Đất nước Chùa Tháp và Angkor huyền bí
Thứ sáu 30 Tháng Bẩy 2010
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100730-dat-nuoc-chua-thap-va-angkor-huyen-bi
Nói đến Cam Bốt là người ta nghĩ ngay đến Angkor, quần thể đền đài nổi tiếng thế giới mà các vị vua Khmer đã cho xây dựng từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 15. Nhưng Cam Bốt không chỉ có Angkor Thom, Angkor Vat, mà còn có rất nhiều điểm tham quan lý thú khác.
Có thể kể: dòng sông 1.000 linga ở Seam Reap, đền Preah Vihear…Hoặc du khách có thể đến tham quan Anlong Veng, căn cứ địa của Pôn Pốt cũ, rồi trở về Phnom Penh viếng Hoàng Cung, Bảo tàng quốc gia, nếu gan dạ hơn thì có thể đến thăm nhà tù Tung Sleng và Cánh đồng chết, những nơi còn lưu giữ lại bằng chứng về tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ. Biển Cam Bốt cũng rất sạch đẹp.
.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt có trụ sở tại Sài Gòn cho biết, bản thân ông đã đi Angkor hơn hai trăm lần, nhưng vẫn có những phát hiện lý thú mỗi lần đến thăm công trình thuộc loại kỳ quan thế giới này : ( Bấm: http://www.viet.rfi.fr/aef_player_popup/rfi_player#)
Cam Bốt có những di tích mà tôi nghĩ rằng trên thế giới không ở đâu có, đó là quần thể Angkor. Người Việt gọi là Đế Thiên Đế Thích, nhưng thật ra người ta gọi chung là Angkor Thom, Angkor Vat. Nhiều người lâu nay ít biết đến Angkor do điều kiện lịch sử và chiến tranh, cũng như khâu quảng bá cũng ít. Bản thân tôi đi Angkor hơn hai trăm lần rồi, mặc dù vậy nhưng vẫn không ngừng phát hiện những điều rất lý thú. Lâu nay người ta bảo Angkor là kỳ quan thứ tám của thế giới, nhưng tôi có thể khẳng định một điều, đó là kỳ quan đứng đầu thế giới về điêu khắc và kiến trúc.
Học giả Nguyễn Hiến Lê, một học giả lừng danh của Nam bộ trước đây, đã đến Angkor vào năm 1952, và sau đó viết Cao nguyên ký sự. Trong cuốn hồi ký đó, Nguyễn Hiến Lê đã khẳng định rằng, so với Angkor thì Vạn lý trường thành của Trung Quốc không thể được xem là một công trình kiến trúc, càng không thể là một công trình nghệ thuật, mà là một công trình quân sự thuần túy, thể hiện cho tham vọng làm bá chủ thiên hạ của người Trung Quốc. Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, trước đây là giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM, sau khi đi Angkor về cũng viết một loạt bài, và khẳng định là chỉ có thần linh mới làm được.
Nói như thế để biết quần thể Angkor vĩ đại đến chừng nào, tôi chưa thấy một quần thể nào có diện tích rộng như vậy. Angkor rộng 55km2, có hàng trăm đền thờ được xây dựng toàn bằng đá. Chưa có công trình nào rộng lớn như vậy, được kiến trúc với quy mô như vậy. Tôi khẳng định Angkor là kỳ quan đứng đầu thế giới vì nó có hai điều độc đáo, thứ nhất là về điêu khằc.
Angkor Vat là đền thờ rộng nhất trên thế giới theo tôi biết. Đó là một đền thờ độc lập rộng 5,6km , mỗi cạnh là 1,5km và 1,3km hình chữ nhật. Đền thờ này có 3 tầng, cao 65m, không có một tấc vuông nào ở đây không có điêu khắc cả. Và người ta cũng không hiểu được là, đá chứ không phải là gỗ, là xi măng, mà có thể đẽo được tinh xảo và cực kỳ khó khăn như thế. Bản thân tôi tới giờ phút này vẫn không tài nào hình dung được bằng cách nào họ có thể điêu khắc những họa tiết sắc sảo mà tinh vi như vậy. Bởi vì ngay cả trên gỗ tôi cho rằng cũng rất khó, vì gỗ sẽ mẻ huống nữa là đá. Câu hỏi này về điêu khắc vẫn chưa thể trả lời được.
Những bí mật ngàn năm của đá
Có người cho rằng công trình này được xây dựng từ những người tù binh, bị bắt làm nô lệ nhưng tôi không tin, vì họ cũng chỉ là lao động phổ thông thôi, chứ còn ở đây là những bậc thầy về điêu khắc. Hàng triệu mét vuông điêu khắc như vậy mà không có hình tượng nào giống hình tượng nào cả. Trên tầng hai của Angkor Vat có một hành lang phù điêu, tổng chiều dài của hành lang này là 1.250m, cao 3m, có bức 11.000 nhân vật, tức là lịch sử của người Khmer được viết bằng đá. Chỉ có điều rất tiếc là, đá không biết nói, mình hỏi đá đá không trả lời, lịch sử để lại rất ít thông tin tư liệu, cho nên mình chỉ biết Angkor được xây dựng dưới triều đại vua nào, trong vòng bao nhiêu năm, chấm hết.
Đặc biệt khách châu Âu rất hay để ý những chuyện nhỏ, họ hỏi chúng tôi không tài nào trả lời được. Ví dụ trong đền thờ Taprom, đền thờ mẹ vua, nơi mà Hollywood dùng làm bối cảnh để quay phim Bí mật ngôi mộ cổ, trên tường có một cái phù điêu hình con khủng long. Khách hỏi chúng tôi, làm sao mà từ thế kỷ thứ 12 họ biết có con khủng long để điêu khắc lên tường. Con rồng, những con vật không có thì có thể tưởng tượng ra, còn con khủng long là có thật nhưng bây giờ tuyệt chủng rồi. Làm sao mà vào thể kỷ thứ 12, sách báo đâu, internet, phim ảnh đâu mà những người thợ điêu khắc có thể tạc hình con khủng long lên vách đá. Câu hỏi này chúng tôi hoàn toàn bế tắc, và vẫn treo lơ lửng cho tất cả những người quan tâm đến Angkor.
Tôi có đi thăm một số di sản thế giới của các nước. Có thể là cũng có những công trình tầm cỡ nhưng mà không có một quần thể nào nhiều đền thờ và điêu khắc đậm đặc như thế cả. Cái thứ hai mà tôi có thể khẳng định, đó là một kỳ quan đứng đầu thế giới về kiến trúc. Hiện nay khi đi Angkor, có hai tranh luận gay gắt nhất, là người ta đưa lên rồi mới điêu khắc, hay là điêu khắc rồi mới đưa lên ? Nếu điêu khắc rồi mới đưa lên thì sẽ cực kỳ chính xác, nhưng trong quá trình vận chuyển nó bể, mẻ thì sao. Nếu đưa lên rồi mới điêu khắc, mới đẽo thì cũng rất khó khăn, vì có khả năng nó sẽ bị vỡ. Chưa kể những tháp cao, ở độ cao mấy chục mét chơi vơi như vậy, nếu mình đục đẽo lớn có thể tạo những va chấn, làm sập đổ liên hoàn. Những điều này hiện nay không ai giải thích được.
Những đền thờ này được làm toàn bộ bằng đá xanh – sa thạch màu xanh – chỉ có một đền thờ bằng sa thạch màu đỏ thôi, và không cần một chất kết dính nào cả. Chẳng hạn như mái đền thì họ xếp chồng những viên ngói, những viên đó nặng hàng tấn và được điêu khắc cả trong lẫn ngoài. Ở Angkor Vat thì bên ngoài nhìn khít rịt, bên trong cũng không thấy một vết hở nào cả, thậm chí có một chỗ đá nối với nhau mà bây giờ đã liền lại, y như là một cái thẹo mổ lâu ngày liền da, chỉ còn một vết mờ mờ thôi.
Mấy chục năm nay hàng trăm chuyên gia về khảo cổ, điêu khắc, kiến trúc hàng đầu khắp thế giới từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, cả châu Âu châu Á bỏ hàng trăm triệu đô la, rồi nghiên cứu, tranh luận mấy chục năm nay, đến giờ vẫn chưa thể đưa ra được kết luận thống nhất bằng cách nào xây được Angkor, bằng cách nào có thể điêu khắc tinh xảo như thế. Và một khi các nhà khoa học chưa có kết luận thống nhất, thì trùng tu Angkor là không thể.
Hiện nay các chuyên gia cũng đang tích cực hỗ trợ, nhưng chỉ có thể làm mới một số chi tiết, làm vệ sinh và thay một số cột, tấm ngói thôi, còn phục chế y hệt thì đó là một chuyện không thể tưởng tượng được. Ngay cả nhiều công trình do thời gian và chiến tranh bị đổ ập xuống, thì bây giờ các nhà khoa học với sự trợ giúp của phương tiện kỹ thuật vẫn không thể nào dựng lên được, chứ đừng nói đến điêu khắc. Chưa kể một bài toán vẫn không trả lời được là : đá lấy gần nhất là 60km, làm cách nào họ chở hàng triệu triệu tấn đá về xây lên như thế.
Kim tự tháp là hình tháp xây trước Angkor cả ngàn năm và điêu khắc ít hơn, nhưng về kiến trúc thì Kim tự tháp là hình tháp có thể đứng được trong bất cứ điều kiện nào. Còn Angkor là cả một cái đền thờ mà không có chất kết dính, chỉ có đá xếp chồng lên thôi.
Cam Bốt không chỉ có Angkor
Tôi đi khắp các tỉnh của vương quốc Cam Bốt, tỉnh nào cũng có những đền thờ từ thời kỳ Angkor. Thậm chí bây giờ chúng tôi đi Đông Nam Á, hễ thấy cái đền thờ nào bằng đá xanh và có điêu khắc thì hiểu ngay đó là đền thờ cùng thời với Angkor, thí dụ như Vát phu ở Nam Lào, hoặc các chùa chiền khác ở các tỉnh. Còn trước đó chỉ có bằng gạch nung và sau đó bằng xi măng, không hiểu tại sao trước đó cũng có đá xanh nhưng điểm xuyết chứ không phải toàn bộ, và sau thời kỳ Angkor không thấy những kiến trúc bằng đá xanh như thế nữa.
Ở Cam Bốt có rất nhiều điểm tham quan được ngoài Angkor. Một ngày có thể đi được bốn, năm điểm thôi. Những người khách có điều kiện có thể bỏ tới năm ba ngày, cả tuần lễ, thậm chí tôi nghĩ các nhà nghiên cứu có thể đi cả tháng chưa chắc đã hết được. Ngoài Angkor, có quần thể Xiêm Riệp cũng rất lý thú.
Angkor là kinh đô của người Khmer từ thế kỷ thứ 10. Tới giữa thế kỷ thứ 14 thì người Khmer bỏ kinh đô dời về Phnom Penh vào giữa thế kỷ thứ 15. Đến thế kỷ thứ 17 họ lại bỏ Phnom Penh đi lên Udon, cách Phnom Penh 42km về phía bắc. Năm 1866, người Khmer lại bỏ kinh đô Udon về lại Phnom Penh đến bây giờ. Nhưng trước dời về Angkor thì kinh đô của người Khmer đóng ở trên núi Kulen cách Xiêm Riệp 60km, một dãy núi có độ cao so với mặt nước biển 302m, dài hàng trăm cây số. Đây là nơi phát nguồn của dòng sông Xiêm Riệp.
Tôi cũng không hiểu bằng cách nào, họ ở đó trong vòng một trăm năm, nhưng họ có một công trình độc nhất vô nhị trên thế giới. Đó là những người Khmer đã điêu khắc toàn bộ một đoạn thượng nguồn của sông Xiêm Riệp. Cả một dòng sông dài 4,2km trở thành một phù điêu khổng lồ ngầm dưới nước. Không hiểu họ đã điêu khắc bằng cách nào, và trong vòng bao nhiêu năm, làm như thế để làm gì. Chỉ biết rằng hiện nay người châu Âu gọi đó là dòng sông 1.000 linga. Thật ra đúng nghĩa thì hàng trăm ngàn linga, và không chỉ có linga và yoni, còn có rất nhiều tượng thần Shiva, thần Vishnu và nhiều điêu khắc lạ lùng khác ở giữa lòng suối. Vì nước trên núi chảy xuống rất trong nên khi mực nước còn lấp xấp vào mùa hè, chừng mươi, mười lăm cm thì nước chảy tạo thành những hình ảnh rất là sống động. Còn vào mùa mưa, nước ngập cả đầu gối, lúc đó muốn xem mình phải dùng tay sờ thôi. Và xung quanh đó còn nhiều quần thể đền đài nữa. Có ngôi chùa gọi là chùa Phật lớn, nằm trên mỏm núi lớn, đỉnh của khối đá này cao khoảng 19m được đục thành một tượng Phật dài 9,7m và cao 3,3m. Khu vực này người ta gọi là dòng sông 1.000 linga, người Khmer gọi là Kpan Stien. Họ cho rằng đây là dòng sông linh thiêng, họ tới đó để cầu nguyện, xin thêm sức mạnh và sự an bình.
Những di sản giá trị còn ngủ quên
Có điều lạ là cả một công trình vĩ đại như vậy chỉ mới được phát hiện năm 1968 bởi một người Pháp, và hiện nay vẫn chưa thấy các nước biết nhiều. Tôi nghĩ rằng chỉ cần đánh động dư luận là trở thành di sản, thậm chí kỳ quan của thế giớ,i nhưng không hiểu tại sao người Khmer không làm những chuyện đó. Họ cho rằng không cần nói thì thế giới cũng biết, hữu xạ tự nhiên hương. Ngay cả quần thể Angkor cũng bị quên lãng trong gần 500 năm. Năm 1859 một nhà thám hiểm người Pháp tên là Henri Mouhot đi ngược dòng sông Mekong tình cờ phát hiện ra quần thể Angkor, và về viết báo thì cả thế giới mới bàng hoàng. Chúng tôi cũng đã lên tận Luang Prabang là cố đô của Lào viếng mộ ông Henri Mohot nằm bên dòng sông Nậm Tha, người phát hiện ra Angkor bị quên lãng nằm giữa rừng, cây cỏ mọc như một cánh rừng. Hiện nay đi vào Angkor rất nhiều cây, thật ra hồi xưa không có cây nhưng bỏ hoang cả bốn năm trăm năm nên cây cối mới mọc như rừng như thế.
Du khách đi đường bộ từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Seam Reap hơn 500 km thì buổi chiều trước khi đi qua Kampong Thom vào tỉnh Seam Reap, có một cái cầu gọi là cầu đá ong. Có người gọi là cầu cổ, thật ra tên nó là Kpong Kday. Cầu này được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, 11 bằng đá ong, dài chừng 100m, ngang khoảng mười mấy hai chục mét. Cả ngàn năm nay xe tăng vẫn chạy trên đó không sao cả. Hiện nay người ta ngăn không cho xe hơi chạy, nắn đường quốc lộ qua một hướng khác, giữ cây cầu đó lại để bảo tồn.
Một chi tiết nhỏ mà tôi rất thú vị và quý trọng người Khmer, đó là từ cây cầu đó đi lên Seam Reap họ còn giữ lại khoảng 30 cây cầu nhỏ hơn. Họ nắn đường quốc lộ, thà cong đi một chút mà giữ lại những di tích từ thời Angkor, như vậy ý thức bảo tồn của họ rất tốt. Người dân cũng rất ý thức. Chẳng hạn xung quanh không có đá, dân có thể lấy đá về làm nhà nhưng không, họ để nguyên những khối đá từ hàng ngàn năm như một chứng tích. Như vậy ý thức bảo tồn của người Khmer cực tốt.
Để minh chứng cho con đường thiên lý đó, qua khỏi tỉnh Kampong Thom khoảng 17, 18km có một con đường đất đỏ đi vào trong rừng 22km nữa. Đó là kinh đô của người Khmer từ thế kỷ thứ 6 tới thứ 8. Quần thể này có tên là Sambo Preykuk, nằm giữa rừng, cây cối bao phủ hết và lởm chởm hố bom B52 trong những năm 72. Quần thể này gần giống Mỹ Sơn nhưng tinh xảo hơn và phong phú về kiến trúc hơn. Tôi nghĩ rằng công trình này hoàn toàn có thể được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhưng hình như họ quá nhiều điểm như thế nên họ cũng không tha thiết lắm.
Cũng con đường đất đỏ đó đi thẳng lên nữa, chúng ta có thể thăm đền Preah Vihear nằm ngay biên giới Thái Lan và Cam Bốt, điểm nóng mà hai nước đang tranh chấp hiện nay. Muốn lên đó hơi khó một chút, chiến tranh thì khó có thể xảy ra nhưng cần phải được phép của Bộ Quốc phòng. Chúng tôi có đưa anh em hướng dẫn của Lửa Việt lên để huấn luyện cho các bạn làm guide tour cho chắc tay thì các bạn rất thích.
Đền thờ này được xây trên ngọn núi cao khoảng 500m, xây theo mô hình của Angkor - trải qua tất cả bảy đời vua, mỗi đời vua làm một đoạn. Ở trên núi thì lấy đá dễ dàng hơn, nhưng về mặt kiến trúc tôi vẫn không hiểu sao có một bức tượng nằm sát vách núi thẳng đứng. Đứng bên nó mình chóng cả mặt không dám đứng, thế tại sao hồi xưa cách đây cả ngàn năm người ta có thể xây thẳng băng lên thế được. Họ đứng bằng cách nào ? Đó là những điều mà hiện nay vẫn không có lời giải đáp. Nếu có dịp đi đền Prếch Vihia, di sản thế giới vừa rồi được Unesco công nhận vào năm 2007, cũng là một điều rất lý thú.
Anlong Veng và mộ Pôn Pốt, Tà Mốc, những tên Khmer Đỏ khét tiếng
Như vậy là kinh đô của người Khmer từ thế kỷ thứ 6 đến thứ 8 là Sambo Preykouk ở Kampong Thom, có thể đi thẳng lên đền Preah Vihear, sau đó nếu có điều kiện chúng ta có thể qua Anlong Veng là căn cứ địa của Pôn Pốt trước đây. Ở đây có những điều rất lý thú.
Chúng tôi đã đến xem mộ Pôn Pốt. Một nhân vật chóp bu lừng lẫy như vậy mà bây giờ chết nằm trong một nấm mồ tồi tàn, gà chó bươi tơi tả, như một người vô danh tiểu tốt. Chúng tôi còn gặp những người cận vệ trước đây trực tiếp thiêu và chôn Pôn Pốt. Ông ta nói rằng lúc Pôn Pốt chết không đủ củi đốt, phải dùng vỏ xe hơi để đốt sơ sài rồi chôn vội vàng thôi. Chúng tôi còn biết được rằng, trước đó khi bị lực lượng cách mạng Cam Bốt dồn vào chân tường, thì Bộ Chính trị Khmer Đỏ họp, đổ tất cả các lỗi lầm diệt chủng cho Pôn Pốt, và kết án Pôn Pốt tử hình. Nhưng trong thời gian bị giam lỏng chờ thi hành, Pôn Pốt bị bệnh tim chết, chôn ở khu vực đó và hiện nay hai người con gái của Pôn Pốt cũng là người dân bình thường.
Chúng tôi cũng đến thăm nhà của Tà Mốc, Tổng tư lệnh quân đội Khmer Đỏ. Mồ của ông được làm khá đẹp, vì Tà Mốc là người của vùng này, có xây cái đập mang tên ông và dân có vẻ quý mến cho nên mồ của Tà Mốc lại khá to và đẹp. Ở đây có một chi tiết lý thú nữa, đó là có một mỏ gỗ hóa thạch. Chúng tôi khi đưa hướng dẫn viên đi huấn luyện thì tình cờ phát hiện ra. Chúng tôi mua thì họ bán ký, giá khá rẻ. Tôi mua lúc đó một ký lô đá hai đô la. Mình có thể mua những khối đá đã hóa thạch từ hàng triệu năm trước về tạc tượng, hoặc để trong nhà theo phong thủy phương Đông rất tốt.
Từ Anlong Veng đi qua núi Kulen rất gần. Núi Kulen là núi Trái Vải, hồi xưa theo truyền thuyết là tàu bè Trung Quốc đi buôn bán khắp nơi, chở vải vóc và trái cây. Lúc đi thì họ đi đường bình thường, lúc về thì họ có phép thuật làm cho tàu thủy bay về, nhưng với điều kiện là không ai biết thì những phép thuật này mới linh nghiệm. Một lần đang làm phép cho tàu bay về thì một người bếp trưởng trông thấy la lên, nên chiếc tàu đó rớt xuống vùng này. Những trái vải rớt xuống mọc la liệt quanh núi. Có cơ sở làm nên truyền thuyết này, đó là những khối đá hình như mạn thuyền do nước biển đánh mòn đi - hàng triệu năm trước vùng này là biển - tạo nên những khối đá hình giống mạn thuyền. Không hiểu tại sao trên những khối đá vôi hình mạn thuyền như vậy lại có những chữ Trung Hoa cổ khắc lên đó ? Không biết tại sao lại có những trùng hợp như thế.
Nhà tù Tuol Sleng và Cánh đồng chết
Từ Seam Reap ta có thể đi lên Poi Pét, cửa khẩu giữa Cam Bốt và Thái Lan, đến Udong, kinh đô của người Khmer từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 19, rồi về Phnom Penh. Ở Phnom Penh thì ngoài các điểm như Hoàng Cung, Bảo tàng Quốc gia, chùa Bà Pênh, có một điểm tôi nghĩ cũng nên đến xem mặc dù hơi rùng rợn một chút, đó là nhà tù Tuol Sleng và Killing Field tức Cánh đồng chết.
Không thể nào hiểu được tại sao lại có một chế độ tàn bạo khủng khiếp như vậy, giết ngay chính dân tộc họ. Hồi xưa phát xít Đức giết người Do Thái, người Ba Lan, đằng này Pôn Pốt giết chính dân tộc mình. Chỉ trong vòng mấy năm cầm quyền họ đã giết khoảng gần 2 triệu người, trong khi cả nước chỉ có 6 triệu dân thôi. Vào trong Cánh đồng chết đó, tôi thấy những người can đảm nhất cũng phải sởn tóc gáy. Những hố giết người tập thể chúng ta có thể gặp trên đường chứa rất nhiều răng, xương, kể cả dây chuyền, quần áo… đầy khắp cả. Họ tàn ác tới mức có những gốc cây để hành quyết nạn nhân, đem từ nhà tù Tuol Sleng cách đó khoảng mười cây số về, được thiết kế một hệ thống âm thanh để khi đập vào đầu nạn nhân, tiếng nạn nhân la hét được khuếch tán lên, tra tấn tinh thần những nạn nhân còn sống, cũng như khủng bố những nhân viên thi hành án tử hình. Đó là hai cái điều mà bản thân tôi tới giờ vẫn băn khoăn : không hiểu tại sao họ làm Angkor được ; và cũng không hiểu tại sao lại nảy sinh ra một chế độ quái gở và tàn ác khủng khiếp như vậy.
Cam Bốt ngày càng thu hút khách du lịch
Một điều cuối cùng, đó là biển Cam Bốt rất đẹp. Chúng tôi tắm tại biển Shihanook, ở độ sâu một mét rưỡi vẫn nhìn thấy ngón chân của mình. Cát trắng, và nước rất trong xanh, đồ ăn thì rất tươi. Cách bờ khoảng 10 cây số có mấy hòn đảo không có người ở. Khi ra đó phải nhờ người ta đưa thuyền và nhờ dịch vụ nấu ăn cho mình, chứ ngoài đó tuyệt đối không có dân. Đảo hoang không có dân nên sạch. Chúng ta có thể đi lặn ngắm san hô và tắm biển thỏa thuê. Một điều tương phản với biển phía nam Việt Nam là phù sa của các dòng sông phụ lưu của Mekong đổ về, còn biển Shihanookville chỉ cách Phnom Penh chỉ có 225km. Từ Phnom Penh có thể đi Shihanook xong qua Kampong Thom, Kampot, Kép rồi về Hà Tiên, tức là từ Shihanookville về Hà Tiên khoảng một buổi thôi, có thể đi qua mấy thành phố biển khác. Cho nên ngoài các di tích cố đô của người Khmer, đặc biệt là quần thể Angkor, có thể đi tắm biển cũng rất lý thú.
Cũng nói thêm với bạn nghe đài, năm 2009 vừa qua trong cuộc suy thoái khủng hoảng toàn cầu như vậy, ở Đông Nam Á chỉ có hai nước có du lịch tăng trưởng thôi, đó là Malaysia và Cam Bốt. Năm ngoái Cam Bốt có con số tăng trưởng du lịch rất ấn tượng, trong khi Việt Nam tăng trưởng là âm. Mặc dù khách châu Âu, châu Mỹ giảm sút, nhưng khách châu Á đặc biệt là Việt Nam tăng vọt. Năm ngoái lượng khách đến Cam Bốt tăng 10%. Chỉ riêng đường bộ thôi, xe liên vận của hai nước mỗi ngày Saigon Phnom Penh 240km thôi, hiện nay mỗi ngày có 78 chuyến xe, mỗi xe 45 chỗ ngồi trong một ngày, thì ta thấy mức độ giao thương hai bên rất nhiều. Đang nỗ lực đưa lên 150 đầu xe, 150 chuyến xe mỗi ngày, chưa kể xe của các công ty du lịch, đó là chỉ có xe buýt thôi. Một thông tin mới nhất : tôi vừa đưa chủ tịch tỉnh Lâm Đồng và đoàn lãnh đạo tỉnh đi làm việc với Bộ Du lịch Cam Bốt, Cục Hàng không Dân dụng, tỉnh Xiêm Riệp, Bộ Tư lệnh Quân đội, đang chuẩn bị mở đường bay từ Đà Lạt đi Xiêm Riệp và từ Đà Lạt đi Phnom Penh. Bởi vì toàn bộ hoa quả mà người Phnom Penh dùng hiện nay chủ yếu từ Đà Lạt theo đường Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu đi đường bộ thì buổi sáng từ Phnom Penh có thể chiều lên Đà Lạt và ngược lại.
Xin cảm ơn ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt đã vui lòng tham gia Tạp chí mùa hè rộn rã của RFI hôm nay.
No comments:
Post a Comment