Thursday, March 11, 2010

NGÀY THẾ GIỚI CHỐNG KIỂM SOÁT INTERNET

Ngày thế giới chống kiểm soát internet

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

2010-03-11

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/World-day-against-cyber-censorship-DHIeu-03112010110603.html

Thứ sáu 12-3-2010 này được Reporters Sans Frontieres, tức Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF, trụ sở tại Paris, Pháp chọn là “Ngày Thế Giới Chống Kiểm Soát Internet”.

Theo RSF, internet là phương tiện thông tin tự do, nhanh chóng và hữu ích, một kho tàng trí thức quý báu của nhân loại, nhưng lại bị các chế độ độc tài hạn chế, ngăn cấm và kiểm soát bằng mọi cách, vì xét thấy bất lợi cho chính sách cầm quyền độc đoán của họ.

Nhân dịp Tổ chức Phóng viên Không biên Giới phát động “Ngày Thế Giới Chống Kiểm Soát Internet”, Đỗ Hiếu hỏi chuyện bà Lucie Morillon, Trưởng Văn phòng Internet của RSF.

.

Hãy cùng nhau lên tiếng

Đỗ Hiếu: Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là “Ngày Thế Giới Chống Kiểm Soát Internet” mang ý nghĩa và mục đích gì, thưa bà?

Lucie Morillon: Những tháng gần đây, chắc quý vị cũng nhận thấy rõ là tại một số quốc gia đã có sự kiểm soát chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn trên mạng Internet.

Chính vì thế mà công luận trên toàn cầu trong đó có RSF chúng tôi cho rằng, mọi người cần phải có phản ứng chung đối với những biện pháp độc đoán đó và phương cách hay nhất lúc này, là hãy bày tỏ thái độ rõ rệt, hãy sát cánh với nhau hầu tìm cách hoá giải, phá vỡ sự gia tăng kiểm soát trên mạng.

Hãy cùng đóng góp ý kiến, quan điểm, biện pháp kỹ thuật, song song với việc đẩy mạnh vận động yêu cầu các chánh phủ phi dân chủ, trả tự do cho các phóng viên, nhà báo, bloggers bị cầm tù vì đã nói lên nguyện vọng yêu chuộng dân chủ, công lý, lẽ phải trên mạng Internet.

RSF kêu gọi mọi người hãy tích cực ủng hộ những ai còn bị cầm tù chỉ vì họ dám công khai đòi hỏi quyền tự do chính đáng của nhân loại qua phương tiện Internet.

.

Danh sách “kẻ thù của Internet”

Đỗ Hiếu: Thưa bà, hàng năm RSF đều có đúc kết, phân tích và phổ biến danh sách các nước trên thế giới bị xem là “kẻ thù của Internet”, vậy năm 2010 này, những quốc gia nào có tên vào bảng xếp hạng đó?

Lucie Morillon: Năm nay danh sách này cũng gần giống như năm rồi vậy, trước hết phải kể đến Ả Rập Xê-út, Miến Điện, Trung Quốc, tiếp theo đó là Iran, Ai cập, Bắc Hàn, Cuba, Uzebekistan, Syrie, Tunisie, Turmenistan và Việt Nam, là các quốc gia không chấp nhận việc tự do sử dụng Internet.

Bên cạnh các nước này còn có nhiều quốc gia khác bị xem là hay “dòm ngó” vào dân cư trên mạng, theo dõi họ bằng cách này hoặc cách khác, đó là Australia, Belarus, Bahrain, Nam Hàn, Eritree, Malaysie, Sri Lanka, Thái Lan. Hai nước mới có tên trong danh sách hạn chế Internet là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đỗ Hiếu: Theo ghi nhận và đánh giá của RSF về vấn đề kiểm soát Internet thì bản xếp hạng phổ biến năm 2010 có điều gì khác với năm vừa qua không?

Lucie Morillon: Xin thưa với quý vị là danh sách vừa được công bố vào lúc 20 giờ thứ Năm 11-3-2010 tính theo giờ Paris, là kết quả nghiên cứu trọn năm 2009. Phải nói ngay rằng trong năm 2009, số quốc gia tăng cường kiểm soát lên tới 60 nước, tức là kể như gấp đôi so với năm 2008.

Tuy nhiên, cho dù các chánh quyền độc đoán có đối xử mạnh tay hơn đối với các “cư dân trên mạng” thì sự đối kháng từ những đối tượng này cũng mãnh liệt, sôi nổi, tích cực, sáng tạo và đồng bộ hơn.

Họ nghĩ ra cách thức làm thế nào để chống đỡ hữu hiệu việc ngăn chặn, cấm đoán, phong toả Internet, và chúng tôi tin rằng những việc họ làm đã mang lại ít nhiều kết quả, có nghĩa là “qua mắt” được bộ máy sàn lọc, những “bức tường lửa” do các chánh phủ toàn trị thiết kế và quản lý.

Điều ấy có nghĩa là hành vi ngăn chặn, cấm đoán Internet đã không mang lại kết quả trọn vẹn, như các thế lực cầm quyền mong muốn làm cho bằng được.

.

Trường hợp Việt Nam

Đỗ Hiếu: Hầu như năm nào Việt Nam cũng được đưa vào danh sách những kẻ thù hàng đầu của Internet, bà có thể nói rõ hơn về sự đánh giá này không?

Lucie Morillon: Điều đáng nói nhất là tại Việt Nam trong những tháng gần đây nhiều đợt đàn áp mạnh tay đã xảy ra với những nhà dân chủ, người cầm bút, trí thức, bloggers, nhà báo, luật sư…

Trước đây, vì muốn được kết nạp vào các định chế quốc tế như WTO, Hà Nội đã bày tỏ thịên chí khiến người ta cho là Việt Nam thực sự muốn cải tiến dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Nhưng nay thì chuyện cởi mở ấy trở thành xa vời, bị rơi vào quên lãng.

Hơn nữa theo dư luận thì trước khi tổ chức đại hội đảng cộng sản vào năm tới, nhà nước Việt Nam đang cho gia tăng sự đàn áp đối với các nhân vật bất đồng chính kiến, đặc biệt là họ chú trọng đến những tiếng nói thường xuyên bày tỏ ý kiến đòi hỏi dân chủ, tự do trên Internet, yêu cầu đa đảng, đa nguyên.

Qua tin tức thời sự, công luận cũng biết rõ là Hà Nội rất nhạy cảm đối với những ai dám công khai phản đối chính sách bá quyền của Bắc Kinh, cũng như đã mạnh mẽ phê phán việc Hà Nội cắt đất, nhượng biển cho Hoa Lục, đụng chạm đến thực tế đó là bị bắt bớ, giam cầm, kêu án nặng nề.

Hiện nay Internet là một phương tiện thông tin bình dân, rất phổ biến tại Việt Nam, mà giới trẻ là thành phần đặc biệt ưa chuộng và vào truy cập ngày càng đông hơn.

Đa số người Việt trong nước thường vào các trang mạng như Vietnamnet, Vietnamnews, VNExpress vì có nhiều đề tài thời sự hấp dẫn được nói đến, từ nạn tham nhũng, của quyền, đạo đức xã hội suy đồi, tranh chấp quyền lực chính trị, mua quan bán chức, chạy theo thành tích, dân oan khiếu kiện đất đai...

(Video: LS Lê Thị Công Nhân tuyên bố sẽ tiếp tục tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền tại VN)

http://www.youtube.com/watch?v=GZYZetEGqbQ&feature=player_embedded

Những sự việc này được các bloggers tìm tòi, điều tra, phanh phui sự thật, phơi bày ra ánh sáng, nên được dư luận ráo riết theo dõi, vì những hiện tượng bị xem là tiêu cực, nhạy cảm như thế, không khi nào được cơ quan ngôn luận nhà nước nhắc tới trên báo đài.

Nhà nước Việt Nam đã ban hành một số thông tư, quy định, điều lệ nhắm vào mục tiêu ngăn cản quyền tự do ngôn luận, trong đó có các biện pháp truy cản Internet.

Mặt khác, cũng trong chủ trương khoá miệng những tiếng nói đối lập, những chỉ trích về việc Hà Nội cho phép Trung Quốc khai thác bauxite, lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, hàng chục nhà dân chủ, bloggers, nhà báo đã bị kêu án nặng nề tại các phiên toà ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn.

Nhà nước đã cáo buộc họ vào những tội danh như vi phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống phá nhà nước, lạm dụng quyền tự do dân chủ hay cấu kết với ngoại bang để lật đổ chế độ.

Đỗ Hiếu: Dư luận vẫn thường xuyên bác bỏ những cáo buộc mà Hà Nội gán ghép cho những nhà hoạt động dân chủ vừa được bà nhắc đến, nhân Ngày Thế giới chống kiểm soát Internet, RSF có thể làm gì thiết thực cho những người còn bị ngồi tù thưa bà?

Lucie Morillon: Phải xin thưa là những bản án nặng nề mà Hà Nội dành để cho các nhân vật bất đồng kiến, với tổng số trên 20 người đã làm dư luận rất quan ngại và có phản ứng đều khắp, nhiều chánh phủ và tổ chức quốc tế gởi công văn can thiệp với nhà nước Việt Nam, yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho các đối tượng đó, đồng thời khuyến cáo Hà Nội phải chấp nhận tự do Internet.

Đây là một trong những biểu hiệu đích thực của quyền làm người ngoài ra cũng là một phương tiện hữu hiệu tạo ra sự phát triển kinh tế, xã hội. Hy vọng rằng công luận quốc tế sẽ có thái độ quyết liệt hơn, cứng rắn hơn hầu buộc Hà Nội ngưng đàn áp phong trào dân chủ cũng như chấm dứt ngay chính sách kiểm duyệt Internet.

Riêng RSF chúng tôi, thì mới đây đã khẩn yêu cầu Liên hiệp Châu âu hãy ngưng mọi cuộc đối thoại về nhân quyền với chánh phủ Việt Nam, để phản đối việc Hà Nội cầm tù 21 nhà văn, nhà báo và bloggers. Hãy nuôi hy vọng là những người kém may mắn đó sẽ không bao giờ bị bỏ quên.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn bà Lucie Morillon!

.

Theo dòng thời sự:

Phúc trình của CPJ về tình hình báo chí tại VN

Tin tặc gia tăng tấn công website trong và ngoài nước

Lợi hại trong việc sử dụng Internet

Blogger “Mẹ Nấm” bị từ chối cấp hộ chiếu

Quốc tế chỉ trích Việt Nam gia tăng đàn áp báo chí

Vì sao quá nhiều người bị bắt vì tội “xâm phạm an ninh quốc gia”?

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: