Monday, March 1, 2010

TÌM LÃNH TỤ hay TÌM ĐỒNG HÀNH ?

Đường tranh đấu: Tìm lãnh tụ hay tìm đồng hành?

http://www.danchimviet.com/2010/03/d%c6%b0%e1%bb%9dng-tranh-d%e1%ba%a5u-tim-lanh-t%e1%bb%a5-hay-tim-d%e1%bb%93ng-hanh/

Gần đây, các sự kiện trên chính trường Việt Nam dồn dập diễn ra, khiến các bạn trẻ cả trong và ngoài nước trên các diễn đàn ảo (ví dụ X-cafevn và Dân Luận) cũng sôi nổi bàn tán, một dấu hiệu rất tốt cho tiến trình dân chủ hoá quê hương. Các bạn hăng say bàn thảo làm thế nào để tìm ra (?) một lãnh tụ siêu việt dẫn đạo cuộc đấu tranh sẽ rất mãnh liệt trong những ngày sắp tới? Chúng tôi xin được chia sẻ với các bạn các ý tưởng như sau, hy vọng chúng ta cùng tìm ra một giải pháp ngắn nhất, đỡ tốn xương máu và tối ưu nhất cho đất nước hôm nay.

Trong bất kỳ một cuộc tranh đấu nào cũng cần phải có tổ chức mới đấu tranh hữu hiệu được. Quan trọng nhất của tổ chức là nhân sự. Nhân sự tạo ra tổ chức. Cương lĩnh, đường lối, mục tiêu, phương tiện… cũng từ những nhân sự trong tổ chức mà thành. Không tổ chức, chúng ta chỉ là một nhóm ô hợp mạnh ai nấy làm, không hiệu quả lại rất dễ bị bẻ gẫy.

Nhưng có cần phải có một “lãnh tụ siêu việt” như kiểu Lê Nin của Nga, Mao của Trung Cộng, Nappoleon của Pháp, Hitler của Đức hay HCM của VN không? Theo sự hiểu biết thông thường từ xưa tới nay, đó là một điều cần thiết.

Từ năm bẩy chục năm trở về trước, thông tin tới được quảng đại quần chúng khá chậm vì nhiều lý do: Kỹ thuật thô sơ lại tốn kém; hệ thống phát hành chậm chạp, bất tiện; phương tiện truyền thông cũng chưa tiến bộ nhiều; radio, TV còn là món hàng xa xỉ với nhiều gia đình v.v… Chính vì thiếu thông tin nên người nào thông minh lanh lợi, sáng giá hơn đám đông hoặc trong một tổ chức nào đó thì dễ được tôn lên làm lãnh tụ. Tiếng nói của họ rất nặng ký và thường có tính cách quyết định.

Nhưng từ những thập niên gần đây, công nghệ, kỹ thuật tiến triển vượt bực nên giá thành của hàng hoá giảm mạnh, đa số mọi người đều có khả năng sắm TV, gắn cable, hoà vào mạng thế giới v.v…

Đặc biệt với sự ra đời của máy vi tính cá nhân, cộng thêm mạng lưới toàn cầu khiến thông tin được cập nhật từng giây, từng phút, biến cả thế giới thành ngôi làng nhỏ bé. Ai cũng có thể có thông tin nhặm lẹ và chính xác, tạo ra những thay đổi lớn lao trong đời sống xã hội. Chỉ cần gõ vài chữ và nhấp chú chuột điện tử là hàng triệu dữ liệu được tải xuống trong chớp mắt. Sự hiểu biết của con người vì thế càng thêm phong phú và đa dạng. Dân chúng trong các quốc gia đằng sau những bức màn tre, màn sắt hoặc trong các chế độ độc tài cũng có thể đến với mạng toàn cầu dễ dàng. Nhà cầm quyền, dù với phương tiện và nhân sự dồi dào cũng rất khó kiểm soát mạng lưới này.

Khi cả xã hội tìm đến mọi loại thông tin thoải mái thì ai cũng có thể gia tăng kiến thức và cập nhật thông tin hàng ngày, giúp mọi người nhìn đời bao dung, cởi mở hơn, với những cơ hội học hỏi thường xuyên hơn. Dân trí, nhờ vậy, sẽ được nâng cao hơn.

Vì sự hiểu biết của xã hội nói chung đều tiến bộ, sự cách biệt về tri thức tổng quát không cao. Nhờ vậy, giảm bớt được rất nhiều những mánh khoé lừa đảo, khoe mẽ kiến thức để đoạt quyền hành. Người ta thường hay nói trong đám mù thằng chột làm vua. Đây là trường hợp thường xẩy ra trong quá khứ khi sự truy tìm kiến thức và thông tin không dễ. Nhiều trường hợp các gia đình khá giả phải cho con đi du học mới mong có được sự học hỏi “hơn người,” tạo nấc thang leo lên đà danh vọng.

Ngày nay, những âm mưu lừa bịp quần chúng khó khăn hơn xưa nhiều vì ai cũng có thể dễ dàng kiểm chứng lại từ nhiều nguồn, nhiều phương tiện thông tin khác nhau. Những dạng thông tin kiểu HCM được nhân viên tình báo Mỹ tặng một vài khẩu súng lục mà đã tuyên bố nhặng xị rằng được chính quyền HK ủng hộ, hoặc ông có connection với HK khiến các cán bộ cao cấp cũng tin ông như thánh phán; hay ông đã có vợ chính thức là Tăng Tuyết Minh người Hoa, bồ bịch cả tá, cuỗm luôn cả hôn thê đồng chí (Nguyễn Thị Minh Khai – Lê Hồng Phong) mà đảng vẫn phong-thánh-đồng-trinh, suốt đời tận tụy vì dân vì nước; hoặc vì bất kỳ động cơ nào mà tự mình bốc thơm mình (bác Trần Dân Tiên viết sách khen bác Minh) đều bị lòi tẩy dễ dàng, không cần đợi vài ba chục năm sau thiên hạ mới biết.

Ở thế kỷ trước, những quốc gia bị thực dân hoặc cs cai trị, các người tranh đấu cho độc lập dân tộc rất dễ bị thủ tiêu. Hình thức đấu tranh thường là phải bí mật hoặc bán công khai, tránh không để lộ cơ sở hoạt động để bảo toàn lực lượng tối đa. Thêm nữa, kỹ thuật ở đầu thế kỷ 20 còn thô sơ, truyền thông đưa tin tức đến quảng đại quần chúng tương đối khó khăn và chậm chạp, hình ảnh một lãnh tụ siêu việt, một vĩ nhân cứu nước hoặc đứng đầu phong trào có thể là quan trọng để mọi người nhìn vào như biểu tượng của cuộc đấu tranh, quy tụ chung quanh tổ chức của nhân vật này hầu đạt mục đích cuối cùng.

Sự đánh bóng lãnh tụ có khi là một nhu cầu cần thiết trong bối cảnh đó.

Nếu lãnh tụ hoặc tổ chức sử dụng đường lối “vương đạo” thì không nói làm gì. Nếu đó là bá đạo, thà giết lầm hơn bỏ sót, cứu cánh biện minh cho phương tiện v.v.. thì quả là một thảm họa cho dân tộc. Những gì đã hoặc đang xảy ra ở Liên Xô, Đức Quốc Xã, Cam Bốt, Tàu, VN… do những lãnh tụ ma lanh cầm đầu còn được tô son trát phấn tuyên truyền thì hậu quả phải khủng khiếp.

Ngày nay, thế giới đã thay đổi rất nhiều so với thế kỷ trước, đã và đang đi vào chiều hướng kết khối và toàn cầu hoá. Những hình thức sinh hoạt trong xã hội từ quản trị xí nghiệp, hội đoàn, đến đấu tranh giành quyền lợi, hoặc trị nước an dân cũng thay đổi triệt để. Không còn cảnh một lãnh tụ vĩ đại được thần thánh hoá hầu dẫn đạo đất nước mà là sự lãnh đạo theo dạng thức hạt nhân và hình xoáy trôn ốc từ dưới lên, thay thế cho hình kim tự tháp hàng dọc và từ trên đi xuống.

Tất cả mọi ý kiến đưa ra đều được tôn trọng như nhau, được bàn thảo công khai và kỹ lưỡng trước khi chọn lấy giải pháp tối ưu cho xí nghiệp, tổ chức hay đất nước.

Do vậy, cuộc đấu tranh hôm nay không cần thiết phải có một lãnh tụ theo kiểu trên thông thiên văn dưới tỏ địa lý nữa, mà mọi ban ngành đều được chuyên môn hoá, có hàng trăm cố vấn và chuyên viên cùng làm việc. Nhân vật lãnh đạo thường chỉ đóng vai trò tượng trưng hoặc mang tính điều hợp, hơn là có tiếng nói quyết định.

Chính vì những lý do trên, thanh niên phải lo tìm những người đồng hành, có cùng chí hướng mà gom lại hoạt động, với trái tim nồng nàn yêu nước trong sáng, cộng với tinh thần dân tộc dẫn đạo cho cuộc đấu tranh hiện nay.

Với đầu óc cởi mở và cái nhìn bao dung, thanh niên sinh viên, trí thức tuổi trẻ trong và ngoài nước, trong và ngoài đảng, chúng ta có thể dễ dàng ngồi lại với nhau, dám can đảm gạt bỏ những dị biệt nhỏ để tìm mẫu số chung lớn mà tranh đấu giành lại quyền tự quyết và sinh mệnh chính trị cho toàn dân. Công cuộc dân chủ hoá đất nước không hẳn do một bộ phận riêng lẻ nào mà hoàn thành nổi. Cần có sự góp sức của toàn thể con dân Việt.

Chúng ta thuộc “thế hệ bản lề”, một rưỡi và thế hệ thứ hai, ít bị dằn vặt nặng nề của quá khứ Quốc – Cộng như lớp cha anh, nên hãy hướng đến tương lai rạng rỡ của đất nước mà hành động. Hãy nhìn nhau bằng cặp mắt tin yêu và trìu mến. Hãy nhìn người mà học lấy cái hay của nhân loại. Rồi nhìn lại nhau hỏi rằng bao giờ thì mình bắt kịp, mình hà hơi vào được gáy Đài, Hàn, Sing? Chừng nào thì chuẩn bị bóp còi qua mặt họ để tiếp tục hà hơi vào gáy Úc, Canada, Nhật Bản? Rồi còn tiếp tục hà hơi vào gáy ai sau đó nữa chứ? Cuộc đời luôn có sẵn những mục tiêu để chúng ta theo đuổi. Đây không phải là một mơ ước viển vông. Cứ nhìn vào những nước trong G-7 thì thấy VN có đủ điều kiện để thành một cường quốc. VN có nhân lực, có tài nguyên hơn nhiều nước khác, chất xám cũng có thể tạm đủ và có cả một “hậu phương hải ngoại” lớn mạnh, với phương tiện và mối dây liên hệ quốc tế dồi dào. Nhưng tại sao chúng ta phải để quê hương dậm chân tại chỗ mãi? Chỉ cần một chính quyền thương dân, biết cùng dân bàn bạc phương cách thiết kế đời sống xã hội cho hợp với tình tự dân tộc và xu thế thời đại, lo gì mà VN không cất cánh nổi, lo gì mà chúng ta không vươn vai Phù Đồng lớn lên?

Hãy thông cảm cho những bạn trẻ trong nước, vì miếng cơm manh áo, vì sống trong môi trường hiện tại mà họ đành phải là “đối thủ” của chúng ta; đành phải nuốt lệ mà đánh phá những trang mạng của chúng ta. Họ cũng đau lòng lắm, nhưng không biết sao hơn được. Cũng chỉ vì nợ áo cơm mà thôi. Đây là những hệ luỵ và nhiễu nhương của lịch sử. Thanh niên và trí thức phải cố gắng dẹp bỏ những rào cản này càng sớm càng tốt. Dân tộc không muốn chúng ta là đối thủ của nhau, càng không muốn thấy chúng ta chém giết nhau như các thế hệ quá khứ.

Vì tình nghỉa đồng bào, chúng ta có thể vận động họ về phe với ta. Họ cần ở nơi ta một tình cảm trong sáng và bao dung, khiến họ không ngần ngại đưa tay ra bắt. Thế hệ chúng ta phải ngồi lại được với nhau, phải giỏi hơn cha anh và không được phép thất bại. Thất bại nếu có, là do chúng ta tị hiềm, ganh ghét, xua đuổi, chà đạp lên nhau mà thôi.

Thưa các bạn trẻ và trí thức quốc nội, chúng tôi mơ ước được dàn trải tình thương đến các bạn. Chúng tôi chỉ muốn được bay về nhìn vào mắt các bạn, được kề bên và đồng hành với các bạn. Chúng ta cần có nhau, cần sưởi ấm cho nhau sau những đêm dài lạnh lẽo buốt giá của dân tộc vừa qua. Chúng tôi biết lòng các bạn cũng tan nát, cũng trĩu nặng như chúng tôi. Hãy đến với nhau bằng nụ cười tin yêu và thân thiện. Xin hãy giơ tay ra cho chúng tôi nắm chặt, cùng nhau tiến bước, đưa cả dân tộc thoát khỏi tụt hậu tăm tối đã quá lâu.

Chúng ta cũng còn phải trân trọng, tôn kính các bậc trưởng thượng, của cả hai bên. Lớp cha anh cũng có những nỗi đau riêng mà họ ấp ủ. Hãy tôn trọng những niềm đau đó. Xin đừng khơi thêm nữa. Hãy để những vết thương lòng dịu đi và mau được chữa lành. Mỗi thế hệ đều có những khó khăn, gập ghềnh cần phải lấp bằng. Hy vọng mọi người cùng giải quyết trong tình thương yêu và tha thứ. Họ mong ước chúng ta thành công chứ không thất bại như thế hệ của họ. Các bậc cha anh là những lời khuyên, sự dạy bảo và kinh nghiệm vàng ngọc để chúng ta học hỏi. Rồi còn phải trao truyền cho lớp đàn em, để họ tiếp nối nếu chúng ta chưa thành công.

Hãy luôn nhận ra nhau trong tình nghĩa đồng bào, cùng chung bọc mẹ trăm con. Hãy nhìn vào điều hay của nhau mà học hỏi. Có muốn xây dựng, cũng hãy phê bình tích cực, mong cho nhau được tốt hơn, giỏi hơn, thi đua coi ai, nhóm nào, tổ chức nào đóng góp nhiều hơn cho đất nước, chứ đừng đạp lên nhau mà tiến lên. Có khá lắm cũng chỉ được một vài đại vận. Rồi cũng nhắm mắt xuôi tay, xuống mồ mà xú danh bị đời nguyền rủa. Hỏi có yên lòng nơi chín suối được không? Có “đầu thai” hay “lên thiên đàng” nổi không? Có đường hoàng đi gặp tổ tiên hay không?

Đây không còn là lúc nguyền rủa quá khứ, phân cách “địch ta” mà phải sáng suốt nhận định, con đường nào là ngắn nhất, giảm thiểu máu xương nhất cho dân tộc nhằm đạt đến mục tiêu chung. Làm thế nào để học hỏi tiền nhân, tổng hợp được toàn lực, động viên được mọi tầng lớp nhân dân, bất kể trai gái, già trẻ, tôn giáo, chính kiến… ráng sức đẩy nhanh bánh xe lịch sử đến thành công mỹ mãn.

Chúng ta hãy nghiêm túc suy tư, thảo luận và khẩn trương siết chặt tay nhau lên đường.

Tổ quốc và dân tộc không nhẫn nại chờ đợi chúng ta lâu hơn được nữa.

Xin hẹn gặp lại các bạn thân thương của tôi, ở cả hai phía, trên bước đường đấu tranh cho quê hương và dân tộc, bạn nhé.

@ Tạ Dzu

@ Đàn Chim Việt

.

.

.

No comments: