Đảng Cộng sản có còn kiểm soát được lực lượng quân đội?
Peh Shing Huei
Hồ Kim Sơn dịch
23/08/2010 2:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=23911
.
Những tuyên bố chống Mỹ khiêu khích của những tướng lãnh Quân đội Giải phóng Nhân dân gây nghi ngại khó chịu
.
Giới quân đội Trung Quốc không vui vẻ. Và họ cũng không ngại bày tỏ cho thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, thấy rõ nỗi bực bội mà họ đang chịu đựng suốt mấy tuần nay.
Thông qua các bài viết trên nhật báo và tạp chí, sĩ quan cao cấp trong quân đội Trung Quốc liên tục cảnh cáo đối thủ của họ ở Thái Bình Dương rằng họ đã cảm thấy phiền muộn rất mực đối với những điều họ coi là cuộc khua gươm đao loảng xoảng của Mỹ trong khu vực.
Những lời bình phẩm của họ mang nhiều cấp độ, từ thù địch gần như không che giấu, đến giận dữ thẳng thừng. Họ không tỏ ra ngoại giao gì sất.
Trường hợp điển hình là cuộc công kích kịch liệt bằng võ mồm của Thiếu tướng La Viện (Luo Yuan), người đã không tiếc lời đả kích Hoa Kỳ trong kế hoạch điều phái khu trục hạm USS George Washington đến Hoàng Hải để tập trân chung với Nam Hàn.
Ông La viết trên tờ Quân đội Giải phóng Nhân dân Nhật báo: “Nếu không ai hại tôi, tôi không hại lại ai, nhưng nếu có người hại tôi thì tôi phải hại lại họ.” (ren bu fan wo, wo bu fan ren, ren nuo fan wo, wo bi fan ren).
Lời cảnh báo 16 chữ này thường được Quân đội Giải phóng Nhân dân sử dụng để biện giải cho những hành động của chính mình. Đáng chú ý nhất là chúng được bộ đội Trung Quốc tung hô suốt cuộc đàn áp đẫm máu Thiên An Môn năm 1989.
Thiếu tướng La được một sĩ quan hồi hưu khác ủng hộ; đó là Chuẩn Đô đốc Yang Yi (Dương Nghị?), người đã thông qua hai bài báo một đăng trên Quân đội Giải phóng Nhân dân Nhật báo, một trên Trung Quốc Nhật báo để chỉ trích nặng nề Hoa Kỳ về đường hướng “hỗn mang” của họ trong quan hệ với Trung Quốc.
.
Những phát ngôn cường điệu lên gân như thế nở rộ lên theo sau một loạt những hoạt động mới đây để phô diễn sức mạnh hải quân của cả hai quốc gia trên vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông Việt Nam), vùng biển vừa trở thành đại loại như một đấu trường kể từ sau sự kiện Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đưa ra nhận định cho đó cũng là một phần “quyền lợi quốc gia” của Hoa Kỳ hồi tháng trước.
Lời phát biểu của bà Ngoại trưởng đã có tác dụng làm khuấy động người Trung Hoa: Liền ngay sau đó, quân chủng hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã kéo đến triển khai những cuộc tập trận qui mô trên vùng biển này, phô diễn sức mạnh cơ bắp với nhiều chiến hạm và những loạt bắn thử tên lửa thật.
Điều đáng nói hơn nữa là những cuộc tập trận này do đích thân Tổng tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân ông Trần Bính Đức và Đô đốc hải quân ông Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli) chỉ huy. Cả hai đều là thành viên của Quân ủy Trung ương, cơ quan đưa ra quyết định tối cao của quân đội Trung Hoa.
.
Những hành động và tuyên bố bạo tợn như thế của Quân đội Giải phóng Nhân dân, khi được đặt kề bên những phản ứng kém hùng hổ hơn của chính quyền Trung Quốc đối với những lời bình luận của Ngoại trưởng Clinton, đã đưa đến một loạt những thắc mắc liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc có còn kiểm soát được toàn bộ lực lượng quân đội, một trật tự phân hạng do cố Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt ra đã nhiều năm nay.
Phải chăng phía quân đội đã phát triển mạnh hơn phía bên đảng, với những quan điểm ngày càng khác biệt, thường là cứng rắn hơn, khác với quan điểm của những người sống ở khu vực dành riêng cho những chính trị gia ở Đông Nam Hải?
.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates dường như cũng nghĩ giống như vậy. Trước khi đến Singapore tham dự cuộc Đối thoại thường niên Shangri-La, ông phát biểu: “Tôi cảm thấy thất vọng là giới lãnh đạo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã không nhìn thấy được những lợi ích tiềm năng từ phương thức quan hệ quân sự ngành ngang đơn thuần (military-to-military) như quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ cho là hữu ích . . . Theo tôi, Quân đội Giải phóng Nhân dân ít quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ này hơn giới lãnh đạo chính trị trong nước [Trung Quốc] rất nhiều.”
Nhưng giới phân tích ở Trung Quốc không đồng ý như thế.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân vẫn cùng chia sẻ một tiếng nói chung,” giáo sư Bàng Trung Anh (Pang Zhongying) thuộc Đại học Nhân dân nhận xét.
“Họ chỉ muốn bày tỏ khác nhau đi một chút. Nhưng rõ ràng là Quân đội Trung Hoa luôn vâng lời đảng, và thực tế là đảng kiểm soát phe quân đội.”
Theo dõi sát những phát biểu của lực lượng Quân đội Giải phóng trên hệ thống truyền thông đại chúng suốt hai thập niên qua, chúng ta thấy rằng nhận định của giáo sư Bàng là đúng.
.
Thay vì rời xa kịch bản soạn sẵn, Quân đội Trung Hoa thường chỉ là một công cụ mà Đảng Cộng sản sử dụng để trắc nghiệm phản ứng của đồng minh và đối phương, kiểu ném đá dò đường đối với những vấn đề có tính chiến lược.
Ví dụ, vào năm 1995, một cựu tình báo quân đội Trung Quốc, Đại tướng Hùng Quang Khải (Xiong Guangkai), được tường trình là đã có nói với cựu đại sứ Hoa Kỳ ông Chas Freeman rằng: “Tóm lại là, các ông không còn lợi thế chiến lược mà các ông từng có thời thập niên 1950 khi các ông dọa cho dội bom nguyên tử lên đầu chúng tôi. Lúc đó các ông có thể làm được bởi vì chúng tôi không có khả năng chống trả. Chứ như bây giờ, nếu các ông đánh chúng tôi, chúng tôi có thể đánh trả lại. Tóm lại, các ông lo cho
Giới phân tích gia cho rằng lời phát biểu đó đã được các cán bộ cao cấp của Đảng bật đèn xanh cho phép; họ sử dụng lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân như một đường dẫn tiện ích để gởi đi những thông điệp cứng rắn mà những nhà chính trị không tiện đưa ra do ở vị thế khó ăn khó nói.
Cùng vào thời gian đó, Trung quốc đã bắn hỏa tiễn vòng qua đầu eo biển Đài Loan để thuyết phục người dân Đài Loan không đi bầu cho ứng cử viên Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui), người có chủ trương giữ Đài Loan độc lập, trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của quốc gia này.
.
Gác sang một bên những trò chơi chiến lược chính trị chính em, chúng ta còn thấy đằng sau những tuyên bố khiêu khích mới đây của các tướng lãnh quân đội là khả năng của những lợi lộc tủn mủn hơn.
Một khả năng là sự gia tăng thương mại hóa trong ngành truyền thông Trung Hoa; điều này có nghĩa là những quan điểm dân tộc chủ nghĩa và cảm tính giật gân đã có sẵn số đông khán thính giả.
“Giới sĩ quan quân đội và giới học thuật chộp lấy cơ hội nầy để viết sách cổ võ cho những lập trường đầy tranh cãi để kiếm tiền,” ông Bonnie Glaser một chuyên gia an ninh có trụ sở đóng ở
Quân đội Giải phóng Nhân dân cũng có quyền lợi riêng được đảng ban phát cho khi tạo nên được cơn náo động ầm ĩ như thế: Nó muốn được phân bổ ngân sách lớn hơn. Chỉ còn mấy tháng nữa là lại đến thời kì lên Kế hoạch Năm năm từ 2011-2015 của Trung Quốc, nên không phải tự dưng mà Quân đội Giải phóng Nhân dân trở nên cương sảng hung hãn như thế.
“Còn một phần lý do là như thế nầy: cũng tốt cho phía quân đội để biện giải cho sự cần thiết phải có nhiều nguồn tài nguyên hơn như vẫn thường xảy ra với hầu hết các quân đội của mọi quốc gia trên thế giới,” nhà phân tích Li Mingjiang (李岷江 – Lý Dân Giang?) thuộc học viên Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam nói cho The Straits Times hay.
Do vậy, không có gì phải đáng ngạc nhiên nếu hàng tướng lãnh quân đội Trung Hoa tiếp tục tấn công tới tấp Hoa Kỳ và những con ngoáo ộp ngoại quốc khác trong những tháng tới đây. Nhưng trừ phi khi những lãnh tụ dân sự nhảy vào cuộc, thì vẫn còn an toàn để nói rằng Trung Quốc chưa đến nỗi bất hạnh như thế – chưa đến nỗi.
.
Peh Shing Huei là Trưởng Văn phòng chi nhánh ở Trung Quốc.
Nguồn: “Does Communist Party still control the gun?”, The Straits Times (
Bản tiếng Việt © 2010 Hồ Kim Sơn
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
.
.
.
Thông điệp tới Trung Quốc từ chuyến thăm của Hillary Clinton (vit.com.vn)
Diều hâu và bồ câu: Bắc Kinh tranh luận về “Lợi ích cốt lõi” và quan hệ Trung Mỹ (nghiencuubiendong.vn)
Philippines và Mỹ tập trận chung (tuoitre.vn)
.
.
.
No comments:
Post a Comment