sách của bà Barbara Demick và Kongdan Oh. Thành phần trí thức bị theo dõi, họ bị cấm đọc sách báo ngoại quốc kể cả sách báo Nga viết về cải tổ kinh tế tài chánh theo đường lối tư bản. Các thầy cô trường trung học mỗi ngày nhìn học trò bỏ lớp không đến trường vì chết đói, hoặc thiếu dinh dưỡng. Con các nhà khá giả thì đem thực phẩm hoặc dúi tiền cho thầy cô để họ tiếp tục được học. Trung Quốc trở thành thiên đàng của dân Bắc Hàn. Thiên đàng ấy ngăn cách Bắc Hàn với chiều dài 850 dặm là nơi cung cấp thực phẩm và hàng hóa. Chợ đen phát triển tột bực. Hàng hóa chợ trời đến từ Nam Hàn kể cả phim ảnh, băng nhạc. Những phim được yêu chuộng là Titanic, Con Air, Witness và các “soap opera”. Dân Bắc Hàn xem phim và thèm thuồng đời sống dân Nam Hàn ở “dưới đó” (giống như Bắc Nam VN 1975) nơi mà xe hơi chạy đầy đường. Người lớn đau quặn ruột mỗi lần nghe trẻ con hát “chúng cháu không còn gì để ghen tị thèm muốn trong thế giới này”. Đảng Cộng Sản phải mở chiến dịch thanh tẩy vì xã hội Bắc Hàn bị nhiễm độc vi trùng tư bản, cán bộ và dân xem phim ảnh bị đi tù lao động cải tạo bốn năm, chỉ có chủ tịch Kim Chánh Nhật được xem phim ngoại, dùng đồ xịn nhập cảng cùng với vòng trong gồm các tướng lãnh cao cấp. Chế độ CS nào cũng giả dối như vậy từ Sô viết qua đến Trung Cộng và Việt Cộng!

Dân Bắc Hàn sống trong thời kỳ hậu cách mạng, không tin tức mạng lưới, thông tin bằng loa. Mỗi nhà, mỗi phường, khóm, mỗi cao ốc và cơ sở công cộng đều có loa phóng thanh nối với dây từ trụ sở trung ương. Hệ thống phát thanh này có điểm lợi là người ở ngoài nước không theo dõi được chuyện trong nước.

Nếu dân Miền Nam VN còn nhớ cảnh thê thảm đổi tiền sau ngày 30-4-75 thì cảnh đổi tiền ở Bắc Hàn ngày 30-11-2009 cũng giống như vậy. Loa phóng thanh đi khắp xóm loan bảo đổi tiền, cái tổ tiền tệ không báo trước. Trước khi đồng tiền bị phá giá, 1 Mỹ kim ăn 3500 đồng won ở chợ đen còn giá chính thức là 1 dollar ăn 160 won. Có khu vực dân chỉ biết trước từ trưa đến 5 giờ chiều. Giới hạn mỗi gia đình 30 Mỹ kim. Mục đích đánh phá tư sản mại bản rõ ràng là ăn cắp và tịch thu tiền của dân và các cơ sở tiểu thương. Đảng CS không chấp nhận chợ đen đã giúp dân Bắc Hàn sống sót. Nền kinh tế tiểu thương, tiểu tư sản bị tiêu diệt. Cán bộ cao cấp và gia đình của họ biết trước đổi ra tiền Nguyên (TQ) hay mua hàng hóa ngay cấp kỳ. Tiền ăn cướp của dân sẽ được dùng vào việc xây cất các công trình khách sạn 105 tầng, rạp hát, nhà cửa cho đảng viên kỷ niệm sinh nhật 100 năm của đại lãnh tụ Kim Nhật Thành bố của Kim Chánh Nhật. Kỳ đổi tiền hồi tháng 11, 2009 không phải là lần đổi tiền đầu tiên.

Trong năm năm đã có năm lần đổi tiền. Nhờ số tiền này họ củng cố quyền lực và tài chánh rộng rãi. Dân nổi giận phản ứng bằng cách không đổi tiền hoặc sợ tiền nhiều chính quyền sẽ cho đi học tập họ đổ tiền xuống sông xuống biển, có người chạy xe gắn máy rải tiền khắp trên xa lộ. Sau đó đảng muốn dân nguôi giận, tăng số tiền đổi lên trên 30 Mỹ kim và cũng như các lãnh tụ cộng sản khác từ ông Stalin đến ông Mao đến ông Hồ, Kim Chánh Nhật cũng có máu khôi hài hứa sẽ trả lại tiền cho dân vào năm 2012! Những thương gia, đóng cửa không bán hàng để phản đối bị xử tử hình. Những người nổi giận không chịu đổi tiền đem tiền ra đốt bị xử tử vì đã đốt hình đại lãnh tụ kính yêu Kim Nhật Thành trên đồng won! Đảng Cộng sản chưa bao giờ xin lỗi nhưng lần này Thủ tưởng Kim Yong Il phải ra xin lỗi, sau đó bị mất chức còn ông Giám đốc Kế hoạch Tài chánh của Đảng Iak Nam Gi được đưa ra vận động trường Bình Nhưỡng xử bắn để làm gương vì là “con nhà tiểu tư sản xâm nhập vào cách mạng để phá hoại kinh tế.”

Học được bài học Đông Đức năm 1989, đảng CS Bắc Hàn đối xử dân tị nạn tàn bạo. Hàng trăm ngàn người tị nạn ở Trung Cộng đã trở về nước phần vì TC không nhận sợ dân tị nạn sẽ ùn ùn chạy qua biên giới, phần vì chánh quyền trừng phạt nặng họ hàng của những người tị nạn còn ở lại Bắc Hàn. Dân tị nạn cũng trở về lại Bắc Hàn vì dân Nam Hàn kỳ thị họ là những người lạc hậu. Dân Nam Hàn hài lòng với đời sống của họ từ sau chiến tranh Nam Bắc năm 1953 không tha thiết đến việc thống nhất Bắc Nam, dù kinh tế Bắc Hàn kiệt quệ. Từ tháng 6/2010 giá gạo ở Bắc Hàn là 50 cent Mỹ Kim mỗi ký nhưng đa số dân vẫn không có tiền mua!

.

Thao diễn quân sự dằn mặt ai ?

Tình trạng quốc gia đang đứng bên bờ vực thẳm như vậy mà Chủ tịch Kim Chánh Nhật vẫn gây hấn. Sau vụ tấn công chiến thuyền Nam hàn Cheonan vào cuối tháng 3/2010 để trả thù cho chiếc thuyền Bắc Hàn bị Nam Hàn bắn ở hải phận Nam Hàn mùa thu 2009, chánh quyền Nam Hàn giận dữ. Tháng Năm ngày 24, chánh quyền Nam Hàn ngưng buôn bán với Bình Nhưỡng ngăn chận thuyền của Bắc Hàn vào hải phận, sẽ trả đũa lại tất cả những vụ xâm nhập trên trời, dưới đất ngoài biển của Bắc Hàn. Bắc Hàn gọi TT Lý Minh Bắc của Nam Hàn là “tên phản bội”, “thằng khốn nạn” và sẽ trả đũa bằng chiến tranh toàn diện. Bắc Hàn sẽ bắn vào các loa phóng thanh tuyên truyền của Nam Hàn ở vùng phi quân sự nhưng chủ tịch Kim Chánh Nhật biến mất vào bóng tối, tình báo Mỹ cho rằng nhà lãnh đạo sợ bị ăn hỏa tiễn hướng dẫn bằng tia Laser của Mỹ và Nam Han.
Vụ xung đột với chiếc tầu Cheonan, bị đánh chìm với 46 thủy thủ chết là vụ xung đột quan trọng khác với những xâm nhập từ trong nhiều thập niên qua với cảm tử quân từ Bắc Hàn. Năm 1968, qua điệp vụ ám sát TT Park Chung He các cảm tử quân đã xâm nhập cách tòa “Nhà Xanh” có vài thước. Bắc Hàn đã bắt cóc dân Nam Hàn, hay nổ máy bay Korean Airlines. Năm ngoái những nhân vật quan trọng của chánh quyền Bắc Hàn đào thoát đã bị ám sát.

Các quan sát viên quân sự lạc quan cho đây là ngày tận cùng của chế độ Cộng sản Bắc Hàn. Vụ xung đột tháng 3, 2010 này khác với những vụ “tống tiền” trước của Bắc Hàn bằng cách thử bom nguyên tử hay phóng hỏa tiễn để Hoa Kỳ viện trợ nhân đạo, chiến thuật của Kim Chánh Nhật người học trò giỏi của Machiavelli trong sách “Quân Vương.” Ngay tháng 4/2010 đã có Hội nghi “Chế độ CS Bắc Hàn sụp đổ, thống nhất bán đảo Triều Tiên” sau biến cố tháng 3/2010.

Có hai lý do ngoài việc ngài chủ tịch “lùn” Kin Chánh Nhật muốn được các đàn anh lớn chú ý. Ngài đang củng cố quyền lực chưa từng thấy trong lịch sử thế giới. Các đảng viên đảng CS Bắc Hàn đang sửa soạn chân dung tân hoàng đế. Hình hoàng tử Kim Chánh Vân (Kim Jong Un), đệ tam hoàng đế sẽ được để cạnh ông nội Kim Nhật Thành, đệ nhất hoàng đế và ông bố Kim Chánh Nhật, đệ nhị hoàng đế (lịch Bắc Hàn mới, tính từ năm sinh của Kim Nhật Thành, năm nay năm thứ 98). Hoàng tử Kim Chánh Vân bí mật hơn bố, sanh ngày 8 tháng 1, có thể là năm 1982 hay 1983, có thể đã đi học Thụy Sĩ, ngoài bức hình mới đứng cạnh ông bố gần đây chỉ có một bức hình duy nhất của cậu năm 11 tuổi. Kim Nhật Thành được gọi là đại lãnh tụ còn Kim Chánh Vân được gọi là “Đại tướng trẻ” hay là “Đồng chí xuất chúng”. Tin đồn nói rằng cậu út Vân đóng vai trò chánh trong vụ đánh chìm chiếc tầu Cheonan ngày 26/3/ 2010. Giống như trong những chuyện Tầu thời Đông Châu Liệt Quốc, chủ tịch Kim Chánh Nhật ốm yếu có thể vì ung thư, tai biến mạch máu não hay bịnh thận đã chuẩn bị cho cậu con thiếu kinh nghiệm bằng cách giao cậu cho quân sư Jang Song Taek, ông anh rể đứng hàng thứ hai, người mà mới đây vào năm ngoái đã bị thanh trừng.

Lý do thứ hai theo B.Q. Myers, nhà lãnh đạo Bắc Hàn theo đuổi chủ thuyết CS nhiệt tình và nghiêm trọng hơn các nước CS Đông Âu thập niên 1950 và 1960. Các nhà ngoại giao Đông Đức ở Bình Nhưỡng đã gởi điện tín về Đông Bá Linh so sánh Bắc Hàn với Đức Quốc Xã, Kim Chánh Nhật cầm quyền dựa trên chủ thuyết Quốc gia Xã hội, bám chặt vào quyền hành, ru ngủ dân Bắc Hàn. Chủ tịch Kim Chánh Nhật luôn luôn gây chấn động để nhắc nhở dân Bắc Hàn rằng dân Nam Hàn có giầu thật đấy nhưng đời sống tinh thần nghèo nàn phải sống dưới sự chỉ đạo của bọn đế quốc Mỹ, một ngày người dân miền Nam sẽ sáng mắt ra và muốn sống dưới sự lãnh đạo anh minh của ngài Kim Chánh Nhật và đạo đức khôn ngoan của dân tộc Hàn Quốc!

Nhà lãnh đạo Kim Chánh Nhật tiếp tục tháu cáy trong bàn cờ thế giới dựa trên những yếu điểm của các quốc gia lân bang. Nam Hàn ngại chương trình bom nguyên tử của Bình Nhưỡng, muốn chương trình nguyên tử chấm dứt qua hiệp ước năm 2005. Trung Cộng không muốn dân tị nạn tràn qua biên giới. Hoa Kỳ với 28,500 quân ở vùng phi quân sự không muốn thấy tổn thất nặng ngoài hai mặt trận Iraq và A Phú Hãn. Lá bài tháu cáy của Kim Chánh Nhật phải dựa vào Trung Cộng, ngay sau vụ Cheonan, Trung Cộng bênh vực Bình Nhưỡng và đã tiếp chủ tịch Kim Chánh Nhật trang trọng ở Bắc Kinh.

Hoa Kỳ phản ứng mạnh, chánh sách 3D (Diplomacy, Development, Defense) thực hiện rõ ràng qua Ngoại trưởng Hillary Clinton (ngoại giao, phát triển) sánh vai với Bộ trưởng Quốc phòng (defense) Robert Gates qua buổi hội nghị ASEAN và chuyến viếng thăm vùng phi quân sự. Chiến tranh lạnh thứ hai đang xẩy ra như khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc giận dữ lên tiếng chống đối Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và ông Gates đã nhìn nhận sự bành trướng của Trung Cộng ở Nam Hải qua cuộc tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ở Hội nghị quân sự 28 nước Á Châu Thái Bình Dương, Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn có những giá trị và mục đích khác nhau, lần này sự xung dột trầm trọng hơn là năm đầu của chính quyền Bush qua vụ phi cơ thám thính Hoa Kỳ bị bắn rơi ở đảo Hải Nam.

Cuộc thao diễn quân sự ở Hoàng Hải giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn với Hàng không Mẫu hạm 97.000 tấn George Washington 20 chiến thuyền và 200 chiến đấu cơ có mục đích dằn mặt Trung Cộng hơn là Bắc Hàn đàn em của Trung Cộng.

Chánh quyền Obama gần đây đã đổi giọng cũng như “viễn kiến” từ sau khi Trung Cộng gia tăng chi phí quốc phòng, đóng Hàng không mẫu hạm và dương oai ở biển Đông. Với cùng một Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thời ông Bush, chính quyền Obama bắt đầu dùng lại chính sách của chính quyền Bush và cuộc thao diễn quân sự của Hoa Kỳ trên Hoàng Hải cũng giống như những chuyện tiểu thuyết quân sự của Tom Clancy với Robert D. Kaplan là đạo diễn.

Từ năm 2005, Hoa Kỳ đã phải suy nghĩ để đối phó với Trung Cộng trên Thái Bình Dương. Chính quyền Obama không còn gọi Bắc Hàn và Iran là “trục quỷ” nhưng trên thực tế với Trung Cộng và Nga đứng đằng sau dùng các nước có khả năng nguyên tử để bẻ tay Hoa Kỳ thì chính quyền Obama phải đối đầu với chiến tranh lạnh mới.

Về mặt Hải chiến, Trung cộng có lợi điểm hơn Hoa Kỳ về địa thế mặc dù yếu hơn Hoa Kỳ về kỹ thuật quân sự. Nam Hải và Hoàng Hải gần TC hơn. Trong những năm gần đây, trong khi Hoa Kỳ bận tay với chiến tranh chống khủng bố, TC đã lợi dụng yếu điểm này để bành trướng thế lực bằng “sức mạnh mềm dẻo” qua việc viện trợ kinh tế và ngoại giao, lấy lòng các nước láng giềng, tăng gia mậu dịch. Hoa Kỳ đã để yên cho TC xây Hàng không Mẫu hạm Trịnh Hòa, gia tăng chi phí quân sự mặc dù Hải quân và Không quân TC còn thua xa Hoa Kỳ nhiều thập niên nhưng những hành động thách thức của TC đã khiến Hoa Kỳ phải nghĩ lại.

Bộ chỉ huy Thái Bình Dương PACOM đã giữ lại được căn cứ quân sự ở Nhật với căn cứ Singapore phục vụ cho cách Hàng không Mẫu hạm, nhắm đến căn cứ huấn luyện Brunei, phi vụ tập trận với Ấn Độ, thao diễn ở Thái Lan và dùng căn cứ huấn luyện ở Bắc Úc Đại Lợi nhưng căn cứ đảo Guam vùng Bắc là tương lai chiến lược của Hoa Kỳ ở TBD với B52, C17 Globemasters, F/A 18 Hornets, EZ Hawkeye, Guam còn là căn cứ của Tiềm thủy đỉnh, Guam nằm gần Trung Quốc cho nên Hoa Kỳ lúc sau này không còn tha thiết lắm với Cam Ranh. Mặc dù Trung Quốc tăng gia Hải quân nhưng Hoa Kỳ vẫn trên chân với các chiến hạm tổng cộng trên 2.86 triệu tấn (tất cả chiến thuyền thế giới cộng lại độ 3.04 triệu tấn). Các chiến thuyền TC tổng cộng có 263,064 tấn. Hoa Kỳ có thể chuyển 24 Hàng không Mẫu hạm trong số 34 HKMH trên thế giới. TC chỉ mới có một đang xây cất. Trung Cộng chỉ có thể thắng Hoa Kỳ bằng chiến thuật du kích với tiềm thủy đỉnh và thủy lôi cùng với hỏa tiễn đây là điều Hoa Kỳ đã nghi ngơ cậu Kim Chánh Vân dùng tiềm thủy đỉnh và thủy lôi đánh du kích chiến thuyền Cheonan.

Những cú đánh du kích của Trung Cộng bằng hỏa tiễn vào HKMH Hoa Kỳ sẽ có hậu quả như Al Qaeda tấn công Twin Towers ngày 11/09/01. Chiến tranh lạnh giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn trên Thái Bình Dương có ảnh hưởng đến các quốc gia trong vùng vì vậy TC đã cực lực phản đối cuộc thao diễn quân sự của Hoa kỳ và Nam Hàn.

Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Hà Nội dự hội nghị ASEAN, đã mang lại tín hiệu chánh sách của TT Obama “tăng trưởng kinh tế, tăng gia mậu dịch, không xây dựng quốc gia (National builder) nhưng liệu chính phủ Obama có mua được Bình Nhưỡng như Hoa Kỳ đã mua chánh quyền Cộng sản Hà Nội để họ tiếp tục tham nhũng?

.

.

.

VIDEO : Cuộc tập trận và hội nghị An Ninh Á châu ảnh hưởng đến Việt Nam và châu Á ra sao?

http://www.truyenhinhvietnam.tv/viewArticle.php?article_id=1347

.

.

.

No comments: