Friday, March 12, 2010

ĐÔI ĐIỀU về LÊ THỊ CÔNG NHÂN

Đôi điều về Lê Thị Công Nhân
Caubay

12-03-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7218

Bài viết này đề cập đến vài điều mà tôi ghi nhận được sau khi chị Lê Thị Công Nhân ra khỏi tù.

Thứ nhất là chuyện thành bại và dang dở của đời một người con gái mà một anh công an nghiệp vụ đã “tốt bụng” nhắn nhủ với chị Lê Thị Công Nhân - theo lời kể của chị trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Thứ hai là bàn về lợi và hại, nên hay không nên và với mức độ nào trong việc dư luận, nhất là dư luận từ phía người Việt ở hải ngoại, lên tiếng ủng hộ chị. Dù vấn đề này được đặt ra sau khi đọc bài viết, cũng có ý “tốt bụng”, mới đây của ông Nguyễn Khoa Thái Anh bên blog Talawas, tôi không có ý tranh cãi gì với ông ta mà chỉ muốn trình bày ý mình cùng bạn đọc.

Nhưng trước hết xin (lại) chia sẻ vài cảm tưởng của riêng tôi về chị Lê Thị Công Nhân.

Tôi, chắc chắn, là một trong nhiều triệu người Viêt Nam và nhiều ngàn người ngoại quốc khác trên thế giới rất vui mừng trước tin chị Công Nhân ra khỏi tù vào ngày thứ Bảy, 6 tháng 3 năm 2010 vừa qua. Tôi tin rằng bất cứ ai, dù ở đâu, cương vị nào, nếu có quan tâm lo lắng đến tình hình đất nước, có hiểu biết về con người và những việc làm của chị, đều vui mừng và vui mừng một cách thật lòng.

Mấy ngày qua tôi đã gặp nhiều người quen rất bình thường - trong ý nghĩa là không hề tham gia bất cứ tổ chức cộng đồng hay có sinh hoạt chính trị nào - họ đều thổ lộ niềm vui. Họ vui chỉ vì họ yêu mến chị Lê Thị Công Nhân. Tình cảm đó phát sinh một cách tự nhiên như người ta cảm thấy lòng vui thích, lạc quan, hy vọng khi ngắm nhìn một một bông hoa đẹp trong nắng ấm ban mai.

Tôi cũng yêu mến chị với tấm lòng như thế. Tôi viết mà không ngượng với chính mình là khi vừa đọc trên internet tin chị được thả nhiều ngày trước đó, tôi đã vui mừng và chờ đợi như đã từng chờ đợi đứa em gái út ra tù vượt biên năm xưa. Tôi tin rằng trong lòng nhiều người, tình cảm yêu mến và cảm phục với chị đã dần dà hình thành qua nhiều sự việc cụ thể mà chị đã nói, đã làm - trước, trong khi và ngay cả sau khi vừa ra tù. Thái độ trong sáng, nhất quán và bất khuất của chị là điều không ai có thể phủ nhận được.

Ngay cả những kẻ chủ mưu bỏ tù chị, tôi tin họ cũng cảm phục chị.

Ngay cả những kẻ thừa hành canh gác, theo dõi và thậm chí bọn côn đồ như đám “quần chúng tự phát” cũng kính nể chị.

Ngay cả một bộ máy tuyên truyền vĩ đại cũng ngọng nghịu, không tìm đâu ra lý lẽ có chút thuyết phục để bôi nhọ chị ngoài những lời tố cáo rất hàm hồ, đơn điệu.

Ngay cả những kẻ cơ hội, bắt cá hai tay ở nước ngoài miệng hô hào dân chủ như cái mốt thời thượng nhưng lại thậm thụt giao du, đi về làm ăn, chơi bời, nịnh bợ bọn cầm quyền cộng sản cũng không thể gièm pha chị và đành phải tỏ vài lời tán dương chị.

Sự thành bại và dở dang của một đời người.

Khi nghe chị kể về việc người công an bảo chị rằng ‘Bây giờ chị đã thấy là chị thất bại chưa, chị đã thấy đời chị dang dở chưa’ thì tôi chợt nhớ đến lời ví von của các cụ nho ngày xưa. Đó là lấy cái tâm của con chim sẻ mà đo cái chí của con chim bằng.

Về sự thành bại, chị Công Nhân đã có câu trả lời về phần mình, là chưa thành công. Chưa - không phải không. Khi trả lời là mình chưa thành công là chị nghĩ đến khía cạnh đại cuộc.

Phần tôi, tôi cho là cho đến nay việc làm của chị đã đạt được rất nhiều thành tựu, dẫu các thành tựu đó chưa đủ để mang lại thành công cho đại cuộc, tức là đạt được một chế đô tự do dân chủ cho toàn dân. Ước mơ đó chưa đến, chưa thành công như chị nói. Tuy vậy, với khả năng của một người phụ nữ không quyền thế, chị đã làm rất xuất sắc phần việc của mình. Tác dụng của các việc làm ấy đối với phong trào dân chủ đã nói lên sự thành công. Sự thất bại, nếu có, chỉ thuộc về kẻ cầm quyền đã không khuất phục được chị. Khi bỏ tù chị và những người yêu nước khác họ đã lộ chân tướng, tự bôi tro trát trấu vào mặt mình trước bàn dân thiên hạ.

Một cách cụ thể, chị đã thành công trong các việc sau đây:

- Sự hy sinh của chị đã đóng góp vào sự lớn mạnh của phong trào dân chủ trong nước. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều người đã cất lên tiếng nói của lương tâm, can đảm chỉ ra cái sai lầm cũng như dã tâm bán nước hại dân của kẻ cầm quyền. Tôi tin những Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn Tấn Trung…và hàng ngàn thanh thiếu niên như các blogger ít nhiều đã noi gương chị. Tôi cũng tin con người và việc làm của chị đã thức tỉnh nhiều người trong hàng ngũ cộng sản.

- Nhờ chị mà thế giới đã quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đã có các hành động can thiệp tích cực và do vậy bọn cầm quyền cũng chùn tay phần nào trong việc đàn áp các người dân khác.

- Theo ý tôi, cho tới nay chị là người duy nhất mà mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa phương, tôn giáo, đoàn thể chính trị đều đồng lòng ủng hộ và yêu mến. Tôi có cảm tưởng rằng tấm lòng và tinh thần của chị đã ảnh hưởng đến sự đoàn kết của chúng ta.

Về chuyện dở dang, theo tôi hiểu khi nói đến hai từ này với chị, người công an có hàm ý về cuộc sống lứa đôi của một người con gái bình thường. Điều đó cũng không có gì lạ, dẫu cũng chưa đúng hẳn vì chị hãy còn rất trẻ. Nhưng đó là cái nhìn rất cơm áo gạo tiền của một anh công an chỉ biết làm theo lịnh. Những kẻ cơ hội, ích kỷ, cầu an hẳn cũng có nhận định như thế, và chắc cũng chê chị không "thức thời" để đánh mất thời son trẻ. Nhưng với chị Công Nhân, người đã vượt trên cái lẽ thường tình đó để chọn con đường dấn thân, thì những suy nghĩ đó không còn thích hợp. Đó chính là lấy bụng tiểu nhân mà suy lòng người quân tử.


Đến đây tôi lại nhớ về một sự “dở dang” khác trong lịch sử. Cũng ở tuổi 28, khi chị Lê Thị Công Nhân vào tù, anh hùng Nguyễn Thái Học đã hiên ngang lên đoạn đầu đài. Cô Giang sau đó đã tự sát cũng ở tuổi còn rất trẻ. Khi đi làm cách mạng họ chấp nhận “dang dở” chuyện riêng tư để phụng sự cho lý tưởng. Không thành công thì thành nhân. Thành nhân theo cả hai nghĩa là, sống xứng đáng với sứ mạng cao quí của con người hoặc là tạo thành cái nhân cho các phong trào cách mạng mai sau. Suy diễn cách nào lời nói bất hủ đó của vị đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng đúng cả.

Theo tôi họ đã thành công và đã thành nhân. Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Báy đã gieo mầm cho sự thành công sau này. Việc toàn dân tham gia cách mạng mùa thu năm 1945 hẳn nhiên có thừa hưởng tinh thần sôi sục căm hờn, sự hy sinh và kinh nghiệm từ cuộc khởi nghĩa Yên Báy. Thất bại trong nhiều trường hợp là mẹ của thành công.

Trường hợp chị Lê thị Công Nhân cũng tương tự. Chị đã tranh đấu, đã vào tù và đã gieo cái nhân công bình, nhân ái, tự do dân chủ trong lòng đại chúng. Cái “nhân” đó đẫ nẩy mầm và đang lớn lên. Nhìn vào đó mọi người có thêm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng cho dân tộc. Không có những mầm sống đó chúng ta sẽ buồn, sẽ tuyệt vọng biết bao. Đó chính là mặt thành công của chị.

Thái độ nào của chúng ta là cần thiêt?

Người Việt trong và ngoài nước nên hay không nên lên tiếng ủng hộ chị? Và nếu có thì nên ủng hộ ở mức độ nào?

Ở đời thấy người làm việc tốt mà không tỏ lời tán dương là thiếu công bình và hơn thế nữa, thiếu đạo đức. Với trưòng hợp chị Lê Thị Công Nhân, đa số người dân trong nước, do sự bưng bít của chính quyền, không biết nhiều về chị, và nếu biết họ cũng không có điều kiện thuận tiện để bày tỏ tình cảm hay biểu lộ sự đồng tình với chị. Vì vậy chúng ta ở ngoài nước cần lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ chị. Điều đó có những cái lợi:

- Nêu cao tấm lòng yêu nước của chị để làm gương, khuyến khích sự quan tâm, dấn thân tranh đấu cho mọi người, nhất là các bạn trẻ, cả trong lẫn ngoài nước.

- Sự lên tiếng mạnh mẽ của chúng ta sẽ làm cho thế giới quan tâm nhiều đến chị, các chính quyền dân chủ sẽ có các áp lực với bọn cầm quyền tại Hà Nội và nhờ vậy chúng không thể thẳng tay đàn áp, khủng bố, thậm chí mưu hại chị.

Lập luận cho rằng vì người Việt ở hải ngoại tỏ lòng ngưỡng phục, lên tiếng ca ngợi (theo ngôn ngữ của vài kẻ nhỏ nhen là “tung hô,” “công kênh”) sẽ là cái cớ cho bọn cộng sản đàn áp chị hơn nữa chỉ là suy nghĩ phiến diện. Bọn cộng sản khủng bố, bỏ tù chị Công Nhân duy nhất chỉ vì những gì chị làm ở trong nước. Cộng sản lo sợ về sự phản kháng của đồng bào trong nước hơn là sự chống đối ở hải ngoại.

Tôi tin rằng trong nhiều năm qua, Lê thị Công Nhân không chỉ là người duy nhất ở quê nhà mà còn rất nhiều người khác tranh đấu rất kiên cường nhưng họ không được biết tới nhiều, thậm chí không ai biết. Những người này chắc chắn đã bị cộng sản trù dập dã man nhiều lần hơn cả chị Công Nhân. Nên nhớ rằng cộng sản là những kẻ sợ ánh sáng. Lịch sử cho thấy bọn cộng sản đã thủ tiêu rất nhiều nhà cách mạng bất đồng quan điểm với chúng và chúng chỉ dám làm như thế khi không ai biết.

Bản thân chị Công Nhân cũng không hề bị lung lạc trước sự đàn áp của bạo quyền.‘ Đã xác định hy sinh thì phải hy sinh đến cùng. Chứ nếu hy sinh dang dở thì hy sinh để làm gì?...’ Tù đày chỉ làm cho chị quyết tâm hơn như lời chị phát biểu gần đây. Vì vậy không ai có thể xui giục người phụ nữ kiên cường đó làm bất cứ điều gì ngoài chính cái lương tri của chị. Mọi người, kể cả bọn cầm quyền cộng sản đều biết điều đó.

Hiểu được như vậy chúng ta sẽ thấy rằng mọi sự vận động từ bên ngoài này sẽ tích cực, làm giảm bớt sự khủng bố chị từ phía nhà cầm quyền. Mặt khác, sự quan tâm của chúng ta cũng là niềm an ủi cho người con gái nhỏ nhoi đó. Đó là nghĩa cử nên làm, là lương tâm. Chỉ có bọn cộng sản và bọn tay sai mới mong chị bị quên lãng, mới mong chị “thức thời,” tức là nhận ra “sức mạnh vô địch” của bạo quyền. Nếu chị Công Nhân sống an phận, kẻ vui mừng nhất là bọn độc tài.

Những kẻ nào tự nhận mình yêu dân chủ, quý mến chị Công Nhân mà muốn chị được “một mình” định đoạt công việc mà không cần sự tiếp tay cổ vũ từ đồng bào thì cần coi lại họ là ai. Lời lẽ tốt đẹp nhất dành cho họ là ngu độn về chính trị. Chỉ trông chờ vào thực lực của người trong nước mà coi nhẹ sự đóng góp của đồng bào hải ngoại là không thực tế. Mong đợi sự bố thí tự do, nhân quyền hay trông chờ vào sự thay đổi của bọn cộng sản mà không qua hy sinh, tranh đấu là cả môt sự hoang tưởng.

Cuối cùng, với chị Lê Thị Công Nhân, mọi hành động tỏ lòng yêu mến, khâm phục chị là điều tự nhiên mà không sợ mang tiếng là thấy kẻ sang bắt quàng làm họ. Ai cho điều đó là “xúi trẻ ăn cứt gà” là không hiểu, thậm chí đánh giá thấp giá trị con người của Lê Thị Công Nhân. Ngược lại, ‘Còn một mình tôi, tôi cũng tranh đấu’, lời nói đó của chị là luồng gió mang đến lòng hứng khởi cho nhiều người đi theo bước chân của chị.

San Diego, 11 tháng 3 năm 2010.

© DCVOnline

.

.

.

No comments: