Thursday, August 12, 2010

ĐẶC TẢ NHÂN QUYỀN THEO KIỂU VIỆT NAM (5 & 6)

Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 5)

Trân Văn, thông tín viên RFA

2010-08-10

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Specification-about-human-rights-according-to-Vietnam-s-style-Tvan-08102010095812.html

Trong bài trước, một số cựu tù chính trị đã kể về trường hợp ông Nguyễn Hữu Cầu, 63 tuổi nhưng có đến 34 năm 3 tháng sống trong trại giam.

Theo tuyên bố của Việt Nam, dù Việt Nam sẽ đặc xá từ 25.000 đến 30.000 phạm nhân nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng những người tù chính trị như ông Cầu sẽ không được xem xét để đặc xá.

Trong khi đó, dựa trên các thông tin do một số cựu tù chính trị cung cấp, hiện có khá nhiều tù chính trị già yếu, kiệt sức vì bị giam cầm nhiều năm, thậm chí đã có không ít người chết trong tù, Trân Văn sẽ tiếp tục tường trình thêm về vấn đề này…

.

Bất đồng chính kiến thì 80 cũng phải “chung đủ”

Cuối tháng 12 năm ngoái, nhân dịp Cục Quản lý trại giam của Bộ Công an Việt Nam được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, tờ Công an nhân dân công bố một thống kê, theo đó, từ năm 2000 đến nay, hệ thống trại giam trên toàn Việt Nam đã xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho khoảng 375.000 lượt phạm nhân được cho là “cải tạo tiến bộ”, và đã tổ chức thành công 13 đợt đặc xá, tha tù trước thời hạn cho khoảng 100.000 phạm nhân được cho là “cải tạo tốt”.

Nếu không kể những trường hợp được cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt và liên tục thúc giục trả tự do thì trong số hàng trăm ngàn phạm nhân được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và đặc xá, hoàn toàn không có tù chính trị.

Gần đây, ngoài ông Trương Văn Sương được trại giam Nam Hà tạm tha để điều trị bệnh tật, trong vài tuần qua, việc có thêm một vài người tù chính trị như các ông: Nguyễn Anh Hào, Đinh Quang Hải trở về với gia đình là vì họ mãn hạn tù.

Chúng tôi tiếp tục nêu những vấn đề về nhà tù và tù chính trị với ông Nguyễn Bắc Truyển…

Trân Văn: Số người bị phạt án cao còn nhiều không anh?

Nguyễn Bắc Truyển: Nhiều lắm anh ơi! Những người này là những người lớn tuổi. Trong đó, tôi có thể kể tên là: anh Nguyễn Hữu Cầu – quá nổi tiếng, chắc là anh biết rồi ha. Anh Nguyễn Tấn Nam, năm nay 74 tuổi, đang bị tai biến, án 19 năm, ở cũng 13, 14 năm rồi. Những người như anh Đỗ Thanh Nhàn, trên 80 tuổi rồi, án 20 năm gì đó, cũng ở 13, 14 năm rồi… Còn rất là nhiều người lớn tuổi mà án nặng!

Trân Văn: Thưa anh Truyển, anh có biết số tù chính trị lớn tuổi và đã chết vì kiệt sức ở Z30A là bao nhiêu người?

Nguyễn Bắc Truyển: Tôi chưa thấy người tù chính trị nào qua đời hết nhưng tôi được nghe anh em nói lại là trong khoảng từ năm 2000 cho đến trước khi tôi về thì có khoảng từ 13 cho đến 15 người đã qua đời trong trại giam Z30A với đủ loại bịnh hết.

.

Một âm mưu?

Ông Nguyễn Bắc Truyển bị đưa về trại Z30A và ở tại đó khoảng hai năm. Liệu những người tù chính trị bị giam giữ lâu hơn tại Z30A có thể cung cấp nhiều thông tin hơn về vấn đề này? Chúng tôi đã hỏi thêm ông Nguyễn Hữu Phu…

Trân Văn: Ở trại giam Z30A thì có những phân trại nào giam tù chính trị?

Nguyễn Hữu Phu: Tôi ở trong đó từ năm 2000 đến năm 2009 thì có phân trại K3 và K2.

Trân Văn: Cho đến thời điểm anh được trả tự do thì còn khoảng bao nhiêu tù chính trị?

Nguyễn Hữu Phu: Còn khoảng 40 người.

Trân Văn: Thưa anh, những tù chính trị ở lâu nhất trong trại Z30A gồm có những ai?

Nguyễn Hữu Phu: Gồm có anh Nguyễn Hữu Cầu, anh Lê Văn Tính, bị kết án 20 năm và anh ở từ năm 1996. Anh Trương Công Duy, chung thân. Anh Lê Văn Thân, chung thân. Anh Nguyễn Kim Hùng, chung thân. Anh Trần Long Đức, 20 năm. Còn án 19, 18 năm tù thì cũng nhiều đấy anh ạ. Anh Bùi Đăng Thúy, 19 năm. Anh Nguyễn Tuấn Nam, 18 năm. Đa số, trở lui là 15, 16, 17 năm tù thì tôi không nhớ hết anh ạ vì số lượng đó cũng đông.

Trân Văn: Thưa anh, số tù chính trị chết trong trại giam có nhiều không?

Nguyễn Hữu Phu: Tổng số tù chính trị chết trong trại giam từ năm 2000 cho đến năm 2009 là 13 người.

Trân Văn: Anh còn nhớ được tên những người đó không?

Nguyễn Hữu Phu: Nhớ không hết, không nhớ được họ anh ạ! Còn tên thì có thể nhớ gần hết. Bác Năm Tân, Năm Căn. Ông Trước ở Đà Lạt. Anh Nguyễn Văn Dũng. Anh Lê Văn Xuân. Anh Nguyễn Sĩ Bằng. Anh Lê Văn Thân đầu bạc. Anh Ngô Anh Tuấn. Anh Trần Văn Tuấn. Anh Bình, không biết họ. Anh Thanh, không biết họ… Anh cứ ghi cho rõ là 13 người.

Trân Văn: Thưa anh Phu, những người tù chính trị đã chết thì vì sao họ chết?

Nguyễn Hữu Phu: Thứ nhất, họ ở tù quá lâu và điều kiện sống của giai đoạn trước 2005 rất thấp kém.

Trân Văn: Họ chết do kiệt sức?

Nguyễn Hữu Phu: Do kiệt sức. Rồi trong đó có một điều mà chúng tôi thường lên án là từ năm 2000 cho đến 2005, nhà trại không cho người tù chính trị dùng dao cạo riêng mà buộc phải dùng chung dao cạo khi hớt tóc, cho nên có những người trẻ vẫn chết vì lây nhiễm SIDA.

Trân Văn: Nhiễm SIDA từ tù hình sự?

Nguyễn Hữu Phu: Cái này không biết từ đâu nhưng mà có những người già vào ở tù một vài năm cũng bị lây và chết. Chúng tôi đã đấu tranh liên tục từ năm 2000 cho đến năm 2005 nhà trại mới cho chúng tôi mua lưỡi lam và cạo riêng.

Tôi không phải trong ngành y cho nên tôi không xác định được bệnh trạng để nói rõ nhưng mà trong số người chết, có thể đặt vấn đề là có thể lây nhiễm HIV để chết ngay trong tù.

Trân Văn: Xin hỏi thêm một câu, đó là những người tù đã chết thì xác của họ sẽ được chôn ở trong trại hay trả lại cho thân nhân?

Nguyễn Hữu Phu: Thường là chôn ba năm mới cho thân nhân đến nhận.

Trân Văn: Như vậy là có một nghĩa trang riêng của tù nhân?

Nguyễn Hữu Phu: Dạ, có một nghĩa trang riêng của tù nhân.

Trân Văn: Thưa anh, hiện nay, những người tù lớn tuổi nhất thì là bao nhiêu?

Nguyễn Hữu Phu: Đa số là gần 80, có người đã 78, 79 tuổi rồi anh.

Trân Văn: Người trẻ nhất khoảng bao nhiêu?

Nguyễn Hữu Phu: Thời gian tôi còn ở trong đó, trẻ nhất là Trương Quốc Huy, 26, 28 tuổi.

Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Hữu Phu nhấn mạnh: "Tôi chỉ nói với các anh như thế này, nếu như trại K2, Z30A mà tình trạng kéo dài như thế thì chắc là những người già không chịu nổi đâu".

Tin mới nhất từ các cựu tù chính trị cho biết, ông Trần Văn Thiêng, một người tù chính trị 75 tuổi, bị kết án 19 năm tù, sau khi lâm trọng bệnh, sức khỏe suy kiệt, hồi giữa tháng 6 đã được gia đình bảo lãnh đưa ra chữa chạy ở bên ngoài dưới sự giám sát của trại giam, và cách nay hai tuần vừa bị đưa trở lại Z30A, bất kể điều đó đe dọa tính mạng của ông. Vào lúc này, gia đình ông đang cầu cứu khắp nơi.

Những người tù chính trị cần gì và mọi người có thể làm gì cho họ? Đó sẽ là nội dung bài cuối cùng của loạt bài này. Mời quý vị đón xem.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 6)

Trân Văn, thông tín viên RFA

2010-08-12

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Specification-about-human-rights-according-to-Vietnam-s-style-part6-TVan-08122010091223.html

Qua các cuộc trò chuyện với Trân Văn, một số cựu tù chính trị đã cung cấp khá nhiều thông tin về nhà tù và tù chính trị.

Thế còn ở góc độ cá nhân, người tù chính trị cần gì và người ta có thể làm gì cho họ? Trân Văn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bắc Truyển…

.

Giá của sự dấn thân

Trân Văn: Thưa anh Truyển, tù chính trị chấp nhận mất tự do cá nhân vì lý tưởng của họ nhưng họ có nghĩ đến gia đình của họ không?

Hình như anh có quan hệ khá rộng đối với gia đình của nhiều tù chính trị. Theo anh biết thì họ nghĩ gì về chồng, về cha, về con, về anh, về em của mình?

Ai cũng biết, thiếu vắng người thân là một sự thiệt thòi nhưng sự thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần đối với thân nhân của tù chính trị thì cụ thể ra sao?

Nguyễn Bắc Truyển: "Tôi nghĩ bất cứ người tù chính trị nào cũng thương nhớ gia đình hết. Trong đó, cái thứ nhất là tình cảm chứ không phải là vật chất.

Xin đừng nghĩ rằng những người hoạt động chính trị khô khan. Họ rất là tình cảm, rất là lãng mạn. Nếu không có sự lãng mạn đó thì họ không thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt được.

Họ đấu tranh là để mang lại tự do cho dân tộc. Gia đình và người thân của họ cũng có phần trong đó. Tôi đã chứng kiến nhiều lần cảnh người tù chính trị nhận tin người thân của mình qua đời. Nỗi đau có thể nói là nhân lên gấp trăm, gấp ngàn lần. Tôi cũng từng đau đớn khi nghe mẹ của nhà tôi mất. Tôi nghĩ rằng tôi cũng có phần trách nhiệm trong đó, khi mà mẹ tôi sống trong nỗi lo lắng, buồn đau khi có một người con rể phải chịu tù đày.

Có những trường hợp trông đợi gặp vợ của mình trong nhiều năm, để rồi có một ngày, con thông báo rằng vợ đã qua đời rồi…

Khi tôi trở ra ngoài xã hội, tôi rất quan tâm đến những gia đình có người đang bị ở tù, nhứt là tù chính trị. Tôi muốn tìm tới họ, động viên họ, nói với họ rằng hãy vượt qua nỗi sợ hãi, hãy đi thăm những người thân của mình trong tù. Bởi vì đó là cách bảo vệ cho người tù, giúp họ chống lại sự ngược đãi và đàn áp của trại giam, cũng như là động viên tinh thần họ.

Gia đình của những người tù nên liên kết lại với nhau để giúp đỡ nhau, để bảo vệ, động viên nhau.

Có khi người tù chính trị cũng là trụ cột của gia đình nên khi họ bị bắt, bị kết án, gia đình của họ có khả năng bị ly tán, bị tan vỡ. Nhiều gia đình sống trong cảnh nghèo khổ mà tôi cũng đã có lần tiếp cận. Rồi người thân của họ phải chịu nhiều thiệt thòi. Trong một số trường hợp còn bị địa phương ngược đãi, gây khó khăn trong cuộc sống."

.

Trân Văn: Theo anh, người tù chính trị cần gì nhất và điều thiết thực nhất mà người ta có thể làm được cho tù chính trị là gì?

Nguyễn Bắc Truyển: "Có thể nói rằng người tù chính trị cần sự quan tâm. Họ cũng có một nỗi lo rằng họ sẽ chết ở trong đó mà mọi người không biết họ là ai và quên lãng họ.

Không đơn thuần là vấn đề vật chất đâu vì vật chất là điều mà anh em có thể tự bươn chải, gói ghém, san sẻ với nhau được nhưng sự không quan tâm mới làm cho họ buồn.

Tuy nhiên họ cũng có thể vượt qua những trở ngại đó để vững vàng, kiên định trên con đường đấu tranh.

Theo tôi thì chúng ta nên có những chương trình thiết thực cho người tù chính trị như là đề nghị với nhà nước CSVN cho các tổ chức nhân quyền, tổ chức y tế vào thăm và khám bịnh theo định kỳ. Rồi liên hệ với các gia đình của tù chính trị để giúp đỡ gia đình có tài chánh đi thăm tù chính trị thường xuyên nếu mà họ quá nghèo. Khi họ mãn hạn tù, trở ra ngoài xã hội thì nên giúp đỡ họ có công việc, phương tiện để sinh sống, cũng như chăm sóc sức khỏe cho họ.

Đó là những gì tôi nghĩ rằng có thể thiết thực đối với người tù chính trị."

Ngay vào lúc này, một trong những điều khiến ông Nguyễn Bắc Truyển bận tâm nhiều nhất, đó là chưa làm tròn sự ủy thác của những người bạn tù muốn chu toàn lời hứa với những bạn tù khác đã chết trong tù. Ông Truyển kể:

"Lúc tôi chuẩn bị về thì anh em có chuẩn bị cho tôi một vài cái tên của những gia đình có tù nhân chính trị chết ở trong trại giam nhưng rất tiếc là tôi không thể tìm được họ bởi vì gia đình họ đã ly tán rồi. Họ đã chuyển đi những nơi khác mà không để lại dấu vết gì hết. Tôi có hỏi hàng xóm và tôi để lại số điện thoại của tôi. Tôi dặn dò là nếu có bất kỳ thông tin gì về họ, xin vui lòng cho tôi nhưng cho đến nay, đã trên hai tháng rồi mà tôi không nhận được bất kỳ thông tin nào về những thân nhân của tù chính trị đã chết."

.

Hòa giải nên bắt đầu từ đâu?

Z30A ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, chỉ là một trong số hàng trăm trại giam những người tù đã có án trên khắp Việt Nam. Đó là chưa kể hệ thống trại tạm giam. Đang có bao nhiêu người vì bất đồng chính kiến, vì kêu đòi dân chủ hoặc tự do tôn giáo mà bị cầm giữ trong những trại giam này? Không ai biết chính xác!

Đã có bao nhiêu người thiệt mạng, bao nhiêu gia đình ly tán, thậm chí tan nát? Cũng không ai biết chính xác.

Tình trạng đàn áp, ngược đãi những người bất đồng chính kiến, những người kêu đòi dân chủ hoặc tự do tôn giáo là một sự thật, tồn tại bên cạnh một sự thật khác là những lời kêu gọi hòa hợp, hòa giải của chính quyền Việt Nam.

Cách đây chưa lâu, phát biểu trước Việt kiều, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiếp tục tuyên bố:

Trong gia đình, trong bạn bè có lúc cũng còn giận nhau. Bây giờ á… là lúc chúng ta phải gác lại tất cả… Hãy đoàn kết, hãy xây dựng một nước Việt Nam vững mạnh, hùng cường, sánh vai cùng bạn bè năm châu… (tiếng vỗ tay)… Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, ý chí Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam và sự đoàn kết thống nhất của Việt Nam, chắc chắn là sẽ thành công xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, vững mạnh, sánh vai cùng bạn bè năm châu thế giới.

Ai sẽ và ai cần chủ động gác lại tất cả để đoàn kết, để xây dựng một Việt Nam hùng cường?

.

Theo dòng thời sự:

Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 1)

Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 2)

Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 3)

Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 4)

Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 5)

Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam (phần 6)

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

ĐẶC TẢ NHÂN QUYỀN THEO KIỂU VIỆT NAM (Phần 1 & 2) (RFA)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/08/ac-ta-nhan-quyen-theo-kieu-viet-nam-rfa.html

.

ĐẶC TẢ NHÂN QUYỀN THEO KIỂU VIỆT NAM (Phần 3 & 4) (RFA)

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/08/ac-ta-nhan-quyen-viet-nam-phan-3-4.html

.

.

.

No comments: