Monday, March 22, 2010

CỰU HỌC SINH TRƯỜNG PHAN CHÂU TRINH ĐÀ NẴNG LÀM LỄ GIỖ NHÀ CHÍ SĨ HỌ PHAN

Cựu học sinh Phan Chu Trinh Ðà Nẵng làm lễ giỗ nhà chí sĩ Phan Chu Trinh
Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt

Sunday, March 21, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110163&z=1

WESTMINSTER (NV) - Hơn ba trăm cựu học sinh Phan Chu Trinh Ðà Nẵng cùng đồng hương thân hữu đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 84 nhà yêu nước Phan Chu Trinh tại nhà hàng Paracel thành phố Westminster trưa Chủ Nhật.

Trước bàn thờ có di ảnh nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, các cựu nam nữ học sinh của trường trung học lớn nhất Ðà Nẵng được mang tên người, đã kính cẩn bái lậy nhà yêu nước Phan Chu Trinh và nguyện với lòng sẽ theo gương ngài để tranh đấu cho đất nước được tự do thanh bình và con dân Việt Nam được sống ấm no hạnh phúc.

Giáo sư sử học Trần Gia Phụng từ Canada về tham dự, trong dịp này đã nhắc lại tiểu sử nhà yêu nước đã vang danh trong lịch sử tranh đấu của dân tộc Việt Nam. Cụ Phan Chu Trinh lấy hiệu là Tây Hồ nên sách sử Việt Nam còn ghi là Phan Tây Hồ, gốc tỉnh Quảng Nam đậu Cử Nhân trường thi Thừa Thiên vào năm 1900 và đậu Phó Bảng vào năm 1901. Theo Giáo Sư Phụng thì “vào thời này, đỗ đạt cao là cơ hội tiến thân trên đường quan lại nhưng Phan Chu Trinh đã từ quan năm 1904 để bước vào hoạt động cách mạng. Ông cùng với hai người bạn thân là Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi kết hợp được với những trí thức cấp tiến lúc đó ở Quảng Nam cũng như ở Trung và Bắc kỳ để vận động cải cách văn hóa chính trị trên toàn quốc. Các ông không tự đặt tên cho phong trào của mình. Sau này, sử sách thường gọi đó là phong trào Duy Tân. Phong trào Duy Tân là một tiến trình vận động văn hóa, dân chủ, dân quyền công khai, bất bạo động chứ không phải là một đảng phái chính trị”.

Sử sách Việt Nam ghi lại chủ trương của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh có thể tóm tắt trong 9 chữ là “Khai Dân Trí, Chấn Dân Trí, Hậu Dân Sinh”. Nên suốt trong cuộc đời tranh đấu của cụ với thực dân Pháp đang đặt nền đô hộ trên toàn cõi Ðông Dương, không lúc nào cụ Phan Chu Trinh rời xa chủ trương này. Phương sách hoạt động của cụ là bất bạo động. Cụ đã đi khắp nơi thuyết trình về đường hướng tranh đấu cho dân tộc Việt Nam nên cụ đã bị thực dân Pháp bắt và bị triều đình Huế xử tử hình, sau được giảm chung thân và bị đày ở Côn Lôn và rồi bị buộc phải rời Việt Nam qua Pháp. Ở Pháp cụ vẫn tiếp tục tranh đấu và lại bị bắt. Khi được trả về Việt Nam cụ Phan Chu Trinh vẫn tiếp tục tranh đấu qua những buổi diễn thuyết trong chủ trương trên. Ðến năm 1926, cụ đã từ trần vì bệnh phổi vào cuối tháng 3 năm 1926, hưởng dương 54 tuổi. Khi cụ mất, giới thanh niên trên toàn quốc đã vô cùng xúc động. Ðám tang của người có đến hàng vạn thanh niên đội tang trắng đi theo trước những đe dọa của công an mật thám Pháp.

Nhận định về lòng yêu nước của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, Giáo Sư Trần Gia Phụng phát biểu trong buổi lễ này rằng “Công trình vĩ đại nhất của Phan Châu Trinh để lại cho dân tộc Việt Nam là cuộc vận động dân chủ, dân quyền cách đây cả trăm năm. Chín chữ vàng ‘Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh’ cho đến ngày nay vẫn còn là phương châm chiến lược căn bản trong công cuộc tranh đấu chống độc tài đảng trị và nhất là xây dựng khí thế quần chúng, phát huy niềm tự hào dân tộc chống lại hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc”.

Cũng trong buổi lễ giỗ này, một cựu học sinh khác của Phan Chu Trinh Ðà Nẵng là cựu Luật Sư Ðỗ Thái Nhiên đã trình bày một bài phân tích tình hình Việt Nam hiện tại so với thời của cụ Phan Chu Trinh. Nói với chúng tôi, ông Ðỗ Thái Nhiên cho biết: “ Tình trạng Việt Nam hiện nay với những người cầm quyền chi phối đất nước chỉ là cái bộ da của cái hồn Bắc Kinh nghĩa là nhà cầm quyền CSVN hiện nay là tay sai đắc lực cho Bắc Kinh. Việc mua vũ khí của Nga của CSVN cũng chỉ là do Trung Cộng bầy đặt ra cho tay chân của mình hòng lừa bịp nhân dân Việt Nam và thế giới. Cho nên cái hiểm họa xâm lăng từ Trung Cộng đang là mối họa lớn và hiển nhiên cho dân tộc Việt Nam”.

Ðề cập đến nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, ông Ðỗ Thái Nhiên nhận định rằng “Ở thế kỷ 20, nhà yêu nước Phan Chu Trinh đã đề ra đường hướng đấu tranh mà ngày nay thế kỷ 21, chúng ta vẫn nên noi gương. Xưa là họa thực dân Pháp thì nay là họa Trung Cộng nên như chủ trương của cụ Phan là đoàn kết và vận động cho dân chúng hiểu biết được cái quyền của mình thì mới tính được chuyện khác. Chủ trương của cụ Phan Chu Trinh hoàn toàn phù hợp với chúng ta ngày nay. Chúng ta phải làm sao cho người dân trong nước thấu hiểu được cái hiểm họa to lớn Bắc Kinh đối với dân tộc Việt Nam mà nhà cầm quyền CSVN chỉ là cái bộ da cho cái hồn Bắc Kinh, thì mới mong đoàn kết được cái khối chống Bắc Kinh từ trong ra ngoài nước ngõ hầu mới có thể làm triệt tiêu được hiểm họa này”.

Nói với chúng tôi, nhà thơ Võ Ý trong ban tổ chức cho biết: “Từ nhiều năm nay, Hội Cựu Học Sinh Phan Chu Trinh Ðà Nẵng làm lễ giỗ cụ Phan Chu Trinh là vừa để nhớ đến một nhà yêu nước đã hết lòng tranh đấu cho dân tộc. Nhân dịp này anh chị em chúng tôi cũng mong để đồng hương và con em chúng ta rút được những bài học tranh đấu từ lịch sử cho công cuộc tranh đấu hiện tại của chúng ta”.

Trung học Phan Chu Trinh ở Ðà Nẵng là một trường trung học lớn vào bậc nhất ở miền Trung, từng đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước cả về hành chánh, quân sự, xã hội và văn học. Trong ban tổ chức năm nay thấy xuất hiện thêm nhiều khuôn mặt quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng ở Nam California. Nhiều người còn là những tên tuổi trong làng văn học nghệ thuật của miền Nam trước đây như nhà thơ Võ Ý, cựu trung tá không quân QLVNCH, nhà văn Phan Nhật Nam, cựu đại úy nhẩy dù QLVNCH, cựu Luật Sư Ðỗ Thái Nhiên, nhà bình luận sắc bén trong giới truyền thông hải ngoại, Luật Sư Trần Ðình Ðịnh, cựu hội trưởng ái hữu Quảng Nam Ðà Nẵng, nhạc sĩ nổi tiếng Nhật Ngân với những nhạc phẩm đã vượt thời gian, giáo sư sử học Trần Gia Phụng, tác giả nhiều cuốn sách sử học trong đó có bộ sử Việt Nam ra đến cuốn thứ 5 v.v...

Năm nào vào dịp cuối tháng 3 cựu học sinh Phan Chu Trinh Ðà Nẵng cũng tổ chức lễ giỗ nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh và cũng nhân dịp này để họp mặt thầy cô và bạn hữu từ nhiều phương xa tụ về.

.

.

.

No comments: