Friday, March 12, 2010

HOA KỲ CHỈ TRÍCH VIỆT NAM về NHÂN QUYỀN

Mỹ lại chỉ trích VN về nhân quyền

BBC

Cập nhật: 11:21 GMT - thứ sáu, 12 tháng 3, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100312_viet_us_rights.shtml

Phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề về nhân quyền, trong khi tổ chức RSF giữ Việt Nam trong danh sách 'Kẻ thù của internet'.

Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2009 được công bố hôm 11/03/2010.

Hàng năm Bộ Ngoại giao Mỹ đều ra phúc trình này với các nhận định về nhân quyền ở các nước để chính phủ có thể đưa ra quyết định về đối ngoại.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phản ứng trước phúc trình mới nhất, nhưng mọi năm Việt Nam luôn bác bỏ chỉ trích của phía Mỹ và nói rằng nhân quyền được tôn trọng ở trong nước.

Phần về Việt Nam trong báo cáo 2009 của Bộ Ngoại giao Mỹ viết rằng cuộc bầu cử Quốc hội 2007 đã không được tổ chức một cách tự do và bình đẳng vì các ứng cử viên đều phải qua chuẩn thuận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

.

'Còn là vấn đề'

"Hồ sơ nhân quyền của chính phủ Việt Nam vẫn còn là vấn đề."

Phúc trình giải thích: "Người dân không thể thay đổi chính phủ, hoạt động chính trị đối lập bị cấm đoán".

Văn bản này cũng đề cập các vụ bắt bớ và giam cầm bất đồng các nhà hoạt động chính trị đối kháng trong năm 2008. Bên cạnh đó, phúc trình cũng nói tới việc nhiều biên tập viên và phóng viên gặp rắc rối khi viêt về các vụ tham nhũng lớn, một số blogger bị bắt vì chỉ trích chính quyền vv..

Bản phúc trình nhận xét: "Tuy tính chuyên nghiệp của ngành công an đã được cải thiện, tham nhũng vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng".

"Chính quyền tiếp tục cấm các tổ chức nhân quyền độc lập" và tình trạng phân biệt đối xử, bạo hành với phụ nữ vẫn đang tiếp tục.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục kiểm soát tự do báo chí, ngôn luận, đi lại, tụ họp và lập hội.

Bản phúc trình cũng đề cập tới các trường hợp mà phía Mỹ cho là vi phạm nhân quyền, như vụ Bát Nhã của các tu sinh Làng Mai.

Một số dân biểu Mỹ đã lên tiếng đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách Các nước gây quan ngại về Nhân quyền và Tự do Tôn giáo (CPC). Tuy nhiên các yêu cầu như vậy đã được đưa ra nhiều năm nay nhưng không được chính phủ chấp thuận.

Trong khi đó, tổ chức theo dõi tự do báo chí Phóng viên không Biên giới (Reporters Without Borders) giữ tên Việt Nam lại trong danh sách Kẻ thù của mạng internet, bên cạnh Trung Quốc, Cuba, Ai Cập, Iran, Miến Điện, Bắc Hàn, Ảrập Saudi, Syria, Tunisia, Turkmenistan và Uzbekistan.

Việt Nam đã bị đặt vào danh sách này hồi năm ngoái.

.

Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.

.

.

.

Việc thực thi nhân quyền của VN vẫn là vấn đề đáng quan ngại

VOA

Thứ Sáu, 12 tháng 3 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vietnam-human-rights-03-12-2010-87456792.html

Việc thực thi nhân quyền của chính phủ Việt Nam vẫn là một vấn đề đáng quan ngại, theo phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thực hiện vừa được công bố hôm 11/3/2010.

Phần báo cáo về tình trạng
nhân quyền Việt Nam năm 2009 của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định người dân tại Việt Nam không thể thay đổi nhà nước, các phong trào đối lập chính trị bị ngăn cấm.

Phúc trình nói rằng trong năm qua, chính quyền Hà Nội đã gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng, bắt giữ và kết án nhiều nhân vật hoạt động chính trị. Một số ký giả và biên tập viên bị sa thải vì có bài phản ánh về tình trạng tham nhũng của quan chức nhà nước hoặc viết blog về các đề tài chính trị.

Vẫn theo bản phúc trình, dù tính chuyên nghiệp của lực lựơng an ninh được cải thiện, nhưng tham nhũng vẫn là một vấn đề lớn.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc biệt lưu ý đến tình trạng giới hoạt động chính trị bị bắt giữ tùy tiện và không đựơc xét xử công bằng tại Việt Nam, các quyền căn bản của công dân bị nhà nứơc kiểm soát chặt chẽ trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do lập hội.

Hơn nữa, Hà Nội vẫn tiếp tục ngăn cấm các tổ chức nhân quyền độc lập. Giới công nhân cũng không được thành lập và tham gia vào các công đoàn độc lập.

Ngoài ra, bản báo cáo về nhân quyền Việt Nam 2009 cũng nhận xét rằng tình trạng bạo hành, phân biệt đối xử với phụ nữ và nạn buôn người vẫn là các vấn đề đáng quan tâm.

Hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố các phúc trình về tình hình thực thi nhân quyền tại 194 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở phần nhận xét chung, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng trong năm qua, tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn tiếp diễn trên toàn cầu.

Về khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cơ quan ngoại giao hàng đầu của Washington chỉ trích Trung Quốc siết chặt quyền tự do internet, Miến Điện tấn công người sắc tộc thiểu số, Bắc Triều Tiên cấm cản quyền tự do bày tỏ quan điểm và lập hội của công dân, và lên án Việt Nam đàn áp những tiếng nói đối lập.

Hà Nội luôn bác bỏ những tố cáo của quốc tế về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tính đến ngày 12/3/2010, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi về bản phúc trình nhân quyền Việt Nam 2009 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thực hiện.

Nguồn: US Department of State, Jurist.law.pitt.edu

.

.

.

No comments: