Sunday, March 14, 2010

QUYỀN CÔNG NHÂN và LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quyền Công Nhân và luật Lao Động Việt Nam

Nguyễn Quốc Khải

Vietnam Review

15/02/2010

http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=8910

Đây là bản tóm tắt tiếng Việt của bài thuyết trình "Workers’Rights and Labor Law in Vietnam" đã trình bầy tại hội thảo về Việt Nam tại Alphen A. D. Rijin, Hòa Lan, 05-02-2010, do Universal Peace Foundation và Foundation for Development of Vietnam bảo trợ.

Nguyễn Quốc Khải
06-02-2010
Sandtonhotel Toor Hotel, Stationplein 2 Alphen a/d Rijn
The Netherlands.


oo0oo

Luật Lao Động Việt Nam ban hành vào năm 1994 ấn định mức lương tối thiểu, công nhận những quyền lợi căn bản của công nhân, bao gồm cả quyền thành lập nghiệp đoàn và quyền đình công dưới một số điều kiện. Trên thực tế, Luật Lao Động được soạn thảo nhằm mục tiêu giúp cho chánh quyền kiểm soát chặt chẽ công nhân Việt Nam. Hậu quả là công nhân Việt Nam bị từ khước mọi quyền lao động căn bản.

Cũng vì không tôn trọng luật lao động do quốc tế công nhận, Viêt Nam đã không đủ điều kiện để được gia nhập Chương Trình Uu đãi Thuế Quan Phổ Quát của Hoa Kỳ (Generalized System of Preferences – GSP) vào năm 2008. Nếu được chấp thuận, Việt Nam sẽ có thể xuất cảng sang Hoa Kỳ khoảng 5,000 sản phẩm mà không phải trả thuế nhập cảng.

Quyền lập hội

Mặc dù Việt-Nam là một hội viên của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (International Labor Organization – ILO), nhưng Việt Nam chưa thừa nhận Quy Uớc 87 liên quan đến quyền tự do lập hội và quyền tổ chức và Quy Uớc 98 liên quan đến quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Tất cả các nghiệp đoàn ở mọi cấp (địa phương, tỉnh, hay quốc gia) đều nằm dưới sự kiểm soát của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN) , một tổ chức trực thuộc Đảng CSVN. Công nhân có quyền lựa chọn cấp nghiệp đoàn thuộc TLĐLĐVN để tham gia, nhưng không đươc tham gia bất cứ nghiệp đoàn nào độc lập với TLĐLĐVN.

Tổng Liên Đoàn Lao Động Hoa Kỳ (AFL-CIO) nhận định rằng ”Theo điều (1) của Luật Nghiệp Đoàn [Viêt Nam], nghiệp đoàn là một tổ chức của Đảng CSVN. Quyền lập hội không có thể nói là tồn tại khi công nhân không thể liên hệ hoặc tự thành lập một tổ chức cho chính mình và không bị chính trị chi phối. Mặc dù, một vài nghiệp đoàn độc lập đã được thành lập, nhưng không được chính thức công nhận.” 1/

Quyền tập hợp

Tại Việt Nam, công dân không có quyền tập hợp. Mọi tập hợp từ trên 5 người trở lên phải có giấy phép của chính quyền địa phương. Nghị định số 38/2005/ND-CP quy định chi tiết về vấn đề này. Mọi sự tập hợp lớn trên đường phố, vỉa hè, trước các công ốc, tổ chức quần chúng, Hội nghị quốc tế, Quốc Hội, Hội đồng Nhân Dân, hoạt động chính trị của đảng, nhà nước, Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) hoặc những tổ chức xã hội chính trị khác đều bị cấm đoán. Ngoài ra, Nghị định này cấm tất cả nhửng tập hợp làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, nhửng tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế, những lãnh tụ của đảng CSVN, chính quyền, và MTTQ.

Kết quả là người dân nói chung và công nhân nói riêng, không có quyền biểu tình để bầy tỏ quan điểm và đòi hỏi của mình.

Quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Những người lãnh đạo TLĐLĐVN tại mọi cấp đều là đảng viên CSVN. Họ cũng là nhân viên của cơ sở kinh doanh nơi làm việc và thường lãnh lương cao. Do đó, những lãnh tụ nghiệp đoàn này phục vụ quyền lợi của công ty và đảng CSVN thay vì quyền lợi của công nhân.

Luật Lao Động Việt-Nam cho phép công nhân đình công, nhưng áp đặt rất nhiều điều kiện khiến cho khó có thể tổ chức được đình công hợp pháp. Trước hết, bất cứ cuộc đình công nào cũng phải được sự chấp thuận của TLĐLĐVN. Nhưng chưa bao giờ TLĐLĐVN khởi xướng, tổ chức, hay hỗ trợ cuộc đình công nào cả. Tất cả mọi cuộc đình công ở Viêt Nam đều bất hợp pháp, đều là tự phát, không có tổ chức, và không được hỗ trợ. Do đó, sức mạnh của công nhân về mặt thương lượng tập thể rất là yếu.

Muốn có giấy phép để đình công, công nhân trước hết phải đệ trình khiếu nại lên hội đồng hoà giải lao động địa phương bao gồm một số đại diện công nhân và cùng số đại diện chủ nhân. Nếu cuộc hòa giải thất bại, bất cứ bên nào cũng có quyền khiếu nại tiếp lên Hội đồng Hòa Giải Lao Động cấp huyện do Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh thiết lập hoặc Ủy Ban Nhân Dân cấp huyện. Nếu cuộc tranh chấp không được giải quyết, đôi bên phải đưa vấn đề lên Hội đồng Hòa Giải Lao Động tỉnh, tiếp theo là Toà An Lao Động nằm dưới Toà An Nhân Dân Tỉnh. Nếu cần đôi bên có thể khiếu nại tiếp với toà hòa giài va toà An Tối Cao. Nếu không đạt được kết quả, lúc đó công nhân có quyền đình công hợp pháp. 2/

Đảng CSVN kiểm soát không những TLĐLĐVN mà còn cả các hội đồng Hoà Giải, Ủy Ban Nhân Dân, và các Tòa An Nhân Dân. Do đó, việc cho phép đình công hợp pháp rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là không bao giờ xẩy ra.

Không những thế, vào năm 2007, Luật Lao Động Việt-Nam lại được tu chính để áp đặt thêm mộ số biện pháp hành chánh và hình sự để trừng phạt người tham dự đình công. 3/ Trước hết, mọi cuộc đình công phải có sự đồng ý của ít nhất 75% thành viên trong nghiệp đoàn tại công ty với 300 công nhân trở lên và 50% đối với công ty có dưới 300 công nhân. Ngoài ra, công nhân tham gia vào cuộc đình công trái phép, sẽ phải bồi thường thiệt hại cho chủ nhân.

Điều luật buộc công nhân phải bồi thường thiệt hại cho chủ nhân nếu tham gia đình công bất hợp pháp xem ra không thể thi hành được. Gần đây một công ty ở Saigon kiện công nhân ra tòa, nhưng không thành công vì toà không định được người nào trong số 10,000 công nhân đứng đầu cuộc đình công. 4/ 5/

Như thế vẫn còn chưa đủ, Luật Lao Động mới chỉ cho phép công nhân đình công vì lý do tranh chấp về quyền lợi (benefits) mà thôi. Đối với tranh chấp về quyền lao động (labor rights) hay vấn đề thi hành hợp đồng, đôi bên phải giải quyết tại tòa.

Tại một hội nghị lao động tại Saigon vào tháng 6, 2008, các viên chức chính phủ và đại diện TLĐLĐVN nói rằng “Những nghiệp đoàn yếu kém không lôi cuốn được sự tin cậy của công nhân. Do đó, công nhân chọn lựa đình công bất hợp pháp thay vì nhờ công đoàn can thiệp.” Mặt khác, phần đông các đại diện công đoàn tại các công ty có tên trong sổ lương của công ty cũng không muốn lãnh đạo đình công vì sợ mất việc. 6/

Nói tóm lại, trên thực tế, công nhân Việt Nam không có quyền đình công và nếu đình công là bất hợp pháp và có thể bị mất việc và bồi thường chủ nhân. Công nhân Việt Nam không nhận được hỗ trợ nào từ tổ chức, đoàn thể, hay chính phủ khi có tranh chấp với chủ nhân. Do đó, thế thương lượng tập thể của công nhân rất yếu.

Cưỡng bách lao động

Luật pháp Việt Nam cấm đoán cưỡng bách lao động và lao động trẻ em, nhưng trên thực tế tệ nạn này tiếp tục xẩy ra ở Việt-Nam. Tù nhân bắt buộc phải làm việc để sản xuất thực phẩm và dụng cụ để dùng trong tù hoặc bán để lấy tiền tiêu dùng theo báo cáo của nhà nước.

Kỹ nghệ ”xuất khẩu lao động” phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Hiện nay có khoảng 500,000 công nhân Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động. Mỗi năm họ mang về cho Việt Nam khoảng 3 tỉ Mỹ kim.

Chương trình “xuất cảng lao động” của Việt-Nam đã gây ra nhiều tiếng xấu. Vì thiếu tài nguyên, thiếu kinh nghiệm, và thiếu chuẩn bị, chính quyền đã không đủ khả năng trong việc bảo vệ công nhân làm việc tại nước ngoài. Họ trở thành nạn nhân của chủ nhân và nhân viên công lực ngoại quốc. Xa quê hương và bất đồng ngôn ngữ, họ rất dễ bị bóc lột.

Vào tháng 2, 2008, BPSOS (Boat People SOS) và Liên Minh Bài Trừ Nạn Nô Lệ Mới ở A châu. (Coaltion to Abolish Modern day Slavery in Asia – CAMSA) đã giải cứu được 200 công nhân Việt Nam làm việc tại những xưởng máy trong điều kiện tồi tệ tại Amman, Jordan. Ngoại trừ 4 người, tất cả công nhân còn lại là phụ nữ. Những công nhân này bị đánh đập, làm việc quá sức, và ăn chặn tiền lương.

Cũng trong tháng 2, 2008, BPSOS và CAMSA đã thành công trong việc giải cứu 2,600 công nhân ngoại quốc tại Malaysia, gồm một nửa là công nhân Việt Nam. Họ là nạn nhân của sự bóc lột và đối sử tồi tệ. Theo hợp đồng, những công nhân này phải được trả US$245 mỗi tháng. Tuy nhiên trên thực tế, họ chỉ nhận được US$3 mỗi hai tuần. BPSOS và CAMSA quyết định hủy bỏ đơn kiện sau khi giới chủ nhân của công ty này đồng ý bồi thường cho tất cả các công nhân theo đúng với hợp đồng nguyên thủy.

Không những vậy, công nhân Việt-Nam còn bị bóc lột ngay tại quốc gia của mình. Họ phải trả một lệ phí rất cao so với lợi tức của họ để có cơ hội kiếm việc làm ở nước ngoài. Thường những công nhân này phải làm kiệt lực trong hai năm mới có thể có tiền trả lệ phí có thể lên đến khoảng US$10,000 (165 million VNĐ). Một số công ty quốc doanh liên hệ đến dịch vụ buôn bán nguời dưới hình thức “xuất khẩu lao động.”

Chính phủ Việt Nam đã tìm cách cải thiện chương trình ”xuất khẩu lao động” trong thời gian gần đây. Các viên chức Việt Nam đã giảm bớt thái độ đối nghịch đối với các tổ chức thiện nguyện. Trong năm 2009, chính quyền Việt Nam đã dóng cửa 16 công ty “xuất cảng lao động” vì vi phạm luật. 7/

Tuổi tối thiểu và lao động trẻ em.

Việt Nam đã phê chuẩn hai quy ước 182 về việc cấm hình thức tồi tệ nhất về lao động trẻ em vào năm 2000 và quy ước 138 về tuổi lao động tối thiểu vào năm 2003. Tuy nhiên Việt Nam vẫn có nạn lao động trẻ em và trẻ em tiếp tục trở thành nạn nhân của sự bóc lột.

Lý do là chính quyền Việt Nam không dành đủ ngân sách để cưỡng bách việc thi hành luật. Bộ Xã Hội và Thương Binh Việt Nam vào tháng 6, 2006 báo cáo rằng khoảng 30% trẻ em Việt-Nam trong khoảng 6-17 tuổi phải làm một số việc. Nhưng người ta tin rằng con số này có thể cao hơn nhiểu vì đa số trẻ em làm việc trong nông trại ở thôn quê hoặc cơ sở kinh doanh của gia đình không chịu ảnh hưởng của Luật Lao Động.

Điều kiện làm việc và lương bổng

Chính phủ Việt Nam ấn định mức lương tối thiểu cho nhiều vùng khác nhau, cho những loại công ty khác nhau và cho những khu vực kinh tế khác nhau.

Mức lương tối thiểu cho công nhân không có khả năng chuyên môn tại những công ty đầu tư nước ngoài là 1 million VNĐ (khoảng US$61) tại Hà Nội và Saigon, 900,000 VNĐ (US$55) cho những vùng đô thị gần hai thành phố này và những khu kỹ nghệ và thành phố khác và 800,000 VNĐ (US$48) cho tất cả những vùng còn lại. Mức lương tối thiểu cho công nhân không có khả năng chuyên môn trong khu vực của chính phủ là 540,000 VNĐ (US$ 34).

Một số công ty liên doanh có thể được miễn theo mức lương tối thiểu nếu mới thành lập hoặc hoạt động tại những nơi hẻo lãnh. Tuy nhiên lương của công nhân không thể dưới 800.000 VNĐ (US$ 48).

Công nhân làm việc 40 giờ một tuần trong khu vực công. Chính phủ khuyến khích khu vực tư nhân cũng áp dụng số giờ tương tự, tuy nhiên không bắt buộc. Làm trên 40 giờ, công nhân được trả tiền phụ trội bằng 1.5 lần lương thường, 2 lần nếu phải làm việc vào ngày nghỉ trong tuần, 3 lần nếu cần phải lam việc vào ngày nghỉ lễ hay vào thời gian nghỉ có trả lương.

Luật Lao Động giới hạn số giờ làm việc phụ trội bắt buộc tối đa là 4 giờ mỗi tuần và 200 giờ cho mỗi năm. Trong trường hợp đạc biệt số giờ phụ trội có thể tăng lên đến 300 giờ, nếu có sự chấp thuận của chính phủ, TLĐLĐVN và chủ công ty.

Trên thực tế, công nhân Việt-Nam không được bảo vệ đúng theo luật. Họ vẫn phải chịu lương thấp, ngày làm việc dài, và không được trả tiền làm giờ phụ trội, trong điều kiện thiếu vệ sinh, không có bảo hiểm và không có tiền hưu trí. Nguyên nhân là chính phủ không đủ nhân lực và thanh tra để buộc các chủ nhân thi hành luật.

Lương của công nhân trung bình khoảng $US700 một năm, so với tổng sản phẩm nội địa trung bình đầu người ước lượng cho năm 2009 là US$1,036. Với lợi tức thấp như vậy, công nhân không thể nuôi sống gia đình một cách đầy đủ.

Vào tháng 9, năm 2009, trên 1,000 công nhân tại công ty sản xuất giầy An Thịnh tại tỉnh Bình Dương đã đình công để đòi tăng lương và cải thiện bửa ăn. Một đại diện của giới chủ nhân nói rằng công nhân đòi tăng lương 10% trên số lương đang áp dụng là 2 triệu VNĐ (US$112). Trong khi đó tờ báo Lao Động cho biết lương của công nhân chỉ có 1 triệu VNĐ (US$56) và bữa cơm của công nhân trị giá 5,500 VNĐ (US$0.30).

Công nhân đình công 400 lần trong năm 2006, 600 lần trong năm 2007, 309 lần trong năm 2008, và 216 lần trong năm vừa qua. Khoảng 72% số đình công này xẩy ra ở các công ty có đầu tư nước ngoài. Công nhân tiếp tục đình công mặc dù họ phải cẩn thận hơn vì luật Lao động mới khắt khe.

Rất khó để tiên đoán số lần đình công và số công nhân tham gia đình công, cũng như cường độ của đình công trong năm 2010. Trong hai năm 2008-2009, số lần đình công giảm một cách đáng kể có thể vì tình trạng kinh tế tri trệ, khiến công nhân không có nhiều việc lam để chọn lựa. Họ phải bám vào việc làm đang có. Tình trạng kinh tế sáng sủa hơn trong năm 2010 có thể sẽ làm đảo ngược chiều hướng này. Mặt khác, trong 5 năm vừa qua, ban quản trị công ty và chính quyền đã có kinh nghiệm hơn đối với nguyện vọng và phản ứng của công nhân. Điều này sẻ giúp cho sự thương lượng giữa đôi bên chủ nhân và người lao động dễ đi đến kết quả và tránh được đình công.

Kết luận:

Để cải thiện thật sự quyền lợi của công nhân, chính phủ Việt Nam nên (1) phê chuẩn hai quy ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế 87 và 98 để chính thức công nhận quyền lập hội và quyền tổ chức và thương lượng tập thể của công nhân; (2) cho phép công nhân thành lập nghiệp đoàn độc lập; (3) công nhận Hiệp Hội đoàn Kết Công Nông Việt Nam và Công Đoàn Độc Lập Việt Nam; (4) Hủy bỏ nghị định 38/2005/ND-CP để cho phép công nhân được tụ tập tự do trong việc tranh đấu cho quyền lợi của công nhân; (5) Biến đổi TLĐLĐVN thành viện nghiên cứu lao động; và (6) dành ngân sách rộng rãi để kiểm soát việc thi hành Luật Lao Động; (6) Chấm dứt tình trạng bóc lôt những công nhân ngay trong nước khi họ tìm cơ hôi ra nước ngoài kiếm sống; và (7) Bảo vệ công nhân Việt Nam làm việc tại hải ngoại.

Một khi Luật Lao Động được hoàn chỉnh và việc thi hành luật được tiến hành đứng đắn, quyền lợi của công nhân Việt-Nam sẽ được bảo đảm hơn. Một Đạo Luật Lao Động nghiêm chỉnh cần phải tạo cho công nhân có phương cách và nơi chốn để bầy tỏ nguyện vọng chính đáng một cách công bằng và ôn hòa. Trong điều kiện như vậy, xã hội mới được ổn định, và Kinh tế sẽ được phát triển thuận lợi.

Cũng trong hoàn cảnh như thế, Việt-Nam sẽ hội đủ tiêu chuẩn để gia nhập Chương Trình Ứu đãi Thuế Quan Phổ Quát của Hoa Kỳ (Generalized System of Preferences – GSP). Theo đó, Việt Nam sẽ có thể xuất cảng sang Hoa Kỳ hàng ngàn sản phẩm mà không phải trả thuế nhập cảng. Điều này giúp tạo thêm công ăn việc làm và gia tăng lợi tức cho công nhân và nông dân Việt-Nam.

Một lý do khiến chính quyền Việt-Nam, cũng như trong những chế độ cộng sản độc tài khác, không chấp nhận phong trào công đoàn độc lập cũng như không chấp nhận bất cứ một tổ chức phi chính phủ nào khác, là họ muốn bảo vệ vị thế độc tôn của đảng Cộng Sản và duy trì chế độ độc đảng. Bao lâu chính quyền Việt Nam còn duy tri tình trạng này, quyền lợi của người dân, đặc biệt là công nhân, còn bị thiệt thòi. Một chế độ mệnh danh là xã hội chủ nghĩa thì không thể dùng luật để áp chế công nhân, thay vì bảo vệ quyền lợi của công nhân.

oo0oo

Chú thích:

1/ The American Federation of Labor & Congress of Industrial Organizations (AFL-CIO), “Comments Concerning the Application of Vietnam to be Designated as An Eligible Beneficiary Developing Country Under the Generalized System of Preferences (GSP)”, August 4, 2008.
2/ Human Rights Watch, “Not Yet a Workers’ Paradise”. May 4, 2009.
3/ Decree No. 11/2008/NĐ-CP, January 30, 2008 and Circular No. 07/2008/TTLT-BLDTBXH-BTC, May 30, 2008.
4/ WorkerFreedom, “330 Illegal Strikes in Six Months,” June 21, 2008.
5/ Decree No. 11/2008/NĐ-CP, January 30, 2008 and Circular No. 07/2008/TTLT-BLDTBXH-BTC, May 30, 2008.
6/ WorkerFreedom, “Workers Prefer Illegal Strikes To Impotent Labor Unions,” June 24, 2008.
7/ The U.S. Department of State, “Country Reports on Human Rights Practices – 2008,” released by the Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor, February 25, 2009.

Tác giả Nguyễn Quốc Khải hiện nay là chủ nhiệm kiêm chủ bút của báo liên mạng Vietnam Review (vietnamreview.com) và chủ tịch Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt-Nam, được thành lập từ năm 2007, có trụ sở đặt tại Falls Church, Virginia. Ông hiện cũng là chuyên viên tư vấn trong chương trình Đông Nam Á của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank). Bài phát biểu trên đây trình bầy ý kiến riêng của tác giả.

.

.

.

No comments: