Thursday, March 11, 2010

YÊU TIẾNG ANH hơn ...TIẾNG VIỆT

Yêu tiếng Anh hơn... tiếng Việt

Sài Gòn Cô Nương/Người Việt

Wednesday, March 10, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=109634&z=1

VIỆT NAM - Sự quan trọng của việc học ngoại ngữ thì đã rõ, nếu không biết ngoại ngữ thì không thể mở cửa giao tiếp ra thế giới bên ngoài. Vì thế ở Saigon, các lớp ngoại ngữ mở ra rất nhiều. Tiếng Nhật, tiếng Hoa là các ngoại ngữ thời thượng, tiếng Pháp do sau chuyến viếng thăm của Tổng Thống Chirac cách đây sáu năm đưa tới nhiều học bổng đi Pháp nên cũng nhiều người theo đuổi, tiếng Ðức ít người theo vì quá khó, phải chia động từ như Pháp văn chứ không dễ như Anh văn. Tiếng Nga hết thời nên chương trình tiếng Nga ở đại học đều phải kèm Anh văn thì mới thu hút được học viên. Ðể theo đuổi khoa Ðông Nam Á, sinh viên phải học bốn ngoại ngữ Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Khmer.

Tuy nhiên, phổ biến nhất, hầu như tất cả mọi người đều phải theo học là Anh văn. Hằng hà sa số các trung tâm ngoại ngữ buổi tối và ban ngày, lớp công và lớp tư mở ra khắp nơi. Tiếng Anh trở thành nhu cầu thiết yếu của đời sống. Ði xin việc làm bao giờ cũng đụng điều kiện đầu tiên, chưa phải văn bằng chuyên môn, mà là “ngoại hình, Anh văn giao tiếp...” Biết rành rẽ tiếng Anh được cộng điểm khá cao, cho nên bằng Anh văn căn bản chia theo cấp độ A, B, C từ thấp lên cao tương đương với bộ sách Streamline trở thành văn bằng thông dụng. Muốn tốt nghiệp đại học, cần phải có bằng B kèm theo, xin làm bảo vệ nên có bằng A... Vì thế trong một thời gian dài, việc mua bán những chứng chỉ ngoại ngữ sơ cấp này trở nên phổ biến. Người ta cứ kèm chúng vào các hồ sơ xin việc, lớp tại chức... như một thủ tục mà không quan tâm đến khả năng thực sự ra sao.

Ðúng là các lớp Anh văn thường nghiêng về lý thuyết hơn thực hành, học mãi mà khả năng nghe, nói, đọc, viết vẫn mù mờ nên số người thông thạo vẫn không nhiều và ai tiếng Anh lưu loát luôn được vị nể.

Ngoài ra, phải kể một số người dân có tinh thần vọng ngoại. Hễ ai nói tiếng Anh thường được nghĩ là người ngoại quốc hay Việt kiều nên được đối xử niềm nở hơn. Ði vào khách sạn sổ tiếng Anh là được nụ cười tươi đáp ứng ngay yêu cầu, nói tiếng Việt thì gặp thái độ lơ là. Vào nhà hàng nhằm bữa đông khách cũng vậy. Khách Tây đến sau nhưng được phục vụ trước khách ta, đến quán cà phê, Tây giơ máy ảnh chụp không sao nhưng VN mang máy ra liền bị bảo vệ ngăn cản...

Bà Loan ra phi trường đón bạn, tình cờ gặp một tên Tây ba lô đứng lóng ngóng chưa biết đi đâu về đâu. Nhờ người bạn thông dịch bà mời tên Tây về nhà ở. Sẵn nhà rộng, cho thằng con trai thực tập tiếng Anh luôn. Bà tém cả nhà lên lầu để dành nguyên tầng trệt cho Tây ở. Một ngày dọn cả ba bữa ăn, bà chỉ nhận của chàng Tây mười đô. Do tính hiếu kỳ của người mình nên ngắm Tây là một thú vui rất lạ, rất thích. Tới bữa ăn, cả nhà ngồi tò hỏ nhìn Tây lóng ngóng cầm đũa, nhìn Tây đi qua, đi lại, đứng lên ngồi xuống rất thích mắt. Ông hàng xóm kế bên cũng thập thò bên cửa sổ nhìn Tây mê mải rồi ngoắc bà lại nói nhỏ, “Nhà tôi rộng hơn nhà bà, hay bà kêu thằng Tây qua nhà tôi ở không lấy tiền.”

Trẻ con hàng xóm bu tới Hế lô luôn miệng. Chương trình Anh văn trong trường học rất nặng, văn phạm đủ các thì, ngữ vựng đủ các từ trên đời nhưng khi gặp người ngoại quốc, lũ trẻ không biết nói gì ngoài hế lô và gút bai. Không biết nói gì nhưng lại rất thích tiếp xúc với người ngoại quốc. Thế là cứ hế lô và giương mắt nhìn.

Học không khá nhưng lũ học sinh lại rất sính nói tiếng Anh, nhất là học sinh cấp II. Chúng không xưng hô với nhau mày tao mà thường Iyou hoặc youme. Một câu chuyện giữa anh nhỏ lớp 7 nói với chị nhỏ cùng lớp như sau:

- Me muốn nói chuyện này với you.

Chị trả lời:

- Too sleep (Buồn ngủ quá). You nói lẹ đi, me còn phải làm bài.

- Chiều nay no parents ở nhà, mình go siêu thị chơi.

- OK, Like is afternoon (thích thì chiều) - chị than thở - bài toán này love toilet (yêu cầu) khó quá, you know không?

Anh lắc đầu:

- No table (miễn bàn), know die now (biết chết liền)...

Ngoại ngữ kiểu đó rất phổ biến trong trường cấp II.

Ðó chỉ những học sinh học chương trình Việt chứ học sinh học trường quốc tế thì quen dùng tiếng Anh trong sinh hoạt hàng ngày tới mức nói tiếng Anh thông thạo hơn tiếng Việt và khi cần nói tiếng Việt thì giọng lơ lớ và không có đủ từ ngữ Việt để diễn đạt ý tưởng. Phụ huynh của những học sinh này biện hộ: Tiếng Anh khó học nên cứ để chúng nói cho quen chứ còn tiếng Việt thì muốn học lúc nào mà chẳng được. Nhưng thực ra dù sống ngay trên đất nước VN, cùng với việc khiếm khuyết ngôn ngữ thì tính cách Việt cũng mờ nhạt trong tâm hồn những đứa trẻ đó.

Dù sao Saigon là thành phố lớn nên đông đảo người ngoại quốc dần dần thành quen mắt chứ không như trước kia, thấy người lạ, dân thành phố cứ trố mắt lên nhìn.

Phong trào tiếng Anh lan rộng. Ngày xưa, khi Mỹ vào VN đông, ca sĩ đi hát phòng trà lấy tên Tây như Elvis Phương, Jo Marcel, Carol Kim... sau đó chính quyền bắt phải đổi sang tên Việt như Ngọc Phương, Ngọc Minh, Vân Kim...

Cách đây mấy năm, ca sĩ thành phố lấy nghệ danh từa tựa tên Tàu với những họ Chấn, Ðàm, Thiên... Nhật Tinh Anh, Châu Gia Kiệt, Lâm Chấn Huy, Ưng Hoàng Phúc... Mốt đó xưa rồi, bây giờ rộ lên ca sĩ trẻ lấy tên Tây: Maya, Midu... hay nửa tây nửa Việt: Nào là Noo Phước Thịnh, Wanbi Tuấn Anh, Jenny Hải Yến, Kiwi Ngô Mai Trang, Bambi Trịnh... Chỉ trừ ca sĩ Nenita L. Feria là trường hợp đặc biệt, hai anh em Akira Phan và Jolly Nguyễn... mới nghe tưởng chừng ca sĩ có nguồn gốc con lai hoặc Việt kiều từ Nhật Bản, Anh Quốc hay xứ nào đó về VN ca hát... Mickey Từ Minh Hy vừa Tây vừa Tàu, hay là bà con với Từ Hi thái hậu! Người mẫu Trương Tri Trúc Diễm bước sang ca hát đổi ngay tên thành Baby J. Từ từ tên ngoại quốc bành trướng và tên Việt mất tiêu: Brother A, Tim, Titikid, Baby J, M4U, Mr Dee, Vboys... (!?). Dù sao những nghệ danh này được đặt ra chủ yếu lạ và mục đích hướng tới các khán thính giả trẻ tuổi. Vì thế có người thắc mắc vài năm nữa qua giai đoạn nhí nhảnh thì chẳng lẽ các ca sĩ cứ giữ mãi những cái tên “nghé ọ” ấy hay là phải đổi tên lần nữa cho phù hợp với tuổi tác và cả các bài hát già dặn hơn.

Lại còn nhạc sĩ Hamlet Trương hay tên album nhạc: Hãy cùng dance, Miss you, Bằng Cường với album Wow, Em Ðã Về... Tên bài hát tuyền Anh: I do, My apology, Girl's night... có lẽ chỉ phổ biến ở thành phố chăng, chứ về miền quê ai mà hiểu.

Ca sĩ VN không hát nguyên bài hát bằng lời ngoại quốc dịch từ nhạc Việt hay lời Việt dịch từ nhạc quốc mà bây giờ lời hát pha trộn nửa Việt nửa Tây đã trở thành phong trào lan rộng. Hầu hết những bài này dành cho tuổi mới lớn:

Oh first kiss! You make me happy! Chẳng nói lên được tiếng chi. Giờ chỉ nghe nhịp trái tim. Oh first kiss! You make me crazy! Chẳng muốn ta rời bước đi. Chỉ muốn tan vào với nhau. Oh! oh! oh!

hay:

My Darling I love you so much. Nguyện thề đôi ta mãi hạnh phúc bên nhau. Những đứa bé xinh đẹp là giấc mơ của chúng mình. Tình yêu ta sẽ thăng hoa tận mai sau.

và Thiên thần trong truyện tranh:

Vì em đã có anh. I want you by my side. I want you by my side. I want you by myside. Em giờ đã iu anh...

Ca sĩ Noo Phước Thịnh là người mẫu đã trở thành ca sĩ nổi tiếng qua bài Mất em because I'm stupid với lời ca Nếu khi xưa anh không là bạn thân để nói yêu em, thì hôm nay I want crying for you. Sau đó đến bài Gần Bên Anh, cover từ Stand By Me của ca sĩ Hàn quốc SHINee: Together make it love, Forever make it your smile. Nụ cười ấy trong lòng anh mãi không phai. Together make it love, Forever make it your smile. Một ngày ước mơ được có em được bên em”. Ðông Nhi hát Bối Rối với câu Baby, please don't leave me alone lập lại nhiều lần. Nhiều khi rapper chen vô vài câu tiếng Anh “xì xì” chả hiểu gì cả, mà hiểu thì thấy nó cũng chẳng ăn nhập gì vào bài hát.

Sau một thời gian trộn lẫn Tây Ta như vậy thì các ca sĩ đang dần dần bước hẳn sang việc hát tiếng Anh, mặc dù rõ ràng rất hiếm người hiểu được họ hát gì, người hiểu được thì đương nhiên thích nghe chính ca sĩ ngoại quốc hát hơn là ca sĩ VN. Thính giả trong nước còn vậy nói gì đến việc phát triển ca khúc sang các nước lân cận. Mỹ Tâm hát Hurt so much, Phương Vy ca Leave me alone, Thu Minh với Last kiss goodbye... Trong một album, bài hát tiếng Anh và tiếng Việt xen lẫn nhau, rồi số lượng bài hát tiếng Anh dần dần tăng lên cho đến Ðoan Trang, Ðức Tuấn thì album chỉ toàn tiếng Anh. Bìa album cũng trình bày sao cho thật Tây thì mới có vẻ... sang! Ðiều đó do ca sĩ và khán thính giả chịu ảnh hưởng âm nhạc nước ngoài.

Giống như tiếng Hán và tiếng Pháp xưa kia, rất nhiều từ ngữ tiếng Anh hiện đã du nhập vào làm phong phú thêm tiếng Việt, lan rộng mạnh mẽ nhất qua ngả Internet. Nhiều chữ bị Việt hóa, không cần dịch đến chữ Việt tương đương như: tuổi teen, diễn viên hot nhất của showbiz, tổ chức event, làm liveshow, điện thoại có nhiều line, xa lộ có 10 lane, du học Australia, rating bạn xem đài, fan hâm mộ, bà ngoại died rồi, ăn uống diet, stylist, make-up, casting, game, container, computer, search trên net, marketing, headphone, card name, design, top ten, enjoy, single mom, level, pro, nickname, apply, banner, poster...

Nhiều người giải thích thời buổi hội nhập nên hàng hóa, thương hiệu, sự kiện văn hóa cũng phải lấy tên Tây hoặc na ná Tây mới dễ tiêu thụ, dễ nhớ, dễ giao dịch, dễ bảo trợ... như giải HTV Awards, ổn áp Sutudo (viết tắt của Sư tử đỏ), nhà hàng Blue Ginger, Crown, Mandarin, Nineteen, Red Strawberry...

Tiếng Anh lan rộng. Ủy ban nhân dân phường cũng chêm tiếng Anh: People's committee of Cô Giang ward. Nhiều biểu ngữ, quảng cáo, tên cửa hiệu chỉ dùng thuần tiếng Anh. Khách sạn tên Tây quá nhiều: Từ khách sạn sang trọng như Park Hyatt, Sheraton, Windsor... đến bình dân hơn có Pastel inn, Norfolk, Lotus... tòa nhà Manor, khu du lịch Furama (Ðà Nẵng), căn hộ Prince, Princess (Thảo Ðiền, Q. 2), căn hộ International Plaza (Phạm Ngũ Lão, Q.1), Indochina Park Tower (Nguyễn Ðình Chiểu, Q.1), Sunrise City (Q. 7), khu đô thị Ecolakes ở Mỹ Phước (Bình Dương)... Tỉnh Ðồng Nai xóa sổ xã Long Hưng, khu D và E để xây khu đô thị Aqua City, còn khu B và C trở thành thành phố Waterfront.

Mà đó là những khu dân cư dành cho người Việt chứ không phải người ngoại quốc. Cho nên không những chỉ người già mà lắm người cũng trẹo miệng chẳng biết phát âm ra sao.

.

.

.

No comments: