Thursday, March 18, 2010

HỘI THẢO "MỘT CUỘC CHIẾN BỊ LÃNG QUÊN"


Hội thảo 'một cuộc chiến bị lãng quên'

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Friday, March 12, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=109739&z=196

Phỏng vấn nhà bình luận Nguyễn Xuân Nghĩa

Sáng ngày 28 tháng 4, 2010, Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia cùng thân hữu và mạnh thường quân sẽ tổ chức Hội Thảo Quốc Tế tại Rose Center, Westminster, các đề tài: “Vì sao Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam?” “Ðánh giá lại Ðệ Nhất Cộng Hòa và Tổng Thống Diệm,” “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã phải chiến đấu ra sao?” và “Hậu quả của việc Hoa Kỳ bỏ rơi Ðông Dương.” Một trong những người tham gia tổ chức là nhà bình luận kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. Người Việt phỏng vấn ông Nghĩa để biết thêm chi tiết về cuộc hội thảo này.

-ÐQAThái: Thưa ông, bốn chủ đề của cuộc hội thảo rất lớn và hầu như nhằm duyệt xét lại cả một giai đoạn lịch sử dài của cuộc chiến Quốc-Cộng, vậy những diễn giả chính là ai để bảo đảm rằng tiếng nói của họ có giá trị thuyết phục?

-Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: Theo như tôi hiểu, ban tổ chức đã tham khảo ý kiến của nhiều người theo dõi chính trường Hoa Kỳ, trước khi lập ra một danh sách các học giả Mỹ am hiểu về cuộc chiến Việt Nam ở nhiều khía cạnh quân sự và chính trị và am hiểu chính trường Hoa Kỳ để mời họ tham dự.

Nhiều người Mỹ bận công vụ ở các đại học hay tại chiến trường AfghanistanIraq nên ân cần giới thiệu tiếp cho các đồng nghiệp khác. Cuối cùng thì ban tổ chức mời bốn diễn giã từ miền Ðông Hoa Kỳ qua thủ đô của người tỵ nạn mình ở miền Tây, để thuyết trình trong hai tiếng và trả lời những thắc mắc mà chúng tôi đề cử cho một người nêu ra trong một giờ hội luận.

Cái gì bảo đảm là tiếng nói của họ có giá trị thuyết phục thì có lẽ chính chúng ta sẽ trả lời sau khi đến nghe. Nói chung, mỗi diễn giả đều là chuyên gia và từng người đã có cả chục cuốn sách, trong đó hơn phân nửa là về chiến tranh Việt Nam hay về cộng sản.

Ngoài nhà báo lão thành Sol Sanders mà nhiều người Việt đã biết vì ông đã đến Việt Nam từ 1951, ba vị kia hiện là giáo sư các đại học hay Học Viện Quân Sự Mỹ nên điều họ nói ra cho công chúng Việt Nam và truyền thông Hoa Kỳ cũng có ảnh hưởng đến uy tín của chính họ.

Ðiểm đặc biệt là họ rất thông cảm với người Việt Nam chúng ta, họ tham dự rồi trở về liền, mà không có đòi hỏi gì. Thật ra, chúng ta hiểu là nhiều người Mỹ cũng muốn nói ra sự thật theo quan điểm của họ, và cảnh báo chính quyền Hoa Kỳ về những sai lầm đã phạm tại Việt Nam. Câu trả lời của họ cho nỗi đau của chúng ta và mối nguy về quyền lợi của nước Mỹ là điều truyền thông và dân Mỹ cũng cần biết.

-ÐQAThái: Lý do nào mà phải đợi mãi tới 35 năm sau biến cố 30 tháng 4 làm sụp đổ miền Nam, một cuộc hội thảo mang tầm cỡ quốc tế như thế mới được tổ chức?

-Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: Thật ra, sau 1975, không năm nào mà người Việt ta không tìm hiểu và nói ra “Vì sao Hoa Kỳ đã nhập cuộc rồi tháo chạy khỏi Việt Nam, sau đó truyền thông Mỹ còn đổ lỗi là tại quân dân miền Nam không chiến đấu!” Sau 1975, nhiều người Mỹ cũng nêu câu hỏi và nghiên cứu về nguyên nhân cùng hậu quả.

Bây giờ, 35 năm sau, những người Mỹ đã đến Việt Nam hoặc có liên hệ tới Việt Nam cứ mất dần, nhưng kết quả họ nghiên cứu ra thì đã rõ ràng... Thời điểm 35 năm cũng đủ dài để mọi người thấy sự thật và đối chiếu với các cuộc chiến hiện nay của Mỹ để cùng rút tỉa bài học.

Trong dịp này, Hà Nội sẽ tưng bừng tổ chức theo hướng tuyên truyền và không muốn hải ngoại nêu ra sự thật đó nên sẽ tìm cách xuyên tạc và phá hoại. May là nhiều hội đoàn trong cộng đồng ta cũng sẽ tổ chức sinh hoạt kỷ niệm để thế hệ sau khỏi bị lầm lạc.

Riêng chúng tôi thì có tham vọng nêu ra hai loại vấn đề. Thứ nhất, sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt tỵ nạn từ 1975 và những đóng góp của cộng đồng tự do này cho Hoa Kỳ, là nội dung cuộc hội thảo ngày chín tháng 4 tại thủ đô Hoa Kỳ. Tại thủ đô của người tỵ nạn ở quận Cam trong cuộc hội thảo ngày 28 thì chúng ta nêu loại vấn đề thứ hai: là miền Nam chúng ta có tranh đấu và nếu Hoa Kỳ tiếp tục sai lầm hoặc không dám nhìn ra điều ấy thì sẽ xử trí ra sao trước những thách đố hiện tại? Một trong những thách đố ấy chính là Trung Quốc.

-ÐQAThái: Cuộc hội thảo tổ chức như vậy hẳn là tốn kém lắm, vậy thì nguồn tài trợ từ đâu?

-Ông Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ chính người Việt chúng ta và từ quý vị hằng tâm mà chúng tôi vẫn còn đang tiếp tục kêu gọi.

Trước hết, vì danh dự của chúng ta khi bỏ tiền tham gia một sinh hoạt tưởng niệm nỗi đau chung của đất nước. Người tham gia phải trả tiền, dù chỉ là khoản tượng trưng mà lại còn rất rẻ cho học sinh sinh viên. Chúng ta có thể bỏ tiền đi giải trí mà không bỏ tiền ra nghe người Mỹ nói về vấn đề Trung Quốc và sự anh dũng của miền Nam thì hơi... kỳ!

Thứ nữa, ta cũng phải giải trừ được một thói rất tục xuất phát từ sự xuyên tạc đã thành nếp là nếu có sinh hoạt gì quy mô của ta thì có kẻ chụp mũ là do Mỹ, CIA hay Việt Cộng tài trợ. Người quốc gia chúng ta đâu có thể tệ như vậy!

Thứ ba, chúng tôi cũng mong đợi là các hội đoàn sinh viên sẽ tiếp tay yểm trợ và lập ra truyền thống là hàng năm sẽ có một ngày cùng với người Mỹ kiểm điểm lại những bài học của trận chiến Việt Nam. Trong đó có bài học về sự hy sinh của thế hệ phụ huynh khi chiến đấu cho miền Nam tự do và sau đó xây dựng cho con cái một tương lai sáng sủa hơn quá khứ của cha mẹ.

Quan trọng nhất, khi vấn đề Trung Quốc đã thành sinh tử cho Việt Nam, cộng đồng người Việt tự do tại Hoa Kỳ sẽ phải mở ra nhiều cuộc vận động vào dư luận Mỹ để tranh đấu cho quyền lợi của một nước Việt Nam tự do. Khi chuyện tranh thủ ấy xảy ra, hãy tưởng tượng đến thế lực tiền bạc và chính trị của Bắc Kinh ngay trên đất Mỹ! Vì vậy, cuộc hội thảo chỉ là chuyện nhỏ, là bước đầu, mà nếu mình lo không nổi hoặc còn chần chờ e ngại thì ta mặc nhiên trút gánh nặng cho thế hệ nối tiếp khi vấn đề không chỉ là Việt Cộng mà còn là Trung Cộng!

-ÐQAThái: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt và Ðài NVR.

.

.

.

No comments: