Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 1)
Trân Văn, thông tín viên RFA
2010-08-07
Nhiều quốc gia, tổ chức phi chính phủ vẫn liên tục thúc giục chính quyền Việt Nam hãy tôn trọng các quyền cơ bản của con người, trả tự do cho những tù nhân bị giam giữ vì bày tỏ sự khác biệt về quan điểm chính trị hoặc vì hoạt động tôn giáo, không can thiệp vào hoạt động tôn giáo,…
Còn Việt Nam vẫn liên tục nhắc đi, nhắc lại rằng, không thể biến quan điểm của quốc gia nào đó về nhân quyền thành tiêu chuẩn, rồi áp đặt tiêu chuẩn đó cho Việt Nam, vì mỗi quốc gia đều có bản sắc văn hóa riêng, có luật pháp riêng...
Vậy Việt Nam đang thực thi các cam kết với cộng đồng quốc tế về quyền con người như thế nào? Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình bài đầu tiên trong loạt bài “Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam”…
.
Chính quyền bảo không
Trên bình diện quốc tế, có rất nhiều văn kiện liên quan đến nhân quyền, ràng buộc tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài việc xác định mọi cá nhân đều có quyền được sống, được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ, được tự do về tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, được tự do ngôn luận, được tự do hội họp,… các văn kiện quốc tế về nhân quyền còn khẳng định, những hành vi xâm phạm nhân quyền là tội ác chống lại các giá trị phổ quát của nhân loại. Tùy tính chất và mức độ, những kẻ phạm tội có thể trở thành đối tượng của “Nghị quyết về các nguyên tắc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy tìm, bắt giữ, dẫn độ và trừng phạt các cá nhân phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người”, “Quy chế Tòa hình sự quốc tế”.
Đây là một trong những lý do khiến chính quyền Việt Nam thường xuyên phủ nhận cáo buộc của nhiều thành viên trong cộng đồng quốc tế, về việc đàn áp các cá nhân bất đồng về chính kiến và bác bỏ những lời kêu gọi hãy trả tự do cho tù chính trị. Theo chính quyền Việt Nam, tại Việt Nam không có tù chính trị mà chỉ có những người vi phạm luật hình sự.
Có đúng là các nhà tù tại Việt Nam không hề có tù chính trị? Những người từng bị kết án, bị giam giữ vì lý do chính trị nghĩ gì trước những tuyên bố của chính quyền Việt Nam? Chúng tôi đã trao đổi với ba người từng bị giam tại trại giam Z30A, tọa lạc tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đó là các ông: Nguyễn Hữu Phu, bị bắt năm 1990, bị kết án 10 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, được trả tự do năm 2009, nay đang cư trú tại Thừa Thiên – Huế. Nguyễn Bắc Truyễn, bị bắt năm 2006, bị kết án 42 tháng tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, được trả tự do vào giữa tháng 5 vừa qua, đang cư trú tại TP.HCM. Ông Nguyễn Ngọc Quang, bị bắt năm 2006, bị kết án ba năm tù về tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, được trả tự do năm 2009, đang cư trú tại TP.HCM để tìm câu trả lời.
.
Còn trong tù thì…
Mời quý vị nghe một phần cuộc trao đổi giữa chúng tôi với ông Nguyễn Hữu Phu…
Trân Văn: Việt Nam thường bảo rằng, tại Việt Nam không có tù chính trị cho nên tôi muốn hỏi anh cho rõ ràng, đó là, ở trong trại giam thì các anh được gọi là gì?
Nguyễn Hữu Phu: Chúng tôi được gọi là tù chính trị.
Trân Văn: Các anh được gọi là tù chính trị là do quản giáo gọi, hay các anh tự nhận, hoặc là những người bạn tù khác gọi các anh?
Nguyễn Hữu Phu: Thứ nhất là quản giáo gọi. Bình thường họ vẫn gọi là tù chính trị nhưng mà khi họp hành thì họ gọi chúng tôi là người vi phạm an ninh quốc gia.
Trân Văn: Như vậy là các anh có tên gọi riêng?
Nguyễn Hữu Phu: Vâng!
Trân Văn: Còn tù hình sự thì họ gọi là gì?
Nguyễn Hữu Phu: Vẫn gọi là tù hình sự thôi anh.
Trân Văn: Họ có chia nhóm giữa tù hình sự với tù chính trị không?
Nguyễn Hữu Phu: Họ vẫn chia nhóm, họ tách riêng. Đời nào họ cho chúng tôi gần được tù hình sự.
Trân Văn: Như vậy là với bên ngoài, Việt Nam phủ nhận việc có tù chính trị nhưng trong trại giam thì lãnh đạo trại giam và các quản giáo vẫn gọi các anh một cách rõ ràng là tù chính trị?
Nguyễn Hữu Phu: Vâng, là tù chính trị. Có sự tách biệt. Nhà giam chúng tôi là nhà giam tách biệt và khu giam đó như một khu cách ly.
Để phối kiểm các thông tin do ông Nguyễn Hữu Phu cung cấp, chúng tôi cũng đã nêu những câu hỏi tương tự với ông Nguyễn Bắc Truyển…
Trân Văn: Thưa anh Truyển, Việt Nam vẫn tuyên bố, tại Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm luật hình sự bị phạt tù. Thế thì tại sao anh gọi những người bạn cùng ở tù với anh là tù chính trị?
Trong nhà tù có sự phân loại và có sự khác biệt nào về cách đối xử giữa những người như các anh với tù thường phạm không? Chẳng hạn quản giáo gọi các anh là gì? Tù thường phạm gọi các anh là gì?
Nguyễn Bắc Truyển: Chúng ta cũng hay thấy là nhà nước CSVN thường tuyên bố rằng không có sự đối lập, không có tù chính trị. Mọi người đều đứng dưới lá cờ của Đảng Cộng sản. Tôi xin được nói đó là sự bịp bợm, dối trá và ngụy biện.
Họ đã quy chụp cho những người bất đồng chính kiến, hoạt động chính trị và tôn giáo là những người phạm tội hình sự. Rồi họ đem tất cả những người đó ra xử bằng bộ luật hình sự. Hành động đó làm cho bản thân họ trở thành thấp kém khi nói chuyện với cộng đồng quốc tế.
Tôi không phải là nhà lý luận để có thể đi sâu vào ngôn từ, chữ nghĩa nhưng trong trại giam thì chính những người cảnh sát trại giam vẫn gọi chúng tôi là tù chính trị, “các anh bị giam trong khu chính trị”. Tất cả các vật dụng, nồi cơm, bình đựng nước uống, vân vân,… đều được đánh dấu bằng chữ “C.T” – có nghĩa là chính trị. Như vậy hóa ra những người cảnh sát trại giam còn hiểu biết hơn các vị “đỉnh cao trí tuệ”, khi họ còn phân biệt được đâu là hoạt động chính trị, đâu là phạm tội hình sự.
Còn những người tù thường phạm thì họ hiểu rõ và họ luôn luôn gọi chúng tôi là tù chính trị hoặc là tù tôn giáo. Họ có một sự kính trọng đặc biệt đối với chúng tôi.
Những người cán bộ trại giam thì dè dặt hơn. Có khi họ gọi chúng tôi là những người bất đồng chính kiến, tù an ninh quốc gia.
Còn cách giam giữ thì anh thấy là hoàn toàn khác với tù thường phạm. Chúng tôi bị giam trong một khu riêng biệt. Đi lao động thì xuất trại cuối cùng nhưng khi về nhập trại thì ưu tiên số một. Có nghĩa là khi chúng tôi về thì có rất nhiều người tù thường phạm đứng chờ nhập trại nhưng chúng tôi được ưu tiên vào trước. Chúng tôi cũng không phải sinh hoạt tập thể chung với tù thường phạm vào sáng thứ hai hàng tuần, cũng không phải chào cờ. Chúng tôi không được đi mua hàng trên canteen mà có người xuống ghi đăng ký ở tại buồng giam, sau đó họ đem xuống tận buồng giam giao cho chúng tôi. Đặc biệt là khi gia đình chúng tôi đi thăm thì chúng tôi có khu vực giam riêng và luôn luôn người dẫn chúng tôi đi thăm gặp là an ninh của trại giam.
Anh em thường phạm nào mà tiếp xúc với chúng tôi, nhẹ thì bị cảnh cáo, còn nặng thì kỷ luật cùm chân hoặc là chuyển trại. Trong khi đó thì anh em tù thường phạm tiếp xúc với nhau rất là thoải mái.
Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quang nhận định: “Nhà nước Việt Nam tuyên bố rằng ở Việt Nam không có tù chính trị nhưng lại kết tội người ta về hành vi chính trị. Họ nói lấy được thôi, câu nói, Việt Nam hoàn toàn không có tù nhân chính trị chỉ nói với thế giới bên ngoài. Còn ngay ở bên ngoài, chính giám thị nói thẳng, các anh là tù nhân chính trị.”
Trân Văn: Ngay trong trại giam thì có sự phân định giữa tù chính trị và tù hình sự không? Sự phân định đó thể hiện như thế nào? Nó thể hiện trong cách gọi của giám thị trại giam, trong cách gọi của các tù nhân hay là nó thể hiện trong việc phân loại và việc giam giữ cũng như là cách đối xử?
Nguyễn Ngọc Quang: Nó thể hiện ở ba điểm. Thứ nhất là cách gọi của cán bộ trại giam. Cán bộ trại giam gọi chúng tôi là tù chính trị và gọi những người kia là tù thường phạm.
Thứ hai, phân biệt bằng đối xử bởi vì chúng tôi bị giam chung chứ không giam riêng với những người tù thường phạm. Chúng tôi không được quyền học, không được quyền có giấy bút, không được quyền gọi điện thoại ra ngoài mỗi tháng một lần như nội quy thi hành án đã quy định. Chúng tôi không được tiếp xúc với người khác, trừ trường hợp lao động. Lao động thì chúng tôi phải lao động tập trung. Có nghĩa là tù chính trị lao động riêng với nhóm tù chính trị và không được gần gũi với những người tù thường phạm.
Người tù thường phạm nào gần gũi với chúng tôi thì chắc chắn sẽ bị đi cùm.
Điểm thứ ba để phân định là mỗi lần viết kiểm điểm, chúng tôi buộc phải nhận đã có hành vi chống nhà nước này. Hành vi chống nhà nước chính là hành vi chính trị.
Đến đây thì cuộc trò chuyện với những cá nhân từng bị tù do bày tỏ sự bất đồng về quan điểm chính trị, lên tiếng kêu gọi và vận động thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam theo chiều hướng tôn trọng tự do, dân chủ, chuyển sang một hướng khác. Đó là khi phải đối diện với tình trạng mất tự do và môi trường khắc nghiệt của nhà tù, tù chính trị nghĩ gì và ứng xử ra sao? Mời quý vị đón nghe bài kế tiếp.
.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 2)
Trân Văn, thông tín viên RFA
2010-08-08
Tuy Việt Nam luôn phủ nhận tại Việt Nam có tù chính trị, song trong lần phát thanh trước, quý vị đã nghe các ông: Nguyễn Hữu Phu, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Ngọc Quang – những người từng bị kết án, bị giam giữ vì lý do chính trị, kể về sự hiện diện của tù chính trị trong nhà tù cũng như sự phân loại, sự phân biệt về cách đối xử giữa tù chính trị và tù hình sự tại trại Z30A ở Xuân Lộc, Đồng Nai.
Khi phải đối diện với tình trạng mất tự do và môi trường khắc nghiệt của nhà tù, tù chính trị nghĩ gì và ứng xử ra sao? Mời quý vị nghe Trân Văn tường trình tiếp.
.
Tội nào cũng có thể tha…
Cách nay vài tuần, hệ thống truyền thông Việt Nam loan báo, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Việt Nam sẽ thực hiện một đợt đặc xá, được cho là lớn chưa từng có.
Theo đó, sẽ có khoảng từ 25.000 đến 30.000 phạm nhân được trả tự do trước khi mãn hạn tù, vào đầu tháng 9 sắp tới. Điểm đáng chú ý là trong đợt đặc xá được xem là lớn chưa từng có này, Việt Nam khẳng định, sẽ không đặc xá cho những người đã bị kết án về những tội nằm trong nhóm tội được gọi là “xâm phạm an ninh quốc gia” – cách Việt Nam thường dùng để gọi tù chính trị tại Việt Nam.
Vì sao Việt Nam có thể khoan hồng cho tất cả những viên chức đã từng tham nhũng, cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia, những cá nhân đã từng giết người, cướp giật, cưỡng hiếp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kể cả buôn bán ma túy, buôn người… nhưng lại bất khoan dung với những người bày tỏ sự bất đồng về quan điểm, vận động tự do, dân chủ hóa Việt Nam?
Chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện với một số cựu tù chính trị nhằm tìm câu trả lời cho thắc mắc này. Câu trả lời chung về nguyên nhân chính dẫn tới thái độ bất khoan dung của chính quyền Việt Nam là vì tù chính trị không chịu cải tạo theo ý chính quyền Việt Nam mong muốn.
.
Trừ “tội” kêu đòi tự do, dân chủ
Người cựu tù chính trị đầu tiên mà chúng tôi đề nghị giải thích chi tiết hơn về vấn đề này là ông Nguyễn Hữu Phu, bị bắt năm 1990, bị kết án 10 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, được trả tự do năm 2009, nay đang cư trú tại Thừa Thiên – Huế.
Trân Văn: Thưa anh, có một vấn đề, đó là thông thường, khi phải vào tù thì người ta mong được trở về nhà, và để được trở về nhà thì người ta thường cố gắng tuân thủ các yêu cầu của trại giam, cố gắng chứng tỏ điều mà các trại giam cũng như chính quyền Việt Nam thường đề cập đó là cải tạo tốt. Thế thì tại sao tù chính trị lại không chịu cải tạo?
Nguyễn Hữu Phu: Xin trả lời với anh như thế này. Thứ nhất, những con người nào nhận thấy họ sai trái, họ mới được cải tạo. Còn riêng tù chính trị thì đa số họ vì lý tưởng sống cao cả cho nên buộc họ cải tạo thì họ không bao giờ chấp nhận để được giảm án.
Cải tạo là thế nào? Chúng tôi không đồng ý vì thứ nhất, việc làm của chúng tôi không sai, bây giờ làm sao chúng tôi phải chấp nhận sai và đáp ứng những yêu cầu của nhà trại để về được.
Trân Văn: Thưa anh, số tù chính trị được giảm án có nhiều không? Số tù chính trị mà được đặc xá trong các đợt đặc xá hàng năm có nhiều không?
Nguyễn Hữu Phu: Từ 2007 cho đến nay thì tù chính trị không được xét đặc xá.
Trân Văn: Không được xét đặc xá là vì họ không chịu cải tạo?
Nguyễn Hữu Phu: Vâng, không chịu cải tạo!
Ông Phu khẳng định, vì lý tưởng, đa số tù chính trị không nhận sai, không xin khoan hồng, nên vì vậy không được đặc xá. Điều đó có đúng không? Chúng tôi tiếp tục nêu lại vấn đề này với ông Nguyễn Bắc Truyển, bị bắt năm 2006, bị kết án 42 tháng tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, được trả tự do vào giữa tháng 5 vừa qua, đang cư trú tại TP.HCM, để kiểm chứng.
Trân Văn: Thưa anh Truyển, vì sao gần như không có tù chính trị nào được đặc xá hoặc ân xá, có phải vì họ không chịu cải tạo, không xin khoan hồng không?
Có một thực tế là ai ở tù thì cũng mong được trả tự do, tại sao tù chính trị không chọn lối hành xử như mọi người tù bình thường khác?
Nguyễn Bắc Truyển: Để được giảm án tha tù hay ân xá thì người tù phải ký vào một bản gọi là cam kết nhận tội, ăn năn hối cải nhưng đối với tù chính trị thì không bao giờ họ chịu làm việc này hết. Lý tưởng của họ còn mạnh hơn sự sống, do đó, họ có thể chết cho lý tưởng của mình.
Khi dấn thân vào con đường đấu tranh thì tù chính trị chấp nhận sự tù đày rồi. Không cần phải bàn cãi về chuyện đó. Và khi chấp nhận tù đày thì có nghĩa là chấp nhận cái chết vì vào trong tù, khả năng chết và sống là 50/50. Việc này thì anh em ở trỏng chấp nhận nhẹ nhàng thanh thản thôi.
Do đó, những ai muốn dấn thân vào con đường tranh đấu cho dân chủ, tự do ở thời điểm hiện tại thì phải tự hỏi có chấp nhận sự gian khổ trong nhà tù hay không.
Tù chính trị không bao giờ ký vào bản nhận tội để được ân xá hay giảm án gì đó.
Một cựu tù chính trị khác là ông Nguyễn Ngọc Quang, bị bắt năm 2006, bị kết án ba năm tù về tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, được trả tự do năm 2009, đang cư trú tại TP.HCM, cũng lý giải y hệt như ông Nguyễn Hữu Phu và ông Nguyễn Bắc Truyển về việc tại sao tù chính trị không được đặc xá: “Ở trại Xuân Lộc, mỗi quý ba tháng đều phải viết bản kiểm điểm dựa trên bốn tiêu chuẩn thi đua chấp hành án. Tiêu chuẩn đầu tiên là phải thành khẩn nhận tội. Muốn được giảm án là phải nhận tội, không nhận tội là không bao giờ được giảm án.”
Đó cũng là số phận của những người bị kết án, bị giam giữ vì đòi hỏi tự do tôn giáo và trong tù, được gọi là tù tôn giáo. Ông Nguyễn Bắc Truyển kể thêm về tù tôn giáo và số lượng tù chính trị, tù tôn giáo đang bị giam giữ tại trại Z30A.
Trân Văn: Thưa anh Truyển, hồi nãy, anh có đề cập đến tù tôn giáo. Ở Z30A có sự phân biệt giữa tù chính trị và tù tôn giáo (?) và tù tôn giáo là gì?
Nguyễn Bắc Truyển: Khi vào phân trại số 1, tôi có gặp sáu, bảy anh em được gọi là tù tôn giáo của Phật giáo Hòa Hảo. Sáu, bảy anh em đó thường bị kết tội về những tội như là: “Gây rối trật tự công cộng” hay “chống người thi hành công vụ”… Do đó khi vào trại giam thì những anh em đó không được giam chung với tù chính trị mà bị giam chung với tù hình sự.
Nhưng như tôi đã nói với anh, những người đó cũng là những tù nhân lương tâm. Họ ở tù lâu thì cũng ảnh hưởng đến anh em tù hình sự vì nhân cách của họ, rất là thương yêu, rất là tương trợ nhau, rất là trung thực... Vì vậy, lâu ngày, anh em tù hình sự cũng bị ảnh hưởng thôi.
Khi tôi qua phân trại số 2, tù chính trị bị giam riêng thì tù tôn giáo khoảng ba người cũng vẫn bị giam chung với tù hình sự và đó là sự phân biệt của những người quản lý nhà tù.
Trân Văn: Thưa anh Truyển, nếu tính chung các phân trại thì Z30A còn khoảng bao nhiêu tù chính trị?
Nguyễn Bắc Truyển: Khi tôi về cách nay hai tháng thì phân trại số 2 còn khoảng 40 người tù chính trị được giam thành một khu riêng. Ba người tù tôn giáo được giam chung với các anh em tù hình sự.
Ở phân trại số 1 còn đâu khoảng mười người tù tôn giáo và chính trị. Phân trại số 4 chủ yếu là nữ, có giam mấy chị là tù tôn giáo và vài người tù chính trị. Phân trại số 5 thì tôi không được biết.
Đó là những người tôi được biết trong trại giam Xuân Lộc.
Cuộc trò chuyện với những cựu tù chính trị làm bật ra một số thông tin đáng chú ý khác. Đó là vì sao tù hình sự lại thương yêu và kính trọng tù chính trị và tù tôn giáo? Vì sao chính quyền Việt Nam phải cách ly tù hình sự với tù chính trị? Những thắc mắc này sẽ được các cựu tù chính trị giải đáp trong bài kế tiếp. Mời quý vị đón nghe.
.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment