Thursday, March 18, 2010

THẾ NÀO LÀ TRƯNG CẦU DÂN Ý ? (Lê Trần Luật)

Thế nào là trưng cầu dân ý?

Lê Trần Luật

19/03/2010 1:00 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=17661

Cách đây đúng một ngàn năm, mùa Xuân năm 1010, vua Lý Thái Tổ ban hành “Chiếu dời đô” để chuyển kinh đô nước Đại Cồ Việt là Cổ Loa (Ninh Bình) về thành Đại La (Hà Nội) ngày nay. Có người cho rằng đó là cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên trong lịch sử nước Việt. Kết thúc chiếu dời đô, nhà vua nói: “Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào”. Rõ ràng, trước một vấn đề hệ trọng ảnh hưởng đến sự tồn vong của nước Việt, nhà vua không thể tự mình quyết định. Nhà vua muốn biết lòng dân như thế nào!

Ngày 6/10/1955 Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố mở cuộc trưng cầu dân ý nhằm xác định tương lai của Việt Nam. Với kết quả 92,8 % phiếu thuận, cuộc trưng cầu đã phế truất nhà vua Bảo Đại.

Hiến pháp 1946 ghi rằng “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết”. Trường hợp cụ thể được nêu ra có tính cách bắt buộc để cho toàn dân phúc quyết là “khi sửa đổi hiến pháp” sau khi đã được nghị viện thông qua. Các hiến pháp sau này không nói rõ như thế mà chỉ nói “trưng cầu các vấn đề quan trọng”. Hiến pháp 1992 hiện hành chỉ nói nhân dân có quyền thực hiện trưng cầu dân ý khi cơ quan nhà nước đưa ra trưng cầu, nhưng không nói rõ khi nào thì trưng cầu, và vấn đề nào được đưa ra trưng cầu.

Hơn 65 năm xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam chưa có một cuộc trưng cầu dân ý nào, mặc dù đã 3 lần thay đổi và sửa chữa hiến pháp. Bỏ quên quyền phúc quyết của dân chúng, đó là một thiếu sót rất căn bản của thủ tục lập hiến.

.

Năm 2005, nhà nước dự định thông qua Luật Trưng cầu Dân ý nhưng cuối cùng bộ luật này vẫn dừng lại ở mức độ dự thảo! Dự thảo bộ luật này chứa đựng nhiều xung đột, không thể thông qua, mà chủ yếu tập trung vào “vùng cấm” trưng cầu. Theo dự thảo thì các vấn đề sau đây không được đưa ra trưng cầu bắt buộc:

Hệ thống chính trị và thể chế chính trị;

Những vấn đề được khẳng định trong cương lĩnh của Đảng Cộng sản;

Nghị quyết các Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng Cộng sản;

Các luật thuế, luật ngân sách, chính sách giá cả;

Chính sách dân tộc, tôn giáo;

Các vấn đề rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội;

Các vấn đề đại xá và đặc xá.

Với “vùng cấm” rộng lớn và bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội như vậy thì gần như chẳng còn vấn đề nào để phải trưng cầu!

.

Trưng cầu dân ý là việc người dân trực tiếp bỏ phiếu để quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước hoặc những vấn đề có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội. Đây là hình thức dân chủ trực tiếp có ý nghĩa hơn cả việc bầu cử người đại diện cho mình vào quốc hội.

Hiện nay các tranh luận tập trung vào những vấn đề lớn sau đây:

Những vấn đề nào thì được trưng cầu, hay đúng hơn là giới hạn của các vấn đề được đưa ra trưng cầu;

Đối tượng nào có quyền đưa ra sáng kiến trưng cầu;

Kết quả trưng cầu bắt buộc và trưng cầu tham khảo;

Cơ chế và cách thức tổ chức trưng cầu.

Có ý kiến cho rằng cần phải giới hạn các vấn đề trưng cầu, không phải vấn đề nào cũng được đưa ra trưng cầu. Tôi không đồng ý quan điểm này vì theo tôi ở một nền dân chủ thực sự thì người dân có quyền quyết định mọi vấn đề, không cần bất kỳ một giới hạn nào. Khi nhà nước còn nghĩ đến việc “giới hạn” các vấn đề trưng cầu thì cũng đồng nghĩa với việc giới hạn quyền lực của nhân dân. Còn nghĩ đến “vùng cấm” là còn nghĩ đến các đặc quyền riêng cho mình.

Bất kỳ vấn đề nào cũng có khả năng được đưa ra trưng cầu nếu như sáng kiến trưng cầu được thông qua. Sáng kiến trưng cầu là một nhu cầu khách quan. Vấn đề đặt ra là người có sáng kiến trưng cầu có thu thập đủ số lượng chữ ký để được thông qua hay không chứ không phụ thuộc vào nội dung cụ thể của sáng kiến trưng cầu.

.

Có một sự kiện xảy ra gần đây cần nêu ra như một ví dụ điển hình:

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GSTS Nguyễn Thế Hùng là những người tiên phong phản đối dự án bô-xit ở Tây Nguyên vì cho rằng dự án sẽ ảnh hưởng nặng nề về môi sinh cũng như về an ninh quốc gia. Với số lượng người đã ký tên phản đối dự án và lượng người truy cập vào trang web bô-xit như hiện nay thì tôi tin ba người này hoàn toàn có thể thu thập đầy đủ số chữ ký cần thiết để đưa ra sáng kiến trưng cầu là: “Có nên thực hiện dự án bô-xit hay không”. Vấn đề lúc này phải phụ thuộc vào kết quả trưng cầu chứ không còn phụ thuộc vào “Chủ trương lớn của Đảng”, bởi vì mục đích lớn nhất của Đảng phải là phụng sự mong muốn của nhân dân.

Nhiều ý kiến cho rằng nên giới hạn đối tượng nào có quyền đưa ra sáng kiến trưng cầu. Tôi cũng không đồng ý quan điểm này vì khi người dân có quyền bỏ phiếu trưng cầu thì họ phải có quyền nêu ra sáng kiến trưng cầu. Giới hạn đối tượng được nêu ra sáng kiến trưng cầu là giới hạn sự sáng tạo của xã hội.

Khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý là muốn biết người dân quyết định như thế nào, do đó kết quả trưng cầu có tính bắt buộc thực thi. Tôi không đồng ý quan điểm chia tách kết quả trưng cầu ra làm hai loại: kết quả tham khảo và kết quả bắt buộc. Nhà nước có nhiều cách thức để tham khảo ý kiến của dân, không nhất thiết phải chờ kết quả trưng cầu. Khi đã tổ chức trưng cầu dân ý thì kết quả trưng cầu phải có tính bắt buộc thực thi.

Chúng ta hy vọng dự luật trưng cầu dân ý sớm được thông qua để làm nền tảng phát triển cho một xã hội dân chủ thật sự.

.

Sài Gòn ngày 12/03/2010

Luật sư Lê Trần Luật

© 2010 Lê Trần Luật

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: