Thursday, March 4, 2010

CUỘC VƯỢT BIÊN ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT

CUỘC VƯỢT BIÊN ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT

Tạ Phong Tần

23/02/2010

http://conglysuthat.blogspot.com/2010/02/cuoc-vuot-bien-au-tien-cua-nguoi-viet.html

Sau khi áp dụng thành công kế "Du Long Chuyển Phụng" đem về ngôi báu cho họ Trần, để củng cố quyền lực và chống âm mưu phục quốc của họ Lý, năm Nhâm Thìn (1232) Thái sư Trần Thủ Độ lập mưu lừa tôn thất nhà Lý vào làng Hoa Lâm (Lục Ngạn, Bắc Ninh) tế lễ Thiên hậu rồi chôn sống, những người họ Lý còn sống sót phải đổi sang họ Nguyễn đày vào vùng rừng sâu núi độc..

.

Theo Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, vào năm 1226, để bảo toàn tính mạng và thờ phụng tổ tiên, Hoàng thân Lý Long Tường (lúc này đã 52 tuổi, con thứ 7 của vua Lý Anh Tông, nguyên là Thái sư Thượng Trụ quốc, Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty, Thượng Thư Tả Bộc Xả, Lĩnh Đại Đô Đốc, tước Kiến Bình Vương dưới triều vua Trần Thái Tông) dẫn hơn 6 ngàn gia thuộc chạy trốn ra nước ngoài trên ba hải thuyền theo cửa biển Thần Phù (Thanh Hóa). Hơn một tháng lênh đênh trên biển, đoàn người đã được vua Cao Ly cho người đón tiếp ân cần và cho phép định cư tại đất nước Củ Sâm này.

Trong thời gian sống ở Cao Ly, Hoàng thân đã 2 lần giúp Cao Ly chống lại quân xâm lược Nguyên, lập nhiều công trạng, được vua Cao Lý phong làm Hoa Sơn Tướng Quân, lập bia ghi công ở Thụ hàng môn.

.

Năm 1994, ông Lý Xương Căn, cháu đời thứ 26 của Hoàng thân Lý Long Tường đã dẫn theo gia tộc trên 200 người trở về Việt Nam, đến Từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) để kính bái Tổ tiên.

.

Hồi nhỏ, khi còn ngồi mài mòn đáy quần dưới mái trường XHCN yêu dấu, tôi vốn là một học sinh giỏi môn Lịch sử mà vẫn không biết những điều này, bởi nó không hề được viết trong sách giáo khoa Lịch sử. Mấy năm gần đây, nhờ mài mò tìm kiếm trong mớ sách cũ như Việt Nam Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn sót lại của thực dân, đế quốc mà đầu óc tôi nó được sáng láng ra.

.

Vậy là không phải sau này người Việt mới biết xuống tàu vượt biên bằng đường biển để chạy trốn một chế độ, mà hồi cái thời xa lắc xa lơ cách đây 8 thế kỷ người Việt đã làm rồi. Điều ngạc nhiên là thời mồ ma Thực dân Pháp hay Đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, nghe trong sách giáo khoa "đồn" rằng nó tàn ác, khốc liệt lắm, vậy mà hổng thấy người Việt nào ùn ùn kéo nhau bỏ đất nước mình mà chạy trốn cả. Sau ngày 30/4/1975, người Việt lại tiếp tục lũ lượt theo gương Hoàng thân Lý Long Tường mà vượt biển, biết là mười phần chết chín phần chỉ còn một phần hy vọng sống mà vẫn cứ ra khơi phó mặc cho may rủi, nghe nói số người bỏ mình trên biển cả có đến mấ ngàn người, những người may mắn sống sót không chỉ có mặt ở Cao Ly, mà hầu như có mặt ở khắp các quốc gia Châu Mỹ, Châu Âu.

.

Đọc sách Lễ Ký thấy có chép:

"Khổng tử quá Thái Sơn trắc, hữu phụ nhân khốc ư mộ giả nhi ai. Phu tử thức nhi thính chi, sử Tử Lộ vấn chi, viết: "Tử chi khốc giả, nhất tự trùng hữu ưu giả". Nãi viết: "Nhiên. Tích giả ngô cửu tử ư hổ, ngô phu hựu tử yên, kim ngô tử hựu tử yên". Phu tử vãn: "Hà vị bất khứ dã?". Viết: "Vô hà chính". Phu tử viết: "Tiểu tử chí chi, hà chính mãnh ư hổ dã"."

Nghĩa là:

Khổng tử đi qua bên núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà khóc trước mộ rất bi ai. Phu tử tựa vào xe để nghe, sai Tử Lộ hỏi: "Tiếng khóc của bà sao có nhiều nỗi đau buồn?". Người đàn bà trả lời: "Đúng vậy. Ngày trước cha chồng tôi chết vì cọp, sau đó chồng tôi chết chôn ở đây, bây giờ con tôi cũng chết chôn ở đây". Phu tử hỏi: Sao bà không đi nơi khác ở?". Người đàn bà trả lời: "Ở đây không có chính sách hà khắc". Phu tử nói rằng: "Các trò hãy ghi nhớ điều này: Chính sách hà khắc còn tàn bạo hơn cọp dữ".

.

Vậy mà hồi đó lúc nào cũng cứ nghe nói nhai nhải bên tai rằng bọn "trộm cướp đĩ điếm mê bơ thừa sữa cặn nên mới đi vượt biên". Mỹ mà biết câu này họ nở mũi bằng cái thúng bởi bơ sữa của họ còn giá trị hơn sinh mạng con người, nên mới khiến cho mấy ngàn người bất chấp hiểm nguy mà đi tìm "bơ thừa sữa cặn".

.

Những con ếch bị nhốt trong giếng không thể biết bên ngoài trời cao đất rộng bao la đến nhường nào. May mà được trận mưa lớn ngập giếng nước tràn lên bờ, bầy ếch mới có dịp leo ra bơi lội tung tăng bên ngoài, mặc cho một lũ chăn ếch suốt ngày cứ chạy theo sau đít cố bắt lại từng con ném trở vào cái giếng sắp vỡ đến nơi rồi. Thật là phí công vô ích.

.

.

.

No comments: